Bộ phim trong sương

Bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương của Hà Lệ Diễm đã đi khắp thế giới, nhận nhiều giải thưởng, ghi tên trong danh sách ứng giải Oscar 2023 và hơn hết có được thứ cần nhất khi đang chiếu rạp “làm xôn xao dư luận”.

Di đi chơi. Ảnh trong phim.

Thôi anh không lấy tôi thì thôi,

Không lấy, anh gọi họ hàng anh em nhà anh tới

Tôi gọi anh em chị em nhà tôi về,

Anh không lấy tôi, tôi đi nơi khác làm ăn làm mặc,

Có ngày tôi đứng giữa chợ đẹp như bông hoa

Anh về anh nhìn thấy, anh sẽ não lòng!”

(Dân ca Mèo, Doãn Thanh sưu tầm và biên dịch, Hội văn học nghệ thuật Lào Cai – 1974)

Xem xong Những đứa trẻ trong sương từ rạp phim trở về, người viết lục tìm cuốn Dân ca mèo trong tủ sách cũ như “một lối tìm về cá tính H’Mông” (Nguyễn Mạnh Tiến). Trên “Những đỉnh núi du ca”, quả tình đã được bắt gặp những cô gái Mông yêu rất nồng cháy, lãng mạn lại thiết thực, tình yêu bao giờ cũng vừa nội tâm vừa phóng chiếu vào công ăn việc làm, gia đình, cộng đồng, cảnh quan. Có những hẹn hò không thành đôi lứa mà quyết chọn lá ngón, có những tình huống đơn phương  lại rút lui trong cái dằn dỗi hóm hỉnh, bao dung.

Cũng như “Một lối tìm về cá tính Mông” trong cuộc sống đương đại, bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương của Hà Lệ Diễm đã đi khắp thế giới, nhận nhiều giải thưởng, ghi tên trong danh sách ứng giải Oscar 2023 và hơn hết có được thứ cần nhất khi đang chiếu rạp “làm xôn xao dư luận”. Khán giả, người này khen nó dễ thương, cộng đồng kia coi nó là trải nghiệm điện ảnh thú vị nhất định phải kinh qua, và cũng không ít người thấy  gai góc. Người ta cười trong lúc xem phim, uất ức ở trường đoạn cao trào. Người này gói nó trong sự trong sáng của câu chuyện về tuổi trưởng thành, trong khi những người kia, những người Kinh nhận ra nhiều vấn đề văn hóa, xã hội của người Mông khi dàn trải kiến văn, suy tư trên trang viết. Người ta meme hóa những câu thoại, dẫn lại những cuộc phỏng vấn, và  tranh luận về một số khái niệm, quan niệm học thuật trong khi người  khác share link facebook nhân vật hòng mong thỏa sự quan tâm vương vấn. Người viết gọi phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương là bộ phim trong sương. Một bộ phim quá rõ để mờ, và quá mờ để rõ. Là phim tài liệu theo thể loại quan sát, thiên về trình hiện hơn giải thích, một mặt nó tập trung vào một nhân vật, một mái nhà, qua vài ba mối quan hệ, một mặt nó dư vang cả một di sản với nếp sống hiện tại, nó bỏ lại khoảng trống mênh mông thành năng sản tưởng tượng, kiến giải. Trong màn sương mà bộ phim vương mắc, người viết chọn níu vào trước nhất tính hấp dẫn của bộ phim mà đi.

Người viết gọi phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương là bộ phim trong sương. Một bộ phim quá rõ để mờ, và quá mờ để rõ. Trong màn sương mà bộ phim vương mắc, người viết chọn níu vào trước nhất tính hấp dẫn của bộ phim mà đi.

