Ca nương gảy đàn đáy đầu tiên ở Việt Nam

Hội nghị ca trù quốc tế 2006 và Đêm ca trù toàn quốc đã diễn ra đầy hứng khởi tại Hà Nội vào cuối tháng 6, với sự góp mặt của các nghệ nhân trên mọi miền đất nước. Và, điều làm khán giả, thậm chí cả những nghệ nhân trong cuộc sửng sốt, giữa những giọng ca, tay đàn vang danh một thuở nay chỉ còn là số ít ấy, chợt bật lên một cô gái có gương mặt trẻ măng như chỉ mới ngoài đôi mươi. Hai đêm diễn tại Nhà hát Lớn và Văn Miếu, cô đã xuất hiện lần lượt cả hai vai: vừa là ca nương, vừa là kép đàn.

Cô tên Phạm Thị Huệ, nghệ danh là Mai Huệ. Sinh năm 1973 tại Cẩm Phả (Quảng Ninh), là con gái của một họa sĩ. Sớm mất mẹ từ nhỏ, Huệ được bố cho đi học đàn tỳ bà năm lên 8 tuổi. Năm 1996, tốt nghiệp xong cô ở lại Nhạc viện Hà Nội đảm trách cương vị giảng viên bộ môn đàn. Tính đến nay, Huệ đã có thâm niên trên mười năm giảng dạy.

Trong một cuộc thi âm nhạc toàn quốc, Huệ đạt giải Bạc với đàn tỳ bà (không có giải vàng), cô đã bén duyên với Ca trù. Đó là năm 1992, khi Huệ vẫn chưa có duyên gặp thầy, chưa được nghệ nhân Ca trù nào nhận lời truyền nghề. Mãi sau này, cô được ca nương Phó Thị Kim Đức – một trong những nghệ nhân Ca trù nhưng “giấu nghề” quá kĩ nên công chúng chỉ biết tên bà ở bộ môn Chèo, truyền dạy kĩ thuật thanh nhạc trong hát Chèo. Ngoài bảy mươi, giọng hát của bà vẫn còn vút cao, trong trẻo như tiếng hạc, được người như thế truyền cho kĩ thuật để luyện giọng, cất giọng, giữ giọng, với Huệ, đó vẫn là một thứ tài sản đáng quý trong bước khởi đầu duyên nghiệp.
Thời điểm Huệ đến với bà, cô chỉ có duy nhất một thứ là “bản năng”. Một năng khiếu “trời cho” nhạy cảm với nghệ thuật. Theo nhận xét của bà Phó Thị Kim Đức: Huệ có nhiều nhược điểm, so với chuẩn mực cần có của một ca nương thuở trước. Chẳng hạn đáng lẽ phải có một chất giọng trong vắt và cao vút, thì Huệ lại sở hữu một chất giọng trầm khàn. Ban đầu, bà bảo, để sửa được cái giọng này thì khó và mất công lắm. Nhưng sau một thời gian theo học, bà lại khuyến khích Huệ… phát huy chất giọng ấy. Nó sẽ là một nét riêng mà không ca nương nào có thể có. Và, thêm một “nhược điểm” nữa của Huệ, theo bà, đó là… học cái gì cũng quá nhanh. Huệ học bà ba tháng bằng người khác học bà ba năm. Đấy là khi bà mắng yêu và gửi gắm rất nhiều hy vọng rằng Huệ sẽ trở thành một ca nương.
Là nghệ nhân dày dặn trong nghề, rất hiếm khi nhận lời truyền thụ cái gì cho lớp trẻ, nhận xét của bà Phó Thị Kim Đức đối với người học nghề thường ít khi lầm lẫn. Đúng như dự đoán, bây giờ thì Huệ đã chính thức trở thành ca nương. Cuối tháng 6/ 2006, cô làm lễ mở xiêm y. Trong nghệ thuật Ca trù, khi còn phường hát, giáo hội, một ca nương muốn được công nhận chính thức, có thể ra biểu diễn độc lập đều phải làm lễ mở xiêm y, qua “cửa ải” là các nghệ nhân trong nghề công nhận. Nó như là lễ “tốt nghiệp” của chúng ta hiện nay. Lễ mở xiêm y của Huệ cũng có điểm khá đặc biệt: cô đồng lúc thể hiện hai vai trò ca nương và kép đàn – một điều xưa nay chưa từng có trong tiền lệ của nghệ thuật ca trù.

