Benedict Anderson: Người sống bên ngoài những đường biên

Khi viết hồi ký của mình, ông tự đặt tựa đề “Một cuộc đời bên ngoài các đường biên”. Tựa đề này, ông tự giải thích, xuất phát từ một câu chuyện ngụ ngôn phổ biến ở khắp các nước Đông Nam Á: chuyện con ếch ngồi đáy giếng. Hình ảnh về con ếch dưới đáy hình dung bờ miệng giếng là cả vũ trụ theo ông phản ánh bài học về “tư duy hạn hẹp, cục bộ, an phận thủ thường vô căn cứ”. Con người ông, khác với con ếch ngụ ngôn, “chẳng ở nơi nào được đủ lâu để có thể ổn định lại đó.”

Benedict Anderson (1936-2015). Nguồn: The New York Times.

Đó cũng là bài học mà ông luôn mong muốn các sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ học được. Đó là phải vượt ra ngoài khuôn khổ, tìm kiếm những cách tư duy lịch sử một cách sáng tạo, vượt qua các khuôn mẫu bằng cách huy động lòng can đảm trí tuệ và năng lượng để nhìn vào lịch sử và chính trị theo những cách mới và có tính phê phán. Nói cách khác, là phải bước ra khỏi miệng giếng, “để có thể nhìn thấy bầu trời rộng lớn phía trên mình.”

Tuổi trẻ xê dịch

Dù dành cả đời nghiên cứu về chủ nghĩa dân tộc, thật khó có thể nói rằng Benedict Anderson mang một quốc tịch nào cụ thể. Sinh năm 1936 tại Côn Minh, Trung Quốc, nơi cha ông, James O’Gorman, một người Ailen lai Anh làm việc cho Vụ Hải quan Hàng hải Trung Hoa, một cơ quan thu thuế thực dân lập ra sau Chiến tranh Nha phiến 1854. Cùng với cha, ông lớn lên với mẹ Veronica và cô bảo mẫu người Việt được gia đình gọi là “Dì Hai”. Mẹ ông từng nói với ông, bởi dì Hai, thứ tiếng đầu tiên cậu bé Ben nói được “là tiếng Việt, chứ không phải tiếng Anh.” Khi ông mới lên 3 tuổi, vào năm 1941, cả gia đình đã phải di chuyển tới California sinh sống khi chiến tranh Thái Bình Dương bắt đầu leo thang.

Cậu bé Benedict Anderson và Dì Hai ở Côn Minh, Trung Quốc. Nguồn: Verso.

Khi chiến tranh kết thúc, gia đình một lần nữa dời đến quê nội Ailen. Cha ông mất sớm, để lại mẹ ông một mình chăm sóc cho ba người con: ông, em trai Perry và em gái Melanie. Dù nhiều thành viên trong gia đình là những người Ailen theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng vì là người Ailen lai Anh, gia đình họ sống dưới tư cách nhóm thiểu số đặc quyền, có địa vị kinh tế nhưng bị kỳ thị và loại trừ khỏi bản sắc Công giáo của nhà nước. Bởi vậy, đến khi mất, Anderson vẫn mang hộ chiếu Ailen, ông coi đó là sự tưởng nhớ đến người cha hơn là sự xác nhận về một tổ quốc đích thực.

Bà Veronica, một người Anh, cũng để tách ông ra khỏi ảnh hưởng của giáo dục Ailen, đã sớm cho ông và các em theo học trường tiếng Latin. Tài năng ngôn ngữ của anh em Anderson được bộc lộ từ rất sớm, nhưng người con cả của gia đình mới là chuyên gia ngôn ngữ thực sự: Benedict đến cuối đời, nếu không tính đến tiếng Latinh và Hi Lạp ông học từ nhỏ, có thể đọc được tiếng Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha, Nga và Pháp và có thể giao tiếp bằng tiếng Indonesia (“gần như hoàn hảo”), tiếng Java, tiếng Tagalog và tiếng Thái.
Nhờ thành tích học tập xuất sắc, ông và em trai giành được học bổng tại Eton và sau đó là Khoa Cổ điển – Đại học Cambridge, những trung tâm học thuật danh giá nhất nền giáo dục Anh Quốc. Năm 1956, khi còn là sinh viên tại Cambridge, ông bị thu hút các cuộc biểu tình xoay quanh cuộc khủng hoảng Suez khi quân đội Anh-Pháp đánh chiếm kênh đào từ chính quyền Ai Cập độc lập của Nasser – và thấy mình đứng về phía các sinh viên châu Á chống chủ nghĩa đế quốc, nhiều người trong số họ, cũng giống ông, sinh ra từ trong lòng các xứ thuộc địa cũ của nước Anh.

