Bi kịch của Lỗ Tấn
Có thể nói đời Lỗ Tấn là một chuỗi bi kịch. Thái độ căm thù xã hội cũ, bi quan với hiện tại, sự hăng hái công kích các thói hư tật xấu của người đời bằng giọng văn châm biếm cay nghiệt thể hiện trong các tác phẩm của ông đã phản ánh các bi kịch mà ông từng trải qua.
Từ sau ngày nước CHND Trung Hoa ra đời, tất cả các từ điển hoặc sách báo chính thống nước này đều viết Lỗ Tấn là chủ tướng của cách mạng văn hóa Trung Quốc, nhà văn học vĩ đại, nhà tư tưởng và nhà cách mạng vĩ đại. Ngoài ra năm 1938 Mao còn nói “Lỗ Tấn là Thánh nhân bậc nhất Trung Quốc, Khổng Tử là thánh nhân của xã hội phong kiến, Lỗ Tấn là thánh nhân của Trung Quốc Mới”.
Nhưng tất cả những lời ca tụng kể trên đều xuất hiện sau khi ông đã qua đời. Trong thực tế, sinh thời Lỗ Tấn sống không dễ chịu chút nào. Đời sống gia đình nặng nề do không có tình cảm với vợ rồi tiếp đến sự bất hòa với người em trai tài hoa ông hằng quý mến. Trong xã hội ông cũng bị không ít văn nhân công kích, dù họ đều thừa nhận văn tài hơn người của ông. Thái độ căm thù xã hội cũ, bi quan với hiện tại, sự hăng hái công kích các thói hư tật xấu của người đời bằng giọng văn châm biếm cay nghiệt thể hiện trong các tác phẩm của Lỗ Tấn đã phản ánh các bi kịch mà ông từng trải qua.
Có thể nói đời Lỗ Tấn là một chuỗi bi kịch. Cha chết khi ông mới 16 tuổi; là con trưởng, ông phải thay cha trông nom mẹ và các em. Vì thế mặc dù là người dẫn đầu trào lưu chống lại các hủ tục của xã hội phong kiến, nhưng chính ông lại buộc phải tuân theo các hủ tục ấy. Năm 25 tuổi (1906), mới sang Nhật du học được 4 năm Lỗ Tấn nhận được điện báo “Mẹ ốm về ngay”. Ông tức tốc về quê. Đến nơi thì thấy trong nhà treo đèn kết hoa, thì ra bà mẹ gọi về bắt lấy vợ. Cô dâu bà chọn là Chu An, cùng quê Thiệu Hưng tỉnh Triết Giang. Để chiều lòng mẹ và biết rằng có phản đối cũng vô ích, ông đành chấp nhận tất cả. Đến lúc cưới, ông mới biết mặt vợ – một cô gái thấp nhỏ, mặt dài, trán dô, bó chân, tướng mạo đã xấu mà lại không có chút nào sức sống của người thiếu nữ có thể thu hút đàn ông; chưa kể còn mù chữ và hơn ông 3 tuổi. Chu An hoàn toàn không xứng đôi với Lỗ Tấn, một thanh niên tân học đang háo hức tiếp nhận văn minh phương Tây.
Bị ép lấy người mình không yêu, Lỗ Tấn dứt khoát không chịu coi Chu An là vợ. Đêm tân hôn, chú rể không ngủ cùng cô dâu. Bốn hôm sau ông lên đường trở lại Nhật, mang theo em là Chu Tác Nhân vừa thi đỗ lấy được học bổng du học Nhật.
Về sau ai hỏi về chuyện này Lỗ Tấn đều nói: Đây là mẹ tôi lấy con dâu chứ đâu phải chuyện của tôi. Quả thật mẹ ông đã lấy được cô con dâu chăm nom bà hết sức tận tình, chu đáo mặc dù Chu An suốt đời sống trong sự ghẻ lạnh của chồng.
Năm 1909 Lỗ Tấn về nước đi làm, có sống ở quê nhà cùng mẹ và vợ một thời gian ngắn (tháng 8-9/1909 và tháng 7/1910-2/1912), nhưng cũng hoàn toàn ly thân với vợ.
Vụ hôn nhân cưỡng ép này khiến Lỗ Tấn càng nhận thức sâu sắc hơn nỗi khổ của người Trung Quốc do các hủ tục của xã hội phong kiến đem lại.
