Ăn Tết Hànội, 2016

Chẳng thà, không gặp lại? Chẳng thà, vẫn như xưa? Chẳng thà, cứ gặp lại? Chẳng thà, khỏi có mình?

Lâu lắm rồi tôi chưa ăn lại cái Tết Hànội. Lần này đây, năm của con số 2016 với 2+0+1+6 = 9 dí dỏm tự thưởng, tôi cũng dũng cảm tự thưởng cho mình cái Tết Hànội.

Sao lại nói đến “dũng cảm”?

Trong kỉ niệm của tôi, Tết Hànội đẹp lắm. Nhỏ nhắn, xinh xắn, gọn gàng, ấm áp, vui vầy, bất tận. Tôi thích nhấm nháp những kỉ niệm Tết ấy. Tôi sợ những kỉ niệm ấy chợt bị “hôm nay hóa”, bị updated. Gặp lại một cô gái đáng yêu thời xưa là chấp nhận những mất mát nào đó, mất mát trước hết cho vẻ đẹp xuân thì của cô gái ấy trong kỉ niệm, vậy nên cả mình và cả cô gái ấy đều cần đến sự dũng cảm cho cuộc gặp lại.

Ngoảnh lại.

Mình cũng đã cũ kĩ, ai thì biết được đất trời sẽ cho mình còn tiếp tục cũ kĩ thêm được đến bao nhiêu lâu nữa? Đôi khi cũng nhớ đến cái “Câu lạc bộ 27”, nơi mà nhiều nghệ sĩ siêu đẳng chẳng đã không may mà phải bị dừng chân ở ngay cái tuổi 27 đó cơ mà… Ồ, “bất tử” chỉ là một chữ được bày đặt ra của riêng loài người.
**
Đôi khi việc ta được yêu chiều cũng là điều đáng để mà trân trọng.

Chiếc Airbus A350 mới keng của Hàng Không Việt chẳng hạn, thật là đáng yêu. Nó thật là rộng rãi, thật là êm ái, ta không có cái cảm giác mình đang phải ngồi ở bên trong một cái máy giặt đang quay tít rít lên trong giai đoạn vắt nước áo quần. Có chủ quan không, nhưng có vẻ như nó còn được cách âm tốt hơn cả chiếc Airbus A380 khổng lồ vốn đã nổi tiếng về sự êm ái. Ồ, chiếc tàu bay này chở ta về ăn Tết quả thật là có lý!;-). Các bạn phục vụ thật là nhẹ nhõm, chuyên nghiệp, “tuy” phần lớn họ là đàn ông. Phảng phất vẫn có, vẫn có đấy một hai cô tiếp viên với những chiếc áo dài màu xanh ngọc, màu vàng hoa cải, ôi tôi yêu những màu này, những màu thanh nhẹ kéo người ta về sự trong trẻo tích cực.

Nhà ga hàng không mới của Hànội đây rồi, cứ gọi T2, là đủ, chẳng nên gọi “Nhà ga quốc tế” làm gì, mà làm hơi tủi thân nhà ga cũ, “Nhà ga trong nước”. Con đường trước mắt còn dài, tư duy trước mặt cần mênh mông, ngôn ngữ nên tập đi vào thực chất của sự giản dị sâu xa. Rồi thì sẽ có những T3, T4..Tn tới đây, có gì mà phải chia cắt xếp hạng tên gọi? Một chút chưa được: có mỗi một chiếc máy bay lớn xuống, thế mà người bay phải chờ hành lý suốt cả hơn một tiếng đồng hồ. Đứng về phía khách hàng, tiêu chí của tư duy để phán định dịch vụ không phải là “máy bay vừa xuống, to hay nhỏ?”, mà là “sau bao nhiêu phút, thì hành lý đã phải sẵn sàng?”.

