Birgit Nilsson – Sinh ra để hát opera Wagner

Chắc chắn khi nhắc đến những giọng Wagnerian soprano, cái tên Birgit Nilsson sẽ hiện ra đầu tiên trong tâm trí rất nhiều người. Bà là một tượng đài sừng sững, ít có đối thủ trong những vai soprano nặng nhất trong các vở opera của Richard Wagner.

Birgit Nilsson vào vai Brünnhilde. Nguồn: Bảo tàng Birgit Nilsson

Khó nhọc thuở đầu tiên 

Märta Birgit Svensson sinh ngày 17/5/1918 trong một gia đình nông dân tại ngôi làng Västra Karup, Skåne cách Malmö khoảng 100km về phía Bắc. Như Nilsson nhớ lại, sự ra đời của cô là nỗi thất vọng lớn đối với cha mình, ông Nils Svensson. Chính vì vậy, ông đã gọi cô là Nilsson (con trai của Nils), cái tên sau này sẽ trở nên vô cùng nổi tiếng, là niềm tự hào của đất nước Thụy Điển. Mẹ cô là một phụ nữ xinh đẹp và có giọng hát tuyệt vời. Khi lên bốn tuổi, Birgit thường ngồi chơi trên chiếc đàn piano nhỏ một quãng tám được ông Nils mua tại một hội chợ và ca hát tất cả những giai điệu từng nghe được cùng nó. Nilsson từng cho biết mình có thể hát trước khi biết đi và “tôi thậm chí đã hát trong giấc mơ của mình”. Nhà hàng xóm có một cây đàn organ nhỏ và Birgit thường xuyên chạy sang đó chơi đàn. Không muốn con mình làm phiền họ, năm 1924, cha mẹ đã mua cho Birgit một cây đàn tương tự và trong ký ức mình, cô không bao giờ quên cái ngày cô được sở hữu nó. Birgit thậm chí còn không dám nhìn vào cây đàn vì sợ đó chỉ là một giấc mơ. Birgit được đi học đàn và khi cô lên 14 tuổi, là các bài học thanh nhạc với David Pålsson, người phụ trách dàn hợp xướng của nhà thờ. Cô cũng tham gia hát trong dàn hợp xướng này, biểu diễn tại các đám cưới, đám tang và một số chương trình phi lợi nhuận. Chính tại đây, tài năng ca hát của Birgit được phát hiện. Cô được khuyên theo đuổi con đường trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.

Phải đến năm 1939, khi Nilsson 21 tuổi, cô mới quyết định tham gia kỳ thi tuyển của Học viện âm nhạc hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm. Để chuẩn bị cho việc này, Nilsson đã theo học với Ragnar Blennow tại Åstorp. Sau khi nghe Nilsson thử giọng, Blennow chìm đắm trong suy nghĩ và nói: “Giọng hát rất đẹp. Cô gái trẻ, cô chắc chắn sẽ trở thành một ca sĩ tuyệt vời”. Nilsson đạp xe trở về nhà, lâng lâng trong hạnh phúc. Cô gào to với bố mẹ: “Con đã được phát hiện. Con sắp trở thành một ca sĩ tuyệt vời”. 

Trên thực tế Nilsson không nhận được nhiều bài học từ Blennow do ông bị ốm nặng, phải nằm điều trị dài ngày. Trong thời gian không học với Blennow, cô trở về với công việc đồng áng, thậm chí từng suy nghĩ về tương lai không chắc chắn của mình nhưng cuối cùng Blennow vẫn động viên cô dự tuyển vào Học viện âm nhạc hoàng gia Thụy Điển. Năm 1941, Nilsson đứng đầu trong kỳ thi tuyển. Tuy nhiên, Nilsson luôn khẳng định mình tự học là chính: “Sân khấu là người thầy giáo tốt nhất. Bạn bước ra đó và học được cách tạo ra âm thanh”. Cô cũng chê trách những người thầy giáo của mình tại Học viện âm nhạc hoàng gia Thụy Điển: “Giáo viên thanh nhạc đầu tiên của tôi gần như giết chết tôi. Người thứ hai cũng rất tệ”. 