Năm 1919 Lỗ Tấn cùng Chu Tác Nhân quyết định mua nhà ở số 11 ngõ Bát Đạo Loan (Bắc Kinh), đón mẹ, vợ và gia đình hai em trai lên ở. Vợ chồng ông vẫn ngủ mỗi người một phòng. Tuy vậy, không khí ấm cúng cả đại gia đình cùng đoàn tụ dưới một mái nhà làm cho Lỗ Tấn đỡ buồn vì chuyện ly thân với vợ.
Nhưng ngày tháng tốt đẹp không được bền lâu. Bốn năm sau, do mâu thuẫn với vợ chồng Chu Tác Nhân, ông buộc phải đưa mẹ và vợ đến ở nhờ nhà người quen tại số nhà 61 ngõ Chuyên Tháp. Tháng 5/1924 ông mua nhà ở ngõ Tây Tam Điều, cũng không rộng rãi, đón mẹ và vợ về đây, vẫn ly thân.
Mẹ ông kể: Suốt ngày hai vợ chồng Lỗ Tấn chỉ nói với nhau ba từ. Buổi sáng vợ gọi chồng dậy, chồng đáp “Ờ”; đến bữa ăn, vợ gọi, chồng cũng đáp “Ờ”; buổi tối vợ đi nằm sớm nên hỏi có khóa cổng không, chồng đáp “Có” hoặc “Không”. Chỉ khi nào vợ xin tiền thì chồng mới nói thêm vài câu như “Cần bao nhiêu ?” hoặc bảo nên mua thứ này thứ nọ, nhưng chuyện ấy mỗi tháng chỉ xảy ra một hai lần. Về sau bà Chu An kể lại: “Mẹ chồng tôi cứ trách tôi không có con, nhưng suốt năm ông ấy không nói với tôi câu nào thì sao mà có con được”.
Lỗ Tấn từng khuyên vợ đi học chữ, nhưng Chu An không chịu học. Ông bảo: Thế thì mỗi người một nơi vậy, hay mình về nhà mẹ đẻ mà ở. Chu An tỏ ý suốt đời chỉ ở với mẹ chồng.
Sau Phong trào Ngũ Tứ, trong trào lưu phá bỏ hủ tục cũ, không ít nhà trí thức từng bị hành hạ bởi kiểu hôn nhân hủ lậu đều tự giải thoát bằng cách li dị vợ, như hai nhà thơ Quách Mạt Nhược và Uất Đại Phu. Có người khuyên Lỗ Tấn làm thế nhưng ông không nghe. Dân Thiệu Hưng thời ấy coi phụ nữ bị chồng li dị là loại người bỏ đi, họ không dám về nhà bố mẹ đẻ vì sợ bị khinh ghét; có người quẫn trí tự tử. Lỗ Tấn đã cân nhắc kỹ việc này, ông đành chịu suốt đời sống độc thân chứ không nỡ để vợ rơi vào cảnh khốn cùng ấy.
Rốt cuộc Lỗ Tấn vẫn tìm thấy tổ ấm của mình. Năm 1925, ông nhận được thư của Hứa Quảng Bình, cô học trò kém ông 17 tuổi từng tích cực tham gia phong trào Ngũ Tứ, có tư tưởng cách mạng và hiểu biết nhiều. Qua đọc tác phẩm của Lỗ Tấn mà cô cảm phục và đi đến chủ động yêu ông.
Năm 1926 Lỗ Tấn về làm việc tại Hạ Môn; để vợ và mẹ ở lại Bắc Kinh. Từ tháng 10/1927 ông chung sống với Hứa Quảng Bình. Biết tin ấy, Chu An nói với hàng xóm: “Trước đây tôi đều muốn hầu hạ ông ấy thật chu đáo, mọi việc nhất nhất nghe ông ấy, tin rằng như vậy chắc là về sau mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Tôi chẳng khác gì con ốc sên bò từng tí từng tí lên bức tường, mong rằng sẽ có ngày lên đến chỗ cao nhất. Nhưng bây giờ thì hết hơi sức rồi. Tôi có tốt đến mấy với ông ấy cũng hoài công.”
