Ăn Tết

Chiều 30 Tết, tôi đi thăm mộ mẹ trên vùng cầu Lim, hướng lăng Tự Ðức, Khải Ðịnh. Con đường đất ngoằn ngoèo giữa các nương sắn, chanh, thanh trà, bưởi, mía, ổi, bỗng mở ra trước mắt cảnh êm đềm đón tết miền quê trong ánh chiều mờ nhạt. Xa hẳn với cảnh bát nháo hỗn loạn đầy nhãn hiệu quảng cáo sặc sỡ ngoài phố, mùi lá chanh, lá bưởi, lá ổi thanh lọc khứu giác làm cho ấn tượng về ngoại cảnh bỗng quay chiều. Mùi hương tinh khiết thoảng đến dẫn dắt vào trong một thế giới vừa lạ vừa quen.

Hình như cái không khí đón tết miền quê vẫn như thế tự bao đời: âm thầm, kính cẩn, mầu nhiệm và chân tình, mà trẻ thơ thường linh cảm bề sâu của nếp sống ấy và giữ hoài trong tâm, cho nên quen thuộc như màu chiều đang phết tím ngọn cây… 
 

Các nhà trong xóm đã lên đèn, bóng người loáng thoáng vào ra trước ngõ thắp hương, cúng đất đai thổ thần, chuẩn bị giờ hoàng đạo. Mùi hương trầm từ các ngôi miếu nhỏ trong vườn (vườn Huế thường có miếu thờ thổ thần, đất đai) lãng đãng huyền nhiệm theo chân chúng tôi đến nơi mộ chí. Tôi thắp hương cho mẹ và đứng mặc niệm hồi lâu.
Hơi lạnh buổi cuối năm luồng trong gió vi vu trên cành thông từng cơn, như tiếng thời gian đang chuyển. Âm vang năm tháng đang lụi tàn dội xuống triền đồi, lan mau như bước chân gấp gáp của ai trên đường về ngõ sâu. Thật lạ lùng, những giờ cuối năm thường làm cho con người xúc động, hoảng hốt muốn níu lại điều chi, như tuồng trước đó ngày tháng đã không trôi. Và hoài niệm sủi bọt nhớ thương.
 

Trong bóng mờ của buổi chiều đang hấp hối dành lại những khoảnh khắc ngắn ngủi cho cõi dương, bóng mẹ chợt hiện ra, áo tím và chuỗi ngọc xanh một ngày đầu năm, thanh bình, êm ả như chưa bao giờ tất bật một giây. Hằng năm vẫn cốt cách ấy vào ngày đầu xuân, tuồng như mọi hối hả gian nan chỉ thuộc về quá khứ…  
Tôi đưa tay lùa những hòn cuội trên mộ như nắm bàn tay của mẹ  trước khi ra về, còn nhớ ngày xưa mẹ thường bảo chúng tôi đạp xe đi thăm mộ ông bà mời quí vị về nhà ăn Tết- tôi nói thầm “anh Bá noái chúng con mời mạ về nhà ăn Tết” và chợt thấy mẹ cười.
Từ giã và cám ơn sư cô Diệu Ý đã dẫn đường tắt từ vườn chùa đến mộ, tôi đạp xe trở về.
 

Ngày ba mươi trời tối nhanh. “Con đường Nam giao thẳng mà không bằng”, một buổi hoàng hôn nào nhà thơ Xuân Diệu đã đi trên đường này… Những cây thông sẫm đen đứng trong khuôn viên Ðàn Nam Giao rối tóc trầm mặc như đang gọi hồn những vị vua về tế cáo trời đất, một thời vang bóng…Từ thành quách lăng tẩm mơ hồ vẳng tiếng loa xưa…
Tôi không đạp vội vã như lúc đi, thong thả để xe lăn xuống dốc và kìm bánh xe như muốn làm chậm lại nhịp thời gian. Trong bóng chiều cuối năm, thật là cô đơn khi đi trên con đường quá khứ… Mọi đợi chờ ham muốn làm nhạc trưởng điều khiển một buổi Tết huy hoàng mà tôi đã nung nấu trong chuyến máy bay đến Huế cũng như mọi ước mơ làm kẻ tham dự ồn ào một đêm giao thừa hoành tráng nơi căn nhà cũ đều rơi rụng… tôi thấy mình đang đạp xe dấn sâu vào nỗi trơ trọi… Cảm giác khó tả của một người lạ trên những con đường một thời quen thuộc, tiếng guốc khua rộn trên quãng đường học trò Ðồng Khánh Quốc Học còn vang đâu đây, cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp… bơ vơ cho đến thế này thì thôi…
12 giờ kém 20 mươi, tôi đạp xe về nhà mẹ cúng giao thừa.
