Bàu Trúc: Làng gốm cổ nhất ở Việt Nam

Palei Hamu Craok - còn được gọi bằng tên tiếng Việt là Bàu Trúc - là một ngôi làng nhỏ ở thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) được biết đến với sản phẩm gốm truyền thống được bán hàng năm thu hút rất nhiều khách du lịch đến làng. Tuy vậy, người ta còn biết rất ít về những phương pháp sản xuất các sản phẩm và các hệ thống tín ngưỡng gắn liền với quá trình hình thành và phát triển nghề làm gốm này trong hàng trăm năm qua của người dân địa phương.


Lò gốm Chăm lộ thiên đặc trưng. Ảnh: Inra Jaya/ The Newsletter.

Chỉ cách thành phố Phan Rang-Tháp Chàm 9km dọc Quốc lộ 1A về phía Nam, làng gốm Bàu Trúc sẽ dễ bị bỏ qua nếu không có những tua du lịch thường xuyên được tổ chức đến đây. Ngày nay, làng gốm thuộc về hai khu phố của thị trấn Phước Dân: Khu phố 7 và Khu phố 12. Và với dân số gần 3000 người theo thống kê năm 2018, Khu phố 7 có thể được coi như một thị trấn nhỏ đúng chuẩn, với 94% dân cư là người Chăm. Để so sánh, Khu phố 12 chỉ có khoảng 2000 dân và chỉ có 45% là người Chăm, còn lại là người Việt.

Palei Hamu Craok là tên gốc tiếng Chăm của làng Bàu Trúc, một ngôn ngữ thuộc hệ Nam Đảo tại Đông Nam Á. Thuật ngữ palei chỉ các làng mạc và thị trấn nhỏ; hamu nghĩa là “ruộng”; và craok chỉ phần mũi đất đua ra nằm ở phía trên nơi hợp lưu hai dòng nước. Ngôi làng có lịch sử từ trước thế kỷ XII và thậm chí là từ trước thế kỷ thứ IX. Dưới triều Minh Mạng (1820-1840), nhà Nguyễn khi sáp nhập khu vực này đã đặt lại tên là “Vĩnh Thuận”, địa danh đến nay vẫn được người Việt cư trú trong khu vực sử dụng. Khi một trận lụt lớn xảy ra trong tỉnh vào năm 1964, người dân Palei Hamu Craok đã phải di chuyển khu định cư đến một khu vực gần đó, tiếp giáp một hồ nước gọi là Danaw (hồ) Panrang – với Panrang là tên gốc của người Chăm cho tỉnh lị Phan Rang. Bởi vì một nghĩa khác của panrang là “vùng có nhiều tre trúc” nên người Việt địa phương gọi khu định cư mới này là “Bàu Trúc”.1

Đặc trưng của ngôi làng này cũng tương đồng với rất nhiều các làng mạc và thị trấn Chăm trên khắp tỉnh Ninh Thuận. Trong làng có ít cây cổ thụ, trong khi ruộng lúa trải rộng ngút tầm mắt nhờ vào mạng lưới thủy lợi. Cộng đồng sống theo chế độ mẫu hệ và các gia đình sống gần nhau nhìn chung có cùng liên hệ huyết thống. Sau khi qua đời, người chết được chôn cất, sau đó cải táng làm lễ hỏa thiêu lấy 9 miếng xương trán chôn trong một nghĩa trang cổ gọi là kut. Hiện nay tại làng có 13 dòng họ và mỗi họ có từ 50-60 gia đình. Các gia đình thường sở hữu chung đất đai, chia sẻ quyền lợi và theo đó có trách nhiệm chăm sóc mộ (kut) và thờ cúng tổ tiên. Nhà ở được chọn hướng để xây theo luật tục [adat]. Có thể có nhiều khối nhà với các chức năng khác nhau trong một cụm công trình nhà, trong đó có một sang yé [nhà tục], một hoặc hai sang mayau [nhà song], một sang tuai [nhà khách], một hoặc hai sang gar [nhà ngang, chỉ có một tầng], và một sang ging [nhà bếp]. Mỗi nhà còn có một cái giếng đặt ở phía Đông và một vườn rau liền phía Đông Nam. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, lối xây nhà theo truyền thống đã dần biến mất và được thay thế bằng lối xây nhà hiện đại kiểu Âu-Á  như của người Việt.