Với Indonesia

Dù dành phần lớn đời mình làm việc tại Hoa Kỳ, cũng không hề đúng khi nói rằng ông trở thành một người Mỹ. Benedict Anderson lần thứ hai đến Mỹ bằng một cơ hội bất ngờ để theo học thạc sĩ Chính trị học tại ĐH Cornell, nơi mà nghiên cứu khu vực học đang bùng nổ bởi nhu cầu nghiên cứu chính sách của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang leo thang. Cũng tại Cornell, nhờ ảnh hưởng của các giáo sư lớn như John Echols, Claire Holt, Harry Benda hay George Kahin, ông tiếp nhận những cảm hứng để tìm hiểu về Đông Nam Á, và đặc biệt là Indonesia, nơi sẽ được ông coi như quê nhà thứ hai.

“Ngay cả khi ngủ, tôi cũng thường mơ bằng tiếng Indonesia”, ông minh họa cách mình gắn bó với đất nước vạn đảo. Dưới thời kỳ cầm quyền của Sukarno sục sôi các hoạt động chính trị, Indonesia thực sự là một mảnh đất màu mỡ cho các nhà nghiên cứu như Anderson. Ta có thể hình dung về một người phương Tây, thành thục ngôn ngữ bản địa, với khiếu hài hước đặc trưng, đi khắp các thư viện đến các quán xá vỉa hè, bắt chuyện với tất cả mọi người: nhà chính trị, sĩ quan quân đội, trí thức, doanh nhân đến những người bình dân*.
Luận án đầu tiên của ông (Cách mạng Pemuda: Chính trị Indonesia, 1944-1946) về các diễn biến chính trị trong thời kỳ Nhật chiếm đóng dẫn đến sự ra đời của nước Indonesia độc lập năm 1945, đến nay trở thành một trong các nghiên cứu có giá trị về lịch sử Indonesia hiện đại. Cũng từ Indonesia, ông thực hiện nghiên cứu so sánh đầu tiên, “Tư tưởng về quyền lực trong văn hóa Java” (1972), đặt những bước đầu tiên trong phương pháp so sánh về sau ông sử dụng trong Những cộng đồng tưởng tượng.

Nhưng bước ngoặt của lịch sử Indonesia cũng làm thay đổi con đường đi của Anderson. Ngày 30 tháng Chín năm 1965, một cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ Sukarno diễn ra ở Jakarta, mau chóng trở thành cái cớ cho một cuộc đàn áp khốc liệt trong hai năm tiếp sau, dẫn đến cái chết ước tính có khoảng 1 triệu người. Đó là một cú sốc lớn với ông: “Nó giống như cảm giác khi phát hiện ra rằng người ta yêu thương là một tên giết người”. Nỗ lực của ông và các đồng nghiệp tại Cornell đề giải thích nguyên nhân cuộc đảo chính đã đưa đến việc xuất bản một nghiên cứu nội bộ, sau này được biết đến với tên Bản báo cáo Cornell. Bởi những tư liệu và bằng chứng của báo cáo đi ngược lại với giải thích chính thức từ chính quyền quân sự, từ năm 1972, Benedict Anderson chính thức bị trục xuất khỏi Indonesia. Ông sẽ chỉ trở lại đây sau khi chế độ độc tài Suharto sụp đổ năm 1998.

