Áo dài xưa

Bộ sưu tập áo dài xưa của tôi nhìn chung là một bộ sưu tập khiêm tốn, nó chỉ gồm có 12 thứ, lại không phải là một bộ sưu tập tầm cỡ với đại bào, triều phục cung đình thuộc các viện bảo tàng trong nước; sau nữa, nó được một người thường dân Huế lưu giữ, theo nếp gia đình Việt.

Nó là một bộ sưu tập gồm y áo của người xưa, như người xưa đã mặc, từ bà mẹ của vua, ông vua cho đến các bà mệnh phụ, phu nhân theo lối cư xử hằng ngày.

Như vua Khải Định thường mặc áo dài khi ngồi đọc sách, như bà cung nữ xưa vẫn mặc áo dài khi đi ngủ, như người bán rong trên đường, ai cũng mặc áo dài khi đi ra khỏi nhà vài bước, dù chỉ ra vườn. Vua, người định phong tục, và người hầu, kẻ tuân theo phong tục, đều nghĩ rằng vận áo dài có nghĩa bày tỏ sự kính trọng đối với người chung quanh, với không gian sống, ngay cả đối với thánh hiền trong kinh sách.

Đối với tôi, bộ sưu tập này được xem như là vết cắt một mảng đời 100 năm áo dài Việt Nam nói chung và áo dài Huế nói riêng. Bắc thì có áo tứ thân, Nam thì có áo bà ba, Huế thì có áo dài. Chiếc áo dài xuất thân từ Huế, bắt đầu với triều Nguyễn, trở nên quốc phục của người Việt cả nam lẫn nữ, từ hơn một thế kỷ, qua bao đổi thay cho đến bây giờ.

Những chiếc áo dài thời Nguyễn thường được gọi là Áo dài Huế xưa, như bà Từ Cung, người kế thừa những vị vua chế định áo dài, đã gọi như thế khi ban cho mẹ tôi hai cái ÁO XƯA của bà. Gọi là ÁO DÀI XƯA trước hết vì chúng nằm trong khoảng thời gian giữa thế kỷ 19 và 20, sau nữa XƯA để phân biệt với áo dài cách tân trong thời mới (khoảng 1930), còn gọi là áo dài tân thời do họa sĩ tiên phong của trào lưu cách tân giải phóng Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu và quảng bá – chiếc áo dài này gọn hơn, nhấn mạnh đường nét thân thể và vạt áo dài hơn, người đương thời gọi là áo Cát Tường hay áo Le Mur. Ngoài ra cũng để phân biệt với những chiếc áo hở cổ trần, thắt eo lưng ong, do đạo diễn Thái Thúc Nha phát minh từ 1960, bắt đầu mốt thời trang đa sắc của thời hiện đại.

Bộ sưu tập này gồm các áo Huế từ chốn cố đô ngày trước của Việt Nam.

Một phần những áo này được mẹ tôi chuyển sang cho tôi trong khoảng sau 1975, những chiếc khác trong khoảng thập niên 1980, khi bà sang Đức đoàn tụ gia đình. Có được bộ sưu tập này là do công lao của mẹ tôi. Bà đã giữ vững ý chí của đứa con ở phương xa khẩn thiết yêu cầu: xin Mạ đừng bán những chiếc áo xưa mà giữ lại cho con! Bởi vì sau 1975, đất nước Việt Nam, trong đó có thành phố Huế, đang trong giai đoạn sau chiến tranh. Khó khăn về kinh tế và ý thức hệ đã ảnh hưởng đến số phận chiếc áo dài, ngay cả chiếc áo dài thường nhật của người dân đều bị xem là biểu hiện của trưởng giả phong kiến, huống hồ là những chiếc áo xưa. Trong khoảng thời gian ấy, rất nhiều gia đình đều tìm cách tống khứ các thứ ấy để rửa sạch dấu vết tư sản. Có gia đình từng quyền quý rất mực đã bán những chiếc áo đại bào quý giá để mua một tô bún bò cho con cháu đói ăn hay mua một vỉ thuốc chữa cảm. Hoàn cảnh của Mẹ tôi đã không khác, nếu không có sự kêu nài của đứa con ở phương xa. Bù lại, tôi nhịn tiền học bổng từ nước Đức gửi về cho Mẹ, để Mẹ có một chút phương tiện sống còn mà lưu giữ cho tôi những chiếc áo xưa.

