Bản đồ tinh thần

Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta cứ mãi cậy vào thói quen, tập tục, và không có ngay cả nhu cầu điểm danh trở lại xem những thói quen, những tập tục đó là gì, chưa nói gì đến việc tìm hiểu và phân tích chúng, định giá lại chúng.

Trong tuần lễ, có một ngày tôi phải đi làm sớm hơn thường lệ một tiếng đồng hồ.

Trong cái khổ, cũng có cái may.

Phố phường vắng vẻ. Đường cao tốc thoáng đãng.

Và khi đến nơi làm việc, đầy chỗ đậu xe!

Tôi vui sướng chọn chỗ đậu xe ngay trước cửa ra vào văn phòng. Thả vài bước là vào đến bureau. Lúc ra về cũng sẽ tha hồ tiện nhé, ba bước lên xe!
—-
Ấy vậy mà với cái ngày đi làm sớm này, lúc ra về tôi thường rất hay phải đi tìm xe phát mệt!

Tôi đi bộ vòng hết các chỗ mình thường hay đậu xe trong bãi đỗ, gãi đầu, ngoáy tai, tim đập nhanh dần lên, óc liệt kê các câu hỏi không khác gì các thám tử nổi tiếng, bước chân thì nhiều khi xoắn đi xoắn lại như những điệu nhảy của chàng Michael Jackson…

Mãi đến một lúc, khi mà hy vọng rõ cạn kiệt, thì tôi mới nhớ ra là, à hôm nay mình đi làm sớm, mình đã đậu xe ở cái chỗ rất hiếm hoi, nơi bình thường không bao giờ lại rảnh chỗ cả.
Tôi quay lại nơi đó, và tìm ra chiếc xe kiên nhẫn thủy chung. Tôi đã đậu xe ở chỗ gần nhất về địa lý so với văn phòng của mình, nhưng xa nhất trong bản đồ tinh thần của mình.

Hóa ra khi mình đi ra bãi xe, tuy có vẻ nhìn trời nhìn đất ghê gớm là thế, có vẻ tự do là thế, mà mình thực ra làm việc trước hết với cái hiện trạng của cái bản đồ tinh thần ở bên trong mình.

Trong mọi trường hợp, tình trạng của cái bản đồ tinh thần là cái quyết định hành động và hiệu quả của hành động.
—-
Nếu mỗi lần đỗ xe xong, tôi cập nhật vị trí đỗ xe trong bản đồ tinh thần, lưu thông tin này vào một bộ nhớ lưu trữ bên ngoài thì càng tốt, trên giấy hay trên điện thoại di động chẳng hạn, và trước khi ra xe thì tham khảo lại thông tin này, công việc hẳn sẽ trôi chảy hơn, thay vì để cho thói quen vô thức quyết định hộ.

Chàng trai trẻ xông xáo nọ hôm đi chơi New York City cùng với tôi thì lại rất bài bản. Vừa đậu xong xe ở cái phố lạ hoắc, chàng liền xuống xe, giơ điện thoại lên chụp ba cái ảnh vị trí đỗ xe, biển tên phố, và cả tên con phố cắt ngang, để lưu thông tin ngay!

Chuyện nhỏ đã là thế. Chuyện lớn hơn thì ra sao?

Đời sống cá nhân, gia đình, bạn bè, xã hội, tất cả đều được dẫn dắt bởi bản đồ tinh thần.

Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta cứ mãi cậy vào thói quen, tập tục, và không có ngay cả nhu cầu điểm danh trở lại xem những thói quen, những tập tục đó là gì, chưa nói gì đến việc tìm hiểu và phân tích chúng, định giá lại chúng.
—-
Bản đồ tinh thần không phải là một bản tức thời duy nhất phi lịch sử, nếu chỉ có thế thì ta không sao hiểu được sự vận động của tinh thần.

Bản đồ tinh thần phải là một dãy các bản đồ tinh thần được cập nhật theo thời gian, và chúng không được thay thế lẫn nhau.

Mỗi khi bản đồ hiện tại lúc này cần được cập nhật, ta phải lưu lại bản hiện tại thành “bản cũ”, chụp nhân bản này thành “bản mới”, và hiệu chỉnh thông tin trên “bản mới” này.

Nhờ có dãy các bản đồ tinh thần này mà ta dựng lại được đời sống tinh thần, hiểu được sự vận động biến đổi của chúng, dự đoán phần nào được xu hướng vận động sắp tới. Chính từ những tấm ảnh rời chụp theo từng thời điểm mà chúng ta có được một bộ phim hoạt động.

Như vậy một công việc rất cần thiết là lưu giữ các bức tranh tinh thần ở từng thời điểm của đời sống con người, của đời sống xã hội. Không làm được điều này, ta không sao hiểu được sự vận động trên thực tế của đời sống.

Sự lưu giữ này phải là một hoạt động “tầm thường”, “nhàm chán”, không nhằm thuyết minh, không nhằm khuếch trương, cũng không nhằm chê bai dè bỉu. Giản đơn như người du lịch giương máy ảnh lên chụp vậy. Nhưng cần toàn diện và có hệ thống.

Một ví dụ khá thành công mà chúng ta đã có được gần đây là bảo tàng thời bao cấp ở Hà Nội. Bạn sẽ thấy mình ngạc nhiên đến như thế nào về chính ngày hôm qua ồn ào hào quang của mình, khi thấy lại gà lợn cùng sống trong căn hộ 24m2 của mình, và những tem phiếu vải để mua được vài chục centimetres vải! Những tư liệu này không chỉ để nhớ nhung. Chúng là bằng chứng của chính bản đồ tinh thần chúng ta ở thời điểm đó, và chắc chắn chúng chưa hết hoàn toàn sức sống của mình. Tình trạng các giải pháp cá thể về giao thông đô thị ở ta hôm nay cũng tương đương với tình trạng các giải pháp cá thể nuôi gà nuôi lợn trong các căn hộ thành phố khi đó.

Hãy hình dung cứ mười năm chúng ta có thêm một gian bảo tàng như thế, trong mọi lĩnh vực của đời sống, điều đó sẽ cảnh báo và đánh thức chúng ta như thế nào.

Ví dụ theo thời gian thì các lớp mẫu giáo ra sao? Các đám cưới thế nào? Các màn thể dục buổi sáng ở thành phố?… Rồi các quan hệ quốc tế đổi thay? Các màn biểu diễn đổi thay? Giao thông đô thị? Quảng cáo ở phố phường? Các lối tranh cổ động? Các hò vè dân gian? Các quan điểm chính trị-xã hội? Vân vân…

Để rồi dần dần xã hội và con người chúng ta tập ra được một nhu cầu nhìn lại thật bình thản chính bản thân mình, như mình vốn là, phi mặc cảm.

Và từ đó để hình dung ra mình sẽ đi đến đâu hôm tới, nếu cứ tiếp tục trên cái đà đó.

Và suy nghĩ về khoảng cách giữa cái mình muốn và hiện trạng tinh thần ấy.

Và làm thế nào để đi tới cái mình mong muốn ?
—-
Đó là câu chuyện hôm nay về bản đồ tinh thần, nhân ngày Tết gõ cửa đến nơi.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)