Biến đổi không gian làng: Người già và nỗi cô đơn

Những ngôi làng Việt đang biến đổi sâu sắc, cả về hình thức và bản chất dẫn đến nhiều hệ lụy khiến không ít người già chẳng còn nhận ra chính làng mình.

Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số, sự phát triển kinh tế, biến đổi xã hội…đã và đang có tác động mạnh mẽ đến làng. Điều đáng nói là sự thay đổi diễn ra không theo một hướng cụ thể nào, mạnh làng nào làng ấy làm, mạnh nhà nào nhà ấy xây. Chẳng cần có con mắt của nhà chuyên môn, người ta dễ dàng nhận thấy sự “lổn nhổn”, “chắp vá”, thậm chí “lố bịch” hay cực kì thiếu tính thẩm mĩ ở nhiều làng quê hiện nay.

Theo nguyên tắc, việc xây dựng nhà cửa, các công trình kiến trúc khác hiện nay phải xin phép và được sự đồng thuận của chính quyền địa phương. Thế nhưng, thực tế là “phép vua” vẫn cứ phải chào thua “lệ làng”. Cùng với đó là những “khoảng tối” trong việc cấp phép xây dựng, năng lực cán bộ địa phương, thiếu tham vấn chuyên gia, cộng đồng trong quy hoạch, thiếu tầm nhìn dài hạn, “quy hoạch thiếu tâm” không thực sự “vị dân sinh” đã khiến cảnh quan nhiều làng quê hiện nay trở nên “ông chẳng, bà chuộc”, hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, thậm chí tụt lại thật xa phía sau so với nhu cầu thực tế.

Giấc mộng “lên phố” dường như quá mãnh liệt khiến ở nhiều nơi, người ta chỉ quan tâm đến việc bê tông hóa, xây dựng những tòa nhà cao tầng mà quên đi mất điều quan trọng là mỗi loại hình kiến trúc chỉ phù hợp với một đối tượng cụ thể, trong điều kiện xác định và nó chỉ có giá trị khi được đặt trong một tổng thể tương thích, hài hòa. Đến thăm nhiều làng ven đô hiện nay, không quá khó để thấy sự “nhếch nhác”, thiếu đồng bộ của hệ thống thu gom rác, đường xả nước thải, hệ thống nước cứu hỏa, địa điểm công cộng…

Cũng thật lạ, nhiều cuộc đấu thầu đất diễn ra vô cùng chóng vánh, nhiều khu nhà cao tầng mọc lên với tốc độ thần tốc, vậy mà việc xây dựng một vườn hoa, sân tập thể dục chung cho dân làng dường như chưa bao giờ được nghĩ đến hoặc nhọc nhằn đến tội nghiệp, oằn oại trên những chồng “đề xuất dự án” không biết đến bao giờ mới thành sự thực…

Thực trạng ấy khiến sau khi đến thăm làng, người ta chẳng còn gì đọng lại ngoài những ưu tư tiếc nuối…

Người già “thương nhớ ngày xưa”

Trong dòng chảy ấy, “những người chưa già” dường như không bận tâm nhiều về sự hòa hợp giữa hồn và xác của làng mình. Họ có nhiều đam mê khác. Chỉ còn người già bỗng nhiên cảm thấy xa lạ trên chính mảnh đất của mình. Tôi từng được hầu chuyện không ít vị cao niên ở các làng ngoại thành Hà Nội. Câu chuyện của họ thường bị chìm trong những tiếng thở dài, ánh mắt buồn như thể đang tiếc nuối, oán trách ai…

Không gian chung của làng hầu như không còn nữa. Chúng đã biến thành không gian thương mại, không gian cư trú, không gian cá nhân. Ngay cả đình làng cũng “cổng đóng, then cài”, chỉ mở năm đôi ba lần khi ngày hội. Chùa thì ngày càng đầy ắp những lễ vật, những lời than khấn xin tài lộc, cầu tình duyên, mua danh phận. Người già không có nhu cầu ấy nên đành nhường không gian đó cho những người nhân danh con Phật mà không hề hiểu Phật.

Kinh tế phát triển đồng nghĩa với việc dân số người già không ngừng gia tăng. Nhưng không mấy ai nhận ra, hoặc cố tình không nhận ra. Họ cứ lầm lũi vào ra trong những căn nhà cao tầng mượn xác của kiến trúc đô thị. Mảnh vườn hoa trái vốn từng là nơi tiêu dao đã được bê tông hóa, trần trụi trụi một khoảng xám với khẳng khiu thân xác dăm ba cây cảnh vô hồn mà giới trẻ coi đó là chuẩn mực của hiện đại, là biểu hiện của văn minh, là thước đo của thịnh vượng. Tâm tư, nhu cầu của người già hình như chưa được nghe thấy, hoặc thảng có nghe thấy thì cũng bị phó mặc, coi như một sự lỗi nhịp với thời đại…


Ngày nay thật khó tìm được ao làng vì làng đang dần “biến” thành phố.

