Bốn kiệt tác Tây Ban Nha “mới”: Phản chiếu hậu quả của biến đổi khí hậu

Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã và bảo tàng Museo del Prado tại Madrid đã có một cách truyền thông độc đáo về biến đổi khí hậu thông qua việc “làm mới” bốn kiệt tác mỹ thuật. 

Francisco Goya được coi là họa sĩ quan trọng bậc nhất của Tây Ban Nha cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Ông để lại nhiều kiệt tác, trong đó có bức El Quitasol (Cái ô) hoặc vẽ vào năm 1777, một phần của loạt tranh chân dung với những màu sắc tươi sáng về cuộc sống đời thường. Nữ hoàng Tây Ban Nha đã đặt ông vẽ để treo trong phòng ăn của cung điện. Có lẽ, bà hài lòng với loạt tranh này nên sáu năm sau, Goya đã được bà tấn phong là họa sĩ cung đình.

Ngày nay, El Quitasol thuộc về Museo del Prado, Madrid. Những gì chúng ta thấy trong bức họa này là một thiếu nữ ngồi trên mặt đất, có thể đang nghỉ ngơi sau một cuộc đi dạo dài. Trang phục của cô đúng mốt thời thượng của Pháp thời điểm đó: cô mặc một cái váy màu vàng sáng và áo màu xanh nhạt, những nếp gấp mềm mại và óng ả khiến người ta nghĩ ngay nó đều được may từ tơ lụa cao cấp. Một đóa hoa lộng lẫy được gắn trên cổ áo xẻ sâu của cô, càng nổi bật trên cái nền màu mỡ gà và nâu của một cái áo khoác lụa không tay.

Bàn tay phải của cô cầm một cái quạt có vẻ như được chạm tỉa cầu kỳ, có thể được dùng để giúp cho cô mát mẻ dưới cái nắng nóng của Mặt trời. Một con chó nhỏ màu đen pha trắng nằm cuộn trên đầu gối cô. Đứng phía sau là một cậu trai trẻ đội một cái mũ vải trên mái tóc, cậu cầm một cái ô che mát cho cô, bảo vệ cô khỏi ánh nắng Mặt trời. Cái nghèo toát ra từ trang phục của cậu, và người ta có thể đoán ra địa vị của cậu – một người hầu.

Nhưng cái đẹp mà Goya muốn gợi ra không phải là sự bất bình đẳng của con người sống trong một xã hội mà là khơi dậy vẻ đẹp của một ngày mùa hè đẹp trời. Chúng ta có thể thấy những đám mây trôi trên bầu trời xanh, những cái cây nghiêng mình trong gió và hắt bóng lên khuôn mặt của cả hai nhân vật trong tranh.

Bức họa gợi mở ra một cơn bão có thể đến. Có lẽ đây là nguyên nhân vì sao mà họ dừng lại không đi nữa. Cậu trẻ xuất hiện để đảm trách vai trò bảo vệ cô gái cũng như để thể hiện sự thoải mái của mình trong tiết trời như thế này, với việc đặt một chân lên trên một hòn đá lớn.

El Quitasol nổi tiếng bởi việc sử dụng những gam màu tươi sáng của lọng, trang phục, trời xanh, lá thắm và cảm giác được bảo vệ một cách an bình, bất chấp cơn giông bão có thể ập đến. Gương mặt xinh đẹp và bình thản của cô gái cũng như sự tươi tắn và tự tin của cậu trai trẻ cũng gợi ra sự nhẹ nhõm, tươi vui trong tâm trạng, thậm chí là cảm giác ấm áp của hạnh phúc, cho người xem. Đó chính xác là điều mà Hoàng gia Tây Ban Nha muốn đem lại cho phòng ăn xa hoa của mình.

250 năm trước, Goya đã nghĩ gì khi vẽ bức họa này? Ông có nghĩ đến số phận của những người mẫu và những nhân vật trong tranh? Ông muốn truyền tải điều gì khác ngoài việc ngợi ca vẻ đẹp của cuộc sống đời thường? Chúng ta gần như không thể trả lời được tất cả những câu hỏi ấy nhưng lại có một cách làm sáng tạo để hai nhân vật ấy “sống” một cuộc đời khác, đó là được sống trong một thế giới biến đổi khí hậu.