Hồn của nơi chốn: Cảm hứng linh thiêng trong gốm

Cho dù khởi nguyên của Palei Hamu Craok giờ đã bị khuất bóng trong lịch sử, những cư dân ngày nay của làng vẫn có một ý thức chung về cội nguồn của họ. Đa số người dân coi mình là con cháu của một vị thần tổ là Po Klaong Can. Po Klaong Can là một vị quan dưới triều Po Klaong Garai – một tiểu vương Champa trị vì xứ Panduranga từ năm 1151-1205. Po Klaong Can là người giúp người dân đánh đuổi kẻ thù và đưa họ đến lập làng ở vùng đất mới: đó chính là Hamu Craok. Ông chỉ cho dân làng chỗ tìm đất sét và dạy họ nghề làm gốm. Nhờ công đức này, người dân tôn ông làm “Thần Gốm” và xây cho ông một đền thờ. Ngôi đền, hay Danaok Po Klaong Can, được tọa lạc tại một khu đất cao ‘giữa cánh đồng làng  [tambok min]. Đến năm 1967, người ta dời đền từ làng cũ [palei klak] về địa điểm mới ở vị trí cách làng mới 2km. Năm 2014, khi đền mới bị hư hại bởi thời tiết, dân làng cũng góp quỹ để trùng tu đền – Công trình hiện tại bao gồm hai phòng (diện tích 10×8m) được đỡ bởi ba bộ kèo mái, với cửa chính quay về hướng Đông. Chính điện (3×8m) có gian thờ chính bao gồm một đài linga-yoni bằng đá (cao nửa mét) với chân dung Po Klaong Can tạc trên khối linga. Một bàn thờ đá nhỏ hơn (cao 0,4m) về phía bên trái dành cho vợ của thần, là Nai Hali Halang Tabang Mâh (còn thường gọi là “Po Nai”). Về phía bên phải lối vào đền là một tượng thần bò nandin, vật cưỡi của thần Shiva. Những bức tượng này được lấy từ phế tích một ngôi đền khác có từ thế kỷ 9 sau khi nó bị phá hủy bởi “quân Jawa” tại nơi là xã Phước Hữu.2 Tuy nhiên, người dân chỉ sở hữu những cổ vật này từ sau năm 1967.

Phương pháp làm gốm Chăm truyền thống truyền lại từ Po Klaong Can và luôn phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên, dựa trên sự cân bằng thích hợp của nắng, gió, và mưa. Đây là tín ngưỡng dân gian, người ta tin rằng các thế lực tâm linh có khả năng điều khiển thời tiết tạo ra sự ảnh hưởng trực tiếp, quyết định đến sự thành công trong sản xuất gốm. Trong tôn giáo tín ngưỡng Chăm, thế lực thần linh có quyền năng ban phước hay trừng phạt từ cá nhân, gia đình, hay cả cộng đồng. Bởi vậy, một số thợ gốm còn làm những lễ vật nhỏ như cơm, rượu, trứng, trầu cau, trái cây, bánh và các món khác để cúng hằng ngày tại các miếu thờ gia đình.

