Bóng & Hình Lê Thiết Cương

Ở tuổi không còn trẻ nữa, nhưng già thì chưa đến, Lê Thiết Cương dường như muốn bước chậm lại, muốn ngoái nhìn lại chặng đường dài đã qua để tìm thêm một lối rẽ mới cho mình.


 “Cầu 2” – tranh sơn dầu của Lê Thiết Cương.

Thường thì sự hài lòng bao giờ cũng dễ đón nhận hơn những điều tự vấn, nhất là khi đã qua một chặng đường lao động hết mình, vật vã có, mãn nguyện có, thất vọng cũng có với biết bao khám phá trên một chủ đề tự nguyện dấn thân mang tên “tối giản”. Lê Thiết Cương đã hoàn tất một chân dung riêng biệt của mình trong nền hội họa hiện đại Việt Nam. Vậy mà anh vẫn lặng lẽ tìm một ngả mới như thể đi tìm cái Bóng của chính mình. Cũng vì thế, ngày 27/4/2018 anh khai mở một triển lãm mới tại Trung tâm nghệ thuật VCCA mang tên “Bóng & Hình”. Thành quả của hai năm lao động.

Bóng & Hình đã cho chúng ta thấy một Lê Thiết Cương mới, tất nhiên vẫn là xu hướng tối giản của riêng anh. Nhưng 22 bức tranh được chọn bày lần này là 22 câu chuyện khác đi từ ký ức xa vời nhưng quen thuộc, vẫn là phố, là nhà, là một cơn mưa, một thánh đường. Nhưng tất cả hầu như được chìm vào chốn không gian tĩnh lặng vô sở cầu. Hình như sự yên lặng mới là ngôn ngữ trọn vẹn nhất, mới “nói” đủ cái không nhìn thấy bằng con mắt. Đợt tranh mới này, Lê Thiết Cương đã tìm đến sự yên tĩnh của mảng để nói câu chuyện hình, tìm đến cái tinh giản  của nét để nói câu chuyện bóng. Nhưng cả nét và mảng của anh đều chầm chậm trôi vào một cõi thật bình yên và vô sự, trong đó Hình và Bóng đều có câu chuyện riêng của nó. Không có tương phản của sắc độ cũng không cần sự quyết đoán của nét mà vẫn mạch lạc một thái độ ung dung tự tại như có như không. Màu ở mảng cũng là bóng của màu và với nét cũng vậy, đành rằng trong giới họa người giỏi về nét như anh là hiếm có.

Trong hội họa, một bức tranh đẹp với một kỹ thuật điêu luyện không phải là khó tìm, từ xưa đến nay vẫn vậy. Nhưng một tác phẩm có sức nặng dưới bề mặt bức tranh mới là khó. Thông điệp của người vẽ thường nằm ở đó. Những tác phẩm lần này của Lê Thiết Cương ít nhiều đã chứng minh như thế. Tranh anh có cái sức nặng của sự im lặng, anh dành cho người xem một miền suy tưởng không dự đoán. Tôi không dám tin vào vốn liếng triết học phương Đông ít ỏi của mình, nhưng tôi tin vào sự rung động thẳm sâu riêng tư để đủ nói rằng: Tâm lý hội họa của Lê Thiết Cương ngày càng tiến gần đến quan niệm Phật giáo.

Điều đó cũng dễ hiểu bởi con đường của tối giản là đi đến nhãn quan biết và cảm được cái “thấy”. Trong gần 30 năm hành trình trên con đường này, Lê Thiết Cương đã trải qua nhiều thể nghiệm đi tìm cái lõi cuối cùng của tĩnh vật, chân dung, phong cảnh với đậm nhạt, đơn sắc, đơn hình để đến lần này là Bóng & Hình. Bóng ở đây không phải từ hình mà có. Bóng chính là một thế giới khác của tâm tưởng. Và hình như, với quan niệm như thế, anh mới chọn được một bảng màu dịu êm như không có thật. Lê Thiết Cương đã từ lâu khước từ cái hiện thực nhìn thấy để đến cái nhận thấy, nhận bằng màu, bằng nhịp điệu, đôi khi chỉ bằng một xúc cảm thoảng qua. Chừng ấy năm kiên định cho một khuynh hướng đã là một nghị lực không hề nhỏ, nhưng lạ ở chỗ thành quả của nó lại đi đến chỗ nhẹ tênh, không chủ định, vẽ mà như không vẽ. Lê Thiết Cương đã trình bày một thế giới thực đấy, hiện hữu đấy mà dường như chưa hề tồn tại. Câu chuyện của Bóng và Hình là như thế, cũng là thêm một thông lộ để người xem phát hiện lại cõi vô thức của chính mình.

Tác giả