Thoạt nghe có vẻ lạ lùng nhưng đó chính là ý tưởng của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã và bảo tàng Museo del Prado để truyền tải thông điệp chống biến đổi khí hậu cho tất cả mọi người. Thay vì việc phát động một cuộc thi vẽ mới, họ sử dụng những bức họa nổi tiếng có trong bộ sưu tập của bảo tàng, nay đã được số hóa, để điểm tô một vài nét thể hiện một thế giới biến đổi khí hậu. Đây là một phần của kế hoạch tương tác số, #LoCambiaTodo (Hãy thay đổi tất cả) của WWF tại Madrid bởi theo ông Juan Carlos del Olmo, tổng thư ký của WWF Tây Ban Nha “chúng tôi muốn gửi một thông điệp ấn tượng về biến đổi khí hậu tới tất cả mọi người thông qua hội họa, một ngôn ngữ phổ quát của nghệ thuật”. Kế hoạch truyền thông về biến đổi khí hậu mà tổ chức này phát động là “+1,5ºC Lo Cambia Todo” (+1.5oC làm thay đổi mọi thứ”, nhấn mạnh vào tính cấp thiết của việc giới hạn nhiệt độ gia tăng toàn cầu. Con số 1,5ºC dường như có vẻ nhỏ nhoi nhưng các nhà khoa học đã cảnh báo, nếu không ngăn chặn thì nó sẽ có khả năng phá hủy hành tinh ở mức độ không lường trước được.

Các chuyên gia của bảo tàng và chuyên gia của Quỹ bảo vệ thiên nhiên hoang dã đã chọn được bốn bức họa phù hợp với ý tưởng của mình, đó là El Paso de la Laguna Estigia (Cảnh tượng Charon vượt sông Styx) của họa sĩ Bỉ Joachim Patinier; El Quitasol của Francisco de Goya; Niños en la playa (Những cậu bé đang chơi đùa) của họa sĩ Joaquín Sorolla; và chân dung Vua Felipe IV của Velázquez.

Những phiên bản mới của bốn bức họa này được gắn vào những chi tiết mới như nước biển dâng, sự đe dọa tồn tại của hầu như toàn bộ các sinh vật trên Trái đất, tác dộng của hạn hán cực độ và sự chia rẽ về mặt xã hội xung quanh những người tị nạn khí hậu. “Với bảo tàng, dự án này là một cơ hội mới để tiếp tục định vị nghệ thuật và những giá trị của nó trong mục tiêu phụng sự xã hội”, Javier Solana, Chủ tịch của President of the Royal Board of Trustees ở Prado Museum nói trong một thông cáo báo chí. “Giá trị mang tính biểu tượng của các kiệt tác này và sự tái tạo nghệ thuật đầy ấn tượng của nó mà chúng tôi  cùng WWF thực hiện là một cách làm tuyệt vời để truyền tải cho mọi người và đặc biệt cho thế hệ trẻ những gì thực sự bị đe dọa trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu này”.

Vậy các chuyên gia đã làm gì để bốn kiệt tác mang thông điệp mới?

El Quitasol và những người di cư/tị nạn khí hậu

Trong phiên bản El Quitasol mới, sự tinh tế trong nét biểu cảm tươi tắn của Goya đã được thay thế bằng vẻ đau khổ (tuy nhiên, biểu hiện thờ ơ của chú chó nhỏ nằm cuộn tròn trong lòng cô gái dường như không thay đổi). Trang phục rực rỡ một thời của cả cô lẫn người hầu nam giờ đã tàn tạ, chuyển màu, và bãi cỏ nơi họ nghỉ chân đã biến thành một khung cảnh u ám vô tận của những chiếc lều và bóng người co cụm lại với nhau chỉ để giữ ấm. Họ là những người tị nạn khí hậu – những người buộc phải chuyển từ nơi vùng đang sinh sống sang một nơi khác do những thay đổi đột ngột hoặc dài hạn về môi trường làm ảnh hưởng đến hạnh phúc, sinh kế an toàn như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, phá vỡ nhịp điệu mùa (như mùa mưa đến quá muộn hoặc đến quá sớm)… Ngay cả chiếc ô che nắng đẹp đẽ giờ cũng bị thay thế bằng một chiếc ô nát bươm.