Trong quá trình học tại đây, Nilsson không dễ có được nốt cao nên nhiều người khẳng định giọng hát của cô là mezzo-soprano. Khi Nilsson lo lắng về âm khu cao của mình thì mẹ cô nói “Dễ thôi, không có gì khó khăn cả. Đây là cách phát ra âm thanh”. Và bà cất lên một nốt Đô cao rạng rỡ. Nilsson nhớ lại: “Tôi tin rằng đó là bài học cho tôi để có được điều đó. Ngay cả khi tôi gặp khó khăn với những nốt nhạc khác, tôi có thể luôn luôn, vào lúc ba giờ sáng, hát thoải mái những nốt Đô cao”. Bất chấp việc là người tài năng nhất trong khóa, Nilsson thường bị những người bạn học chế nhạo nguồn gốc nông dân của mình.

“Giọng soprano đặc biệt của Nilsson thật khó quên. Đó là sức mạnh của tự nhiên hơn là một giọng hát. Những nốt nhạc cao nhất lóe lên như những thanh kiếm được rút ra; giọng hát ổn định và chắc chắn trong suốt một phạm vi rộng. Âm thanh bất khả chiến bại cắt xuyên qua một dàn nhạc dày đặc nhất. Việc kiểm soát hơi thở tốt đến mức cô ấy có thể giữ những nốt cao dường như là mãi mãi”. (Chicago Tribune)

Vai diễn opera đầu tiên của Nilsson đến vào ngày 9/10/1946 với Agathe (Der Freischütz, Carl Maria von Weber) tại Royal Swedish Opera, Stockholm. Cô chỉ có ba ngày chuẩn bị để thay thế cho một ca sĩ khác. Nhạc trưởng 75 tuổi Leo Blech dường như quên mất rằng Nilsson chỉ là một cô ca sĩ trẻ, thiếu kinh nghiệm và không được chuẩn bị trước. Ông đã rất khắt khe với Nilsson khiến vai diễn của cô diễn ra trong sự căng thẳng và nước mắt. Trong cuốn tự truyện của mình, Nilsson cho biết cô thậm chí đã từng nghĩ đến chuyện tự tử. Cô từng dừng lại trên một cây cầu nhỏ tại Stockholm: “Tôi đã rất chán nản, và tôi nghĩ, tôi đã cố gắng hết sức – tôi đã đấu tranh suốt những năm qua – và điều đó dẫn đến không gì khác ngoài thảm họa. Tương lai trong vô vọng; tôi nhìn chằm chằm xuống nước và nghĩ đến việc nhảy xuống”. 

Royal Swedish Opera dường như cũng đã lãng quên cô. Mọi việc bất ngờ trở nên tốt đẹp vào đầu mùa diễn năm sau. Khi đang nghỉ ngơi tại trang trại quê nhà, Nilsson bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại, cô được đề nghị hát trong Lady Macbeth (Macbeth, Giuseppe Verdi) thay cho một ca sĩ đàn chị dưới sự chỉ huy của Fritz Busch. Mười buổi biểu diễn trong vòng 21 ngày đã khiến Nilsson trở nên nổi tiếng. Kể từ đó, Nilsson đã có cơ hội xuất hiện nhiều hơn tại Royal Swedish Opera. Thậm chí vào cuối năm 1948, cô đã phải hoãn tuần trăng mật của mình sang đầu năm sau vị lịch biểu diễn dày đặc. Busch đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn phát triển đầu sự nghiệp của Nilsson. Chính ông là người đã đưa Nilsson ra sân khấu quốc tế với vai Electra (Idomeneo, Wolfgang Amadeus Mozart) tại liên hoan Glyndebourne vào mùa hè năm 1951. 

