“Bây giờ là bây giờ. Lần tới là lần tới.”
Trong sự đa thanh đa dạng của thành phố, có bao nhiêu ồn ào thì bấy nhiêu lặng lẽ, có bao nhiêu thời thượng thì bấy nhiêu lưu cữu hoài niệm. Có bao nhiêu ánh sáng thì có bấy nhiêu bóng tối, vấn đề người ta nhiều khi chỉ quan tâm chỗ ánh sáng bò lan vào bóng tối, mà không chú ý cái ánh sáng đang vùng quẫy trong ánh sáng, cái bóng tối lồng đậm vào bóng tối. Wim Wenders thu vén vào trong từng khung hình vuông của “Perfect days” (2023) những ngày phẳng lặng của một cuộc đời khiêm nhu, kẻ độc thân ngót nghét tuổi hưu trí, ăn cơm hàng đọc sách cũ, nghe cassette mỗi ngày và tưởng spotify là một cửa hàng băng đĩa. Không thẩy kịch tính làm rộn lòng ướt mắt, hạnh phúc không phải khu vực cần băng qua đường hẹp đau khổ mới đến được, “Perfect days” là một phim đời ở chính chỗ cuộc đời không bị đánh úp bằng sự biến và điện ảnh không với đòi giấc mơ cho hiện thực bằng tiếng gọi số phận.
Nghĩa là, sự cân bằng đã có sẵn ở đó. Nhân vật không có cuộc chiến nào phải chiến đấu, vấn đề nào phải giải quyết, chúng ta xem bộ phim về ông Hirayama ngày ngày dọn các nhà vệ sinh công cộng. Wim Wenders, đạo diễn cự phách của Đức, chọn khám phá một tâm hồn Nhật trong một thành phố Nhật, trước nhất qua công việc dọn dẹp kia, chẳng phải là cái nháy mắt thích thú với những điều Junichiro Tanizaki, nhà văn cự phách của Nhật, đã tán tụng trong tuyệt bút Ca tụng bóng tối (NXB Tổng hợp tp Hồ Chí Minh, Trịnh Thùy Dương dịch) rằng “Tổ tiên của chúng ta, thi vị hóa tất cả mọi thứ trong đời sống, đã biến nơi mà lẽ ra là kém vệ sinh nhất trong nhà thành một nơi tao nhã không gì sánh được, tràn đầy những liên tưởng với những vẻ đẹp của tự nhiên” sao? Tất nhiên nhà vệ sinh gỗ tranh tối tranh sáng trong khu vườn Nhật của Tanizaki khác với những nhà vệ sinh công cộng muôn hình vạn trạng, độc nhất vô nhị ở Tokyo mà ông Hirayama phải chăm lo, nhưng để mang lại “niềm khoái cảm sinh lý” như nhà văn Natsume Soseki đã nhắc, Tanizaki đã nhiều lần viện dẫn, chắc chắn “giữ sạch nhà vệ sinh là một nhiệm vụ không dễ tí nào.” Trong sự tích hợp duyên dáng, chúng ta ngạc nhiên trước những nhà vệ sinh độc đáo như những tác phẩm nghệ thuật công cộng khi ông Hirayama và chiếc xe hơi tàng tàng của ông dẫn đến ở phút trước thì ở phút sau chúng ta nhẫn nại tham gia cùng ông trong việc lau chùi từng khe mảnh không gian, mẩu nhỏ vật dụng như theo dõi một cái tutorial video trên mạng xã hội. Nếu những người ghé ngang đời ông Hirayama ngạc nhiên thương cảm “vẫn làm công việc dọn nhà vệ sinh đó à?” thì xin thưa nó vẫn là một chu trình đôi khi kiệt sức nhưng chưa hết nhiệt huyết.
Làm sạch, nhu cầu tự nhiên mà thẩm mỹ, hoạt động thường tình mà kì lạ. Nhà làm phim đã sống dậy việc làm sạch trong nhiều trạng huống: con đường được quét lá lúc tinh sương, bộ râu được cắt tỉa, thân thể được kì cọ tắm rửa, chậu cây non được phun tưới, thành phố được đổ vào cơn mưa chiều…và in dập vào nghề nghiệp của ông Hirayama khiến người có vẻ đẹp tự thân ấy, tuồng như không phụ thuộc mà lại dính mắc đến người khác rất nhiều. Với đồng nghiệp trẻ tuổi trễ nải, qua quýt trong công việc, khấp khởi trong tình yêu; với những công dân thành phố vội vã cẩu thả; với cháu gái mới lớn vừa bỏ nhà muốn theo chân cuộc sống của ông, với gã điên với cô gái u sầu, với kẻ ẩn mặt rủ chơi một ván cờ, với người đồng niên mắc căn bệnh hiểm nghèo tìm ông giãi bày nhờ cậy … với tất thảy người quen kẻ lạ, ông Hirayama đều lấy sự nhẫn nại bao dung, thẳng thắn hóm hỉnh để đối đãi, săn sóc. Ông Hirayama không thân ái một cách ồn ào mà nhân ái một cách lặng lẽ. Chính sự chú tâm vào công việc, ân cần nơi con người như một phẩm hạnh đã giúp ông sống một mình mà không lạc loài, giúp nhìn thấy những điều người khác dễ bỏ qua hay cho là quái gở. Ông Hirayama được nhận nụ hôn vội của cô gái trẻ, bàn tay vẫy chào của đứa trẻ, lời cảm ơn cho một ngày làm việc chăm chỉ khi những người phục vụ quán ăn mang đến ly nước mát, người cháu phát hiện ra giúp ông cái cây ông say mê chụp hình là bạn của ông.
