Andersen và âm nhạc

Những câu chuyện thần tiên mà nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen (1805-1875) kể suốt cuộc đời mình đã phản ánh gần như trọn vẹn thế giới ông sống. Âm nhạc cổ điển cũng không ngoại lệ, tinh thần của âm nhạc và nghệ thuật đã xuất hiện một cách đậm nét trong tác phẩm cũng như cuộc đời ông.


Hans Christian Andersen nổi tiếng với những Nàng tiên cá, Bầy thiên nga, Chim họa mi, Chú lính chì dũng cảm, Cô bé tí hon… Nguồn: classic-literature.co.uk

Không phải ngẫu nhiên nhà nghiên cứu Anna Harwell Celenza đã viết cuốn Hans Christian Andersen và âm nhạc: con chim họa mi được tiết lộ (Hans Christian Andersen and music: The nightingale revealved). Trong tác phẩm này, bà đã khám phá những quan sát và những hoạt động âm nhạc của nhà văn trong đời sống âm nhạc thời đại mình và nhận thấy người đọc thường quan tâm đến những Nàng tiên cá, Bầy thiên nga, Chim họa mi, Chú lính chì dũng cảm, Cô bé tí hon… mà không biết rằng Andersen rất say mê âm nhạc. Với giọng hát truyền cảm, con trai người thợ đóng giày thành phố Odense này từng ôm ấp giấc mơ trở thành một nghệ sỹ opera hay vũ công tại nhà hát Det Konggelige Teater tại Copenhagen. Vỡ giọng khi lớn lên và buộc phải từ bỏ ước mơ nhưng ông cũng cố gắng duy trì nó dưới dạng khác, đó là trở thành khán giả trung thành của âm nhạc, bạn bè thân thiết với nhiều nhà soạn nhạc và hơn thế, tham gia vào đời sống âm nhạc. Bằng cách đó, sợi dây liên hệ với thế giới âm nhạc của ông vẫn được duy trì bền chặt trong suốt cuộc đời.

Người kể chuyện âm nhạc

Thật khó hình dung về không khí âm nhạc châu Âu thế kỷ 19, bởi dưới cái nhìn ngày nay thì nhiều quy định của thời kỳ ấy thật kỳ cục, ví dụ như để tránh “cạnh tranh”, các nghệ sỹ đã ký hợp đồng với nhà hát Det Konggelige Teate chỉ được phép tổ chức các buổi hòa nhạc riêng có bán vé khi không trùng thời gian tổ chức vở diễn nào của nhà hát và mỗi buổi diễn như thế không được phép có nhiều hơn 2 nghệ sỹ tham gia. Để những buổi diễn ấy khỏi trở thành tẻ nhạt, các nghệ sỹ đã thuê Andersen viết một kịch bản riêng, một mạch dẫn riêng có khả năng kết nối các aria và ca khúc nghệ thuật mà họ sẽ biểu diễn. Theo cách đó, buổi hòa nhạc với các tác phẩm riêng rẽ có xu hướng trở thành một vở kịch âm nhạc ngắn thu hút.

Ở Copenhagen thời kỳ đó, người dẫn chuyện trong buổi hòa nhạc như vậy thường có lời giới thiệu mỗi màn dưới hình thức một câu đố. Thay vào việc nói với khán giả cảnh tiếp theo như thế nào, người dẫn chuyện phải đưa ra một số gợi ý để họ có thể đoán ra. Là một nhà văn nổi danh bằng những chuyện kể vừa hư ảo thần tiên vừa man mác nỗi buồn như thể các ca khúc nghệ thuật của Schubert, Andersen nổi trội bởi sự sáng tạo những “câu đố” thu hút:

“Thi thoảng âm nhạc của ông vang lên như câu đố tuyệt đẹp, hay như thể nhạc của Domenico Cimarosa… Với vương trượng âm nhạc của mình, ông có đủ khả năng dẫn dắt giọng ca của các linh hồn và đưa chúng vang xa từ hầm mộ. Các giai điệu, các nhân vật mà ông sáng tạo nên, ngay cả trong tác phẩm không mấy nổi trội của mình, cũng chứng tỏ được tài năng của ông… Ông là Raphael của âm nhạc, nước Đức đã trao ông cho châu Âu 1. Vượt qua các vùng đất và các đại dương, từ bến cảng đến bến cảng, tên ông bừng nở giữa những đóa hoa. Tên ông là gì? Tôi không thể tiết lộ sớm với các bạn; hãy chìm đắm trong tác phẩm của ông. Vì Raphael của âm nhạc này vĩnh viễn thanh xuân và tràn ngập sức sống”.