Bìa bản in đầu tiên cuốn Những Cộng đồng Tưởng tượng của Benedict Anderson, xuất bản bởi NXB Verso năm 1983. Nguồn: biblio.com

Những cộng đồng tưởng tượng

Bởi vì bị trục xuất khỏi Indonesia, trong hơn 20 năm tiếp theo ông chuyển hướng nghiên cứu sang bao gồm cả Thái Lan và Philippines. Đối với nhiều nhà nghiên cứu, một bước ngoặt như vậy là một thách thức lớn tới sự nghiệp học thuật, nhưng Anderson tự coi đó là một điều may mắn: “Vì lý do đó mà tôi đã tự buộc mình phải đa dạng hóa […] vượt qua điểm nhìn “một đất nước” [trong nghiên cứu]. Nếu tôi không bị trục xuất, rất khó để nghĩ rằng tôi có thể viết được Những cộng đồng tưởng tượng. Luận giải về Nguồn gốc và sự Lan truyền của Chủ nghĩa Dân tộc (Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism), xuất bản lần đầu năm 1983.

Cuốn sách này trước hết là một nỗ lực của Benedict Anderson nhằm giải quyết cuộc tranh luận của các học giả Marxist tại Anh về vấn đề dân tộc với chủ nghĩa Mác, mà trực tiếp xuất phát từ câu hỏi về các cuộc chiến tranh giữa quân Khơme Đỏ và Trung Quốc chống lại Việt Nam trong những năm 1978-1979: “Tôi lo sợ trước viễn cảnh của một cuộc chiến toàn diện giữa các nước XHCN”. Đồng thời, ông cũng muốn chống lại quan điểm ‘lấy châu Âu làm trung tâm’ phổ biến ở các nghiên cứu về chủ nghĩa dân tộc đương thời.
Anderson lập luận chủ nghĩa dân tộc hiện đại mang trong nó “nguồn gốc văn hóa” (cultural roots of nationalism). Đó đến từ thành tựu của các tư tưởng Thời kỳ Khai sáng, cách mạng khoa học, và đặc biệt là sự nổi lên của chủ nghĩa tư bản in ấn (print capitalism), tức là sự phát triển của ngành in và của thị trường sản phẩm đọc – điển hình như báo chí – bằng các ngôn ngữ thường dụng (vernacular language). Thông qua in ấn, những người ở các không gian cách xa nhau dù có thể không biết và không hiểu được nhau một cách trực tiếp có thể coi nhau thuộc về một cộng đồng riêng biệt.

Những cộng đồng đó mang trong mình những “giới hạn” (mọi quốc gia dân tộc đều có biên giới) và “chủ quyền” (tư tưởng Khai sáng và các cuộc cách mạng tư sản đánh đổ quan niệm về tính thiên mệnh của các chế độ quân chủ).

Điều đó đưa đến khái niệm của Anderson về “dân tộc” như là: “một cộng đồng chính trị tưởng tượng – và tưởng tượng ở cả về giới hạn lẫn chủ quyền… Là tưởng tượng bởi vì những công dân của kể cả những quốc gia nhỏ nhất cũng không thể biết được hết mọi thành viên trong cộng đồng của mình, gặp gỡ, hay thậm chí từng nghe nói về nhau, dù trong tâm trí họ luôn mang hình ảnh về sự chia sẻ chung…” (Imagined Communities, bản in 2006, tr. 6).

Thay vì xây dựng lập luận của mình quanh các ví dụ về châu Âu, Anderson tập hợp một hệ thống các dẫn chứng lớn về các trường hợp ở châu Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á, từ Indonesia, Hungary, Thái Lan đến Việt Nam, các nước Mỹ Latinh… Ông cũng đồng thời lập luận rằng, dù tiền đề của chủ nghĩa dân tộc xuất phát từ châu Âu, nhưng sự phát triển của nhận thức dân tộc chỉ thực sự bắt đầu tại các cộng đồng creole tại Tây Bán cầu – ở Mỹ, các thuộc địa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở Nam Mỹ – vào cuối thế kỷ XVIII trước khi lan tới châu Âu và toàn thế giới.