Cho tới trước ngày qua đời, Lỗ Tấn có lên Bắc Kinh thăm mẹ hai lần vào tháng 5/1929 và tháng 11/1932, dĩ nhiên vẫn ly thân với Chu An. Suốt đời ông gửi tiền nuôi mẹ và Chu An. Sau khi ông mất, Hứa Quảng Bình tiếp tục làm bổn phận ấy.
Hứa Quảng Bình sống với Lỗ Tấn được 12 năm, họ có một con trai sinh năm 1929 đặt tên là Chu Hải Anh. Bà Hứa giúp ông rất nhiều trong việc chép bản thảo, thu xếp chỉnh lý sách vở, thư từ, giấy tờ của ông. Suốt hơn 30 năm sau khi ông mất, bà vẫn tiếp tục dùng ngòi bút bảo vệ ông. Năm 2010, Trung Quốc xuất bản cuốn Hồi ký về Lỗ Tấn của Hứa Quảng Bình. Qua đó người ta càng hiểu thêm về cuộc sống nội tâm của ông.
Vì chuyện hôn nhân bi đát như thế nên các tác phẩm của Lỗ Tấn rất ít nói tới tình yêu và hạnh phúc gia đình, nếu nói tới thì đều có kết cục thất vọng, bi thảm. Nỗi khổ chuyện hôn nhân với Chu An làm cho ông nhìn đời khá bi quan, song cũng vì thế mà ông quan sát cuộc sống của người dân sâu sắc hơn. Thập niên 30 nhà văn Phùng Tuyết Phong đến thăm Mao Trạch Đông tại chiến khu Thụy Kim có kể cho Mao nghe chuyện sau: Một người Nhật từng nói cả Trung Quốc chỉ có hai người rưỡi hiểu được dân mình, một là Lỗ Tấn và một là Tưởng Giới Thạch; nửa người kia là Mao Trạch Đông. Nghe xong, Mao cười ha hả.
Bi kịch huynh đệ
Một bi kịch lớn nữa trong đời Lỗ Tấn là sự tan vỡ tình huynh đệ với Chu Tác Nhân. Ông có hai em trai kém mình 4 và 7 tuổi. Em lớn Chu Tác Nhân rất thông minh, văn tài không kém anh. Phùng Tuyết Phong từng nói Chu Tác Nhân là nhà văn hàng đầu Trung Quốc. Lỗ Tấn vốn quý người tài, vì thế ông rất nâng đỡ em mình. Trong thời gian ở Nhật, hai anh em cùng dịch và xuất bản Tập tiểu thuyết nước ngoài, lấy tên tác giả là Anh em họ Chu. Giới nhà văn Nhật rất phục văn tài của hai anh em Lỗ Tấn.
Năm 1909, Chu Tác Nhân lấy vợ là Vũ Thái Tín Tử (người Nhật, tên Trung Quốc là Chu Tín Tử), nguyên là cô giúp việc nấu cơm của nhóm du học sinh Trung Quốc ở Sendai. Sau khi lấy vợ, Chu Tác Nhân trở nên túng thiếu do tiền học bổng không đủ nuôi hai vợ chồng. Vì muốn em học thành tài và được sống hạnh phúc, Lỗ Tấn đành về nước làm giáo viên dạy ở trường Sư phạm Triết Giang, tiết kiệm dành dụm tiền lương gửi sang Nhật giúp em, thậm chí giúp cả gia đình Tín Tử.
Chu Tác Nhân về nước năm 1911, ở Thiệu Hưng với mẹ; năm sau thì vợ sinh con đầu lòng. Hàng tháng Lỗ Tấn đều gửi về Thiệu Hưng 100 đồng giúp mẹ, vợ và các em. Năm 1917, Thái Nguyên Bồi (quen Lỗ Tấn) được cử làm Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh, nhờ Lỗ Tấn giới thiệu, Chu Tác Nhân được bổ nhiệm làm giáo sư khoa Trung văn trường này và chuyển lên ở Bắc Kinh.
Thời kỳ Ngũ Tứ, hai anh em sát cánh bên nhau chiến đấu trong phong trào Tân Văn hóa, trở thành nòng cốt phong trào này.