Với đa số nhân vật khác, ông Hirayama có thể là một case khó hiểu vì họ không có được cái tự tại ông có. Cái tự tại được tổ chức trước hết ở tốc độ sống riêng biệt của chủ thể sống cần mẫn mỗi ngày: “Chậm rì, chậm rì/ kìa con ốc nhỏ/ trèo núi Fuji” (thơ haiku của Kobayashi Issa, Nhật Chiêu dịch). Đạo diễn Wim Wenders vừa khắc nhập ông Hirayama với con ốc của Issa vừa bỏ nhỏ những ý vị mới mẻ vào đường trường cuộc sống thường nhật, ngày đêm sáng tối ngày đêm sáng tối, tuồng như đã cũ mòn. Không làm thời gian giảm đi, không gian nhỏ lại, những ngày của ông Hirayama triển nở nhúng tẩm nỉ non xưa cũ New Orleans trong The House of the Rising Sun của The Animals – bài hát ông nghe sáng qua, đụng độ thế giới hư cấu New Orleans trong The Wild Palms của William Faulkner- cuốn sách ông đọc tối nay… và cấu kết với những đêm chiếu lại những khắc dấu vân vi ban ngày dưới dạng âm bản của nó, những giấc mơ mang phông nền tán cây. Cái nhịp sống thường tình ấy chẳng phải những ngày hoàn hảo sao, nên ông Hirayama cũng dí dỏm không vừa, ông đáp lời rủ rê đi chơi biển vào lần tới của người cháu gái, như đáp lời mời khấp khởi của thì tương lai, “Bây giờ là bây giờ. Lần tới là lần tới” vì với ông Hirayama cái bây giờ vẫn nô nức cho năng sản ánh nhìn, cử điệu. “Bây giờ là bây giờ. Lần tới là lần tới”, đó cũng là lí do ông tức thì trả lời người đàn ông tuyệt vọng câu hỏi trẻ thơ “Bóng tối lồng vào bóng tối liệu có đậm tối hơn?” bằng cách cho bóng mình lồng vào bóng người kia, rủ chơi trò mình đuổi bắt bóng người kia.
Thoái lui khỏi mớ hỗn độn của cuộc sống để thưởng thức phong vị cuộc sống, ông Hirayama giữ cho những đam mê sách vở, âm nhạc, chụp hình, cây cối dưới dáng vẻ thói quen thường trực. Bằng sự chuyên tâm lặng lẽ, ông Hirayama là một nhân viên mẫn cán, và cũng mang một tâm hồn nghệ sĩ đa cảm trìu mến. Nghệ thuật sống từng ngày của ông vừa ướm với lời nhận xét chớp nhoáng của bà chủ tiệm sách cũ về cuốn sách ông mua, cuốn Icủa Aya Koda: “Mặc dù cô ấy chỉ dùng những từ và những câu thông thường để viết nhưng cuốn sách lại rất giàu hàm ý.” Và ngạc nhiên chưa, đó chẳng phải là ngón nghề của Wim Wenders trong Perfect days hay sao? Cách mà Wim Wenders “chỉ dùng” những hành động, cảm xúc, khuôn hình, chuyển động thông thường để hấp dẫn và đồng cảm chúng ta là cách thức trình hiện những gì đã tồn tại trước đó, sự lặp lại mọi sự trong các đối cực của chúng. Một bộ phim tập trung và chi tiết, khơi ra được ở những dáng hình khác biệt cái cảm giác đồng điệu. Một bộ phim lắng đọng ngay trong lúc đang trôi chảy, làm ra không chờ đợi, không vọng ngóng bởi trong cái khung hình chặt chẽ, mọi thứ đã ở đó, giàu có cho nhân vật và chúng ta.