 

Cuốn sách – xuất bản trong những năm cuối của Chiến tranh Lạnh – trở thành một thành công vượt ngoài dự tính của ông. Đến nay đã được dịch ra trên 30 ngôn ngữ, cuốn sách đưa ông trở thành một trong những học giả được kính trọng không chỉ bởi các nhà nghiên cứu mà cả công chúng quốc tế. Nhiều lời tán dương được dành cho cuốn sách, đồng thời cũng thu hút rất nhiều tranh luận và phê phán từ nhiều học giả lớn. Bất chấp các tranh cãi xung quanh cuốn sách, đến nay Những cộng đồng tưởng tượng là một dấu mốc lớn, trong nghiên cứu về quốc gia – dân tộc, và đến nay, trở thành tài liệu tham khảo không thể bỏ qua với các sinh viên và nhà nghiên cứu trong nhiều ngành khoa học xã hội.

Những Cộng đồng Tưởng tượng cũng đưa Benedict Anderson trở thành một học giả hàng đầu với phương pháp tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu – với các nghiên cứu của ông trải rộng trên khắp các lĩnh vực từ lịch sử, nhân học, văn hóa học, văn học, quốc tế học, khoa học chính trị… Ông tiếp tục viết nhiều nghiên cứu mới: The Spectre of Comparisons: Nationalism, Southeast Asia, and the World (1998) tập hợp các so sánh trường hợp để xây dựng khuôn khổ mới trong nghiên cứu về bản sắc và dân tộc tính; Under Three Flags: Anarchism and the Anti-Colonial Imagination (2005) về liên hệ giữa chủ nghĩa vô chính phủ và phong trào chống thực dân từ trường hợp Philippines và Cuba; The Fate of Rural Hell: Asceticism and Desire in Buddhist Thailand (2012), đi sâu vào tìm hiểu liên hệ giữa văn hóa tới chính trị hiện đại tại Thái Lan.

Những nghiên cứu của ông, dù xuất phát điểm từ Indonesia, Thái Lan hay Philippines, gây ấn tượng ở khả năng khái quát và phân tích xuất sắc và phong cách hài hước đặc trưng. Ông xây dựng một phương pháp so sánh có hệ thống và mang tính liên ngành, phá vỡ các khuôn khổ nghiên cứu so sánh truyền thống và không rơi vào sáo rỗng. Thành công đó một phần đến từ tiếp cận nghiên cứu từ các ngôn ngữ gốc, vốn theo ông “không chỉ là phương tiện giao tiếp đơn thuần, mà là việc hiểu cách suy nghĩ và cảm nhận của người nói ngôn ngữ đó (…) học về lịch sử và văn hóa nằm bên dưới chúng để qua đó học cách đồng cảm với họ.”

Ben Anderson thường xuyên đến thăm các nước Đông Nam Á để nghiên cứu, giảng dạy và khám phá. Nếp sống đó được ông giữ đến tận khi mất. Trong ảnh, Anderson trong bài giảng cuối cùng của ông trước sinh viên ĐH Indonesia, tháng 12/2015. Nguồn: Youtube.

***

Nhưng nếu có một nơi Anderson có thể coi như nhà, đó có lẽ là Indonesia, nơi ông đã dành cả tâm trí của mình không chỉ trong nghiên cứu, mà còn trong tâm tưởng.

Ngôi nhà của ông tại ĐH Cornell trong nhiều năm là địa chỉ ghé thăm của các sinh viên Indonesia tại Hoa Kỳ, những người thân mật gọi ông là “Om Ben” (Bác Ben). Sự gắn bó của ông với đất nước Indo tiếp tục khăng khít với sự hiện diện của người bạn Ben Abel từ Kalimantan, hai người con nuôi Beni và Yudi, và hai người “học trò vĩnh cửu” Pipit và Komang ông làm quen ở châu Âu.