Nói như vậy, không có nghĩa Huệ đang phá cách, mà kì thực cô vẫn giữ đúng các nguyên tắc, nội quy, “lễ” bất thành văn trong làng Ca trù. Chỉ có điều, tại cô ham học hỏi quá, và cũng “tại” các bậc tiền bối khi thấy rõ Huệ có khả năng, liền muốn nhận cô làm “đệ tử chân truyền” của mình quá. Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc (Ngãi Cầu – Hà Tây), một ca nương có tiếng, chỉ mới đi hát lại vào năm 1993, sau khi được động viên rất nhiều – là người đã truyền cho cô đủ mọi ngón nghề trong nghệ thuật hát Ca trù. Bà ít nói, không mấy khi nhận xét người khác. Cứ một, hai tuần, Huệ lại vào Hà Tây đón bà về nhà mình ở mấy ngày, tất nhiên là vào khoảng thời gian cô không phải lên lớp và phân thân dạy đàn tỳ bà. Những hôm như thế, ngôi nhà nhỏ của Huệ ở Khương Trung (Hà Nội) lại lừng vang tiếng gõ phách, tiếng ca. Khi bà ca, thì Huệ là kép đàn. Khi bà dạy cô ca, thì cô vừa là cô học trò nhỏ, vừa là đứa con gái út yêu thương – như bà đã nhận cô, nên chỉ bảo từng li từng tý. Bà Chúc cho biết Huệ được cái học nhanh, thành ra bà rất… nhàn, không vất vả một chút nào. Và, khi thấy tay đàn của Huệ đã đủ “đẳng cấp”, thì bà cho cô đi theo mình làm một kép đàn riêng. Được kép đàn cho một ca nương nghệ nhân, trình diễn trước “bàn dân thiên hạ” trong đêm Liên hoan Ca trù toàn quốc, với Huệ, có lẽ là một kỉ niệm đầu tiên trong nghề mà cô không bao giờ quên.
Nhưng Huệ còn có một kỉ niệm khác, khá đặc biệt, với người thầy dạy đàn của mình – nghệ nhân gảy đàn đáy cuối cùng của nước ta, người sở hữu những kĩ thuật tuyệt chiêu về đàn gảy – cụ Nguyễn Phú Đẹ. Lần đầu về nhà cụ Đẹ ở Hải Dương, khi cụ bật băng ghi âm tiếng đàn lên, đã được học về đàn gảy, Huệ liền ôm lấy cây đàn đáy, gảy theo. Cô gảy theo sát từng tiếng đến nỗi nghe xong, cụ Đẹ thốt: “Con có đôi bàn tay vàng. Đàn được rồi, còn học gì nữa!”. Ngay sau đó, cụ nhận Huệ làm “đệ tử”.
Trong lịch sử ca trù Việt Nam, các nghệ nhân kép đàn nổi tiếng trước đây cũng có thể biết ca, học ca, để chỉ bảo hoặc phối hợp với ca nương khi biểu diễn, nhưng họ đều là đàn ông, ví dụ như cụ Đinh Khắc Phan (Vĩnh Phúc), kép đàn chuyên đàn cho bà Quách Thị Hồ khi bà còn sống, cụ Phó Đình Kì – anh trai nghệ nhân Phó Thị Kim Đức, cụ Chu Vân Du – một kép đàn có tiếng ở “phố nhà nghề” Khâm Thiên một thuở… Lí do đơn giản là cây đàn đáy rất dài, khi đàn, người phụ nữ khó mà có sức để chùn, xoãi tay theo các phím đàn một cách linh hoạt. Đánh được đàn đáy cũng rất khó, nhất là kĩ thuật chùn và tiếng nục nạc đàn tiếng nào ra tiếng ấy. Để đàn được như thế, sức vóc nữ giới thật khó điều khiển được que gẩy để nhấn nhá. Nếu nhấn không mạnh, nó sẽ không ra tiếng, nhất là ở những tiếng nhấn sâu quãng 4. Hơn nữa, kĩ thuật đàn đáy khá phức tạp, đàn theo khuôn, nếu không được truyền thụ thì không thể đàn, nhưng vừa là đàn theo khuôn, kép đàn lại vừa phải biết sáng tạo tại chỗ, để đàn theo ca nương mỗi lần mỗi khác, không lần nào giống lần nào…
Khó vậy, Huệ vẫn nhất quyết theo học. Khi nào không đón được cụ Đẹ về nhà, thì cô lọ mọ về Hải Dương ghi âm tiếng đàn của cụ, để về nhà “nắn nót”. Khi cụ Đẹ khuyến khích cho cô làm lễ mở xiêm  y, Huệ vẫn khẳng định sau khi được “tốt nghiệp”, chắc chắn, cô còn học tiếp. Với Huệ, nghệ thuật truyền thống không bao giờ hết vốn, nhất là vốn riêng của mỗi nghệ nhân. Và hơn thế, cô học còn để  thực hiện mong ước được truyền nó lại cho thế hệ sau. Sau lễ mở xiêm y, Huệ đã lập tức tìm địa điểm để có thể tổ chức những đêm diễn Ca trù, dự tính sẽ tổ chức ít nhất mỗi tuần hai buổi.
 Hiện nay, tranh thủ lúc Giáo sư Trần Văn Khê còn ở Hà Nội, cô lại theo học ứng tác, ứng tấu với ông. Chỉ mới nghe cô đàn và hát một lần, ông đã chủ động nhận cô làm học trò. Giáo sư nhận xét: nghe tiếng đàn và ca của Huệ, cảm giác như nghệ thuật ca trù đã bắt đầy nẩy lộc và đơm hoa, chứ không chỉ còn khuôn hẹp trong tiếng ngân vang của những cành cây mùa đông còn sót lại…
———–
ảnh trên: Phạm Thị Huệ với thầy dạy đàn Nguyễn Phú Đẹ
ảnh dưới: Trên chiếu ca trù với nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc

Lê Mỹ

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)