Họ cũng chuẩn bị những mâm cúng phong phú và xa hoa hơn, như là bánh, cơm, canh, rượu trắng, thịt dê, thịt gà, trứng, hoa và quả để dâng lên cho các thần linh ở đền thờ. Mỗi năm họ dâng cúng đến bốn  lần trong các dịp như Lễ mở cửa tháp [Péh mbang yang] vào tháng đầu tiên trong năm theo lịch Chăm, Lễ cầu đảo thần lửa [Yuer yang] vào tháng thứ tư, Lễ Katé vào tháng thứ bảy, và Lễ các nữ thần, hay Lễ Chabun [Ca-mbur] trong tháng thứ chín của lịch Chăm. Dù bốn ngày lễ này cũng được tổ chức tại nhiều đền tháp khác trong vùng nhưng  ý nghĩa của chúng đã được bản địa hóa riêng. Đối với Palei Hamu Craok: việc bảo tồn kiến ​​thức thiêng liêng về nghề làm gốm là trung tâm của các lễ. Nghi lễ tín ngưỡng cũng là lời nhắc nhở thế hệ trẻ phải gìn giữ nghiệp tổ, và phải luôn biết ơn những bàn tay khối óc của những người đi trước.

Kỹ thuật gốm hoàn thiện qua thực hành

Người làng Palei Hamu Craok tin rằng Po Klaong Can là một nhân vật lịch sử, một vị thần đã dạy cho dân nghề gốm trong thế kỷ 12 và 13. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà nghiên cứu mỹ thuật, nhà sử học, nhân học và khảo cổ học thì rất nhiều các đặc trưng của kỹ thuật làm gốm thực hành bởi dân làng có nguồn gốc từ các kỹ thuật cổ trong văn hóa Chămpa hay thậm chí là từ văn hóa Sa Huỳnh (cách nay khoảng 3000 năm). Sự tương đồng về quy trình làm gốm, hình thức gốm, và phương pháp nung gốm ngoài trời có thể được tìm thấy tại các di chỉ Sa Huỳnh. Vấn đề này đã khiến nhiều học giả gợi ý rằng các kỹ thuật gốm Bàu Trúc có lẽ có lịch sử lâu đời nhất tại Đông Nam Á.3

Dù vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn do thiếu các nghiên cứu so sánh, chúng ta vẫn có thể cho rằng Palei Hamu Craok là trung tâm sản xuất gốm cổ nhất còn hiện tồn ở Việt Nam hôm nay. Các địa điểm nơi có niên đại sớm hơn đều không còn duy trì nghề sản xuất gốm truyền thống nữa, dù cho những nguyên liệu để sản xuất gốm Bàu Trúc đều rất đơn giản. Người thợ chỉ cần có nguồn cung đất sét, cát, than củi, rơm rạ và vỏ trấu để nhóm lửa. Trộn với đất sét lấy từ sông Quao (3km về phía Tây Bắc) là cát có các vi hạt lithium bồi lắng từ các sông suối xung quanh nhờ mùa mưa. Đặc trưng này của đất đáng chú ý bởi vì nó có độ kết dính cao. Hơn nữa, nguồn đất không bao giờ bị khan hiếm. Người dân khai thác đất sét từ mỏ một cách tiết kiệm và nguồn đất có thể phục hồi một cách tự nhiên. Để lấy đất, thợ gốm đào các hố sâu 0,5-0,7m trên 1 mét vuông diện tích bề mặt. Sau khi lấy đất, hố được lấp đi và người ta trồng lúa ngay trên đất đó. Sau đó khoảng sáu tháng nhờ mùa lũ hằng năm, người ta sẽ lại có thể đào đất mới.

Nghệ nhân nặn gốm hầu như hoàn toàn bằng tay. Họ chỉ sử dụng những công cụ đơn giản nhất. Ảnh: Inra Jaya/ The Newsletter

Đất sét sau khi lấy về được phơi khô và ngâm trong nước dưới hố trong khoảng 12 giờ. Sau đó, đất sét được trộn với cát với tỷ lệ 1:1. Thợ gốm sẽ dùng chân và tay để nhào đất [juak halan] cho đến khi dẻo. Một số công cụ tay cũng được sử dụng nhưng chỉ là công cụ tối giản truyền thống như vòng quơ tre lớn dùng để uốn hình cung cho đất sét thô bóng [kagoh], vòng tre nhỏ hơn để cạo mỏng thân đất sét [tanuk], dao để cắt và khắc hoa văn trang trí [dhaong], que chọc lỗ trên đất sét [tanay], một miếng vải nhỏ để láng bóng bề mặt của sét ướt [tanaik], và một chiếc lược dùng để tạo các hình sóng [tathi].4