 

Khi dắt chiếc xe đạp ra đường, phố đã vắng tanh, đèn đường lung linh trong mưa bụi. Hình như chỉ vào đêm, Huế mới hiện nguyên hình vẻ đẹp hài hòa của một thủ đô thanh lịch, còn mang nề nếp ngăn nắp trật tự chứ không bát nháo hỗn loạn như ban ngày. Nỗi tĩnh lặng chạy dài lạnh lẽo trên đường phố hiu hắt.
Chỉ còn một chị quét đường trùm khăn đang ngồi nghỉ mệt trên vệ đường, trong gió lạnh. Tôi giật thót ngỡ thấy bóng của chính mình, chỉ khác, tôi đang mặc chiếc áo dài lướt thướt, còn chị thì quần đen áo choàng đùm đụp, mặt khuất dưới nón. Tôi hỏi từ bên ni đường như hỏi một người đã quen từ lâu: “răng chưa về nhà để cúng Giao thừa rứa?”. Chị chỉ cười. Tôi đến gần chị, cảm giác gần gũi như gặp một người quen, nói lời chúc tết và lì xì đầu năm cho chị, rồi lên xe… đạp.
Ngoái lui thấy cái nón ngước nhìn theo, tự nhiên lòng bớt đi chút cô quạnh, được có người theo mình chia cảnh tịch mịch của đêm 30.
Con phố im lìm, cả lũ chó thường ồn ào cắn nhau trong xóm cũng lỉnh mất ở xó xỉnh nào, tiếng radio thường quấy động ầm ĩ khu phố tắt nghĩn từ lâu. Tôi đạp xe lững thững, nuôi cảm giác phiêu lưu của kẻ lang thang một mình nơi thành phố… lạ… trên chính con đường mà mình rất quen, đã thuộc lòng từng tấc đất từ thuở còn cắp sách đến trường tiểu học… 
 

Lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh tượng cúng Giao thừa trên đường phố. Không biết đây là một tục lệ mới hay vì thuở nhỏ tôi không được ra đường lúc đêm khuya. Trên vệ đường bỗng xuất hiện ánh đèn nến, nhà nhà đang lục tục bày bàn thờ nhỏ cáo trời đất trong phút “tống cựu nghinh tân”.
Tôi ghé xe nhìn kỹ. Ðó là những chiếc bàn con với bát hương, đèn cầy, giấy tiền giấy bạc, xôi chè, bánh cúng, hoa quả. Gương mặt của những chủ nhà đầy vẻ trầm mặc và cung kính. Có người đã bắt đầu hành lễ, sụp lạy hướng về phía đường và khấn vái đất trời
Cùng một lúc, dưới vạn đò cũng nổi đèn cúng giao thừa, ánh sáng chập chờn từ thuyền này sang thuyền khác kết thành một giải hoa lửa lơ lửng trên không. Tôi đi giữa hai vùng ánh sáng, mưa bụi như sa mù phả trước mặt, tưởng như mình đang phiêu bồng vào trong một thế giới  huyền hoặc, bí nhiệm nào khác. Con đường đằng trước ẩn hiện như một thâm cung cuốn hút hai bánh xe bằng một thứ ảo thuật thôi miên, khiến chúng lăn đi mà không cần có tôi điều khiển. Tuồng như cảm giác mê hoặc này vẫn thường xảy ra trong những giây phút cuối cùng của một năm, một tháng, một giờ, của nửa giây giữa cũ và mới, cái cảm giác mê hoặc của đêm 30 tết trước khi giờ điểm…
Chuông trống chùa Phước Điền đổ liên hồi bát nhã, khi tôi bước vào nhà. Cậu em đã chuẩn bị tươm tất bàn thờ cáo trời đất nơi sân trong.           