Khi bức màn được vén lên, câu đố đã được giải đáp: đó là cảnh cuối cùng từ vở opera Don Giovanni của Mozart – khi Don Giovanni phải kết thúc cuộc đời do những tội lỗi anh ta gây ra trong quá khứ.

Andersen rất am hiểu âm nhạc. Bên cạnh đó, ông còn có những trải nghiệm thú vị ở nhiều sân khấu khác nhau của châu Âu. Vào giữa những năm 1830, ông có chuyến du lịch khắp châu Âu lần đầu tiên và trong suốt cuộc đời mình, ông đã có tới 30 chuyến đi như vậy, mỗi chuyến lại có thêm các buổi hòa nhạc được ông ghi chép tỉ mỉ trong nhật ký.

Những trang nhật ký ghi lại các ấn tượng âm nhạc của Andersen. Ông bị các vở opera Italia cuốn hút và say đắm nghệ thuật hát belcanto. Vào những năm 1850 và 1860, ông choáng váng trước ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc trong âm nhạc cổ điển – xu hướng bùng nổ ở giai đoạn này ở châu Âu. Những hiểu biết này đã đưa Andersen vào vị trí của một nhà hoạt động nghệ thuật, vừa là người sáng tạo, vừa là người viết sử âm nhạc. Ví dụ trong Vandring gjennem Opera-Galleriet, Andersen đã cho khán giả thấy một bản tổng kết opera Đan Mạch: màn 1 là các trích đoạn aria từ các vở được trình diễn lần đầu tại Det Konggelige Teater từ năm 1790 đến 1810; màn 2 là các vở từ những năm 1820; màn 3 phản ánh những thay đổi trong gu thưởng thức của những năm 1830. Về tổng thể, Vandring gjennem Opera-Galleriet của Andersen đã đưa ra một cái nhìn nhanh về lịch sử opera Đan Mạch cho đến đầu những năm 1840, thời điểm các nhà soạn nhạc Đan Mạch bắt đầu thành công trên sân khấu opera và Mozart được công nhận là một trong những nhà soạn nhạc nước ngoài được yêu mến nhất. Và “khẩu vị” thưởng thức âm nhạc của khán giả Copenhagen đã thay đổi: opera bắt đầu thay thế dần vị trí của các vở singspiel (kịch hát dân ca Đức) và vaudeville (kịch vui Pháp); các vở opera của những nhà soạn nhạc Ý và Pháp đã xuất hiện như Norma, Il barbiere di Siviglia, Les deux nuit…; các nhà soạn nhạc Đức củng cố vị trí như Mozart, C.M von Weber, Heirich Marschner; sự nổi lên của một thế hệ trẻ các nhà  soạn nhạc Đan Mạch như J. P. E. Hartmann, Niels W. Gade, Carl Nielsen.

Không chỉ là người kể chuyện trên sân khấu opera, Andersen còn là một tác giả libreto (phần lời) của một số vở opera, ví dụ như vở Ravnen, Little Kirsten của nhà soạn nhạc Hartmann, những vở được nhà soạn nhạc Đức Robert Schumann yêu thích.

Những ý tưởng nghệ thuật

Việc tham gia vào các hoạt động âm nhạc châu Âu cũng như danh tiếng sẵn có của một nhà văn đã đem lại cho Andersen những mối kết giao thân thiết với Franz Liszt, vợ chồng nhà soạn nhạc Rober – Clara Schumann, Mendelsonhn, Brahms và Wagner. Là người viết những chuyện thần tiên, Andersen ngay lập tức đã bị các vở opera mang màu sắc thần thoại Bắc Âu của Wagner chinh phục, đặc biệt là Longhegrin. Ông tâm đắc ý tưởng nghệ thuật tương lai của Wagner cũng như ở nhà triết học Đan Mạch Hans Christian Ørsted, nhà thơ Pháp Baudelaire. Đâu là điểm chung giữa ba con người này? Họ đều có những chiêm nghiệm về tương lai của nghệ thuật, đặc biệt là Wagner. Mãi về sau này, người ta mới tỏ tường con người Wagner nhưng ở thời đại của Andersen, nhà soạn nhạc Đức hiện ra với một hình ảnh hoàn toàn khác biệt, nhất là sau khi vở Lohengrin mới được ra mắt ở Đan Mạch. Lúc đó, Wagner còn chưa được xem bộ Der Ring des Nibelungen hay Parsifal – những tác phẩm gây tranh cãi về tư tưởng nghệ thuật và bị cho là có mầm mống phân biệt chủng tộc hay bài Do Thái, và lại càng chưa biết về “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” của Wagner. Wagner mà Andersen biết vẫn là một nhà soạn nhạc của các vở tráng lệ và đẹp đẽ như Tannhäuser Lohengrin. Trong tâm trí của nhà văn, Wagner là người đầu tiên nhận ra “tinh thần của tự nhiên” trong văn chương và âm nhạc, vốn do Ørsted đề xuất vào năm 1850. Với Andersen, Wagner là nghệ sỹ của tương lai và là nguồn cảm hứng cho Andersen và những người cùng thế hệ ông.