Bởi những nghiên cứu của mình, Anderson nhận được rất nhiều sự yêu mến từ sinh viên và các trí thức tại Indonesia. Ngày ông trở về Indonesia lần đầu sau 27 năm, tháng 3 năm 1999, trở thành một sự kiện truyền thông toàn quốc. Không khí của cuộc gặp gỡ đầu tiên được mô tả một cách xúc động trong trong một bài viết của nhà báo Scott Sherman trên tờ Lingua Franca: “[…] Anderson, sáu mươi hai tuổi, mặc áo sơ mi và quần lửng để chống chọi với cái nóng ngột ngạt, đối diện với sự căng thẳng và chờ đợi của ba trăm khán giả bao gồm các tướng lĩnh, nhà báo, giáo sư cao tuổi, cựu sinh viên và những người hiếu kỳ.”

Ông tiếp tục gắn bó với đất nước vạn đảo đến cuối đời. Đầu tháng 12 năm 2015, sau một bài giảng và một buổi giới thiệu sách tại Đại học Indonesia, Benedict Anderson khởi hành một chuyến đi vòng quanh Java để “hồi tưởng những kỷ niệm xưa”. Ngày 13/12, “sau một chuyến đi dạo”, theo tường thuật trên báo Kompas, ông qua đời tại Malang, Đông Java, hưởng thọ 79 tuổi. Theo di nguyện, tro của ông được rải trên những làn sóng biển Java. Và cũng giống cuộc đời ông, những làn sóng tự nó không bị giới hạn bởi những đường biên.

 

“Cách lý tưởng nhất để bắt đầu một nghiên cứu (…) là xuất phát từ một vấn đề hay câu hỏi bạn không biết câu trả lời, từ đó ta có thể lựa chọn công cụ lý thuyết, tìm kiếm hỗ trợ từ bên ngoài ngành nghiên cứu, và sau cùng, bạn cần thời gian để ý tưởng được phát triển có hệ thống và mạch lạc.” – Benedict Anderson Cuốn sách bắt đầu với ba nghịch lý trong nghiên cứu về chủ nghĩa dân tộc: Chủ nghĩa dân tộc là một hiện tượng hiện đại đối nghịch với niềm tin về nguồn gốc cổ xưa của dân tộc của những người dân tộc chủ nghĩa; dân tộc có tính phổ quát (ai cũng thuộc về một dân tộc) dù mỗi dân tộc lại tự coi như khác biệt hoàn toàn với nhau; tình cảm chính trị mạnh mẽ liên hệ đến chủ nghĩa dân tộc (“hàng triệu người sẵn sàng xả thân mình để bảo vệ”) với sự nghèo nàn về lý thuyết của nó (không có một nhà tư tưởng lớn về chủ nghĩa dân tộc như các thứ “chủ nghĩa” khác).

Chú thích
* Một câu chuyện thú vị về Anderson là ông tự nhận là người nghĩ ra cách dùng từ bulé (hay “bạch tạng” trong tiếng Indonesia) để chỉ người da trắng (như cách người Việt gọi người da trắng là “Tây”) trong một cuộc nói chuyện phiếm với những người bạn bản địa. Danh từ bulé trở nên thông dụng ở Indonesia từ những năm ‘60.

Tài liệu tham khảo
Benedict Anderson. Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, 3rd edition. London: Verso, 2006.
Benedict Anderson. Life beyond the Boundaries: a Memoir. London: Verso, 2016.
Ranabir Samaddar. “A life beyond boundaries: Benedict Anderson 1936-2015”. Biblio, January – February 2016.
Scott Sherman. “A return to Java”. Lingua Franca, October 2001.
https://www.thejakartapost.com/news/2015/12/13/the-indonesia-expert-who-was-banned-entering-indonesia.html
https://www.nytimes.com/2015/12/15/world/asia/benedict-anderson-scholar-who-saw-nations-as-imagined-dies-at-79.html
http://news.cornell.edu/stories/2015/12/benedict-anderson-who-wrote-imagined-communities-dies
https://www.thenation.com/article/benedict-andersons-view-of-nationalism/
https://www.latimes.com/local/education/la-me-benedict-anderson-20151220-story.html

 

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)