Các công cụ được sử dụng liên tục trong cả bốn công đoạn. Công đoạn đầu tiên là tạo dáng gốm cơ bản [padang gaok], trong đó đất sét được nặn thành hình một “quả bí” [kaduk] đặt trên một hòn kê bằng chum gốm [taok jek]. Bắt đầu từ đáy kaduk, người thợ gốm dùng tay để nặn ra hình dạng cơ bản của gốm (cao 20-30cm). Tiếp theo, thợ gốm nâng dần kích cỡ khối, ráp nối đế và nâng thân gốm cao dần lên ở các mặt. Họ sử dụng kagoh chải quanh thân để làm sạch dấu vân tay, làm mịn phần thân và miệng gốm, trước khi chà thân gốm bằng vải cuộn (tanaik), do đó làm cho đất sét bóng láng.

Ở bước thứ hai, người thợ gốm tạo bề mặt thân gốm cho trơn [tanaik uak gaok]. Thợ gốm sẽ quấn tanaik quanh tay và nhẹ nhàng thấm vào nước trước khi chà đi chà lại thân gốm và tạo hình miệng gốm, thường là hình chuông hoặc hình khum, với một đường gân đứng, quanh toàn bộ phần ngoài của mép miệng gốm. Đến bước thứ ba, các họa tiết trang trí được thêm vào [ngap bingu hala]. Người thợ cũng có thể dùng một mảnh vải khác, vỏ sò, hoa hoặc thậm chí là lá cây để tạo hoa văn họa tiết.

Các họa tiết truyền thống bao gồm đường răng cưa, hình sóng, hoa văn thực vật và vô số họa tiết biển tạo ra bởi vỏ sò. Khoảng 10 năm trở lại đây, do nhu cầu của thị trường, những mẫu này đã trở nên tinh vi hơn nhiều. Các họa tiết người và động vật theo phong cách mỹ thuật Champa cổ dần được bổ sung vào danh sách kiểu dáng. Và đến bước cuối cùng [kuah gaok], sản phẩm được đặt lên giàn để phơi khô trước khi được đưa vào chỗ râm để tránh ánh nắng gắt làm gốm nứt vỡ. Sau khi khô hoàn toàn, thợ gốm sẽ cạo phần đáy gốm bằng vòng quơ [tanuh] và sau đó là công đoạn nung gốm có thể bắt đầu.

Theo nghiên cứu của các nhà nghiên cứu mỹ thuật, nhà sử học, nhân học và khảo cổ học thì rất nhiều các đặc trưng của kỹ thuật làm gốm thực hành bởi dân làng có nguồn gốc từ các kỹ thuật cổ trong văn hóa Chămpa hay thậm chí là từ văn hóa Sa Huỳnh (cách nay khoảng 3000 năm).

Gốm Chăm chỉ được nung ngoài trời nên không cần lò nung. Nguyên liệu nung gồm có củi lấy từ rừng vào mùa khô với rơm rạ và trấu lấy từ ruộng sau thu hoạch. Những người thợ gốm xếp các sản phẩm gốm theo thứ tự kích thước, các món lớn hơn ở dưới và nhỏ hơn ở trên, tạo thành một cấu trúc hình khối khổng lồ. Các sản phẩm này sau đó được bao quanh bởi các cây củi khô (cao 20-30cm) và cả đống được phủ bằng rơm rạ trộn trấu. Củi bắt lửa tốt hơn, nhưng rơm cháy đều hơn và giúp củi cháy nhanh, thế nên sự kết hợp này đảm bảo rằng lửa sẽ cháy nhanh, nhiệt cao và cháy liên tục trong khoảng 2 đến 3 giờ. Sau khi nung xong, một loại nước sơn chiết từ thực vật được dùng để trang trí sản phẩm cho đẹp thêm nếu muốn. Quy trình sản xuất sau cùng tạo ra một loại gốm truyền thống hầu như vượt thời gian bởi những người thợ gốm sử dụng nhiều kỹ thuật tinh vi nhưng tất cả đều là thủ công. Từ việc chuẩn bị lấy đất sét, tạo hình  cho đến nung gốm, người thợ gốm làm việc hoàn toàn bằng tay với sự hỗ trợ của các công cụ rất thô sơ. Kỹ năng của thợ gốm Palei Hamu Craok phải được tinh chỉnh qua nhiều năm rèn luyện mới có thể tuân thủ chính xác từng bước qui trình  chế tác gốm, từ ngày này qua ngày khác, từ năm này sang năm khác.

