Bình thơ

Trong một tuyển tập thơ Haiku xuất bản ở Mỹ, một nhà phê bình Mỹ đã viết: “Nhiều năm trước đây, có một đêm, con trai tôi cầm chiếc bình pha lê đựng những con đom đóm quá yếu đang chờ chết không còn phát ra ánh sáng được nữa đến trước tôi. Nó khóc. Nó cầu xin tôi hãy làm những con đom đóm sống lại. Nhưng tôi đã bất lực. Nếu tôi đọc bài thơ “Hơi thở” trước đó, tôi đã cứu được những con đom đóm”. Cuối cùng những con đom đóm đã chết trên tay đứa bé.

 Hơi thở (thơ Haiku)

Trong chiếc lọ thủy tinh
Những con đom đóm sắp chết
Tôi phả vào một hơi thở.

Nhiều đêm của thời gian sau này, đứa bé vẫn mơ thấy những con đom đóm chết trong tay nó và giật mình tỉnh giấc.Và trong ký ức thẳm sâu của đứa bé đến mãi mãi sau này vẫn còn đó một vết thương tâm hồn. Thực tế, người cha không thể nào cứu được những con đom đóm đựng trong chiếc bình pha lê kia. Nhưng người cha có thể cứu được vết thương trong tâm hồn đứa bé ấy. Khi trong tâm hồn đứa bé vẫn lấp lánh ánh sáng từ những con đom đóm thì nghĩa là những con đom đóm đó không bao giờ chết. Nếu người cha đọc được bài thơ này trước đó thì ông có thể đã nhìn thấy ánh sáng không bao giờ tắt từ những con đom đóm. Và với tình yêu của người cha, đứa bé cũng sẽ nhận được tinh thần ấy và những con đom đóm sẽ không bao giờ chết mà sáng mãi trong tâm hồn của nó. Đấy là sự thật.
Hơi thở mà nhà thơ phả vào những con đom đóm sắp chết kia không phải là một pháp thuật. Đó là tình yêu. Đó là lòng nhân ái. Đó là đức tin. Đó là sự hiến dâng. Đó là sự chia sẻ. Và tất cả những điều ấy làm cho đời sống tinh thần của con người bất diệt. Tất cả những điều ấy đã trở thành phép thiêng. Nó giúp con người lưu giữ mãi mãi những gì đã tỏa sáng và ngân vang trong tâm hồn họ. Hơi thở ấy như ngọn gió của mùa xuân cùng mưa ấm thổi về những cánh đồng. Và từ đất sâu, những hạt mầm nhỏ như cát tưởng không còn sự sống bỗng thức dậy. Tất cả chỉ giản dị như vậy nhưng chứa đựng bao sự nhiệm mầu mà chúng ta thường lú lẫn không nhớ nữa.

Okiro

Tác giả

(Visited 50 times, 1 visits today)