Trong điện ảnh Việt Nam, qua những tài liệu hội thảo lượm lặt được, người viết thấy vắng bóng sự bàn đến tính hấp dẫn của phim tài liệu, như thể khi làm phim về sự thật, hùng biện về sự thật thì nó khó thể hấp dẫn. Trong khi sự thật chính là sự hấp dẫn bởi nếu bộ phim không thể nói về sự thật, toàn bộ sự thật thì nó cũng cho thấy sự thật về sự chưa thật vậy. Mặt khác, trong điều kiện dân chủ hóa về phương tiện ghi hình, nhà nhà người người với điện thoại thông minh, có khuynh hướng tường thuật, hư cấu mọi trải nghiệm đời sống,  nhà làm phim mất đi ví trị độc quyền trong việc thu ghi, phân phối dữ liệu, nên yếu điểm của phim tài liệu là xây dựng sự thật cùng với sự sắc sảo như một dạng thẩm quyền, chỉ thể là con người ấy, vào thời điểm ấy với cách tiếp cận ấy mà thành ra. Sự hấp dẫn của phim tài liệu không còn là sự thật thơ mộng, sự thật hùng tráng, sự thật biết ơn, sự thật đấu tranh, sự thật kịch tính mà là sự thật chuyên biệt.

Dù đề tài về tuổi trưởng thành của thiếu nữ dân tộc đến trước, hay cô bé dân tộc Mông tên Má Thị Di vừa qua tuổi lên 10 đến trước, thì hành trình rong ruổi ba năm ghi hình của Hà Lệ Diễm cũng may mắn vì có được một nhân vật hấp dẫn. Di lớn lên cùng với trăm ngàn lần khom mình đưa lưỡi dao bới vào hốc núi, gù lưng cõng lúa, vác chàm…Di cũng lớn lên trong sự háo hức nôn nao nghe tiếng điện thoại báo tin nhắn đến….Di vừa thuộc về, vừa tương phản với môi trường xung quanh; vừa tiếp nối thế hệ trước bà, mẹ, chị, vừa xa lạ với họ; vừa hòa đồng với đám bạn cùng trang lứa, vừa từng trải láu lỉnh hơn họ, Di vừa tự chủ, vừa bẵng quên mà thay đổi. Di thích thú nhìn thế giới qua màn hình điện thoại và cũng bối rối trước những diễn biến phiền lụy mà đời sống tình cảm của mình giăng mắc. Tuổi hoa niên của Di như bao tuổi hoa niên vì nó khấp khởi thấm tẩm cái mới, rồi hoang mang tự tạo ra kinh nghiệm cho chính nó mà không phó mặc vào chuyện được chuyển giao, tuổi hoa niên của Di cũng khác với những tuổi hoa niên khác vì trong lúc bước chân mài trên những mỏm đá, đường đèo, Di ôm giấc mơ vượt lòng thung lũng, mong kiếm được nhiều tiền, đưa mẹ đến những nơi bà không thể biết.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm (trái) và Di.

Trước khi bộc lộ trong hoàn cảnh có kịch tính “cuộc bắt vợ” ở nửa sau của phim, Di đã thành ra quyến thuộc với người xem ở nửa đầu trong cuộc sống thường nhật của mình và gia đình. Cuộc sống thường nhật hấp dẫn vì nó không sa vào trưng trổ văn hóa bản địa mà ở cái nhịp điệu của sự luôn chân luôn tay. Trong phim, dường như toàn bộ cuộc sống xoay quanh lao động, mọi hoạt động khác phải khởi đi, cạnh tranh, đánh thó thời gian với thời gian làm việc. Di cùng đám bạn vui chơi khi làm việc, mẹ Di có thể đi uống rượu vì có Di ở nhà cho lợn gà ăn, bọn trẻ nghỉ học vì bố mẹ cần chúng ở nhà làm việc, cảnh trước người xem vừa cùng Di cắm cây mạ non xuống ruộng, cảnh sau đã thấy Di từ trường học trở về, vội vã tháo khăn quàng, khoác lên mình bó lúa mới gặt…Bên đống lửa, ngón tay đen đúa màu chàm nhuộm vải thoăn thoắn đưa mũi kim khâu chiếc áo cho mình. Cuộc “kéo vợ”, lễ “thách cưới”, cũng có thể xem như một cuộc hoán vị lực lượng lao động từ nhà mình sang nhà chồng vậy.