Mỹ thuật hiện đại trong phong cách và loại hình (gốm)

Có khoảng năm loại hình chính trong đồ gốm Bàu Trúc mà chúng tôi có thể sắp xếp theo kiểu dáng và chức năng của từng món. Đầu tiên là những nồi lớn [gaok praong] và nồi nhỏ [gaok asit] thường được sử dụng để nấu ăn hay để trữ nước. Loại này có đáy tròn, miệng nhỏ và thân tròn tương đối lớn. Chúng thường cao ít nhất là 20cm, với đường kính gần đáy nồi trung bình 15cm với đường kính miệng khoảng 5cm. Thành của nồi loại này thường dày khoảng 0,8cm.

Loại thứ hai là niêu – hay còn gọi là klait hay glah – có miệng hình chuông, cổ ngắn, vai gốm xuôi xuống phần thân dày dặn với đáy tròn nhỏ hơn. Chúng chỉ được sử dụng để nấu ăn và có kích thước tương đối xác định: cao 20cm, đường kính miệng 10cm, thành dày trung bình 1cm.

Thứ ba là thạp và lu [jek và khang] được dùng để chứa đủ thứ, từ nước đến muối, gạo. Chúng hơi tròn ở chân, với miệng khum dựng đứng, cổ đứng, vai dốc và thân tròn – với chiều cao thường là 40cm, đường kính miệng 15cm, và thành gốm thường dày 1,2cm.

Những chiếc nồi trong nhóm thứ tư không có số đo đặc biệt chuẩn, chủ yếu được làm bằng gốm thô có thể có gắn quai, với hai đến ba “chân đế”. Chúng có miệng khum đầy đặn, nông và có đáy phẳng. Chúng chủ yếu được sử dụng làm bếp di động [wan laow buh njuh] hay bếp nướng [wan laow dhan], có thể đặt nồi lên trên để đun. Ấm nước cá nhân [kadhi] cũng thuộc loại này. Cuối cùng là đồ chơi và vật trang trí, vốn dành cho trẻ em hay để treo trong nhà. Chúng thường có hình tượng hay họa tiết động vật, chẳng hạn như trâu [kabaw], bò [limaow], con người [manuis] và các nhạc cụ giống như kèn [halan padet].

