Boléro – cỗ máy tinh xảo để đời của Ravel

Boléro là một kiểu vũ khúc Tây Ban Nha sôi nổi ở nhịp 3/4, thường được đệm bằng castanet (một loại nhạc cụ gõ cầm tay có thể vừa chơi vừa nhảy múa) và đôi khi bằng tiếng hát. Thế nhưng miêu tả này không thật phù hợp với tác phẩm Boléro lừng danh của nhà soạn nhạc Pháp Maurice Ravel (1875 - 1937).

Với các nhà sử học âm nhạc và các sách kỷ lục, Boléro nổi tiếng vì bản nhạc chứa đựng crescendo độc nhất được duy trì liên tục lâu nhất so với bất cứ tác phẩm nào trong vốn tiết mục cho dàn nhạc (crescendo là ký hiệu chỉ dẫn cách chơi tăng dần âm lượng cho các nhạc công). Vì một nhà phê bình về sau đã viết: “Boléro đi chệch khỏi truyền thống cả ngàn năm.”
Với những người sưu tập giai thoại, Boléro nổi tiếng vì từng được chính tác giả gán cho cái tên “tiểu khúc cho dàn nhạc mà không có âm nhạc” một cách hài hước. Vì trong buổi công diễn đầu tiên của Boléro, một người phụ nữ trong đám khán thính giả đã thét lên: “Ông ấy điên rồi… ông ấy điên rồi!” Vì khi được thuật lại chuyện này, Ravel đã mỉm cười mà rằng: “Bà ấy hiểu tác phẩm đấy”.


Maurice Ravel

Với các nhạc công và người yêu nhạc, Boléro nổi tiếng vì trong suốt thời lượng khoảng 15 phút của tác phẩm, họ có thể chơi hoặc nghe nhiều đoạn lặp lại nhất. Vì đây là một tác phẩm 15 phút được soạn cho dàn nhạc một cách trau chuốt, kỹ lưỡng nhất.

Chắc chắn là khi bắt tay vào soạn Boléro, Ravel chẳng thể tưởng tượng được rằng nó sẽ trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi của mình đến thế. Ban đầu, theo hợp đồng với nữ diễn viên ballet Nga Ida Rubinstein, Ravel chỉ định chuyển soạn cho dàn nhạc sáu tiểu khúc piano trong tổ khúc Iberia của Isaac Albéniz để làm nhạc nền ballet.

Nhưng do gặp trở ngại về bản quyền chuyển soạn, Ravel đã ứng phó bằng cách soạn tiểu khúc ballet Boléro như một bài tập kỹ thuật sáng tác. Chỉ từ một ý tưởng giai điệu duy nhất, ông đã phát triển Boléro thành một tác phẩm trọn vẹn cho dàn nhạc.

Trong buổi công diễn đầu tiên tại nhà hát Opera Paris ngày 22/11/1928, Boléro đã khiến khán thính giả choáng váng. Ida Rubinstein vào vai một vũ nữ flamenco nhảy múa trên một chiếc bàn dài trong một quán rượu Tây Ban Nha. Vây quanh cô là những người đàn ông mà niềm ngưỡng mộ đã trở thành nỗi ám ảnh dục vọng.

Trước đó Ravel không hoàn toàn tán thành ý tưởng dàn dựng này. Khi soạn nhạc, ông mang ý niệm rằng đó sẽ là một cảnh ngoài trời, trước một nhà máy và tiếng máy móc chạy sẽ tạo ra một nhịp điệu cố định. Những công nhân tham gia vào vũ điệu trong khi diễn ra câu chuyện về một dũng sĩ đấu bò bị đối thủ ghen ghét sát hại. Ý tưởng này của Ravel chỉ được thực hiện sau khi ông qua đời.

Mặc dù thành công ngay lập tức khi làm nhạc nền cho ballet, nhưng thời hoàng kim của bản nhạc Boléro chỉ thực sự bắt đầu sau khi hợp đồng độc quyền sử dụng với Ida Rubinstein hết hạn và những buổi hòa nhạc có trình tấu Boléro được tổ chức.

Trên nền tiếng trống gõ theo nhịp boléro và tiếng bật pizzicato của dàn dây, một sáo flute bắt đầu trình bày giai điệu chủ đề sẽ chiếm ưu thế trong toàn bộ tác phẩm. Một kèn clarinet lặp lại chủ đề rồi một bassoon (kèn faggot) trình bày tiếp phần phát triển uể oải và ảm đạm. Rồi giọng dịu dàng của kèn oboe d’amore nổi lên dẫn dắt giai điệu.

Tiếp theo đó, một số nhạc cụ đồng thời chơi giai điệu ở những giọng khác nhau. Dần dần, có nhiều nhạc cụ tham gia hơn và kèn trombone gây ấn tượng với kỹ thuật glissando (vuốt âm) kiểu nhạc jazz.

Âm lượng của các nhạc cụ tiếp tục lớn hơn, huyên náo hơn. Đến gần cuối tác phẩm, sự thay đổi đột ngột của điệu thức từ Đô trưởng sang Mi trưởng phá vỡ tính ổn định của dòng nhạc. Tiếng chiêng và cymbal rền vang tạo cho tác phẩm một kết thúc chói tai, kịch tính.

Trong Boléro, Ravel đã xử lý dàn nhạc như một cỗ máy. Tác phẩm hòa nhạc này như một mẫu hình tinh vi những bánh răng và trục quay ăn khớp để cùng tạo ra một tổng thể. Boléro là một lời tiết lộ hùng hồn về sức mạnh của âm nhạc vượt trên những giới hạn xúc cảm của chúng ta.