Với Royal Swedish Opera, nơi Nilsson hầu như hát lần đầu tiên tất cả những vai diễn của mình nên bà chưa muốn rời khỏi đó vì hai lý do. Đầu tiên, Nilsson muốn trở thành ca sĩ hàng đầu tại Thụy Điển hơn là một người trung bình trên thế giới và thứ hai, bà không biết ngoại ngữ. Bà đã từ chối lời mời hợp tác của La Scala. Tuy nhiên, dưới sự động viên của Busch, người mà bà gọi là “Cha”, Nilsson quyết định phát triển sự nghiệp của mình tại Đức, bắt đầu từ năm 1953. Mùa hè năm 1953, bà ra mắt tại liên hoan Bayreuth khi hát phần soprano trong bản giao hưởng số 9 của Ludwig van Beethoven và sau đó là vai chính trong Fidelio (Beethoven) tại Bad Hersfeld. Ngày 18/4/1954, Nilsson có màn ra mắt tại Vienna State Opera trong Sieglinde (Die walküre) và sau đó là ba vai diễn nữa trong vòng chín ngày: Aida (Aida, Verdi), Senta (Der fliegende Holländer, Wagner) và Elsa (Lohengrin, Wagner). Đây là một dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của Nilsson, không chỉ do bà ra mắt tại một trong những nhà hát danh giá nhất trên thế giới mà còn vì lần đầu tiên Nilsson hát opera bằng ngôn ngữ gốc của tác phẩm. 

Bùng nổ giọng hát

Mùa hè năm 1954, bà cũng có được vai diễn đầu tiên cho mình tại liên hoan Bayreuth với Elsa, bên cạnh Wolfgang Windgassen. Sau này họ còn tham gia hát nhiều lần cùng nhau, trở thành những người bạn diễn thân thiết. Tại liên hoan Opera Munich sau đó, trên sân khấu Bavarian State Opera, lần đầu tiên Nilsson hát vai Brünnhilde trong trọn bộ Der ring des Nibelungen. Tháng 9/1955, bà có chuyến lưu diễn xa xôi tới Teatro Colón, Buenos Aires trong Isolde đúng vào dịp một cuộc bạo loạn xảy ra ở đây. Những tiếng súng nổ đã trở thành nỗi sợ hãi lớn nhất trong cuộc đời của Nilsson. Nhưng bất chấp điều đó, bà còn quay trở lại biểu diễn tại đây nhiều lần sau này.

Giờ đây, không gì có thể cản nổi sự thăng tiến trong sự nghiệp của Nilsson. Năm 1956 đánh dấu lần đầu tiên Nilsson biểu diễn tại Mỹ với Brünnhilde tại San Francisco Opera. Ngày 2/4/1957 tại Vienna State Opera, cũng với Brünnhilde, đã đánh dấu lần hợp tác đầu tiên giữa Nilsson với Herbert von Karajan, một trong những nhân vật có tác động quan trọng đối với sự nghiệp của bà. Brünnhilde là một trong những vai diễn quan trọng và thành công nhất trong sự nghiệp của Nilsson, sự kết hợp hoàn hảo mà hiếm ai có thể sánh bằng, chứ đừng nói là vượt qua. Trong vai Brünnhilde, Nilsson lần đầu hát tại Covent Garden dưới sự chỉ huy của Rudolf Kempe vào ngày 27/9/1957. Và lại là cùng Karajan, Nilsson đã có màn ra mắt tại La Scala vào ngày 21/4/1958, bên cạnh những tên tuổi lớn khác như Leonie Rysanek, Hans Hotter và Christa Ludwig. Màn trình diễn của Nilsson thuyết phục đến nỗi, vào ngày 7/12/1958, bà đã trở thành ca sĩ không phải người Ý thứ hai, sau Maria Callas, có vinh dự được hát trong đêm mở màn mùa diễn tại La Scala, trong Turandot cùng với Giuseppe di Stefano dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Antonino Votto.

