Aimé Césaire, một nhà thơ vĩ đại

Có thể ở Pháp người ta chưa biết rõ về nhà thơ, nhà viết kịch, nhà văn tiểu luận, chính trị gia Aimé Césaire, nhưng đất nước này, được sự đồng ý của gia đình Aimé Césaire, đã tôn vinh ông bằng cách đưa ông vào điện Panthéon, hai năm sau khi ông mất và được mai táng tại Martinique.

Cho dù danh dự có lớn lao đến mấy, làm thế nào có thể nghĩ đến việc chia lìa một thể xác đã kiên cường đến phút chót (ông đã thọ gần 95 tuổi) ra khỏi miền đất mà ông đã nhào nặn bằng thơ ca, với một ngôn ngữ hoàn toàn mới, ngôn ngữ đặt tên cho thế giới nơi ông sinh ra và lớn lên? Ngôn từ của con người nhà thơ và cuộc chiến đấu của con người chính trị được hòa quyện vào nhau và đã cho cả thế giới biết đến sự vĩ đại của dân tộc ông cũng như của tất cả những dân tộc anh em qua quá trình lịch sử nô lệ và thuộc địa. Vĩ nhân ở đất nước đó, những vĩ nhân cùng màu da với ông chẳng lẽ không có hay sao?

Thân phận da đen

Chúng ta hãy bỏ qua quá trình tiến thân xuất sắc của cậu sinh viên được nhận học bổng tại Paris, Trường Cao đẳng Sư phạm, để dừng lại trước khái niệm mà bộ ba sinh viên da đen (cùng với Senghor – người Sénégal, và Damas – người Guyane) đã nghĩ ra vào năm 1931: Négritude (thân phận da đen). Hay làm thế nào để không phải cam chịu chữ “da đen”, làm thế nào để cho “người da đen đứng lên” và xây dựng, từ cái thường xuyên được hiểu như một câu chửi rủa, một phong trào văn hóa để bảo tồn các giá trị của thế giới người da đen. Nhưng vừa phổ biến các giá trị này, vừa cho các giá trị này hòa lẫn với các giá trị khác hơn là giam hãm chúng: “Thân phận da đen của tôi không phải là một tòa tháp, cũng không phải là một nhà thờ”, bài thơ lớn đầu tiên của ông nói thế, bài thơ hơn bao giờ hết nhẽ ra phải được đưa vào tất cả các chương trình học tập: bài Ghi chép về cuộc hồi hương.Đừng biến tôi thành con người hận thù, bởi vì để tự giam hãm mình trong chủng tộc duy nhất này, các bạn biết tình yêu tôi vô cùng bạo ngược, các bạn biết không phải vì hận thù các chủng tộc khác mà tôi tự ép mình thành người huênh hoang về chủng tộc độc nhất vô nhị này, những gì tôi muốn là vì cơn đói của toàn thế giới, vì cơn khát của cả địa cầu.

Césaire không mệt mỏi khẳng định rằng mọi con người là một phần của thế giới như nhau: “Những người chưa bao giờ phát minh ra thuốc súng hay la bàn, những người chưa bao giờ biết làm chủ hơi nước hay nhiệt điện, những người chưa bao giờ khám phá biển khơi hay vũ trụ, nhưng đó là những người mà không có họ, trái đất sẽ không còn là trái đất nữa.” Trong bài thơ này, miệng của vĩ nhân thành miệng của “những khổ đau không có miệng, tiếng nói tôi, tự do của những tiếng nói yêu ớt cất lên trong ngục thất tối tăm tuyệt vọng”. André Breton đã không nhầm. Césaire là một ngôi sao mới trên bầu trời của các nhà thơ. Và các họa sĩ khác cũng thế, Picasso, Wilfredo Lam v.v… cũng đã không nhầm.

Chiến đấu

Césaire ở điện Panthéon ở cạnh Jean Moulin, nhưng có ai biết chiến sĩ người Martinique đã từng hồi hương từ năm 1941 đến năm 1945 cùng với Suzanne vợ mình để chiến đấu vì tự do của đất nước chống lại quân xâm lược trong tạp chí Tropiques? Césaire, hay sự dấn thân. Ai là người đưa đẩy ông đến Tòa thị chính Fort-de-France trong sự miễn cưỡng của ông, hoặc gần như thế? Trong thời gian 50 năm, trong tòa thị chính cũ nay đã trở thành nhà hát, ông luôn thủy chung với vị trí của mình, người đại biểu của nhân dân như ông đã từng làm khi là đại biểu quốc hội. Luật về tỉnh hóa “bốn thuộc địa cũ” (1946) là ông chứ còn ai. Cho dù một số người trách ông đã không đi xa hơn, tác giả của Diễn văn về chủ nghĩa thực dân không chỉ là một văn nhân.

