Bóng đá Hàng Chiếu

Cầu thủ xưa không to khỏe, và không công khai nhà nghề như ngày nay đâu. Đội Công an, đội Quân khu, đội Xi măng, đội Đường sắt… ra vẻ như bóng đá là chuyện tay trái thôi. Xứ Đông thích lắt léo, không thích gọi đúng tên. Không có truyền hình! Sự kiện bóng đá là lịch sử, không thể xem lại được đâu nhé!

Ngoài phố bắt đầu tháo đồng hồ, bán quần áo đang mặc để mua lại vé! Dân nghèo và tự chế hơn thì bắt đầu tụ quanh những cái loa công cộng to như bánh xe ôtô treo lủng liểng, khọt khẹt, chỉ chực rơi xuống đầu! Phố vắng thưa dần đón chờ phút giây lịch sử.

Các tòa nhà quanh sân Hàng Chiếu ngút người trên các nóc nhà, cả sân thượng lẫn mái ngói! Từ trong sân nhìn ra họ nhỏ bé như những chú kiến, không biết các vị nhìn vào thì quả bóng to bằng từng nào?

Nắng cháy bỏng bậc xi măng chỗ ngồi, phải bắt đầu bằng ngồi xổm, che báo trên đầu. Nhưng không khí trang nghiêm lắm.

Sau màn khởi động, giới thiệu, tặng hoa… đúng 15:00, trọng tài lảnh còi uy nghi khai hỏa trận bóng!

Tiếng giày chạm bóng nghe rõ mồn một, hòa với tiếng tim mình đập chắc nịch.
Người ta chơi bóng trình diễn hơn là đấu bóng, tuy lại rất ăn thua!

Chàng thủ môn có quả bóng trong tay, súng sính lắm. Không khác gì ngôi sao nhạc rock hôm nay. Phải giữ bóng thật lâu, cho khán giả và địch thủ sốt ruột. Cũng là dịp để khán giả hỏi nhau tên tuổi, quê quán, tính nết, vợ con chưa của ông thủ môn. Cuối cùng trọng tài phải tuýt còi mới đủng đỉnh uốn éo tung bóng phát lên.

Phát bóng càng xa càng tốt, thời buổi chiến thuật ruồi bu. Tuy nhiên bóng qua được nửa sân là may hiếm lắm, còn lại thì có khi rơi ngay trước khung thành, hoặc ra ngoài biên, hoặc rơi vào cầu thủ đối phương ngay trên nửa sân mình. Tóm lại mỗi lần phát bóng là một cú phiêu lưu rất nguy hiểm.

Hai mươi hai cầu thủ ngửa mặt há miệng chờ bóng rơi, mà đã mấy vị mắc chân nhau ngã nhoài trên sân. Cả hai đội xông vào. Bạn trẻ hôm nay có thể xem môn bóng bầu dục để hình dung ra bóng đá xưa. Đó là một loại bóng đá tổng lực hoàn toàn, rõ mồn một.

Hậu vệ và trung vệ được bóng, nhiệm vụ rất rõ ràng, đá thật xa về phía sân đối phương, bí thì cứ thẳng ra biên mà sút cũng được. “Giỏi” thì được phong là “máy chém”.

Tiền vệ thì lo nhồi bóng lên, vào giữa, hai cánh.

Tiền đạo khởi động mô-tơ chuẩn bị …

Có bóng! Anh làm gì đây? Rê bóng, tất nhiên rồi. Con chim tập bay bao lâu, đây là lúc vỗ cánh.

Chàng sẽ dạt bóng ra đường biên, vì ít nhất thì các cầu thủ đối phương không vây quanh chàng bốn phía được, chỉ vây chàng được ở một phía thôi.

Chàng vừa thở vừa rê. Trên đời không còn gì tồn tại nữa. Mắt chắm chúi vào quả bóng, đừng dẫm lên bóng kẻo té nha.
Ngoắt trái, ngoặt phải, kéo lên, lùi lại. Rất kĩ thuật và khéo léo!

Cả sân vận động òa lên “rõ qua háng rồi nhé”, “xâu kim khéo thế”, “tuyệt tác”!

Qua một hậu vệ, hai hậu vệ, có khi tới ba hậu vệ! Anh làm gì nữa đây? Anh lại rê vòng về… Mệt quá rồi…

Chàng kéo bóng ra góc sân, chỗ cột cờ “corner”, quay lưng lại đứng tấn giữ bóng. Nhiệm vụ trình diễn mỹ mãn rồi.

Hệt như mèo Abricot đã bắt được mồi bao giờ cũng vác ra chỗ an toàn nhất mà thưởng thức!

Giờ nếu có ai ra cứu thì chàng mới chuyển.

Không thì nhằm chân đối phương sút thật mạnh để bóng ra biên, được hưởng quả ném biên. Nếu được “corner” thì tuyệt đỉnh!

Hoặc tìm cơ hội lăn đùng ngã ngửa ra ăn vạ.

Huấn luyên viên chạy hò hét mãi ở ngoài, sốt ruột quá rồi, bắt đầu cởi quần vào sân thay người chơi trực tiếp luôn! Cái này bây giờ gọi là “chỉ đạo quyết liệt“.

Lại những pha rê bóng sôi động trong màn sân cỏ.

Nhiều khi cả chục cầu thủ tụ vào một góc.

Trọng tài phải nằm ra sân để nhìn bóng qua các khe chân. May mà chưa phải là bóng đã nữ hôm nay.

Thủ môn đối phương không nhìn thấy gì nữa, sốt ruột quá, bỏ khung thành, nhảy ra tham chiến.

Khán đài hò hét cuồng nhiệt!

Bên này “lên đi, lết đi, qua đi, đúng rồi…”, bên kia “bắt ngay, vật ra, chặt chân, chơi đi …”.

Khán giả nhấp nhổm không thấy bóng đâu, đứng hết cả lên, bình luận viên đài tranh thủ hắt hơi xịt mũi…

Ấm ớ giằng co mãi, thế mà đùng một cái, không biết bóng chạy thế nào và … phá lưới, tuyệt vời!!!

Dàn kèn đồng, trống ếch nổi lên sởn da gà trong cơn say quốc gia tột đỉnh!

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)