Bạn có yêu Brahms?

Ngày sinh nhật thứ 64 của Clara Schumann, Brahms dự định mang hoa đến tặng bà. Nhưng trên đường đi, ông đã không thể tìm thấy bất cứ một cửa hàng hoa nào. Và thế là, để thay cho một bó hoa, Brahms đã mang đến cho Clara tổng phổ bản giao hưởng mới của ông - Giao hưởng số 3 giọng Fa trưởng.

Xúc động trước vẻ đẹp của tác phẩm, Clara viết thư cho Brahms:
“Tôi đã có những giờ phút thật hạnh phúc với tác phẩm tuyệt vời của ông… Nó đúng là một bài thơ duyên dáng và quyến rũ… Chương hai thật thơ mộng, êm ả và thanh bình như cuộc sống điền viên, dưới tán rừng và những tia nắng xuyên qua kẽ lá…Tôi có thể nghe được tiếng suối róc rách và tiếng những con côn trùng đập cánh… Và ở đâu đó, tôi đã cảm nhận thấy tiếng trái tim của ai đó đang đập, đang thổn thức…”

Cuối mùa xuân năm 1883, Brahms bắt tay vào hoàn thiện các khúc nhạc mà ban đầu ông dự định viết cho vở Faust của Goethe. Nhưng khi ấy, những cảm hứng từ chuyến đi dọc sông Rhine đã tràn ngập trong ông, và nhà soạn nhạc đã quyết định phát triển chúng thành bản giao hưởng thứ ba của mình – Giao hưởng giọng Fa trưởng. Ba mươi ba năm trước đó, Giao hưởng số 3 (Sông Rhine) của Robert Schumann cũng được lấy cảm hứng từ dòng sông Rhine. Và ở đây, chủ đề mở đầu của Brahms cũng là một âm điệu đi xuống giống như chủ đề mở đầu của Schumann.
Giao hưởng Fa trưởng được biểu diễn lần đầu tiên vào ngày 2 tháng 12 năm 1883 bởi dàn nhạc Vienna Philharmonic, dưới sự chỉ huy của Hans Richter. Trước đó, vị nhạc trưởng nổi tiếng này cũng là người đầu tiên chỉ huy Giao hưởng số 2 của Brahms và chính ông đã gọi Giao hưởng số 3 này là Giao hưởng Eroica (Giao hưởng anh hùng ca) để đặt nó ngang tầm với Giao hưởng số 3 Eroica của Beethoven. Mặc dù vậy, theo các nhà âm nhạc học, tính chất anh hùng ca và cuộc đấu tranh của con người trong giao hưởng Brahms bộc lộ một tâm hồn tế nhị, cá nhân và phức tạp, không giống với tính toàn nhân loại trong giao hưởng Beethoven.    
Thành công rực rỡ ngay trong lần đầu ra mắt, bản Giao hưởng đã nhanh chóng được đón nhận nồng nhiệt tại các nhà hát ở Berlin, Leipzig, Meiningen và Wiesbaden. Nhà soạn nhạc lừng danh người Anh Edward Elgar có lần đã nói: “Đứng trước Giao hưởng số 3 của Brahms, tôi cảm thấy mình chỉ là một kẻ vụng về”. Mặc dù vậy, Brahms – một con người vốn được coi là theo chủ nghĩa tự phê bình vẫn cho rằng tác phẩm này là “bản Giao hưởng nổi tiếng một cách đáng tiếc”.
Trong 4 giao hưởng của Brahms, Giao hưởng số 3 là ngắn nhất. Cấu trúc của nó đẹp, hoàn chỉnh,  tập trung làm nổi bật những xúc cảm nồng nhiệt, bùng nổ, xen lẫn tính chất thi vị, riêng tư và thầm kín. Cả bốn chương của nó đều là những chương nhạc tuyệt vời. Chương một tràn đầy tính chất sống động, nhiệt thành. Nhạc tố được tạo bởi ba nốt nhạc mở đầu: Fa (F), La giáng (Ab) và Fa (F) chính là những chữ cái đầu trong câu phương ngôn của Brahms: “Frei Aber Froh” (“Tự do nhưng hạnh phúc”). Chương hai du dương và vỗ về như một bài hát ru, có lúc lại trào lên một giai điệu chan chứa tình yêu thương, đắm đuối và hạnh phúc. Chương bốn là một bản anh hùng ca, âm nhạc luôn luôn thể hiện tính chất quả cảm, dũng mãnh và vươn lên một tương lai tươi sáng.
 

