Bảo chứng văn hóa quốc gia

Với hàng chục tham luận của các GS, TS, chuyên gia và nhà sưu tập nước ngoài cùng các tham luận của các nhà nghiên cứu Việt Nam hội thảo này có chất lượng tốt nhất so với các hội thảo trong nước và quốc tế về văn học nghệ thuật nước ta mà tôi từng được dự.

Các báo cáo rất công phu của các tác giả quốc tế (Mỹ, Nga, Úc, Pháp, Singapore,…) về họa sĩ chiến trường thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, về giai đoạn Hiện thực XHCN, về minh họa báo Phong Hóa và Ngày nay những năm 1930, về các phương pháp khoa học tối tân nhất được áp dụng để phục chế bức chân dung nhỏ do Trọng Kiệm vẽ những 1970-1980 bằng màu sơn dầu tự chế, về 3 họa sĩ có khuynh hướng khai thác truyền thống nghệ thuật và đời sống Tây Nguyên, về các cách triển khai hội họa trừu tượng ở TP HCM, về sự bừng dậy của nghệ thuật, sắp đặt trình diễn của các nghệ sĩ Việt Nam… làm cho cử tọa, nhất là người Việt Nam vừa ngạc nhiên vừa cảm động. Tính chuyên nghiệp, sự trân trọng, mối quan tâm sâu sắc của giới nghiên cứu nước ngoài, sự thích thú của người sưu tập nước ngoài đối với Mỹ thuật Đổi Mới làm các nhà nghiên cứu Việt Nam ngượng ngùng tự hỏi sao ta không làm được như họ. Còn các tác giả thì có phần tủi thân vì ‘người ngoài’ thì trân trọng, chân thành còn trong nước ta với nhau thì sao lại rẻ rúng thờ ơ như vậy.


Nhóm tranh Việt Nam tại triển lãm đấu giá. Nhiều người Singapore nghi ngờ về tính chân bản của những tác phẩm này.

Tiềm năng không lớn nhưng Singapore có vẻ đã coi việc trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật của ASEAN là một quốc sách. Năm 1996 khai trương SAM là một triển lãm hoành tráng mỹ thuật các nước ASEAN với các bộ sưu tập đáng nể về mỹ thuật hiện đại của các nước làng giềng, được chuẩn bị trong ba năm. Tại buổi khai trương này Thủ tướng Go lúc đó đã khuyến cáo rằng Singapore không thể chỉ là nơi có người dân giàu nhất mà phải là nơi của những người dân có văn hóa nhất. Ông nhắc nhủ quốc dân nên xem tranh, mua tranh, yêu nghệ thuật. Chính phủ khuyến khích thị trường mỹ thuật: xây các bảo tàng hiện đại và ưu tiên mặt bằng, tiền thuế để mở nhiều gallery nghệ thuật. Các nhà đấu giá Christie’s, Sotheby, Borobudur… hoạt động sôi nổi ở đây. Singapore muốn trở thành thiên đường mua sắm cả trong lĩnh vực nghệ thuật. Song song với triển lãm mỹ thuật Đổi mới trong SAM là một triển lãm lớn của Từ Bi Hồng và một triển lãm chuyên đề của Giacometti hai danh họa Trung Quốc và Italia. Họ chú trọng tới đẳng cấp quốc tế của các triển lãm và các sự kiện mỹ thuật, thách đố cạnh tranh với các trung tâm khác ở Châu Á. Ngay tại triển lãm có thể thấy hàng đoàn người già trẻ, trong nước quốc tế vào xem, ghi chép, nghiên cứu. Các hoạt động giáo dục nghệ thuật, các ấn phẩm mỹ thuật, sự chăm chút về design và mỹ thuật công cộng đã nhanh chóng trở thành một bộ phận không thể thiếu của đời sống người dân…
Một nước nhỏ mà giàu có như Singapore, rõ ràng có chiến lược, quốc sách phát triển mỹ thuật, một bảo chứng cho tầm cỡ văn hóa một quốc gia, trong chiến lược phát triển văn hóa của mình.
Còn ở ta chỉ là những bàn cãi nghiệp dư, những tranh luận vụn vặt (và tranh giành tẹp nhẹp) về mỹ thuật trong chính giới, giới kinh doanh và giới nghệ thuật.
——————
Chu Vỹ (Trung Quốc), tượng đồng, trong triển lãm đấu giá tại Singapore, giá khởi điểm từ 101.449 – 144.928 USD.

Nguyễn Quân

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)