Cựa mình trong nhịp điệu cuộc sống nhọc nhằn, đầy sự hòa trộn giữa cái cũ cái mới, giữa sức lao động huy chương trên vẻ khắc khổ chai sạn và lấp ló những phương tiện hiện đại, giữa tập quán phong tục, dăm ba lời ca, nghi lễ với “ở trường cô dạy em thế”…cuộc sống thường nhật hiện lên trong bộ phim tài liệu dung chứa nhiều mâu thuẫn. Đó không phải kiểu mâu thuẫn được “tạo tác” từ ý muốn và vật cản như trong phim truyện, mà đó là mâu thuẫn tất yếu khi mình sống cùng người khác, mọi người sống chung. Không có người tốt, không có kẻ xấu chọi nhau, nhưng con cái cha mẹ, vợ chồng, cá nhân, tập thể… vẫn hăng hái mâu thuẫn vì nó làm ra sự có mặt. Sự có mặt “cuồng nhiệt” trong quan niệm “thời gian trôi nhanh”, nơi không gian mênh mông trùng điệp. Mâu thuẫn của cuộc sống trong phim là bất khả phân định, tự nó không gằn dỗi, cũng không nhất quyết giải quyết, tự nó không hòng mong mang lại một vận hội đổi đời. Nó quá đỗi bấp bênh vì quá ít lựa chọn sống. Nó vẫn tiếp diễn trong sự khiêm nhường sống thế là tốt nhất rồi. Nó chứa đựng  rất nhiều vấn đề xã hội đã ẩn tàng, chìm lấp, bị bỏ qua, cho qua lại gợi ra từ nếp sống bằng dăm ba quan niệm sống, hành vi ứng xử, chi tiết nực cười: nạn buôn người, buôn lậu, tôn giáo, bạo lực… Cái gì đã khiến cho những vấn đề này thành thường tình, điều ấy thật đáng buồn.

Trong phim, dường như toàn bộ cuộc sống xoay quanh lao động, mọi hoạt động khác phải khởi đi, cạnh tranh, đánh thó thời gian với thời gian làm việc. Hà Lệ Diễm trở thành người làm phim vừa ghi hình vừa khóc, người làm phim hành động, thúc giục các nhân vật hành động và nhận được chính sự an ủi của nhân vật.

Có thể bộ phim không tường minh quy luật tinh thần chi phối lớp vỏ vật chất của cái nhìn thấy, nghe thấy như một thiết chế trở nên hạn chế, thậm chí cắc cớ khi áp đặt vào một điều kiện sinh tồn đặc thù, hay một tình huống khám phá đời sống tình cảm của cô gái vui quen “thả tính” hẹn hò, thể hiện tình cảm trên mạng, dẫn đến việc để mình mắc vào một tình huống mà luật tục giăng sẵn, phải quyết liệt vùng lên chống lại, thoát ra… nhưng bộ phim đã đưa ra các chỉ dấu để người xem lục tìm từ một cấu trúc phim rất hấp dẫn. Cấu trúc của phim theo kiểu Khung – Frame, các sự kiện của phim là cái đã qua – kí ức, nhân vật của phim là con người hồi cố. Mở đầu là hình ảnh Di của thời điểm hiện tại, leo lên mỏm đá nghĩ về những chuyện đã qua với đôi mắt ưng ức nước gợi nhắc đến mọi cô gái của khoảnh khắc “buồn ơi, ta xin chào mi”, vừa đứt đoạn những điều trong trẻo của tuổi ấu thơ để bước đến cái ngưỡng chào đón những nỗi buồn tới với hình ảnh kết thúc Di chạy vào khoảng không khói sương. Cấu trúc của phim còn được cố kết rất ý hướng.

Hầu hết các phân đoạn trong nửa đầu phim như chuẩn bị cho nửa sau của phim, Di bị bắt dâu trong cuộc chơi xuân, “trong ba năm quay Di, điều chị luôn sợ hãi đã xảy ra: Di đột ngột biến mất”, đạo diễn Hà Lệ Diễm đã ngỏ lời. Trong lúc trình bày cuộc sống thường nhật, mọi cảnh phim đều chêm đặt nội dung về tương lai, hôn nhân, tục bắt vợ dưới hình thức: trò đóng vai của bọn trẻ, interview của người làm phim, lời kể về những trải nghiệm của mẹ, của chị, hay lời nhắc nhở với chính Di. Sự hấp dẫn ở chính tình thế lưỡng nan của người làm phim, Diễm là một người bạn, người chị gái sợ hãi điều chẳng lành đến với em gái, cùng lúc là một người cầm máy chờ đợi chất liệu kịch tính đi vào khuôn hình. Hà Lệ Diễm trở thành người làm phim vừa ghi hình vừa khóc, người làm phim hành động, thúc giục các nhân vật hành động và nhận được chính sự an ủi của nhân vật.