Một cuộc đời nhiều trớ trêu

Maurice Ravel (1875-1937) nằm trong số các nhà soạn nhạc quan trọng và gây ảnh hưởng nhất đầu thế kỷ 20. Dù thường bị gắn với Claude Debussy như một mẫu mực của trường phái âm nhạc Ấn tượng và một số tác phẩm của họ bề ngoài có sự tương đồng nhưng Ravel có tiếng nói độc lập bắt nguồn từ tình yêu của ông dành cho nhiều loại phong cách trong đó bao gồm cả âm nhạc Pháp thời Baroque, Bach, Mozart, Chopin, các truyền thống dân gian Tây Ban Nha và cả nhạc Jazz, nhạc blue. Âm lượng tao nhã và đậm chất trữ tình trong tác phẩm của ông không lớn nếu so với các nhà soạn nhạc cùng thời nhưng sáng tác của ông nổi bật nhờ được trau chuốt tỉ mỉ và trang nhã. Ông đặc biệt tài năng trong lĩnh vực phối khí cho dàn nhạc, một lĩnh vực mà cho đến nay vẫn chưa có ai vượt trội hơn Ravel.

Mẹ của Ravel là người xứ Basque, nguyên cớ cho niềm mê say trọn đời của Ravel dành cho âm nhạc Tây Ban Nha. Cha ông là một nhà phát minh và kỹ sư người Thụy Sĩ, nguồn gốc chính của việc Ravel tận tâm với tính chính xác và khéo léo trong tác phẩm của mình. Ở tuổi 14 Ravel vào Nhạc viện Paris nơi cậu học từ năm 1889 đến 1895 và từ 1897 đến 1903. Giáo viên dạy sáng tác đầu tiên của Ravel là Gabriel Fauré. Nỗi thất vọng lớn trong đời ông là thất bại trong việc giành Giải thưởng Rome mặc dù đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực.

Ravel thể hiện niềm ngưỡng mộ với âm nhạc Debussy trong suốt cuộc đời nhưng khi tiếng tăm Ravel lớn mạnh thêm trong thập niên đầu thế kỷ 20 thì một sự ghen tị lẫn nhau về mặt nghề nghiệp đã làm lạnh nhạt mối quan hệ cá nhận giữa hai nhà soạn nhạc. Trong khoảng thời gian này, Ravel phát triển quan hệ với Igor Stravinsky. Hai người trở nên quen thuộc với tác phẩm của nhau trong thời gian Stravinsky lưu lại Paris và cùng cộng tác trong những bản chuyển soạn cho Sergey Diaghilev.

Giữa những năm 1909 và 1912, Ravel soạn Daphnis et Chloé cho Diaghilev và Đoàn ballet Nga. Đây là tác phẩm lớn nhất, giàu tham vọng nhất của ông và được công chúng cùng giới phê bình khắp nơi xem là kiệt tác. Ông viết vở ballet thứ hai cho Diaghilev, La Valse, nhưng ông bầu của đoàn ballet từ chối và nó đã trở thành một trong những tác phẩm cho dàn nhạc nổi tiếng nhất của Ravel. Sau nghĩa vụ quân sự trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất với vai trò tài xế xe cứu thương và cái chết của mẹ ông năm 1917, số lượng sáng tác của ông tạm thời suy giảm. Vào năm 1925, Đoàn Opera Monte Carlo trình diễn lần đầu một tác phẩm lớn khác, bản “fantasy trữ tình” L’enfant et les sortilèges, kết quả của sự cộng tác với nữ văn sỹ Colette.

Nhạc jazz và nhạc blue Mỹ ngày càng hấp dẫn nhà soạn nhạc. Năm 1928 ông thực hiện thành công rực rỡ chuyễn lưu diễn tại Bắc Mỹ nơi ông gặp George Gershwin và càng có thêm nhiều cơ hội đắm chìm trong nhạc jazz. Một số tác phẩm quan trọng thời kỳ cuối của ông như Sonata cho violin và piano số 2 cùng Piano Concerto giọng Son thể hiện ảnh hưởng từ mối quan tâm này.


Diễn viên múa huyền thoại Ida Rubinstein qua nét vẽ của  họa sĩ Antonio de la Gandara.

Điều trớ trêu là Ravel, người mà thời trẻ bị một số thành phần trong giới quyền uy của âm nhạc Pháp bác bỏ vì đi theo con đường trở thành nhà soạn nhạc hiện đại chủ nghĩa, thì vào những năm cuối đời lại bị Satir và các thành viên Nhóm 6 coi thường như một người lỗi thời, một biểu tượng của giới quyền uy. Năm 1932, thương tích từ một tai nạn ô tô bắt đầu khiến sức khỏe ông suy giảm và hậu quả là chứng mất trí nhớ cùng khả năng giao tiếp. Ông mất năm 1937 sau một cuộc phẫu thuật sọ não.

Dù dể lại một trong những lượng tác phẩm phong phú và quan trọng bậc nhất so với bất kỳ nhà soạn nhạc đầu thế kỷ 20 nào, bao gồm hầu hết mọi thể loại trừ giao hưởng và nhạc nghi lễ, Ravel thường được nhớ tới chủ yếu như một nhà chuyển soạn tác phẩm của người khác và bởi một tác phẩm mà ông coi là nằm trong số những tác phẩm ít quan trọng nhất của mình. Bản chuyển soạn cho dàn nhạc từ tổ khúc piano Những bức tranh trong phòng triển lãm của Mussorgsky nổi tiếng khắp nơi với những người hay đi nghe hòa nhạc (tiền bản quyền từ nó biến ông thành người giàu có). Ngoài ra, Boléro, từng bị giễu cợt vì sự lặp lại dai dẳng chủ đề duy nhất của nó, cũng trở thành một trong số những tác phẩm cho dàn nhạc quen thuộc nhất, thường xuyên được biểu diễn nhất của thế kỷ 20.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)