Sau khi mua nhà ở Bắc Kinh, cuối năm 1919 cả đại gia đình đều lên đây ở, gồm bà mẹ, vợ chồng Lỗ Tấn, vợ chồng Chu Tác Nhân và Chu Kiện Nhân; ngoài ra còn có cả người em trai của Tín Tử. Tác Nhân và Kiến Nhân lấy vợ là hai chị em người Nhật và đều đã có con nhỏ. Hơn chục người ở cùng nhà, ăn cùng bếp. Vì con dâu cả Chu An mù chữ nên con dâu thứ hai là Tín Tử thay bà mẹ quản lý toàn bộ việc chi tiêu của đại gia đình.
Phần lớn phụ nữ Nhật đều nhu mì, riêng Tín Tử lại đanh đá, chua ngoa và luôn lên mặt ta đây người Nhật, khinh thường người Trung Quốc. Có người nói cô ta mắc chứng hysteria. Một lần cãi nhau với chồng, Tín Tử lăn ra giãy đành đạch giả chết, em trai và em gái cô xúm vào mắng nhiếc Tác Nhân, rồi còn kéo Tác Nhân đến Lãnh sự quán Nhật để “nói chuyện”. Từ đó trở đi Chu Tác Nhân đành ngoan ngoãn để vợ muốn làm gì thì làm, cốt sao mình được yên thân đọc sách và viết lách.
Tín Tử tuy xuất thân nhà nghèo nhưng lại ưa lối sống hưởng lạc, đài các phô trương, sĩ diện hão, tiêu tiền như rác. Có bữa đầu bếp nấu không ngon, cô ta bắt đổ đi nấu món khác. Trong nhà thuê ngót chục người giúp việc: quản gia, đầu bếp, bảo mẫu, đầy tớ, kéo xe (nhà có 3 xe tay). Tín Tử đi đâu cũng đi ô tô, rất tốn kém vì ngày ấy xe hơi còn hiếm và đắt. Mọi thứ đồ dùng đều chỉ mua ở cửa hiệu của người Nhật. Nhà có ai ốm đau dù trẻ con sốt nhẹ cũng mời bác sĩ Nhật, mỗi lần mời tốn trên chục bạc. Cách tiêu pha hoang đàng ấy làm cho Lỗ Tấn rất khó chịu, vì từ xưa ông quen sống tiết kiệm, giản dị.
Hàng tháng Lỗ Tấn lĩnh lương đều đưa hết cho em dâu. Lương viên chức hồi ấy rất cao, thu nhập của hai anh em cộng lại mỗi tháng không dưới 600 đồng (Kiến Nhân chưa có việc làm), nhiều hơn cả chi tiêu trong một năm của gia đình 5 người bình thường. Tuy thế Tín Tử vẫn kêu thiếu tiền. Lỗ Tấn phải đưa cả tiền tiết kiệm của mình cho em dâu, thậm chí có lần phải đi vay bạn bè. Là anh cả, lại có mẹ ở đây nên ông đành nhẫn nhịn chịu đựng, hy sinh tất cả, miễn sao đại gia đình hòa thuận.
Người đông, ở chung ăn chung lại túng tiền tiêu như vậy không thể không xảy ra chuyện va chạm. Chu Tác Nhân vốn có tâm lý nô lệ cho là người Nhật giỏi hơn người mình, không dám can ngăn vợ. Tín Tử ghét vợ chồng Lỗ Tấn, chỉ muốn chiếm cả tòa nhà, thường không cho lũ con mình ăn kẹo bác cả mua cho và dặn chúng không được vào chơi phòng bác cả.
Năm 1921, em út Kiến Nhân xin được việc ở Thượng Hải nên phải về Thượng Hải, vợ là Phương Tử không chịu đi theo. Về sau Chu Kiến Nhân chung sống với một phụ nữ khác và tham gia cách mạng. Mối quan hệ với Phương Tử tan vỡ tới mức ông phải bỏ vợ, từ con. Cuối đời ông cũng có cuộc sống êm ấm, làm tới chức Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc.
Trong nhà bây giờ hai cô con dâu chị em người Nhật tha hồ làm mưa làm gió; bà mẹ và con dâu cả Chu An quê mùa không có tiếng nói gì. Lỗ Tấn có lần khuyên em bảo vợ chi tiêu nên có kế hoạch, nhưng Tác Nhân lờ đi không dám nói gì; thậm chí còn nghe vợ, định đón bố mẹ vợ từ Nhật sang Bắc Kinh phụng dưỡng. Lỗ Tấn không tán thành, mâu thuẫn giữa hai anh em ngày càng sâu sắc.