Nửa sau của bộ phim tập trung vào sự kiện Di bị “kéo vợ” với nhiều bất ngờ. Cách dựng phim khéo léo, chính xác cực độ đưa sự việc vào mô hình kịch tính bắt đầu, diễn biến và kết thúc. Xung đột được dẫn dắt ở cả hành động và phản ứng, cả điều ta thấy và vắng mặt. Cha mẹ hai nhà, Di và người bạn trai bắt cô – Vàng, nhà trường và chính quyền… Mỗi nhân vật đều có một vai trò xã hội (role) vừa làm mờ vừa soi rõ, vừa buộc lại vừa tháo ra như xây dựng một cuộc thư hùng về các dạng quyền lực: quyền làm cha làm mẹ thách cưới, quyền tục lệ, quyền của chính quyền, quyền của giáo dục, quyền tự quyết của đôi bạn trẻ, quyền cự tuyệt của Di. Sự kiện này đã diễn ra ở tuổi trẻ của bà Di, mẹ Di, chị Di, trong tiếng cười hả hê của bố Di và dù với Di đã diễn ra rất khác, đã rất “sai kịch bản”, nhưng chắc chắn nó sẽ được hoài nhắc trong đời. Kéo vợ có thể là một đặc trưng bản địa, nhưng ý nghĩa của nó trong bộ phim còn cho thấy những giá trị  rất phổ quát nơi con người như mẹ Di, như mọi bà mẹ trên đời, biết biến những lo lắng thành lo toan. “Mày nghe cô giáo mày, rồi mày học xong họ có lo cho cuộc sống của mày không?”, điều mẹ Di nói vô tình chỉ ra bản chất của phim tài liệu, dù bộ phim có hoàn kết trong một tựu thành ý nghĩa nào đó, thì cuộc đời các nhân vật vẫn diễn ra khiêm nhường, im lặng.

Một lần tham gia khóa học làm phim tài liệu Varan, người viết có dịp hỏi người hướng dẫn của mình, nếu trong quá trình làm phim, người làm phim yêu nhân vật của mình, nhân vật yêu người làm phim, họ yêu nhau, thì sao? Người hướng dẫn, không cười, trả lời, người ta vẫn gặp nhau và yêu trong cuộc sống mà. Có lẽ ngụ ý của người hướng dẫn năm xưa với người viết là không nên thần thánh hóa việc làm phim, làm phim cũng chỉ là một cách sống, mời gọi mọi khả năng có thể xảy ra. Hành trình làm phim tài liệu vì thế không nên xác lập như cuộc xâm nhập để đạt được là sự sẻ chia tin cậy, có thế nhân vật mới cho bộ phim những chi tiết, trạng thái sống thú vị, của riêng cuộc sống nơi họ. Như vậy, dù đề tài về tuổi trưởng thành của thiếu nữ dân tộc đến trước, hay cô bé dân tộc Mông tên Má Thị Di vừa qua tuổi lên 10 đến trước, thì Hà Lệ Diễm, một cô gái dân tộc Tày, trong sự thực hành xử lí mối quan hệ giữa đạo diễn – máy quay- nhân vật, đã đủ tài năng, lòng cộng cảm để biến việc làm phim về nhân vật thành cơ hội làm phim cùng nhân vật, loại được cái nhìn kiểu colonial gaze (một cái nhìn từ trên xuống với người thiểu số) mà một người Kinh rất dễ mang vác khi tiếp cận. □

—–

*ĐH Công nghệ TP.Hồ chí Minh

Tác giả

(Visited 33 times, 1 visits today)