Và đến năm 2005, năm mà ông từ chối tiếp đón Nicolas Sarkozy vì phản đối một điều khoản trong bộ luật 2005 về các khía cạnh tích cực của quá trình thực dân hóa. Trong văn bản này, đề cập đến tất cả các công cuộc thực dân, chính ông là người đã nói về “hàng triệu con người mà người ta đã khôn ngoan khắc sâu vào trí não nào là sợ hãi, tự ti, run sợ, nào là quỳ gối phục tùng, tuyệt vọng, thân phận đầy tớ (…)”.

“Hãy để cho các dân tộc da đen đi vào lịch sử”

Césaire ở điện Panthéon nằm bên cạnh Victor Schoelcher, người đã soạn thảo sắc lệnh bãi bỏ chế độ nô lệ trong các thuộc địa Pháp vào năm 1848, người mà thi sĩ Césaire đã ngợi ca một trăm năm sau. Vào năm 1913, ở Martinique, người nô lệ vẫn chưa chết hết và Césaire không ngừng tôn vinh tất cả những người đã đấu tranh vì tự do, bắt đầu là người anh hùng Toussaint Louverture. Về con người này, Césaire đã viết riêng một cuốn sách có rất có giá trị. Phải nói rằng Haiti, “đất nước mà người da đen lần đầu tiên đã đứng lên tuyên bố mình là con người” (người ta luôn quên vế thứ hai của câu này) đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong tấm trí của Césaire. Sau chiến tranh ông đã lưu trú tại đất nước này, đất nước đã tạo cảm hứng sáng tạo rất lớn cho người mà nhà viết tiểu sử Romuald Fonkoua (Aimé Césaire, NXB Perrin) gọi là “người phát minh ra bi kịch Antille Bi kịch của vua Christophe”. Chúng ta cũng không quên Césaire với tư cách là một nhà viết kịch lớn. Các vở kịch như Và chó đã ngừng sủa và Một mùa ở Congo mang tính thời sự rất lớn vì đã giải mã được các chế độ độc tài ở Châu Phi.

Bên cạnh Alioune Diop, người sáng lập ra tạp chí và sau đó là bảo tàng Hiện diện Châu Phi, tại Đại hội các trí thức và nghệ sĩ da đen lần thứ nhất được tổ chức năm 1956, tại diễn đàn trường Đại học Sorbonme, Césaire ở điện Panthéon còn là vĩ nhân từng nói một câu mà sau này đã trở thành hiện thực: “Hãy để cho các dân tộc da đen đi vào lịch sử.” Đọc đi đọc lại Césaire vẫn là cách tốt nhất để hiểu được quy mô của một thực trạng mới bắt đầu vào thế kỷ 20, vượt qua biên giới Martinique và “Pháp quốc đại lục”, bây giờ đã được sáp nhập, một cách khác để tôn vinh một con người vĩ đại của thế kỷ 21.

 

Tiên tri
Nơi
Mà phiêu lưu giữ đôi mắt sáng
Nơi mà đàn bà rạng rỡ ngôn từ
Nơi mà cái chết đẹp như con chim trong lòng bàn tay
Mùa sữa
Nơi mà hầm ngầm quị lụy hái được
Một cặp đồng tử xa xỉ mạnh bạo hơn cả những con sâu róm
Nơi mà điều huyền diệu linh hoạt cháy hết bản thân mình

Nơi mà đêm cuồng nhiệt làm chảy máu một vận tốc chỉ được làm bằng thực vật
Nơi mà những con ong sao đốt bầu trời tổ ong
Cháy bỏng hơn đêm
Nơi mà tiếng giày ta lấp đầy không gian và lật ngược
Gương mặt của thời gian
Nơi mà cầu vồng ngôn từ ta buộc phải
Kết hợp ngày mai với hy vọng, hoàng tử và nữ hoàng,
Nguyền rủa chủ nhân, cấu xé hoàng binh
Rên rỉ trên sa mạc
Hét lên với những người canh gác ta
Là đã van xin chó rừng và linh cẩu mục đồng

Ta ngắm nhìn
Khói đen cuốn như con ngựa hoang về phía trước cảnh tượng
Trong khoảnh khắc tạo đường viền cho nham thạch
Chảy ra từ cái đuôi công yếu ớt
Rồi tấm áo bị xé toang khoe lồng ngực
Ta nhìn tấm áo như nhìn những hòn đảo nước Anh
Như nhìn những hốc đá nham nhở tan chảy dần
Trong biển khơi minh mẫn của không gian
Nơi ngụp lặn của tiên tri
Mồm ta
Sự nổi loạn của riêng ta
Tên ta.

Aimé Césaire

(Nguyễn Duy Bình dịch)

Tác giả