Bùi Xuân Phái trong sưu tập của Nguyễn Mạnh Phúc

Bùi Xuân Phái (1920 – 1988) thường được nhắc tới như một trong những họa sĩ xuất sắc nhất của thế hệ họa sĩ Mỹ thuật Đông dương. Và trong tâm thức của nhiều người Việt Nam, ông còn là họa sĩ Hà Nội nhất bởi những bức tranh vẽ về phố cổ Hà Nội với những tình cảm hoài niệm đặc biệt dành riêng cho nó.

Cũng có thể nói Bùi Xuân Phái chính là người đầu tiên phát hiện ra vẻ đẹp hội họa của Hà Nội. Trong con mắt ông, Hà Nội đẹp ở những góc phố nhỏ bé xinh xinh với đường lượn quanh co trữ tình, những mảng tường liêu xiêu nhuốm màu thời gian, những ô cửa sổ và những mái nhà đan xen nhấp nhô hình kỷ hà. Ông vẽ và vẽ rất nhiều về phố cổ Hà Nội, vẽ như thuộc từ trong ký ức, truyền vào đó những nét bút tài hoa, những đường viền tình cảm, những gam màu tâm trạng của đời sống con người. Khi trầm ấm, buồn bã, khi đạm bạc, cô liêu. Có thể vì vậy mà người ta thường gọi “Phố – Phái” là phố của ký ức, hoài niệm.


Hai minh họa cho báo Văn nghệ

Bên cạnh các bức tranh vẽ về phố cổ Hà Nội, Bùi Xuân Phái còn là bậc thầy về vẽ chân dung. Ông vẽ rất nhiều chân dung bạn bè, gia đình, người thân và chân dung tự họa chính mình qua các thời kỳ. Ông vẽ nhanh, trực tiếp, chân xác. Nét vẽ giản dị, phóng khoáng, giàu truyền cảm. Các bức tự họa của Bùi Xuân Phái đều rất đẹp, có sức biểu cảm đặc biệt, ở đó luôn phảng phất một nỗi buồn, sự cô đơn và thân phận người nghệ sĩ.

 
Bùi Xuân Phái- Tự họa, 1978
    
Nhà sưu tập Việt Chiến, 1978


Tài năng đa dạng của Bùi Xuân Phái còn thể hiện ở một lĩnh vực khác nữa, đó là mảng tranh về sân khấu hề chèo, nơi ông hân hoan trước niềm vui và cái đẹp của không gian sân khấu, thả bút tung tẩy về màu sắc và hình thể. Tranh của ông luôn giàu chất hội họa, thể hiện một cách tài tình chất bi – chất hài của sân khấu hề chèo, đồng thời chuyển tải được tinh thần và bản sắc văn hóa dân tộc qua thể loại này.
Triển lãm tranh Bùi Xuân Phái trong sưu tập của ông Nguyễn Mạnh Phúc lần này cho ta thêm những cái nhìn cụ thể, gần gũi, đời thực và đầy đủ hơn nữa về Bùi Xuân Phái, đó là các tranh ký họa, các phác họa chân dung bạn bè, các minh họa cho báo chí. Phần lớn đây là các tranh vẽ trên giấy, trên mảnh bìa, trên bao thuốc lá. Có thể gọi là các tranh mini, khuôn khổ nhỏ. Chúng được vẽ ra hằng ngày. Vẽ như nhật ký của người nghệ sĩ. Bùi Xuân Phái ít nói, mà thay vào đó bằng vẽ. Ông vẽ để độc thoại, vẽ để chia sẻ trò chuyện cùng bạn bè, vẽ để kiếm sống, hoặc vẽ để giải khuây, để mà vẽ… Bút vẽ lúc nào cũng trên tay ông, số mệnh đã định ra như vậy.
 


Họa sĩ Mai Văn Hiến
   
Nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu

Các bức vẽ, ký họa mộc mạc, giản dị mà tài hoa của Bùi Xuân Phái làm ta xúc động đến tận đáy lòng bởi đó là bằng chứng sống động của một thời kỳ, một lịch sử dân tộc, một đời sống con người- nghệ sĩ. Một thời kỳ đầy khó khăn, gian khổ, thiếu thốn họa phẩm. Một lịch sử dân tộc chìm trong nước mắt và chiến tranh, song cũng đầy tinh thần lạc quan. Một trái tim nghệ sĩ thấm đẫm tình nhân ái, yêu thương đồng loại và yêu cái đẹp. Tất cả đã qua đi nhưng nghệ thuật của ông thì vĩnh viễn ở lại…
Triển lãm này có được là nhờ tấm lòng của ông Nguyễn Mạnh Phúc, một nhà sưu tập tận tụy vì nghệ thuật, một người ngưỡng mộ tài năng cũng như nhân cách Bùi Xuân Phái.
Triển lãm được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam (49 Nguyễn Du, Hà Nội).

Bùi Như Hương

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)