Cảm thức về cái đẹp của người Trung Hoa

Dưới đây là một lát cắt của đời sống của người Hoa trong Chợ Lớn thời kỳ 1955. Ở đó, người ta vừa tụng ca, vừa tận hưởng cái đẹp trong mọi ngóc ngách của đời sống.

Hàng rong người Việt và Hàng rong người Hoa.

Niềm vui trong rạp hát

Bối cảnh giúp tôi hiểu được rõ hơn hết cảm thức về hình thái của người Trung Hoa, về tình cảm bẩm sinh của họ với hình thái không chỉ vì chính nó mà còn vì cái đẹp sâu xa hơn mà nó biểu lộ, chính là rạp hát, nơi tôi được mấy người bạn Trung Hoa dẫn đến (họ luôn tháp tùng tôi theo nhóm ba hoặc bốn người).

Rạp hát cụ thể mà họ đưa tôi tới tuy là một rạp hàng đầu trong thành phố – nơi chính những diễn viên tên tuổi nhất của Trung Quốc thường đến lưu diễn – lại nằm trong một con phố hẹp. Để đến được đó người ta phải luồn lách qua mớ hỗn độn những chiếc xe đẩy bán bánh rán và dãy quầy tạm bán các món đặc sản khác phía trước lối vào. Trước rạp cũng thường có một đám đông những người quá nghèo không đủ tiền mua vé nhưng mãn nguyện với việc được thấy vở diễn loáng thoáng từ xa, vì các chỗ ngồi trong rạp đều đắt đỏ. Giá vé xem hát là khoảng chín đô la và ghế thì thậm chí còn chẳng phải ghế bành mà chỉ là những chiếc ghế gấp. Ngay cả với giá đó, kiếm được một chỗ cũng không phải dễ dàng, vì phần lớn vé được bán ở chợ đen.

Tôi tận dụng giờ giải lao ngắn ngủi để quan sát xung quanh mình. Mọi người đều có vẻ rạng rỡ sung sướng. Những khán giả này hoàn toàn thuộc tầng lớp bình dân, họ chẳng phải một đám đông lịch duyệt như thường thấy trong các rạp hát châu Âu. Mãnh lực của rạp hát Trung Hoa là ở chỗ nó đáp ứng thị hiếu và nhu cầu chung của mọi người. Ai ai cũng tìm được thú vui ở đó bởi vì đối với họ văn hóa không phải là đặc quyền của một thiểu số. Nó ở khắp nơi nơi, người Trung Hoa nào cũng là một người có văn hóa, và có lẽ chính điều này làm nên sự khác biệt của Trung Hoa với các dân tộc khác. Một học giả đã lí giải điều này với tôi như sau: “Ở phương Tây, văn hóa hình thành từ tầng lớp thượng lưu và dần dần thẩm thấu xuống các tầng lớp dưới. Nó đến từ bên ngoài và sau cùng, có lẽ, tìm được đường xâm nhập vào trong. Quá trình này với chúng tôi thì ngược lại, nó có cội rễ từ bên trong mỗi người và dần dà lan tỏa ra bên ngoài. Do đó, nếu được phép, tôi gọi nó là một quá trình li tâm. Nó không chỉ là một kiểu luân thường bị bó hẹp trong những quy tắc khắt khe và cổ hủ, mà còn là một nghệ thuật sống mà mỗi cá nhân tự vun đắp cho mình. Đương nhiên chúng tôi có kẻ giàu người nghèo, nhưng anh sẽ thấy sự thông thái và triết lí ở người bốc vác ngoài phố cũng chẳng kém gì một thương nhân giàu có, kết quả là ở đây có một sự “ngang hàng” không tồn tại ở bất kì nơi nào khác”.

Ở phương Tây, văn hóa hình thành từ tầng lớp thượng lưu và dần dần thẩm thấu xuống các tầng lớp dưới. Nó đến từ bên ngoài và sau cùng, có lẽ, tìm được đường xâm nhập vào trong. Quá trình này với chúng tôi thì ngược lại, nó có cội rễ từ bên trong mỗi người và dần dà lan tỏa ra bên ngoài.