Richard Wagner đang sáng tác các vở opera nổi tiếng của ông. Bức họa trong bộ sưu tập của Mary Evans. Nguồn: maryevans.com

Hoàng tử Ludwid xứ Bavaria từng rơi lệ khi Longhegrin ra mắt ở Weimar Court Theater và ấn tượng của vở diễn khiến ông nhiều năm sau khi lên ngôi vua đã quyết định xây lâu đài Neuschwantein thần tiên và trở thành nhà bảo trợ nghệ thuật lớn nhất của Wagner. Còn Andersen? Tuy chỉ ghi lại trong nhật ký một cách giản dị là vở opera “đã diễn ra trong khung cảnh lộng lẫy và được khán giả đón nhận” nhưng ảnh hưởng của nó với nhà văn trên thực tế còn lớn hơn nhiều: Andersen bắt tay viết Lykke Peer với những điểm trùng hợp kỳ lạ giữa xuất thân của Peer – nhân vật chính của tác phẩm, với Andersen, khi cùng là con của một gia đình nghèo và rút cục cũng trở thành một nhân vật nổi danh, chỉ có điều Peer là một nhà soạn nhạc tạo ra nhiều cách tân về opera với những ảnh hưởng rõ nét từ Wagner. Lykke Peer thể hiện những ý tưởng cuối đời ông về nghệ thuật, trong đó chiêm nghiệm về âm nhạc của tương lai và lý giải ý nghĩa văn hóa cũng như số phận của các nhà soạn nhạc như Beethoven, Mendelshonn và Wagner bằng kinh Talmund của người Do Thái.

Lykke Peer có thể được coi là một ví dụ về phương pháp biên soạn lịch sử âm nhạc (historiography) với những nghiền ngẫm sâu sắc về mối liên hệ khăng khít giữa tầm nhìn về tương lai và sự trân trọng quá khứ: mặc dù coi những vở opera của Wagner như hình mẫu của một thế hệ tác phẩm mới nhưng Peer vẫn ngưỡng mộ những nhà soạn nhạc tiền bối: “Mỗi tuần một lần, ở đây lại có biểu diễn các tứ tấu. Đôi tai, tâm hồn và ý nghĩ của Peer ăm ắp các bài thơ âm nhạc của Beethoven và Mozart… Như thể nụ hôn nóng bỏng của lửa đã trượt xuống xương sống và nhanh chóng tỏa khắp các dây thần kinh của anh. Đôi mắt anh lập tức đầy lệ. Với anh, mỗi buổi tối âm nhạc ở salon này là một festival, nó tạo ra ấn tượng sâu sắc hơn bất kỳ vở diễn nào ở nhà hát, nơi vẫn thấy những điều không hoàn hảo… Những vần thơ âm nhạc ngân lên với vẻ tráng lệ của mình… Và anh ở đây, trong thế giới âm nhạc các bậc thầy đã tạo nên”2.