Charon vượt sông Styx cạn đáy

Bức họa được vẽ trong năm 1520 đến 1524 mô tả khoảnh khắc khi người chèo thuyền Charon đi thuyền đến giữa sông Styx. Mỗi người, trong trường hợp này là linh hồn mỗi người, chọn điểm đến cuối cùng của mình khi giờ chết điểm. Không ai có thể đi chuyến đò ngược trở lại trần gian.

Bức tranh của Patinir đáng chú ý bởi bố cục khác thường của nó. Ông đã chia không gian bức họa theo chiều dọc thành ba khu vực với sự hiện diện của dòng sông rộng ở trung tâm. Trên lòng sông mờ đục và phẳng lặng như gương, Charon chèo lái con thuyền của mình chở các linh hồn. Ở đây, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các chủ đề của Kinh Thánh và thần thoại Hi Lạp. Hình ảnh một thiên thần trên mỏm đất giữa sông, những linh hồn khác ở cách đó không xa khiến người ta có thể chợt nhận ra vùng đất xanh tốt đẹp đẽ phía bên tay trái là chốn thiên đường của Cơ đốc giáo. Ngược lại, con chó Cerberus ba đầu ở bên ngoài một cổng vòm đen ngòm dường như là điểm bắt đầu của địa ngục, thế giới của thần Hades và cũng là nơi tiếp nhận các linh hồn mà Charon chở trên con thuyền của ông – thể hiện tích cổ của thần thoại Hy Lạp

Không còn nghi ngờ gì nữa, Patinir đã thể hiện sự bi quan trong thời kỳ rối bời với sự xuất hiện của Martin Luther dẫn đến cuộc Cải cách Kháng cách và tác động mạnh đến lịch sử phương Tây

Trong phiên bản mới, người chèo thuyền Charon cũng đang di chuyển qua một giai đoạn đầy biến động của Trái đất. Ở nơi kết nối thiên đường và mặt đất này, biến đổi khí hậu cũng đang tác động với những sự kiện thời tiết cực đoan. Nước cạn kiệt trên dòng Styx do từ lâu không có mưa và những dòng chảy đổ vào sông cũng bị khô cạn. Giờ đây, Charon phải đi thuyền trên lòng sông cạn trơ đáy, giữa bốn bề cằn cỗi, cây cối đều trơ cành, xương xẩu, chết chóc. Những sự kiện thời tiết cực đoan dường như đã chạm đến cả địa giới, ngay cả con chó Cerberus ba đầu cũng nằm co ro trên mỏm đất trụi cỏ.

Vua Felipe IV chìm trong nước biển dâng

Họa sĩ Diego Velázquez, người được nhiều họa sĩ hậu thế như Picasso, Manet… ngưỡng mộ, đã vẽ một trong những bức nổi tiếng bậc nhất của mình, Vua Pelipe đệ tứ trên lưng ngựa. Vị vua dành nhiều tâm huyết cho bảo trợ nghệ thuật này xuất hiện trong tư thế uy nghiêm và đầy quyền lực của người đi chinh phục ngồi trên lưng ngựa. Bộ áo giáp chói lòa, mảnh áo choàng màu huyết dụ viền những sợi vàng và bộ yên cương chạm trổ và mạ vàng một cách tinh tế cho thấy ngay vị trí của một quân vương, dù ở ngoài cung điện. Bầu trời xanh một cách bình yên, cả dải bình nguyên xanh tươi rộng lớn phía dưới cũng yên bình có vẻ giống những ngọn đồi nằm giữa Madrid và Guadarrama, có thể là khu vực quanh dãy núi Sierra del Hoyo nằm ở Tây Bắc Madrid.