Một điều nữa khiến cho kịch nghệ Trung Hoa tiếp cận được với mọi người là do sự điêu luyện trong kịch câm của họ. Người phương Tây chúng ta đã đánh mất nghệ thuật kịch câm, nhưng người Trung Hoa tiếp tục thể hiện sự xuất sắc ở bộ môn này. Nó mới vượt trội làm sao so với kịch nói! Nó chẳng những không làm hạn chế ý nghĩa như lời thoại, mà còn cho phép từng khán giả diễn giải thứ mà họ nhìn thấy theo cách riêng của họ. (Chẳng phải chính nhờ nghệ thuật kịch câm mà Charlie Chaplin trở nên vĩ đại đến thế và được yêu thích đến thế trên toàn cầu, trong các bộ phim câm mà ông tham gia? Chẳng phải trường đoạn ba phút không lời do JeanLouis Barrault đảm nhiệm trong Les enfants du Paradis1 còn giá trị hơn toàn bộ phần còn lại của bộ phim đó hay sao?) Anh có thể tưởng tượng ra một vở kịch phương Tây có những phẩm chất của cả Macbeth2 lẫn Punch and Judy3 không? Thế mà đó chính là thứ tôi đang thấy trước mặt tôi đây. Từ già đến trẻ ai ai cũng đều sung sướng như nhau. Họ bị thu hút không chỉ vì phục trang lộng lẫy mà cả vì kĩ năng mô phỏng các động tác và biểu cảm tuyệt vời của các diễn viên, trong trường đoạn này một diễn viên trên sân khấu đang xông đến đánh một người khác một cách khoa trương, trong khi người này nhảy dựng vòng quanh để tỏ ra khiếp hãi vì bị đánh rõ đau. Trong chúng ta, dù trẻ hay già, có ai là không thích những thứ kì diệu, lạ thường? Có ai không ưa xem một anh chàng lúng túng bị đánh đập tơi bời? Đó là những chủ đề phổ quát mà ai cũng hiểu được, Đó là lí do ngay cả trẻ em cũng rất sảng khoái ở đây. Và, như những người Trung Hoa kiểu mẫu, hoàn toàn chìm đắm trong lạc thú, chúng nhào lên tới tận dàn đèn phía trước sân khấu để xem cho rõ. Còn chúng tôi, lúc trước đang ngồi ở hàng ghế đầu, bây giờ thấy mình bỗng xếp sau ba hàng nhóc tì đã len lỏi dưới chân người lớn từ tứ phía xung quanh rạp hát lên đây, và bây giờ đang vươn cổ lên dòm cho thật rõ hơn nữa. Và những người lớn thì khá nuông chiều với chúng, chẳng ai tỏ vẻ gì là khó chịu. Tất cả đều hoàn toàn thư thái, thoải mái như ở nhà. Một người đàn ông thản nhiên nhoài sang dựa vào người bên cạnh cho đỡ vướng tầm mắt; một người khác, mập mạp, vươn dài người ra để cái bụng phệ của anh ta được thoải mái với những tràng cười. Không ai thấy phiền về sự suồng sã ấy, vì người Trung Hoa, dù có thoải mái và dễ chịu thế nào, cũng không bao giờ thô thiển…

“Người bán bánh rán cũng có khay trưng bày của riêng mình. Một khay trông giống cửa sổ tiệm bán đồ trang sức, còn khay kia trông như một tủ trưng bày nước hoa”.

