Anh Ngọc

Mỗi khi thấy lòng chùng lại và thất vọng dâng lên, tôi vẫn nhủ hãy nhìn vào những người đi trước như anh Ngọc mà theo, và nghĩ về những người đi sau đang hy vọng vào sự tử tế vẫn còn ở thế hệ mình mà giữ.

Hôm trước anh Văn Thành mời nếu 7/9 ở Hà Nội đến dự lễ Tia Sáng mừng anh Ngọc 80 tuổi. Tiếc là tôi vừa về lại trường sau một đợt dài làm việc ở Hà Nội. Tuy nhiên, mấy bữa qua tôi đọc nhiều bài về anh Ngọc, xem bài và ảnh lễ mừng thọ anh sáng 4/9 ở Pleiku, chiều 5/9 ở Hội An, và đoán tối nay 6/9 anh đã ra Hà Nội. Không gửi được lẵng hoa mừng như nhiều người, tôi viết lại vài điều từ khi quen anh.

Cuối hè 2005 tôi có mấy ngày làm việc tại đại học Dauphine ở Paris. Hôm ấy một anh kể mai đi sân bay sớm đón Nguyên Ngọc qua thăm một số đại học bên Pháp sau khi nhận việc của đại học Phan Châu Trinh ở Hội An. Hôm sau nghe tin mấy anh đang tiếp anh Ngọc ở quận 13, tôi vội chớp cơ hội chạy ngay đến. Anh Ngọc đây rồi, người viết bắn Pháp chảy máu chúng tôi học từ nhỏ (trích đoạn từ Đất nước đứng lên), người viết Đường chúng ta đi, áng văn tôi vẫn nhẩm đọc khi ở chiến trường. Gặp lần đầu nhưng anh Ngọc nói chuyện như quen biết đã lâu. Lúc ấy tôi nghĩ có lẽ vậy vì mình đã là lính. Sau quen hơn tôi nhận ra anh Ngọc luôn tin vào các bạn của bạn như vậy.

Cuối 2006 tôi có dịp mời anh Ngọc qua Nhật. Tôi tham gia một đề tài trong nước nhằm làm ra các phần mềm máy tính có thể hiểu và phân tích được văn bản tiếng Việt, và có một đề tài tương tự bên Nhật nên dành được kinh phí mời khoảng mười anh chị em từ Việt Nam qua vài ngày. Tôi mời anh Ngọc như một cố vấn về ngôn ngữ nhưng chủ yếu để anh có dịp biết thêm về giáo dục Nhật Bản. Cuối cùng quý nhất là những buổi nói chuyện của anh Ngọc với gần ba mươi sinh viên Việt Nam ở chỗ tôi (nay đã hơn tám mươi người), vốn là các thầy cô giáo trẻ ở các đại học hay viện nghiên cứu bên nhà. Không thể kể lại những buổi nói chuyện ấy đã cuốn hút người nghe thế nào. Với một trí nhớ tuyệt vời và một ngôn ngữ khúc triết, anh Ngọc kể về con đường bí mật vận chuyển vũ khí vào miền Nam trên biển Đông; về cái đêm tư lệnh mặt trận Chu Huy Mân hỏi anh Ngọc- sau một ngày hàng đàn trực thăng đổ lính Mỹ xuống khắp Quảng Đà- liệu có viết được một bản “hịch tướng sĩ” của những năm đánh Mỹ không và đường chúng ta đi ra đời trong những ngày khốc liệt ấy; về chữ tín trong làm ăn buôn bán của người Hà Nội xưa, về những câu chuyện của giáo dục… Buổi nói chuyện định một tiếng rưỡi đã thành ba tiếng, và từ một buổi dự định đã thành ba buổi theo yêu cầu. Trong các buổi nói chuyện của anh Ngọc dễ nhận ra sự kính trọng và tin cậy của những người ở tuổi con cháu với một bậc cha ông – điều bây giờ không dễ gặp và tuyệt nhiên không phụ thuộc vào chức tước hay tuổi tác của diễn giả. Sự kính trọng và tin cậy ấy có hay không do tuổi trẻ thấy gì người nói chuyện đã làm và hành xử trong suốt cuộc đời mình.


Nhà văn Nguyên Ngọc chụp ảnh kỷ niệm với sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản

Đêm nay, 6/9, tôi thả mình vào những hoài niệm vì đúng ngày này của 41 năm trước hàng ngàn sinh viên chúng tôi nhập ngũ, bước vào cuộc chiến tranh đã ròng rã gần một phần ba thế kỷ của đất nước. Năm tháng đã trôi qua và cuộc chiến tranh đã thôi gầm thét. Những người trở về sau chiến tranh vẫn đầy trăn trở vì đường chúng ta đi còn thật dài, thật chông gai. Mỗi khi thấy lòng chùng lại và thất vọng dâng lên, tôi vẫn nhủ hãy nhìn vào những người đi trước như anh Ngọc mà theo, và nghĩ về những người đi sau đang hy vọng vào sự tử tế vẫn còn ở thế hệ mình mà giữ.

6/9/2012

 

Tác giả