Con đường về trung tâm Hànội với cây cầu “Ngày Mới” (tại sao không sáng lòng đặt tên cây cầu này như thế nhỉ, mà cứ phải “Nhật Tân”?; dẫu có đã chậm, thì vẫn có thể đổi lại tên nó như thế, cho xứng mặt chữ Việt mỗi khi có thể!) thật là sáng mặt cho Hànội. Người mình mê nói chuyện “thoát”, cái thoát quan trọng nhất, đó là thoát khỏi được sự cũ kĩ của chính tinh thần của chính mình. Những phút thật đáng yêu này làm chạnh nhớ ngày nào hạ cánh xuống Nội Bài, sải cánh máy bay còn lướt qua mấy chú bò gặm cỏ phía bờ bên kia, và chiếc băng tải hành lý có đường kính chịu thương chịu khó rộng không quá được ba mét, thỉnh thoảng lâu lâu nó mới nhận được thêm một chiếc valise hay túi xách. Còn chiếc guitar điện vốn được nâng niu của mình thì hoá ra đã bị vứt chỏng chơ bỏ quên tẹt gí ở trên vỉa hè đằng kia tự bao giờ!
**
Những chuyến bay từ phía trời Tây về quê nhà nổi tiếng là lệch giờ, xuống máy bay là sáng sớm ở miền quê ta, nhưng lại là mới vào lúc nửa đêm của nơi xuất phát, cho nên ta thường lờ đờ miễn ngủ nghê luôn cho một ngày tiếp nối. Hànội giáp Tết, bụi bẩn, kẹt cứng, đây đó lồng ngồng lộn ngộn những cành đào cây quất ngổn ngang như đang “tự đi lại” trên con phố đê cổ truyền trĩu nặng tình thương, chúng làm lòng ta ngổn ngang quên mà bằng hết cơn mệt nhừ khát ngủ. Người trồng ươm hoa còn vất vả quá, người đưa rước hoa còn quá vất vả, và bản thân hoa cũng phải vất vả tả tơi chẳng kém những ai.

Tết đã nhẻn lên, nhen lên trong những ngóc ngách đời sống đây rồi. Mua mua, bán bán, nhà nhà dọn dẹp xếp đồ chuẩn bị về quê ăn Tết, nhà nhà chuẩn bị cho chuyến du lịch muôn dặm đường xa nhân đợt nghỉ Tết, và nhà nhà dọn dẹp trang hoàng chuẩn bị ăn cái Tết Hànội..
**
Trong phố thì như thế, ở ngoại thành thì ra sao?

Ngày trước lượn dạo Tết ở ngoại thành thì thế này… Bạn đạp xe lên Quảng Bá, quá Nhật Tân, hay nữa đi, xuống đò ngang Sông Hồng… hay là xuôi về miền chùa chiền Hà Tây quê lụa… Hànội hôm nay là Hànội đã mở rộng, và rộng mở. Mấy ngày Tết năm nay trời vô cùng đẹp vùng non nước Ba Vì. Một thứ ánh sáng trong trẻo tinh khôi nhẻn nhẹn trong tầng không ráo khô tít trên kia, rồi đằm thắm sà xuống. Mặt nước hồ Đồng Mô được dịp thể hiện lòng trung thành tinh tươm của mình, cho mây trời núi non soi bóng thỏa thê.

Xóm làng êm dịu trở lại. Bữa cơm của các anh chị người Mường như xóa đi khoảng thời gian vật lộn cũ mới này. Cơm nhé, rau nhé, dưa nhé, rượu nếp nhà nhé, hát mời trầu nhé… trẻ thơ mơ tuổi lớn, người lớn mơ tuổi thơ.

Nào, có tí vườn thì dựng cây nêu nào, thật cao vào, màu sắc lung linh đầy niềm vui và ao ước, khỏi phải nệ cổ chi lắm. Anh chó, chị mèo cũng được thể, lăn quay ra sân “ăn Tết” như ai. Ai hết tuổi diện thì cũng cố mà diện áo đẹp quần đẹp đi thôi, diện để cho người khác vui, diện để cho mình vui, diện để cho Tết được thành ra Tết vui. Yên ắng và thiêng liêng. Xem ra thì chỉ còn có mấy cái loa phường đậu trên cái cột viễn thông chót vót kia là vô duyên, thỉnh thoảng không hiểu ra rằng mình cần phải không làm gì, cứ loe toe làm.
**

Chiều ba mươi Tết, phố xá im lìm, như tự biết ru mình “ngủ đi một tí nhé, đêm nay còn thức đón Giao Thừa”. Vừa hay hẹn hò được nhau, nào ghé qua nhà nhau trong phố cổ, như ai, như tự thuở nào… Được thưởng chén rượu “độc”, ly trà “không hai”, bên họa sĩ, bên nhà báo, bên nhà văn, bên nhà sân khấu, bên nhà đắm thơ… của nữ thi sĩ nọ… ồ, những phút giây đằm thắm của chiều ba mươi Tết, ngắn mà cũng đủ dài, đủ dài để gọi cho chiều ba mươi Tết trở về.