Hệ thống đứt gãy hay sự thoái vị của người già

Dưới phương diện sinh thái, làng truyền thống, chí ít là làng truyền thống của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ luôn tạo ra một cảnh quan hài hòa, có tính thẩm mỹ cao, đa lớp, hướng tới cộng đồng, hữu ích cho con người, thân thiện với môi trường, cầu nối giữa hiện tại và tương lai…

Những rặng tre dày bao quanh làng tạo nên một “bức tường tự nhiên” duyên dáng. Chúng góp phần bảo vệ làng khỏi sự xâm nhập trái phép, điều hòa khí hậu, tạo không gian nghỉ ngơi, vui chơi cho dân làng, là nguồn gỗ dự phòng cho những căn nhà tương lai…

Hệ thống ao làng phổ biến là một sự thích ứng khôn khéo của tiền nhân bởi tính đa năng của chúng: nguồn nước cho gia súc, tắm giặt, thực phẩm, điều hòa khí hậu…Hệ thống cây xanh nhiều chủng loại: cây lây gỗ, cây ăn quả, cây thuốc, cây gia vị, cây cảnh trồng dọc đường làng, trong vườn, ven nhà tạo nên một hệ sinh thái đa dạng, nhiều lớp, đem lại nhiều công năng cho con người.

Điểm chung là những không gian này thường gắn với người già. Những khóm tre thường là tài sản mà họ để lại cho con cái khi cần xây nhà ra ở riêng; vườn cây, ao cá giúp họ có việc làm khuây khỏa tuổi già, lại có chút thu nhập, bớt phụ thuộc vào con cái; bến nước, sân đình là nơi họ giao lưu, hàn huyên ôn cố, tri tân; cây thuốc giúp họ giúp mình, giúp người mỗi khi trái gió, trở trời…

Ngày nay, khó mà tìm được một làng quê nào còn lưu giữ được những cảnh quan ấy. Thật dễ dàng để biện hộ, lấy quy luật vận động, biến đổi để bào chữa cho những gì đang diễn ra. Đúng là mọi sự cần và luôn phải thay đổi. Nhưng nếu mọi sự thay đổi đó không hướng đến con người, không tạo sự bền vững, hài hòa thì phỏng thay đổi để làm gì? Chẳng khó khăn gì để thấy ở nhiều nơi người ta bê tông hóa vườn tược không vì áp lực dân số; chặt cây xanh để rồi thay thế bằng dăm ba cây cảnh vô hồn; lấp ao hồ để thay bằng những chậu cá cảnh kệch cỡm…

Cảnh quan sinh thái làng trước đây phản ánh tâm thế đặt mình là một phần của tự nhiên của người dân và người già đóng vai trò là gạch nối. Họ truyền những thông điệp về giá trị, vai trò, tính cần thiết mà tự nhiên muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ; là tấm gương để con cháu mình noi theo trong việc ứng xử với thiên nhiên.

Điều đó hình như đã trở thành quá khứ. Người ta ngày càng muốn mình là một phần tách biệt khỏi tự nhiên, đứng lên trên, cưỡng bức cải biến tự nhiên. Sứ mệnh của người già bị ai đó lấy đi chỉ còn lại kho kiến thức được coi là lỗi thời, cứ chìm dần trong những tiếng thở dài, trong ánh mắt lụi dần bởi thời gian…

Hiện đại không chỉ có một con đường…

Tôi từng tháp tùng nhiều nhà khoa học quốc tế về thăm các làng ngoại thành Hà Nội. Hầu hết họ rất ngạc nhiên khi thấy hệ thống giao thông chằng chịt, manh mún, chật hẹp, thiếu tính đồng bộ, thiếu tầm nhìn tương lai. Họ ngạc nhiên khi chính quyền địa phương tự hào đưa ra những con số về tỷ lệ nhà kiên cố, nhà hai ba tầng tăng dần theo từng năm. Họ sửng sốt khi người ta nhấn mạnh tính hiện đại, tính đô thị của làng quên mình, coi đó là minh chứng cho sự phát triển, tiến bộ, văn minh.

Nhiều câu hỏi được các nhà khoa học đặt ra, không nhận được hồi đáp, bởi người được hỏi cho chúng là viển vông và không thực tế. Những câu hỏi ấy rất đỗi “tầm thường”, đại loại như: sao không quy hoạch không gian cây xanh, không gian vui chơi cho cộng đồng? Sao không có kệ thống nước cứu hỏa ? Sao không quy hoạch đường giao thông, hệ thống thoát nước, bãi đỗ xe mang tầm nhìn tương lai, sao không ưu tiên không gian, dịch vụ cho người cao tuổi…?

Dường như không ít người đồng nhất hiện đại chỉ với những phương diện vật chất của cuộc sống. Họ không muốn hiểu rằng hiện đại chỉ có tính tương đối và chỉ là những cách nhìn nhận và biểu hiện. Không có chuẩn mực chung, một công thức bất biến cho hiện đại. Họ không cần phải sao chép nguyên vẹn mô hình từ đâu đó mà phải xây dựng một hướng đi cho riêng mình. Hiện đại cũng không phải là sự phủ nhận tuyệt đối truyền thống.

Người già chính là con trẻ của ngày mai. Nếu không thay đổi cách nhìn về quy hoạch, phát triển làng, không phải người già mà chính con trẻ của ngày hôm nay sẽ thấy mình bơ vơ, lạc lõng, nhỏ bé, dễ tổn thương nhất trên chính mảnh đất của mình trong một tương lai không xa.

Tác giả