Ngày 18/12/1959, dưới sự chỉ huy của Karl Böhm, Nilsson đã đĩnh đạc bước ra sân khấu Metropolitan Opera trong Tristan und Isolde và hoàn toàn chinh phục khán giả cũng như các nhà phê bình tại đây. Howard Taubman đã tán dương bà trên New York Times: “Birgit Nilsson đã lấp đầy Metropolitan Opera đêm qua với ánh hào quang của Isolde tốt nhất kể từ những ngày không thể quên của Kirsten Flagstad hai thập kỷ trước… Trước khi màn đầu tiên kết thúc, bất kỳ khán giả am hiểu Tristan und Isolde của Metropolitan Opera nào cũng biết rằng một ngôi sao vĩ đại đang vụt sáng trên các thiên đường biểu diễn. Giọng soprano của cô dường như có trữ lượng âm sắc vô hạn. Trong một phạm vi hơn hai quãng tám, không có nốt nào bị kém chất lượng và nốt Đô cao xuất hiện với tác động tuyệt vời. Mặc dù nhỏ và gầy so với các soprano Wagnerian, Nilsson có thể khiến giọng hát của mình bay lên trên các nốt fortissimo của một dàn nhạc lớn với âm lượng đầy tràn như thể nó có sức mạnh của máy bay phản lực. Giọng hát của cô ấy hội tụ một cách đặc biệt, luôn ở trung tâm của giai điệu. Không mang màu sắc u ám như giọng hát tuyệt vời của Flagstad, Nilsson có một sự sinh động lấp lánh. Nilsson có thể làm những gì cô ấy muốn với giọng hát này”.

“Khi bạn nghĩ rằng một nốt cao không thể hát hay hơn, thì cô ấy sẽ hát nốt tiếp theo một cách tuyệt vời không kém. Giọng hát của cô ấy có nguồn năng lượng vô biên – tính âm nhạc, sự an toàn. Cô ấy là một kỳ tích về giọng hát. Sẽ không có một Elektra nào tốt hơn trong 50 năm tới”. (nhạc trưởng Georg Solti)

Sức mạnh tuyệt đối trong giọng hát giúp Nilsson dễ dàng xuyên qua âm thanh khổng lồ của một dàn nhạc lên đến 100 nhạc công với rất nhiều kèn đồng, điều quen thuộc trong opera của Wagner. Nilsson được sinh ra để làm điều đó, như sau này bà trả lời phỏng vấn “Bạn phải có một thể lực nhất định đối với Wagner, nhưng tôi nghĩ rằng tôi sinh ra đã có được điều đó. Tôi cảm thấy rất khỏe khi hát. Và khi tôi bắt đầu học, tôi cảm thấy mình thực sự giống như một võ sĩ quyền anh hoặc đô vật. Nó hẳn là bản chất của tôi”.

Một cách tự nhiên, Nilsson luôn được đem ra so sánh với Flagstad. Họ có danh mục biểu diễn tương tự nhau, đều là soprano Wagnerian số một trong thời đại của mình, cùng đến từ bán đảo Scandinavia và có một sự nghiệp biểu diễn dài lâu. Tuy nhiên, Nilsson đã may mắn hơn Flagstad khi bà có cơ hội được thu âm nhiều hơn. Nilsson đã rất ý thức được điều này. Bà thường xuyên thu âm dù rằng, không hài lòng với chúng. Sở hữu một chất giọng được The New York Times ca ngợi là “của sự chân thật hoàn hảo và sức chịu đựng bất khả xâm phạm”, những nốt cao bùng nổ là một trong những điểm mạnh nhất của Nilsson nhưng chúng “đã không được thu âm như lẽ ra chúng phải làm như vậy”. Bà từng than thở: “Tôi luôn cảm thấy hơi buồn khi nghe bản thu âm của chính mình. Và nhiều người nói với tôi rằng tôi hát trực tiếp hay hơn nhiều so với bản thu âm. Điều đó không làm tôi hài lòng chút nào, bởi vì tôi biết điều gì sẽ còn lại khi tôi không còn hát nữa”. Nhận xét về giọng hát của Nilsson, John Von Rhein của Chicago Tribune cho biết “Giọng soprano đặc biệt của Nilsson thật khó quên. Đó là sức mạnh của tự nhiên hơn là một giọng hát. Những nốt nhạc cao nhất lóe lên như những thanh kiếm được rút ra; giọng hát ổn định và chắc chắn trong suốt một phạm vi rộng. Âm thanh bất khả chiến bại cắt xuyên qua một dàn nhạc dày đặc nhất. Việc kiểm soát hơi thở tốt đến mức cô ấy có thể giữ những nốt cao dường như là mãi mãi”. 