Tôi ngồi trên chiếc chiếu trải trước bàn thờ trong căn nhà cũ đầy kỷ niệm với những người thân yêu, nay phần lớn chỉ còn là di ảnh trên bàn thờ. Bao nhiêu ngày tháng chung nhau nay đã thành kẻ được thờ trên, người ngồi dưới chiếu. Có sự ngậm ngùi nào hơn?
Ðiều kỳ lạ là đáng lẽ phải thật là buồn trong hoàn cảnh ấy, tôi lại cảm thấy chút chi gần như là hạnh phúc chính trong giây phút được xem là thiêng liêng nhất của năm mới: may được ngồi đó, trong căn nhà của mẹ, với người em. Bởi vì tôi biết, nếu giờ này bên trời Ðức, tôi sẽ bồi hồi, sẽ xao xuyến biết bao, sẽ nhớ quay quắt những kỷ niệm ngày Tết năm xưa… sẽ nhớ hồi chuông chùa Phước Ðiền bên cạnh nhà. Tiếng chuông tôi đang lắng nghe nơi đây, bây giờ, với tâm an bình, phúc lạc.
Sau phút yên lặng tuyệt đối, nghe ngoài đường xe honda chạy rầm rập, thanh niên chở nhau đi xem pháo bông ở cầu Trường Tiền trở về nhà. Tôi dắt xe ra trở về, khi các gia đình bắt đầu đốt vàng mã. Phố Bạch Ðằng ấp ủ những khấn nguyện đầu năm với “thoi vàng gió rắt tro tiền giấy bay” trong gió  khuya lạnh căm.
 

Nghe nói năm nay xuất hành về hướng tây nam tốt, hướng cầu Gia Hội, tôi đi về hướng ấy.
Ði ngang qua chùa Diệu Ðế, thấy cửa còn mở, khách thập phương vãn chùa cầu phước không còn ai. Ðạp xe quá chùa một quãng ngắn, tự nhiên bụng bảo dạ, răng mình không vào chùa lễ Phật ngày mồng một Tết, chừ là mồng một Tết, lại giờ đầu của năm, vô lễ chùa chừ mới thú, cần chi phải đợi đến khi trời sáng
Tôi quày xe, xuống bộ dắt qua cửa Tam quan. Từ cổng đến chánh điện, lá bàng lác đác trên con đường lát gạch đỏ. Chùa Diệu Ðế có hai dãy cây bàng lâu năm, mùa đông lá đỏ rực rỡ,  cuối đường là hai cây nhãn cổ thụ, trông sơ thái, thiền nhã. Chánh điện được trang hoàng khiêm cung, vừa đủ đạo vị đón xuân. Thầy Trụ trì không ngờ có vị khách… cuối cùng mà cũng là đầu tiên đến vãn chùa trong đêm khuya, vội trở vào liêu choàng áo lễ ra tiếp. Tôi nhớ mẹ tôi rất thân với Hòa Thượng trụ trì đã quá cố từ lâu, nhớ hàng năm mẹ thường dẫn tôi đến chùa lạy Phật.
9 tiếng chuông đánh bong, 9 lần sụp lạy! Mẹ thường vừa lạy vừa nhắc nhủ con bé ngày xưa như thế. Làm sao quên được ngày đầu năm đi lễ chùa Diệu Ðế với mẹ? – “Ðông Ba, Gia Hội hai cầu, ngó lên Diệu Ðế bốn lầu hai chuông” mẹ hay nhắc câu ấy mỗi khi nhớ chùa.