Dù về mặt lịch sử, ba nhóm loại hình đầu tiên được sản xuất nhiều nhất, kiểu dáng cũng đã trải qua những thay đổi đáng kể trong hai thập niên qua. Vào khoảng cuối những năm 1990, để bắt kịp nhu cầu sản xuất, ngày càng có nhiều nam giới chuyển sang nghề gốm, vốn là một nghề truyền thống dành cho phụ nữ. Hơn nữa, nếu như trước đây các loại sản phẩm phổ biến nhất là nồi nhỏ [gaok gom, klait] dùng để nấu canh trên các nồi bếp lớn hơn, và các hũ đội nước [buk], các đồ trang trí ở loại thứ năm lại đang được sản xuất ngày càng nhiều. Chúng cũng đang hòa trộn với những kiểu dáng khác, như những chiếc thạp lu “truyền thống” giờ ngày càng được trang trí công phu. Bình hoa, các loại lu đựng nước, hộp đèn, tượng các vị thần của văn hóa Chăm gắn với quần thể đền tháp Chămpa như thần Shiva, thần Nandin, Brahma, Vishnu, hay vũ nữ Apsara cũng trở nên phổ biến. Những thiết kế mới này chắc chắn thể hiện mong muốn đáp ứng nhu cầu thị trường của gốm Chăm làng Palei Hamu Craok. Nhưng đồng thời, chúng cũng đại diện cho lợi ích phục hưng văn hóa của chính các nghệ nhân, những người đang kết nối với văn hóa Chămpa cổ điển thông qua các tác phẩm của mình. Kết quả là những thiết kế mới vừa mang tính sáng tạo bởi một thế hệ các nghệ nhân trẻ mới, với các tác phẩm của họ giờ đã trở nên phổ biến ở các đô thị khắp miền Nam Việt Nam và hiện được sử dụng để trang trí nhà cửa, quán cà phê, nhà hàng, khách sạn và các khu nghỉ dưỡng.6 Những tác phẩm này đã trở nên phổ biến đến mức, từ năm 2010, các lô hàng gốm Palei Hamu Craok thường xuyên cũng được xuất khẩu ra nước ngoài.

Quả thực, quá trình làm gốm truyền thống có lịch sử hàng thế kỷ, lấy cảm hứng từ vị thần Po Klaong Can, đích thực đã trở thành một di sản phi vật thể của thế giới.□

Tuấn Quang dịch

Bài gốc tiếng Anh: “Bàu Trúc: The oldest extant pottery village in Vietnam, and possibly Southeast Asia”, The Newsletter, No. 84, Autumn 2019, 12-13.

Các tác giả:

PGS.TS Trương Văn Món (Sakaya), cán bộ Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, là tác giả của nhiều cuốn sách về văn hóa Mã Lai – Đa Đảo và văn hóa Chăm, trong đó có cuốn “Huyền thoại và Truyền thuyết Chăm” (Hà Nội: Tri Thức, 2018).

PGS. TS. William B. Noseworthy, đến từ Khoa Lịch sử, Đại học McNeese, thuộc Đại học Louisiana, Lake Charles. Anh là tác giả của nhiều bài báo và chương sách về lịch sử Đông Nam Á và là đồng biên soạn với PGS. Văn Món trong Từ điển Chăm-Việt-Anh (Hà Nội: Tri Thức, 2014). Anh đang thực hiện một cuốn sách mới mang tên “Gods of the Soil”.

Tài liệu trích dẫn:

(1) Văn Món, Nghề gốm cổ truyền của người Chăm Bàu Trúc – Ninh Thuận, (Hà Nội: NXB Văn hóa Thông tin, 2001), 11; Sakaya, Gốm Chăm Bàu Trúc – Ninh Thuận, (Hà Nội: NXB Tri Thức, 2015), 8.

(2) H.Parmentier, Description of monuments in Central Vietnam, (Paris: EFEO, 1948), 89; R.C. Majumdar, Champa – Hindu Colonies in the Far East [Book III – Inscriptions Champa], (Calcutta, 1965), 71.

(3) Vũ Công Quý. Văn hóa Sa Huỳnh (Hà Nội: NXB Văn hóa Dân tộc, 1991); Trịnh Sinh. “Từ gốm Sa Huỳnh đến gốm Chăm” (tham luận tại Hội thảo Quốc tế về Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm, 2018).

(4) Sakaya. “Gốm truyền thống của người Chăm Bàu Trúc”. Tạp chí Xưa & Nay, số 275-276, 2007, tr.27, 28 & 30.

(5) Văn Món & Phạm Thị Tình, “Sự phát triển làng nghề gốm Bàu Trúc trong bối cảnh xây dựng Nông thôn mới hiện nay”, trong Kỷ yếu hội thảo Nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, (TP HCM: ĐHQG TP.HCM & UBND tỉnh Đồng Tháp, 2013), 192-206.


 

 

 

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)