Peer say mê Wagner, khám phá thế giới âm nhạc mới mẻ của nhà soạn nhạc. Sau lần ra mắt thành công vai chính trong Lohengrin, anh quyết định học theo bậc thầy: tự sáng tác lời và phổ nhạc cho tác phẩm của mình, Aladdin. Thậm chí, anh còn vượt qua cả Wagner để tạo ra một kiệt tác độc nhất vô nhị trong lịch sử opera: anh không chỉ sáng tác libreto, viết nhạc mà còn đóng vai chính trong vở opera của mình. Khán giả bị Peer mê hoặc trong buổi ra mắt vở diễn. “Một vài hợp âm vang lên từ dàn nhạc, và rèm nhung kéo lên… Aladdin đứng trong một khu vườn kỳ diệu. Từ những đóa hoa, những hòn đá, từ hang sâu và dòng suối dường như vang lên thứ âm nhạc dịu dàng êm ái, những giai điệu đẹp đẽ hòa quyện với nhau tạo thành một hòa âm vĩ đại… Ngân lên từ chính hòa âm đó là bài ca của Aladdin… Giọng ca vang rền, xúc cảm và thứ âm nhạc của trái tim đầy mạnh mẽ đó ôm ấp, bao bọc lấy toàn bộ khán giả” 3. Viết những dòng này, Andersen đã lặp lại cái nhìn nhận của Baudelaire về Wagner.

Khi qua đời vào năm 1875, Andersen đã kịp hoàn tất tác phẩm lớn của đời mình với một thông điệp: tương lai của âm nhạc là sự kết hợp giữa tinh thần đổi mới sáng tạo và gìn giữ truyền thống, là sự cân bằng giữa cái cũ và cái mới. Như cái nhìn của Peer, những con người như Mozart và Beethoven sẽ sống mãi nhưng mỗi thế hệ tiếp theo cần viết tiếp lịch sử âm nhạc bằng tinh thần của Wagner. 

Anh Vũ tổng hợp

———

Tài liệu tham thảo:

“Music history as reflected in the works of Hans Christian Andersen”. Nguồn:  http://www.rilm.org /historiography/celenza.pdf;

“Hans Christian Andersen and Music”. Nguồn: http://wayback-01.kb.dk/wayback/20101108104712/http://www2.kb.dk/elib/noder/hcamusik/komponister_en.htm

1. Ở đây, Andersen đã nhầm lẫn đôi chút, Mozart là người Áo chứ không phải người Đức.

2, 3. Trích tác phẩm “Lykke Peer”.

Mặc dù bị đồn thổi nhiều về giới tính nhưng rõ ràng, Andersen có những say mê đặc biệt với Jenny Lind, sau lần đầu tiên được nghe cô hát vào năm 1842. Không riêng Andersen mà gần như cả giới yêu nghệ thuật châu Âu say mê nữ nghệ sỹ giọng soprano Thụy Điển này, ngay cả nữ hoàng Victoria cũng phải ném một bó hoa xuống chân Lind trong buổi biểu diễn ra mắt khán giả London của cô vào năm 1847. Các nhà soạn nhạc đương thời như Chopin, Mendelssohn và Clara Schumann cũng ngưỡng mộ cô. Mendelssohn coi Lind là “nữ nghệ sỹ xuất sắc nhất tôi từng biết” và viết vở oratorio (thanh xướng kịch) Elijah với giọng hát của cô trong tâm trí. Lind hết sức thân thiết với Chopin, trong những năm cuối đời nhà soạn nhạc, cô đã hát để ông quên đi cảm giác đau đớn của bệnh lao phổi. Khi ca ngợi “cô gái Thụy Điển không chỉ phô diễn giọng ca trong ánh sáng ban ngày thông thường mà trong những tia sáng kỳ diệu của Bắc cực quang”, Chopin muốn diễn tả những nốt pianissimo tuyệt đẹp và sự bừng lên lộng lẫy ở âm vực cao của Lind. Còn với Clara Schumann thì “cô ấy ngay lập tức đã thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên, dẫu khuôn mặt cô không thực sự đẹp nhưng cái biểu cảm ngập tràn trong cặp mắt trong trẻo… Mỗi nốt cô ngân lên đều căng tròn tuyệt đối và màu sắc giọng của cô là âm thanh đẹp nhất tôi từng được nghe. Âm lượng cô không thực sự lớn nhưng đủ sức lấp đầy bất kì khán phòng nào, và lấp đầy mọi tâm hồn”. Rõ ràng Lind đã khiến Andersen say mê và viết “Chim họa mi” tặng cô như một cách thể hiện niềm say mê đó. Đáng buồn là Lind không đáp trả tình cảm của Andersen nhưng dẫu sao, tình yêu đơn phương và tài năng của ông đã đem đến cho thế giới thêm một tác phẩm xuất sắc cũng như đem lại cho nữ ca sỹ biệt danh bất tử, “chim họa mi Thụy Điển”. Nguồn: http://www.classicfm.com/discover-music/who-was-jenny-lind-greatest-showman;

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)