Tôi lạy Phật với cảm giác bên tôi mẹ cũng đang thành kính đảnh lễ, chân thành, ấm áp. Không gian quen thuộc, nhu hòa của điện Phật xoa dịu những căng thẳng còn sót lại của buổi Giao thừa, ánh sáng dịu êm từ tượng Phật tỏa xuống, mùi hương hoa phảng phất nhẹ nhàng bao quanh làm cho thần kinh thư giãn bất ngờ, đến nỗi đáng lẽ đứng lên cáo từ sau khi lạy xong và cúng dường phước sương, tôi lại xin phép Thầy cho ngồi lại, xếp bằng, nhắm mắt.
 Tôi muốn dành vài phút cho thật riêng mình trong ngày mồng một đầu năm, lắng mình, nghe rõ giác quan đang va chạm với vũ trụ mới tinh, ngay bây giờ, ngồi ở đây, trên đất “nhà”, ở Huế…
Nhưng thật bàng hoàng, đến nỗi chao đảo cả thế ngồi, chưa bao giờ cảm nhận về cô đơn lại rõ rệt trong tâm đến thế. Một sự cảm nhận về thân phận mình sau khi rũ bỏ tất cả những hoài niệm và ước vọng đã lẽo đẽo theo tôi từ phương xa đến quê nhà, sau khi nhận chân được sự “qua đi” hầu như là định luật, và mỗi “bắt đầu” vừa thân mật vừa hồn nhiên như hơi thở. Có lẽ mỗi sự bắt đầu, mỗi cái mới tinh khôi đòi sự “cô đơn” tuyệt đối của con người để trở nên “mới”, phải trút bỏ hết những gì thuộc quá khứ như những cuộc tắm gội tất niên mà bà nội tôi thường trang trọng tuyên dương-  thì “mới” mới là… mới tinh. Có lẽ chính từ sự rũ bỏ ấy, lòng thương, lòng quảng đại sẵn sàng tha thứ những gì thuộc dĩ vãng phát sinh. Trên cuộc hành trình dài bằng hai năm mà tôi vừa trải qua trong đêm ấy, cảm giác cô đơn trong giây phút tĩnh mặc thật lạ lùng: nó đem đến sự vững tâm ngay sau khi con tim vừa xao xuyến, như một người soi gương đã nhận ra thời gian vô thường đang đậu trên mái tóc, chợt mĩm cười thương hại vẻ hoảng hốt của chính mình trong gương.
Khi tôi mở mắt, bỗng có tiếng reo mừng từ trong liêu: “A, cô Kim Lan, A Di Ðà Phật!”, tôi nhìn kỹ hai vị sư trẻ vừa từ trong liêu bước ra chánh điện, còn ngỡ ngàng chưa nhận ra ai thì hai Thầy đã tự giới thiệu là tăng sinh khoá II của HọcViện Phật học, nơi tôi được mời giảng dạy mỗi khi về Huế.
Ui chao chi lạ! Thật không có niềm vui nào bằng sự hạnh ngộ bất ngờ giữa Nhà Sư và đệ tử, giữa thầy và trò ấy! Ðối với tôi nỗi vui mừng còn hơn thế nữa, nó mang hương vị đặc biệt như niềm vui “tha hương ngộ cố tri”! Chúng tôi nói lời chúc Tết như khai vị cho câu chuyện đầu năm, hàn huyên mãi đến gần hai giờ rưỡi sáng về Phật, về chùa, về tu chứng… Khi ra về, quí Thầy còn đem hai đòn bánh tét, bánh chưng và sách Phật học làm quà đầu năm.
Tôi vui hỉ hả như một đứa trẻ được cho món quà đúng ý! Nỗi hí hửng được quà Tết này e còn hơn nỗi hí hửng của con bé được áo mới năm nào! Thiệt là “vui như Tết”!