Như thế nếu không có Mẹ tôi và nước Đức, có lẽ bộ sưu tập này không được hiện hữu, bởi vì biết đâu, nếu chính mình trải qua thời gian khốn khổ ấy trong nước, tôi đã không như các bạn của tôi đem bán quách để sống qua ngày?

Khi rời Việt Nam sang Đức du học (1965), chiếc áo dài tôi mang theo đơn giản là trang phục phụ nữ Việt Nam, mang nó tôi không suy nghĩ gì hơn ngoài điều, nó là chiếc áo tôi mang từ thuở thiếu thời. Đến Đức, chiếc áo bỗng có một vai trò đại diện khác: nó làm nên vóc dáng người Việt. Cảm nghiệm lúc ấy là cảm nghiệm về bản sắc, một thứ đồng nhất tính văn hóa. Thế rồi đổi sang Tây phục mười mấy năm trường, nhưng chiếc áo dài vẫn còn y nguyên trong tâm thức là bản sắc Việt, và khi nó được xuất hiện giữa đám đông xa lạ, nó trở nên dấu ấn tự tin cho ta nhận diện mình là người Việt. Chính cái nhìn của người Đức cho tôi cảm nghiệm sâu xa hơn – dĩ nhiên không phải chỉ từ chiếc áo dài nhưng cũng chính từ nó – về phẩm chất khác biệt, về đa văn hóa, về nhân cách tư riêng, về tính tự chủ không bị đồng hóa trong cuộc gặp gỡ giữa những con người khác nhau trên trái đất.

Cho nên tôi đã trải qua một cơn sốc văn hóa ngay chính trên quê hương, trong chuyến trở lại Việt Nam lần thứ nhất, chiếc áo dài biến mất, ngay trên đất Huế, nơi nguồn gốc chiếc áo dài xuất thân. Cuộc sục sạo đi tìm những chiếc áo của thời dĩ vãng bắt đầu. Cuộc đi tìm của người trở về có lẽ khác với cuộc tìm bình thường. Trong mắt người trở về, vừa quen vừa lạ, quá khứ trở nên một thế giới mới, rực sáng bất ngờ, trong đó mỗi mẫu áo dính liền với lịch sử mà cũng vừa thoát bổng lên trên để trở thành những hiện vật thẩm mỹ bộc lộ nghệ thuật sống của người đi trước. Không những việc ra kiểu mẫu, chọn chất liệu vải của chủ nhân cho thấy sự sành điệu thẩm mỹ, mà chính người thợ cắt may đã hoàn thành chiếc áo trong một tinh thần quý trọng sự toàn hảo, từ sự chọn lựa thứ vải lót, màu áo lót bên dưới vải chính, tỉ mỉ từng mũi kim khâu, từng hột nút, khuy cài áo, tất cả mang đến ngạc nhiên thú vị bất ngờ. Họ chính là những nghệ sĩ nhẫn nại và vô danh, chỉ duy cái tâm may áo sao cho áo và người mang nó trở thành một hòa điệu nhịp nhàng trong bốn mùa thời gian. Trong thế giới ấy, sống và nghệ thuật sống đang xảy ra.