Âm nhạc là yếu tố quan trọng thứ hai của bộ phim, nó gồm những bài hát nổi tiếng, ẩn cư trong gia tài cassette của ông Hirayama, thường thì ông Hirayama quay băng bỏ vô máy, ông ta nghe thì chúng ta được nghe. Đó là âm nhạc của những tâm hồn phiêu dạt, của thời đại quá vãng nên nó là phương tiện ngắn nhất, một dạng cỗ máy thời gian đưa ta trở lại cái thời đại ta muốn sống. Nó thành ra một thứ kí ức chung của ông Hirayama và khán giả của Wim Wenders, là hành khúc đưa chúng ta cùng ông Hirayama lên đường làm việc, là lời rù quến một kẻ hậu bối mê mẩn tiền bối, là chiếc chìa vừa tìm đúng ổ khóa, nó thù tạc một hành xử, hồi đáp một trớ trêu. Khi ông Hirayama vét ví đưa tiền cho cậu đồng nghiệp trẻ tuổi đang van nài sự hỗ trợ để tán gái như cách ông tự cứu chuộc chiếc băng Lou Reed mà cậu này khăng khăng bán, thì ở cảnh sau chiếc xe của ông Hirayama hết xăng. Khi ông Hirayama cầm lòng bán đi chiếc băng Lou Reed đồng nghĩa với việc ông sẽ vĩnh viễn không còn nghe bài hát Perfect day trứ danh thì ở chỗ không ngờ Wim Wenders đã khách quan hóa thính giác của người xem, bài hát Perfect day của Lou Reed vang lên trên khuôn hình, như cách người làm phim ở thế giới bên ngoài đưa bàn tay vỗ về nhân vật trong thế giới phim vậy.
Gương mặt của ông Hirayama là yếu tố quan trọng thứ nhất của bộ phim, nó đã nhờ cậy thành công vào tài diễn xuất của diễn viên kì cựu Koji Yakusho. Gương mặt là biểu thị người độc nhất lại hòa nhập, rất thành thực lại ưa xa vắng. Gương mặt là phương tiện nhận biết bản thân, kẻ khác, môi trường, và cũng là kết quả của sự tri nhận ấy. Vì được Wim Wenders hào phóng cho thấy gương mặt ông Hirayama thật tập trung, riêng tư nên dù chủ nhân của gương mặt có kiệm lời, trầm tính thì với chúng ta ông cũng không hề khó hiểu. Gương mặt bình lặng mà không ngại dạt dào cảm xúc, nơi nghĩ suy và phản ứng được đưa ra lúc nào cũng làm khuôn hình có cái vẻ đẹp của sự cân bằng an tâm. Gương mặt ông là hát, là cảm ơn, là tán thưởng, là tin cậy, là tinh nghịch, là cương quyết, và đôi khi là tuyệt vọng trước cái bất khả. Thường xuyên thư thái, ông Hirayama cũng khóc hai lần, một khi nghe tin về người cha, và lần khác vào buổi sáng cuối cùng của bộ phim. Buổi sáng ấy làm chúng ta nhớ đến buổi sáng cuối cùng trong bộ phim Viva Lamour (1994) của Thái Minh Lượng. Người phụ nữ của Thái Minh Lượng đi ra công viên và ngồi khóc ròng chục phút vào buổi sáng vì cô lại có thêm một ngày y như ngày hôm qua hôm mốt để một thân một mình đói thèm tình yêu và lo toan tất tả. Ông Hirayama của chúng ta cũng khóc cười nhiều phút vì miên man những ngày êm đềm đã trải, hay vì thoáng hồi hộp với hạnh phúc sẽ cất dựng, thoáng bất an khi nghĩ đến rủi ro có thể vỗ cánh đâm vào ngày mai, chúng ta không chắc, nhưng ta đoan chắc ở đó có niềm vui đang sống ngày hôm nay khi Nina Simone cất tiếng ca Feeling Good trong buồng lái.
Nếu chúng ta có phải lòng nghệ thuật của Wim Wenders cũng như thế giới của ông Hirayama thì điều thực tập trước nhất là chấp nhận “Thế giới này được tạo thành bởi nhiều thế giới khác nhau” như lời ông dành cho cô cháu gái, “tôn trọng tôn giáo và đội bóng của người khác” như lời ông nghe ở quán ăn quen. Để khi chúng ta chứng kiến và tin sự đa dạng vô cùng, cá nhân hóa vô cùng, chúng ta có thể hoài nghi liệu còn chỗ cho những điều phổ quát? Với người viết bài này, kẻ đã nắn nhịp sống của mình ít nhiều theo cái thế giới của ông Hirayama, thì điều phổ quát nhất chính là cái bây giờ của nhân loại đang sống. Cả cái bây giờ của nhân loại đau khổ trong câu Phúc Âm “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6, 33 – 34) Và cả cái bây giờ của nhân loại hạnh phúc trong câu Kiều: “Tưởng bây giờ là bao giờ?/Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao.”□