Cũng chẳng nên phiền bạn bè quá lâu la chiều nay nhỉ… Đảo lại ra phố.. Hànội vẫn đẹp mà, dù có bị những này những nọ. Hồ Trả Gươm xõa làn tóc liễu nhẹ, ừ, bạn Rùa thôi còn, thì Hồ vẫn cứ Trả được Gươm đi chứ. Mấy con phố tạc hồn, vẫn còn đây mà, chưa bị giải phẫu chỉnh hình đến nỗi không nhận được ra. Nhà Hát Lớn kia thôi, trên con phố Tràng Tiền này vốn không được có bất cứ một cây cối nào, không được có bất cứ một cột điện nào, không được có bất cứ một thứ dây rợ nào, để mà Nhà Hát Lớn này phải lồng lộng lên ngay từ xa tắp, ngay từ phía Hồ Trả Gươm nhìn về. Hôm nay thì ai đó đã có “sáng kiến” trồng mấy cái cây ở đường Tràng Tiền, làm lấp khuất cả Nhà Hát Lớn. Xin mời, xin mời cất mấy cây ấy đi, dù rằng chúng có cho bóng mát thật. Chúng ta cần gắng hiểu cho được ngôn ngữ của phố phường Hànội.

Mấy con phố chính năm nay đã được trang hoàng sắc xanh nước biển nhẹ nhõm, mời gọi sự thanh bình, không khẩu hiệu ồn ào. Điều này thật là đáng được trân trọng, và cần được tiếp tục, mở rộng. Lòng người, chứ không phải khẩu hiệu, mới là gốc rễ. Đừng quên điều đó.

Phố phường nay chợt đã bớt hẳn còi xe, điều lại càng đáng được trân trọng thêm hơn. Đi tới nữa đi các bạn, để rồi tới đây trong thành phố sẽ phải sạch tiếng còi.
***
Sau bữa cơm chiều ba mươi giản dị trong nhà, như tự thuở nào, một vòng ra phố đi đón Giao Thừa.

“Ngựa xe như nước áo quần như nêm”, đêm nay Hànội đẹp lắm. Cả vùng trung tâm rộng lớn đã thành ra khu đi bộ. Sân khấu chỗ này, chỗ nọ, nào quảng trường Nhà Hát Lớn, nào quảng trường Nhà Ngân Hàng… vui vẻ… tuy rằng trang trí thì hơi thô, và tỉ lệ kích cỡ của các đồ trang trí thì quá lớn so với kích cỡ của mấy quảng trường phố phường cổ điển ấy. Sát giờ rồi, rảo bước, rảo bước… Kìa, pháo hoa đã nổ trong ngực mình. Nổ tung trên toà “Bắc Bộ Phủ”, rạng rỡ trên phố sách Đinh Lễ, bung xoà trên nóc dãy nhà phố Tràng Tiền… Bao nhiêu khuôn mặt rạng rỡ niềm vui hoà cùng những hy vọng…

… Bông pháo hoa rốt cùng đã tan ra, đã rớt sao băng trên nền trời lưu luyến… Người người lục tục ra về…

Không! Thật là đáng tiếc…

Đáng tiếc vì người ta chưa hiểu ra được rằng, đây, phút giây này đây, là phút giây mãnh liệt nhất, được công phu chuẩn bị nhất, được nén chờ sâu lắng nhất của cả một năm trời vun xới nhọc nhằn: đáng nhẽ lúc này đây các bạn hãy ôm lấy nhau, hãy chúc mừng nhau, hãy nhảy cùng nhau, hãy hát cùng nhau, với bất kì những ai xung quanh mình, dù không hề quen thuộc, không phân biệt mọi nguồn gốc, không ngần ngại mọi tuổi tác…!!! Đó, đó là phút giây để ta thấy ra rằng con người phải chan hoà được vào nhau, từ trong cội rễ.

Mà rồi thì chúng ta sẽ đến được chỗ ấy, nhỉ!

Hứa với nhau đi, vào Tết của những năm tới đây chẳng hạn! Tết để mà học, mà tập, mà sống, sống ngày càng yêu mến nhau, sống ngày càng gửi tự do đến cho nhau.

 

 

Tác giả