Vì đều là trí thức cao cấp có tiếng tăm trong xã hội, cho nên tuy bất đồng với nhau nhưng hai người đều không để lộ ra ngoài. Nhật ký của họ (sau này mới công bố) đều viết những lời rất tốt về nhau. Nhưng khi cái ung nhọt sưng to quá thì nó tự vỡ.
Nhật ký Lỗ Tấn ngày 14/7/1923 viết: “Tối nay đổi thành ăn trong phòng mình, một mâm riêng, việc này đáng ghi lại.” Nghĩa là từ hôm ấy ông không được ăn chung với đại gia đình nữa. Tất cả là do cô em dâu sắp đặt.
Nhật ký ngày 19 viết “Khởi Mạnh (tức Tác Nhân) tự mang thư đến, sau mình có hỏi, không được trả lời.”. Nghĩa là đọc thư xong, Lỗ Tấn muốn em nói rõ hơn, nhưng bị từ chối.
Mãi đến năm 1988, bức thư này mới được công bố:
“Tiên sinh Lỗ Tấn: Tối hôm qua tôi mới biết…nhưng thôi, bất tất phải nói chuyện cũ. Tôi không phải là tín đồ Kitô Giáo, nhưng may sao vẫn chịu đựng nổi, cũng chẳng muốn trách ai cả …
Thế gian này mọi người đều đáng thương. Giấc mộng Tường Vi ngày trước của tôi té ra là hư ảo, có lẽ cái giờ đây nhìn thấy mới là cuộc đời thực sự. Tôi muốn đính chính tư tưởng của mình, trở lại cuộc sống mới. Sau này xin chớ đến nhà sau, không còn lời nào nữa. Mong ông yên tâm, tự giữ mình. Tháng 7 ngày 18, Tác Nhân.”
Chuyện gì tối qua Tác Nhân mới biết? Đây là câu hỏi mãi mãi không có giải đáp. Giấc mộng Tường Vi (Rose’s Dream), là nói Tác Nhân từng mơ ước xây dựng “Thôn xóm mới” ở Trung Quốc, nơi người dân sống hòa thuận với nhau. Tác Nhân muốn nói thì ra mơ ước mấy anh em mình được sống chung một nhà chỉ là chuyện ảo tưởng. Nhà sau là nói nhà ở của vợ chồng Tác Nhân. Nhà số 61 Bát Đạo Loan có 3 dãy nhà, Lỗ Tấn ở nhà ngoài, bà mẹ ở nhà giữa, Chu Tác Nhân ở nhà trong cùng, cách một cái vườn trồng hoa.
Ngày 2/8, Lỗ Tấn đưa mẹ và vợ dọn đến ở tạm tại ngõ Chuyên Tháp. Ông ghi nhật ký: “Mưa. Sau ngọ tạnh. Chiều đưa vợ dọn đến số 61 ngõ Chuyên Tháp.” Nhật ký của Tác Nhân cùng ngày viết: “Sáng nay vợ chồng L. dọn đến ngõ Chuyên Tháp.” L. tức Lỗ Tấn, rõ ràng, Chu Tác Nhân không muốn nhắc tới tên anh mình nữa.
Nhật ký Lỗ Tấn ngày 11/6/1924 cho biết: Chiều hôm ấy ông quay lại nhà cũ lấy sách vở và đồ dùng thì bị vợ chồng Tác Nhân te tát chửi bới và đánh ông. Tín Tử dùng lời lẽ thô tục, bịa đặt nhiều chuyện nói xấu ông. Lỗ Tấn phải chống trả, họ mới rút lui.
Sau này bà mẹ có nói hai anh em bất hòa, lỗi tại Tác Nhân. Bà than thở: Giá mà mình đừng sinh ra cái thằng ấy thì phải! Bà cũng nói thật lòng: Tách ra ở riêng thế này có lợi cho đại tiên sinh (tức Lỗ Tấn). Đúng thế, từ nay tiền của Lỗ Tấn không bị Tín Tử phung phí nữa, nhờ thế về sau ông có điều kiện ủng hộ rất nhiều tiền cho cách mạng.
Trước khi qua đời, Lỗ Tấn viết trong chúc thư gửi mẹ là ông bị lũ đàn bà người Nhật trong nhà đuổi đi, chết cũng không nhắm được mắt.