Trả ơn sân khấu 

Sự nghiệp của Nilsson thăng hoa và đạt đến đỉnh cao trong thập niên 1960. Bà là một trong những soprano được săn đón và trả thù lao hậu hĩnh nhất. Không nhờ đến người đại diện, Nilsson luôn trực tiếp đứng ra đàm phán hợp đồng của mình và chưa bao giờ khiến bản thân bị thiệt thòi. Bà từng trả lời Tổng Giám đốc đầy quyền lực Rudolf Bing của Metropolitan Opera: “Không có gì cả, Ông hãy chồng đủ tiền và một giọng hát tuyệt vời sẽ xuất hiện”. Bên cạnh giọng hát mãnh liệt, Nilsson còn rất nổi tiếng về trí thông minh và sự đáo để, sắc sảo của mình. Trong một buổi tập luyện cùng Karajan, chuỗi hạt đeo cổ ngọc trai của Nilsson bị đứt. Karajan cúi xuống nhặt giúp và trêu Nilsson: “Có phải chúng được mua bằng mức phí cắt cổ mà Metropolitan Opera trả cho cô hay không”? Nilsson ngay lập tức đáp trả: “Không, chúng là hàng nhái, được mua bằng những đồng tiền ít ỏi mà ông trả cho tôi ở Vienna State Opera”. Còn với Franco Corelli, mà họ được coi là cặp bài trùng không ai có thể vượt qua trong Turandot, cũng có một câu chuyện thú vị. Trong lần biểu diễn tại Metropolitan Opera, dường như có một cuộc đua ngầm giữa hai người xem ai có thể giữ nốt Đô cao lâu hơn trong duet ở màn II của Turandot. Có vẻ như Nilsson là người thắng thế. Khi nghỉ giữa màn, Corelli đã phàn nàn với Bing về màn chơi trội của Nilsson. Để làm dịu Corelli, Bing đề nghị Corelli trả đũa bằng cách cắn vào cổ Nilsson khi họ hôn nhau trong màn III. Corelli đã không làm như vậy nhưng nói lại với Nilsson về ý tưởng của Bing. Ngay sau đó, Nilsson đã gọi điện cho Bing, thông báo cô không thể diễn các buổi tiếp theo vì bị bệnh dại.

Cùng với Brünnhilde, Isolde và Turandot là những vai diễn gắn liền với tên tuổi của Nilsson. Bà từng nói: “Isolde khiến tôi trở nên nổi tiếng. Turandot giúp tôi giàu có”. Nhưng quãng thời gian sau này, Nilsson trở nên gắn bó chặt chẽ với Richard Strauss, đặc biệt trong Die frau ohne schatten (Vợ của người thợ nhuộm) và các vai chính trong Elektra và Salome. Nhận xét về Elektra của Nilsson, nhạc trưởng Georg Solti nói: “Khi bạn nghĩ rằng một nốt cao không thể hát hay hơn, thì cô ấy sẽ hát nốt tiếp theo một cách tuyệt vời không kém. Giọng hát của cô ấy có nguồn năng lượng vô biên – tính âm nhạc, sự an toàn. Cô ấy là một kỳ tích về giọng hát. Sẽ không có một Elektra nào tốt hơn trong 50 năm tới”. Cùng với Solti, Nilsson đã thực hiện những bản thu âm opera tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của mình như Elektra, Salome và đặc biệt là trọn bộ Der ring des Nibelungen. Tháng 8/1970, bà hát lần cuối tại liên hoan Bayreuth, sau 16 năm gắn bó với nơi đây, trong Tristan und Isolde. Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, Nilsson đã hát cùng với rất nhiều tenor tài năng như Di Stefano, Corelli, Windgassen, Jussi Björling, Carlo Bergonzi, Plácido Domingo, José Carraras và thậm chí là cả Beniamino Gigli nhưng Jon Vickers vẫn luôn mang đến cho cảm giác khác lạ: “Tôi vẫn luôn nhớ về Tristan und Isolde mà chúng tôi thực hiện cùng nhau tại liên hoan Orange, Pháp năm 1973. Tôi chưa bao giờ thấy một nghệ sĩ nào thực hiện chân thực hơn, đặc biệt ở màn III. Đôi mắt của anh ấy! Tôi vẫn có thể nhìn thấy chúng. Đó không còn là điều khó tin nữa, mà là một thảm kịch thực sự. Tôi đã rất lo cho sức khỏe của anh ấy”.