Có lẽ bộ sưu tập sẽ nằm yên trong bóng tối nếu không có một cú sốc văn hóa lần thứ hai: sau một khoảng thời gian vắng bóng, chiếc áo dài được hồi sinh từ hơn thập niên nay trên đất nước Việt Nam, nhiều nhất trên sân khấu thời trang, cuộc thi hoa hậu, các đại tiệc, trên thị trường may mặc mà khách hàng là người Việt hải ngoại, du khách, người sính diện. Ngày xưa, vua chúa mặc áo dài và thường dân cũng mặc áo dài, tùy theo mà sang hay đơn, bất cứ ở đâu, khi ra khỏi nhà phụ nữ khoác áo dài, o bán bún bò cũng mặc áo dài. Ngày nay áo dài vắng bóng trên đường phố, chỉ dành cho một lớp người, doanh nhân, ca sĩ, người mẫu đi thi hoa hậu, người thường dân hầu như đã quên chiếc áo dài là trang phục của họ, dù vẫn biết đó là trang phục Việt Nam trên sân khấu mà họ nhìn lên ngỡ ngàng như mơ. Chiếc áo dài đang được các nhà tạo mẫu biến tấu đến vô cùng. Thời trang đường phố vẫn tràn ngập mốt phương Tây. Nhưng chiếc áo dài xưa! Hồn xưa nơi đâu? Cung cách đồng đẳng trong cái đẹp: thường dân và ngay cả vua chúa cũng như nhau trong một trang phục, bộc lộ tính cách Việt, truyền thống Việt hình như nhạt mờ.

Chính sự lãng quên lịch sử hay vô tri đối với tính đồng thời của cái không đồng thời, để dùng một thuật ngữ hậu hiện đại cho tương quan giữa truyền thống và hiện đại, cho ta thấy sự nghèo nàn hay trống rỗng trong đời sống văn hóa mặc cho giàu sang vạn tỉ. Mỹ thuật hậu hiện đại đòi hỏi phản tỉnh về tương quan đối kháng giữa XƯA và NAY, CŨ và MỚI. Câu hỏi thật cần thiết ngay chính trên lãnh vực thời trang.

Duyên may tôi gặp bà TS Meyer-Zöllitsch, Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội, cuộc chuyện trò đề cập đến thời trang áo dài Việt Nam. Những chiếc áo nằm lâu trong góc trong căn nhà ở München bỗng hiện ra rực rỡ trước mắt người. Với cảm tính nhạy cảm tuyệt vời đối với những bảo vật văn hóa, bà Viện trưởng sốt sắng tạo điều kiện cho cuộc triển lãm bộ sưu tập áo dài xưa, trong đó những hiện vật truyền thống được trình bày trong một không gian hậu hiện đại, trong chuỗi đối thoại liên chủ thể về tính đồng thời của cái không đồng thời, về thời gian và sáng tạo.

Cuộc triển lãm được đồng ý mang tên “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” do bà Veronika Witte đề nghị, lấy cảm hứng từ câu thơ trong bài thơ tiếng Đức Die Zeit (thời gian) trong tập thơ tiếng Đức “In einem kälteren Land” (Lạnh hơn xứ mình) của tôi. Tôi bất ngờ về cảm hứng thi ca của nữ nghệ sĩ sắp đặt đến từ Berlin trong khi bà đắm chìm trong những thao thức thẩm mỹ về áo dài xưa. Trong mắt nghệ sĩ của bà, áo dài là một hiện tượng “chảy tràn” của thời gian. Không gian đa truyền thông mà bà tạo dựng nên cho những chiếc áo dài xưa này mang đến một cuộc hồi sinh nghệ thuật – có thể là ảo hóa nếu tôi được phép dùng từ ngữ ấy trong khung cảnh này – cho những chiếc áo dài XƯA, ảo hóa như chính thời gian trong dòng chảy đã làm nên lịch sử vô thường và sáng tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy như khoảnh khắc bất tuyệt không thể thiếu của cuộc đời.

Bộ sưu tập áo dài xưa của bà Thái Kim Lan đã được trưng bày tại Viện Goethe Hà Nội từ 16 đến 30/1/2014 nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CHLB Đức.
Trong không gian sắp đặt đa phương tiện, câu chuyện của mỗi bộ áo dài lần lượt được kể: Về người sở hữu, về cách sử dụng, gìn giữ và sự biến mất. Tám nhân vật không quen biết, như người tì nữ cuối cùng còn sống của Hoàng hậu nay đã 95 tuổi và một cô sinh viên 19 tuổi, cùng trò chuyện với nhau trong một đoạn phỏng vấn ghép về ý nghĩa của áo dài với cuộc sống của họ.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)