Suốt đời Lỗ Tấn vẫn quan tâm tới Tác Nhân. Ông bảo Kiện Nhân: Bây giờ “Bát Đạo Loan chỉ còn một người Trung Quốc mà thôi”, ý nói chỉ còn Tác Nhân và ba chị em người Nhật của Tín Tử. Nói về Tác Nhân, ông chỉ nhận xét một từ “Hôn” (u mê) mà chưa hề trách cứ điều gì. Đúng thế. Về sau Tác Nhân ngày càng u mê, ngày càng xa rời Lỗ Tấn về tư tưởng. Năm 1939 Chu Tác Nhân nhận lời mời của chính phủ bù nhìn Uông Tinh Vệ thân Nhật làm Giám đốc Thư viện ĐH Bắc Kinh rồi Giám đốc Viện Văn học trường này. Năm 1941 lại nhận làm Ủy viên Ủy ban Chính vụ Hoa Bắc kiêm Đốc biện Tổng Nha Giáo dục trong chính phủ bù nhìn.
Tháng 12/1946, chính phủ Tưởng Giới Thạch bắt giam Chu Tác Nhân, kết tội làm Hán gian cho Nhật, án tù 14 năm, sau giảm còn 10. Khi Lý Tôn Nhân lên làm Tổng thống Trung Hoa Dân quốc (1/1949) chủ trương tha toàn bộ tù chính trị, Chu Tác Nhân được trả tự do. Ông không nghe lời khuyên của Hồ Thích đi Đài Loan mà ở lại đại lục.
Tháng 8/1949, trước ngày thành lập nước CHND Trung Hoa, Chu Tác Nhân về nhà cũ tại Bát Đạo Loan. Ông viết thư lên Thủ tướng Chu Ân Lai biện bạch cho quá khứ của mình, xin không bị coi là Hán gian và xin giữ lại nhà cũ. Chủ tịch Mao đồng ý, với lý do bây giờ rất hiếm người biết Cổ Hy Lạp ngữ, nên để Chu Tác Nhân chuyên dịch sách cổ Hy Lạp.
Chu Tác Nhân được làm việc ngoài biên chế tại NXB Nhân dân, hàng tháng được trả nhuận bút cố định rất hậu (600 tệ, gấp đôi lương giáo sư ĐH). Ngoài việc dịch nhiều tác phẩm văn học cổ Nhật Bản và cổ Hy Lạp với chất lượng dịch thuật rất cao, ông còn xuất bản “Quê nhà Lỗ Tấn”, “Các nhân vật trong tiểu thuyết Lỗ Tấn” và “Thời thanh niên của Lỗ Tấn”. Do bị tước đoạt quyền lợi chính trị nên các tác phẩm của Chu Tác Nhân không được dùng tên thật. Trong Cách mạng Văn hóa, ông bị đấu tố đánh đập rất khổ và đột tử năm 1967.
Sau khi tuyệt giao, Lỗ Tấn và Chu Tác Nhân không gặp nhau lần nào. Có điều họ ứng xử rất văn minh, không bao giờ nói xấu nhau, không bao giờ nói về lý do bất hòa. Trong các sách viết về anh mình, Tác Nhân không hề đả động đến chuyện họ chia tay nhau. Cho tới nay, dư luận Trung Quốc vẫn đồn đoán về nguyên nhân mối bất hòa này. Chu Kiến Nhân và nhiều người khác cho rằng đây hoàn toàn chỉ là chuyện gia đình, và có liên quan đến vợ Chu Tác Nhân, chứ không phải vấn đề bất đồng tư tưởng. Nhưng cụ thể là chuyện gì thì không ai biết. Mối bất hòa giữa Lỗ Tấn với Chu Tác Nhân được coi là một trong mười nghi án lớn nhất của lịch sử văn học Trung Quốc.
Lỗ Tấn mất năm 55 tuổi. Bà Chu An mất năm 69 tuổi (1947), Hứa Quảng Bình – 70 tuổi (1968). Hai em ông đều thọ: Chu Tác Nhân – 82 tuổi, Chu Kiến Nhân – 96. Trong ba anh em, Lỗ Tấn có cuộc đời tình cảm lận đận hơn cả, tuy rằng sau khi mất ông được tôn vinh cao nhất trong làng văn Trung Quốc.