Đến gần nửa đêm các bạn tôi quyết định rời rạp hát. Vở kịch vẫn còn đang diễn tiếp. Không khí trong rạp đặc quánh với sự hoan hỉ, mồ hôi, và mùi của món bánh rán vẫn được bán trong suốt buổi diễn. Khi đêm đó đã trôi qua tôi thấy mình tự hỏi vì sao người Trung Hoa lại có một niềm đam mê đến vậy đối với kịch nghệ, vì chuyện một người phu bốc vác vỉa hè bỏ ra chín đô la để mua vé xem một vở tuồng kinh điển không phải là chuyện hiếm. Lời giải thích cho hiện tượng này, theo tôi, là rạp hát ở Trung Hoa không chỉ là thú giải trí mà còn là một nguồn thông tin và một thiết chế giáo dục quan trọng bậc nhất. Qua đó người Trung Hoa học về lịch sử, như trước đây chúng ta từng học thông qua các vở kịch huyền thoại trung cổ và sử thi. Thông qua trang phục cổ điển và phong cách quý phái của các diễn viên, toàn bộ quá khứ mở ra trước mắt họ. Họ chứng kiến một cuộc diễu hành của các vị quan lại, hoàng đế, công chúa, phi tần và tùy tùng. Họ được mãn nhãn ngắm nhìn một thời đại mà nhờ đó, đối với họ, đang luôn luôn hiện diện. Nếu không biết về lịch sử thì họ được học về nó; nếu biết, họ có dịp ôn lại nó. Và họ không chỉ theo dõi số phận thăng trầm của những nhân vật điển hình trong một kịch bản li kì không ngừng biến chuyển với sự tinh tế mà mọi người Trung Hoa đều quen thuộc, họ còn học được điều gì đó phổ quát hơn, chính điều này làm nên nền tảng văn hóa cho họ. Họ học được rằng mọi cảm xúc đều được biểu hiện bằng một hình thái nào đó và phẩm chất của hình thái này có liên quan mật thiết với phẩm chất của nội dung cảm xúc. Chính là để thỏa mãn tình yêu với hình thái này mà họ đến rạp hát, và ngược lại rạp hát cũng nuôi dưỡng tình yêu đó ở trong họ.

Nghệ thuật là sự sống

Đâu là nguồn gốc của sự yêu thích hình thái này? Và vì sao người Trung Hoa, dù giàu có hay bần hàn, thảy đều có chất nghệ sĩ hơn hẳn những dân tộc khác? Có lẽ vì họ vẫn luôn sống trong một trạng thái thân mật sâu sắc với Tự nhiên, người nghệ sĩ tinh tế nhất, nghệ nhân sáng chói nhất? Và đối với người Trung Hoa, nghệ thuật chính là sự sống và cũng là một phần không thể thiếu của đời sống hằng ngày. Họ bồi đắp nghệ thuật ngay cả trong những chi tiết vụn vặn nhất của cuộc tồn sinh. Cứ xem cách người thợ đan rổ biến hóa với những nan tre thì rõ. Sợi tre, loại sợi dai nhất nhưng lại mềm dẻo hơn cả, anh ta vót chúng thành những sợi mảnh đến độ chiếc giỏ đan xong trông như làm bằng đăng ten vậy. Thế mà những đồ vật ấy thực sự được dùng trong công việc nội trợ hằng ngày. Nhưng chẳng phải chính trong những chi tiết tầm thường nhất mà tinh thần của một dân tộc được hiển lộ hay sao?

Rạp hát ở Trung Hoa không chỉ là thú giải trí mà còn là một nguồn thông tin và một thiết chế giáo dục quan trọng bậc nhất. Qua đó người Trung Hoa học về lịch sử, như trước đây chúng ta từng học thông qua các vở kịch huyền thoại trung cổ và sử thi.

Hay nhìn người bán hàng rong đẩy cái thùng hàng chông chênh trên bốn bánh xe bằng gỗ. Nó chỉ là một cái thùng xà phòng cũ, mà anh ta đã dụng công sơn vẽ và trang trí bằng các chữ Hán. Trên cái thùng có một ô kính nhỏ như cái cửa sổ trổ ra để triển lãm món hàng, trong ô này chỉ có độc mỗi rau xà lách. Trước khi lên đường đi bán rong, người chủ tưới nước lên xà lách. Với những giọt nước lung linh bên dưới mặt kính, mấy cây xà lách xanh xanh trông như những tác phẩm điêu khắc bằng ngọc bích, những món trang sức hiếm có được trưng bày trong rương.