Vào giữa những năm 1970, sự nghiệp của Nilsson tại Mỹ bị gián đoạn do những rắc rối của bà với sở Thuế vụ. Bà ngừng hát tại Metropolitan Opera từ ngày 2/4/1975 và chỉ quay lại đây vào ngày 4/11/1979 trong một gala của riêng bà với các trích đoạn từ opera của Wagner và Richard Strauss. Donal Henahan đã viết trên The New York Times “Tiếng trumpet chói lọi nổi tiếng của một giọng ca còn xa mới nghe như tiếng cornet”. Buổi biểu diễn opera cuối cùng của bà diễn ra tại Frankfurt vào ngày 16/6/1982 trong Elektra

Nilsson giã từ sự nghiệp vào năm 1984 và trở về ngôi nhà thời thơ ấu của mình tại làng Västra Karup, thỉnh thoảng tham gia dạy các lớp master class. Bà vẫn luôn vui vẻ, thanh thản và khiêm tốn “Tôi luôn luôn nhớ về những lời mẹ thường bảo. Hãy ở gần mặt đất. Sau đó nếu con có ngã thì sẽ không đau lắm”. Bà chỉ quay trở lại sân khấu trong những dịp hiếm hoi, như gala kỷ niệm 25 năm ngày James Levine ra mắt tại Metropolitan Opera vào ngày 27/4/1996. Nilsson qua đời ở tuổi 87, vào đúng ngày Giáng sinh năm 2005 tại nhà riêng của mình tại Bjärlöv, một ngôi làng nhỏ gần Skåne. Nguyên nhân cái chết không được đưa ra. Bà được chôn cất tại quê nhà trong phần mộ của gia đình.

Theo nguyện vọng của Nilsson, ngôi nhà của bà đã trở thành bảo tàng, bắt đầu đón khách từ năm 2010, để mọi người có thể hiểu biết hơn về người nghệ sĩ vĩ đại. Năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nilsson, Metropolitan Opera mở một cuộc triển lãm về bà. Quỹ Nilsson, nơi điều hành giải thưởng Nilsson đặc biệt xuất bản ba ấn phẩm về bà: một cuốn sách kỷ niệm dày 700 trang có tựa đề Sự tôn kính, một đĩa DVD bộ phim tài liệu về bà với tên gọi Giải đấu của riêng bà và một bộ sưu tập 31 CD. Thụy Điển cũng vinh danh Nilsson với việc in hình bà lên tờ tiền mệnh giá 500 krona, tri ân người con vĩ đại của đất nước.□

————–

Trước khi Nilsson qua đời, bà đã thành lập giải thưởng Birgit Nilsson, trị giá 1 triệu USD, là giải thưởng có giá trị nhất trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển. Nó được dành tặng cho cá nhân hoặc tổ chức có những đóng góp quan trọng, thành tựu xuất sắc và gây ấn tượng lớn trong âm nhạc cổ điển, được trao tặng khoảng ba năm một lần. Giải thưởng đầu tiên được trao năm 2009 đã thuộc về Domingo, do đích thân Nilsson lựa chọn và công bố ba năm sau khi bà qua đời. Các giải thưởng tiếp theo thuộc về Riccardo Muti (2011), Vienna Philharmonic (2014) và Nina Stemme (2018). Trước đó, dựa theo kinh nghiệm của bản thân mình, bà hiểu được tầm quan trọng của sử ủng hộ và động viên đối với các ca sĩ trẻ. Vì vậy, nhân dịp người thầy giáo tận tụy Blennow qua đời vào tháng 9/1969, bà đã thành lập một học bổng để vinh danh ông, trao tặng hằng năm cho các ca sĩ trẻ, lần đầu vào năm 1973 với số tiền trị giá 200.000 krona (khoảng 20.000 USD). Stemme cũng từng nhận được học bổng này. 

Nguồn tham khảo:

https://www.nytimes.com/2006/01/12/arts/music/birgit-nilsson-soprano-legend-who-tamed-wagner-dies-at-87.html
https://www.theguardian.com/news/2006/jan/12/guardianobituaries.arts
https://www.independent.co.uk/news/obituaries/birgit-nilsson-6111958.html

Tác giả

(Visited 114 times, 1 visits today)