Ôm bánh về nhà, tôi gọi điện cho Bé Mai Lan hỏi thăm bên nớ ăn Tết ra răng. Con tôi bảo:
– “Bên ni dì Yến, cậu Lân, mợ Tứ đang gói bánh chưng, Mạ nờ!”
– “Rứa là Huế thua Munich cái nồi bánh chưng đêm 30!”
Ngẩn ngơ một chút vì hơi lạnh của đêm Tết Huế, nhưng mừng khi nghĩ đến cái bếp lửa Giao thừa bên trời tây mỗi năm tôi đã nhen cho con, nay vẫn còn đỏ lửa, lại thêm hí hửng vì không nấu mà có bánh đầu năm như một phép mầu, tôi đi ngủ trong niềm „vui như Tết“ ấy.
Sáng mồng một tết, không nghe tiếng pháo mừng xuân, không có tiếng trẻ chúc mừng năm mới, cũng chưa có người đến “đạp đất” xông nhà, tôi nghĩ đầu năm mình phải tìm gặp “người hiền” theo tích xưa. Tôi gọi điện chúc Tết và mừng tuổi ôn Bổn sư của Mai Lan, kể cho Ôn nghe chuyện tôi được quà quí vào giờ đầu năm. Nghe như Ôn cũng đang vui với con cháu. Gặp Tăng xong thì đến người tục. Người thứ hai tôi gọi để chúc Tết là anh Lợi nguyên giáo sư trường Bồ Ðề, năm nay đã hơn 70 mà Phật sự không bao giờ dừng. Giọng anh lúc mô cũng thiệt như đếm, không rườm rà bánh mứt ba ngày Tết:
“Nì, có muốn vô coai (coi) cây mai nhà tôi nở đúng ngày mồng một Tết không thì vô!”
“Ô, ô, thiệt không anh Lợi? Chi chơ coai mai thì xin vô liền, anh Lợi nợ”. Tôi ứng khẩu
“Cả năm chỉ một lần mai nở. Không đến thăm mai nợ suốt đời!”
Nhà anh Lộc ở  phía sau hồ Tịnh Tâm, từ cửa Thượng Tứ vào cũng tiện đường cho tôi định sửa soạn lên Linh Mụ cúng nhà thờ và đi thăm mộ.
Lạnh thế này mà mai nhà anh nở được, thì chắc anh có phép thần, phải vào xem ngay. Vườn anh chỉ trồng mai, anh nổi tiếng chơi mai, nhưng không cầu kỳ như mấy ông quan cách và những nhà kinh doanh mới giàu sụ, nghe nói các ông chơi mai “tàn bạo”, có nghĩa là “mắc tiền”, giá cả sôi nổi như đánh phé thấu cáy, có gốc mai lên đến hơn trăm triệu đồng, phỗng tay trên cả những tay chơi Hà Thành. Nhưng năm nay trời quá lạnh, mai tịt ngòi, chẳng chịu nở.
Thế mà kẻ chơi mai lãng tử lại được MAI KHAI ngày mồng một, thế có phải là “ngũ hường đoạt tam khôi”1 không chứ?
Trời xuống mưa phùn như không bao giờ sai hẹn đầu năm. Mưa mang hơi xuân về đuổi bớt cái lạnh nhức xương của Huế, nhưng trời chưa ấm hẳn. Như một mệ đời xưa, tôi mặc hai cái áo dài mà người Huế gọi là áo cặp, trong là bốn lớp áo cụt lụa để chống cái lạnh thấu xương, choàng thêm cái khăn, tôi lên xe đạp qua dốc cầu Gia Hội, chạy qua đường Trần Hưng Ðạo, quá cầu Trường Tiền, rồi  thay vì đạp thẳng lên hướng Kim Long, tôi rẽ vào cửa Thượng tứ, háo hức đi xem mai khai nguyên đán, bất kể thiên hạ quay nhìn vì cái “mốt” năm mới kỳ lạ của tôi, áo dài xưa ngồi trên xe đạp mà đạp bon bon…
Ðến nơi, anh chị Lợi đón ở cổng, chưa kịp chào chúc tết, anh Lợi nói liền: “lên gác xem mai!”.