Rất nhiều bức họa kị sĩ trên lưng ngựa được khắc họa trong tư thế chuyển động đầy dũng mãnh, tràn đầy năng lượng và oai nghiêm. Diego Velázquez cho thấy Vua Felipe cũng đầy quyền lực nhưng lại trầm tĩnh và bình thản, có lẽ ông muốn diễn tả cái chắc chắn và thanh bình của một triều đại dưới sự trị vì của một ông vua yêu nghệ thuật?

Giá trị mang tính biểu tượng của các kiệt tác này và sự tái tạo nghệ thuật đầy ấn tượng của nó mà chúng tôi cùng WWF thực hiện là một cách làm tuyệt vời để truyền tải cho mọi người và đặc biệt cho thế hệ trẻ những gì thực sự bị đe dọa trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu này.

Trong phiên bản sửa đổi, tinh thần mà Velázquez muốn truyền tải không còn nữa. Sự bình thản biến mất khỏi gương mặt nhà vua, thậm chí ông còn mang biểu cảm ngơ ngác với khuôn miệng há ra đầy kinh ngạc. Ngay cả chú ngựa cũng không thoát khỏi cảm xúc mới: nếu trước đây, sự bình thản của chàng kị sĩ khiến nó cũng cảm thấy thoải mái, cúi xuống như thể nghỉ ngơi thì nay cái hàm thiếc ngẩng lên thảng thốt trước cảnh tượng khác thường: nước biển dâng đã ngập tứ phía, lên tới tận cổ ngựa và mức nước ngang bụng nhà vua. Cái cây cổ thụ phía sau cũng chỉ còn ngọn và lá ngoi lên giữa dòng nước. Có lẽ, không gì khốc liệt hơn cái cảnh người ta mường tượng ra khi nước biển dâng ngự trị khắp muôn nơi.

Niños en la playa bị mắc cạn

Đây là một trong loạt tranh vẽ những đứa trẻ đang nô đùa dưới nước của họa sĩ Joaquín Sorolla, kết quả sau kỳ nghỉ hè dài ba tháng dưới cái nắng Mặt trời ở Valencia, vào khoảng giữa tháng sáu và tháng chín. Mô típ những đứa trẻ nằm chơi dưới nắng Địa Trung Hải được Sorolla khai thác một cách khéo léo với bãi cát bên bờ biển, rất nhiều tiền cảnh và không có đường chân trời. Ông quan tâm đến chuyển động của nước, sự phản chiếu của ánh nắng và cơ thể mềm mại, đỏ hồng của các cậu bé cũng như hình ảnh của chúng phản chiếu trong nước biển và những cái bóng nhiều màu sắc rọi xuống bề mặt ướt át của cát ngập trong nước biển.

Bất chấp kích thước của bức họa, họa sĩ đã “chộp” lấy những chuyển động không ngừng của sóng, những cậu bé tinh nghịch và uể oải và tia nắng từ chính cuộc sống, không chỉ đem lại cảm giác chân thực của cuộc sống mà còn sự cân bằng hoàn hảo giữa cái tĩnh và cái động, giữa cái màu sắc lung linh tinh tế của nước phản xạ ánh nắng Mặt trời và cái vàng sẫm ấm áp tin cậy của đất.

Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi trong bản sao mới của bức họa. Từ tràn đầy sinh động và tươi sáng, Niños en la playa trong chớp mắt đã nhuốm màu chết chóc. Những thân hình mềm mại rám nắng đã chuyển sang tái nhợt, trên làn da điểm xuyết vài nhánh tảo biển đen ngòm do bị bật gốc khỏi nơi chốn quen thuộc và bị sóng đánh dạt vào bờ. Bao vây quanh đó là những con cá biển phơi bụng chết trắng. Điều gì dẫn đến cái chết của chúng? Các rạn san hô bị tẩy trắng bởi sóng nhiệt đại dương? Hệ sinh thái bị đe dọa khi tảo và cỏ biển biến mất?

Có lẽ, biến đổi khí hậu đã đưa tất cả đến những kết cục này…□

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/smart-news/four-spanish-masterpieces-updated-chaotic-consequences-climate-change-180973726/

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)