Đặc biệt nhất là chương ba Poco Allegretto, từng được đưa vào bộ phim Goodbye Again, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Bạn có yêu Brahms? (Aimez vous Brahms?) của nữ văn sỹ Francoise Sagan. Đây là một trong những chương đẹp nhất của âm nhạc giao hưởng. Không mãnh liệt, không đau đớn và không quá sầu thảm, nhưng giai điệu của nó có thể chạm tới những nỗi nhớ nhung, những kỷ niệm đẹp đẽ, và thiêng liêng nhất của con người. Theo như lời của một nhà phê bình, nỗi buồn ở đây là một “nỗi buồn lặng lẽ với những tiếng thở dài thầm kín và mỉm cười qua làn nước mắt”. Chương nhạc giống như một khúc hát biệt li, một bài ca với những tình cảm nghẹn ngào không cất nên lời. Có lẽ nó gắn liền với tình yêu Brahms dành cho Clara Schumann, một tình yêu xứng đáng đi vào tiểu thuyết.

Vì sao Brahms lại cảm thấy đáng tiếc khi Giao hưởng số 3 của ông quá nổi tiếng? Có lẽ, với tính chất riêng tư, nó đã từng được dự định chỉ dành cho ba người, đó là Brahms, Robert và Clara Schumann. Giao hưởng số 3 khiến chúng ta nhận ra rõ nét hơn một con người khác của Brahms. Đó là một con người dịu dàng, nhạy cảm và tinh tế, một con người biết mơ mộng và nâng niu những tình yêu đẹp đẽ, một con người lãng mạn cuồng nhiệt và sẵn sàng xông pha. Con người ấy hoàn toàn tương phản với vẻ ngoài e dè và vụng về của Brahms.

Bạn có yêu Brahms? Câu hỏi nổi tiếng đó của nữ văn sỹ Sagan đã được các nhà phê bình âm nhạc trích dẫn lại nhiều lần khi nhắc đến nhà soạn nhạc. Tất nhiên, có vô số người yêu thích Brahms, một nhà soạn nhạc vĩ đại mà hầu hết các tác phẩm đều được xếp vào hàng tuyệt tác. Tuy nhiên, “Bạn có yêu Brahms?” luôn là một câu hỏi có ý nghĩa  bởi vì nó có thể nhận được những câu trả lời khác nhau. Wagner và Tchaikovsky hoàn toàn không thích Brahms, Mahler và Britten cũng không mặn mà lắm với Brahms. Nhưng có lẽ người đầu tiên trả lời “không” cho câu hỏi lại là chính là Brahms, ông thường xuyên là người đầu tiên tự “chê” các tác phẩm của chính mình. Chủ nghĩa tự phê bình và sự khiêm nhường đáng kính trọng của Brahms dường như bắt nguồn từ chính nội tâm phức tạp của người nghệ sỹ lãng mạn: luôn hoài nghi, mâu thuẫn và tự đấu tranh với chính mình. Một câu chuyện kể lại rằng, khi một người giàu có mời Brahms đến dự tiệc, để lấy lòng vị vua âm nhạc của thành Vienna, người này đưa cho Brahms một bản danh sách các khách mời và bảo nhà soạn nhạc có thể gạch tên bất cứ ai mà ông không thích. Brahms đã cầm lấy bút và gạch tên chính mình.

Trần Trung

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)