Sàn gác lót bằng gỗ nhãn ửng hồng ấm cả chân, cửa “bàng khoa” (cửa xếp) gỗ mun đen mở ra khung trời bãng lãng màu nhũ bạc, làm phông cho cành lá xanh non phơi phới, từ đó xuất hiện những đóa mai vàng còn ngỡ ngàng ý xuân, như chưa muốn nhận là diễm tuyệt, vì đang là diễm ảo, đang là vàng mơ, đang là thanh cao, đang là cốt cách…
Ngắm hoa mai trong buổi sớm mùa xuân mới biết được mối hận Ðường thi dài vô tận của Lâm Bô là dường nào:
Ngâm hoài trường hận phụ phương thời
Vi kiến mai hoa triếp nhập thi…
Ðến ngưỡng cửa trời mai ấy thì thi ca dừng lại, nhà thơ dừng lại, ân hận phụ tình hoa, băn khoăn là rơm là rác trước “lồ lộ chân như”, trong lúc thiền sư  chứng ngộ, nhập thần với hoa. Anh Lợi đáng được gọi là Mai Phật vì anh vui mai mà tự tại, hồn nhiên, chơn chất.
Anh đánh thức tôi ra khỏi mối hận ấy bằng cái gậy Thiền “gánh nước, giã gạo”:
“Chừ trưa rồi tui đoái (đói), phải ăn cơm. Bữa ni ăn chay đó nghe. Kim Lan muốn ăn cho vui không?”
Tôi ngần ngừ sợ trễ giờ lên nhà thờ, anh bảo tiếp:
“Cơm không có chi cả, ăn với dưa cải chấm xì dầu”. Anh vừa nói vừa xới cho tôi chén cơm, không cho cáo lui.
Tôi định ăn một chén cho vui, ngờ đâu ngon quá, lại xin anh thêm một chén, rồi lại chìa bát đã và nhẳn sạch không còn hạt cơm nào, xin anh thêm nửa chén nữa với mấy miếng dưa.
Nhớ lời bà nội: “Ăn chay ngày mồng một bằng ăn cho cả năm”… Ðối với tôi buổi cơm ấy bằng  mười năm, không phải vì tôi trốn ăn chay thích ăn mặn, “ních một bụng” bù cho cả năm. Không! Bữa cơm hôm đó làm cho tôi hiểu được nụ cười của tượng Phật Di Lặc ở chùa Thiên Mụ thân thiết thuở ấu thời.
Niềm vui Di Lặc vươn vai xoa bụng! Thưởng mai, ăn cơm nhà anh chị Lợi, đã không có trong chương trình “ăn Tết của tôi, ấy thế mà cuộc thưởng xuân bất ngờ ấy thật đúng là “về nhà ĂN TẾT!”2
———–
1 Ba ông trạng trong trò chơi „Ðổ xâm hường“ của người Huế trong dịp Tết: Ðổ Xâm Hường: một trò chơi ở Huế vào ngày Tết thưòng gọi là trò chơi được Trạng nguyên (gọi là Trạng Anh), bảng nhãn, thám hoa (2 ông Trạng Em). Trò chơi gồm 6 hột xí ngầu (người Huế gọi là hột tào cáo), và 6 x 32 ( trạng anh= 32; 2 x trạng em = 16 x 2, 4 x tam hường = 8 x 4, 8 xTứ tự = 4 x8, 16 nhị hường x 2, 32 thẻ nhất hường). Hường = mặt tứ của hột cáo. Nếu đổ được 4 mặt hường là được Ông Trạng, đổ ra 5 năm hường thì được cả 3 ông trạng, gọi là NGŨ HƯỜNG ÐOẠT TAM KHÔI, người Huế cho rằng năm mới đổ được ngũ hường là vận sẽ rất hên!
2 Xem Thá i Kim Lan, „Năm nay sẽ về nhà ăn tết“, báo xuân Tia Sáng 2006

Thái Kim Lan

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)