Hay lại ngắm một người khác, người mang ở hai đầu đòn gánh – chiếc đòn làm cho bước đi của cô uyển chuyển như vũ công đang nhảy múa – hai chiếc mâm xếp đầy hoa. Cô cũng bày những bông hoa của mình trong hai cái chụp thủy tinh nhẹ một cách lạ kì. Mỗi chụp có một cụm hoa ở chính giữa, bao quanh là một vòng tròn những chiếc bình nhỏ sáng màu, mỗi bình cắm hai hay ba bông hoa. Trong khi cái lồng hoa đung đưa theo những bước đi của cô, tất cả lấp lánh trong một vẻ đẹp mê hoặc. Cái chụp thủy tinh không chỉ bảo vệ món hàng khỏi bụi đường mà còn khoác cho nó vẻ bí hiểm và hiếm có khó định nghĩa. Chỉ cần bỏ ba quả chanh dưới một cái chụp thủy tinh cũng đủ ban cho chúng giá trị của một kho tàng.

Còn ông già tàn tạ đang rảo bước còng lưng dưới sức nặng của những thứ ông mang trên đòn gánh: ông là một người bán bánh rán giản dị, nhưng cũng có khay trưng bày của riêng mình. Một trong hai khay xếp các món bánh rán, khay còn lại là các chai đựng nhiều loại si rô khác nhau, tất cả đều lấp lánh màu sắc. Với lớp thủy tinh bóng bẩy phản chiếu ánh sáng từ cả bốn phía, một khay trông giống cửa sổ tiệm bán đồ trang sức, còn khay kia trông như một tủ trưng bày nước hoa.

Các mép bể được cắt vát cạnh để đón ánh phản chiếu lung linh từ nước trong bể… Và chiếc lá sen, được gấp lại thành hình cái túi để khách hàng xách theo chú cá anh ta đã lựa…

Ở Rue des Marins4 người bán cá cảnh ngồi bên cạnh các bể cá nhỏ được chị sắp xếp thành từng lớp một cách điệu nghệ. Một số bể có hình tròn và chỉ chứa duy nhất một con cá quý hiếm. Các bể khác hình hộp chữ nhật, có miệng rộng hơn đáy để người mua dễ ngắm cá. Các mép bể được cắt vát cạnh để đón ánh phản chiếu lung linh từ nước trong bể. Không chỉ hình dạng và màu sắc của những chú cá khiến ta phải trầm trồ, mà cả những rong rêu mà chúng bơi quanh trong bể nom cũng thanh tao đến nỗi người ta có cảm giác đám rong đang khe khẽ thở thay vì đang đung đưa. Khách hàng được tự do lựa chọn. Người khách dùng chiếc vợt nhỏ vớt con vật ra khỏi bể và đưa cái vợt cho người bán hàng vẫn đang ngồi bất động. Chị lấy một chiếc lá sen, gập nó thành hình cái túi nhỏ, đổ ít nước rồi thả con cá vào đó. Rồi chị túm hai đầu chiếc lá lại và buộc chặt bằng một cái lạt uốn cong thành quai xách. Người khách ra về mang theo chú cá nằm mát mẻ dễ chịu bên trong chiếc lá. Người bán hàng chẳng tốn một đồng cho cái lá hữu dụng chẳng kém bất cứ chiếc túi nào, vừa không thấm nước vừa giữ cá khỏi bị nóng.

Ở đây cách trình bày món hàng điệu nghệ đến nỗi người bán hàng Trung Hoa chẳng bao giờ phải tâng bốc hàng hóa của mình. Anh ta không phải một nhân viên tiếp thị oang oang chào mời hay níu áo khách hàng. Anh ta quá tự trọng và tôn trọng người khác để làm những việc ấy. Trong các cửa hàng, người ta có thể thoải mái ngó quanh mà người bán hàng Trung Hoa chẳng bao giờ đến gần họ. Anh ta không bao giờ gây áp lực, thậm chí còn chẳng đề nghị giúp đỡ khách hàng, toàn bộ việc bán hàng được giao phó cho chính những mặt hàng anh bán.

Hãy xem một nhà hàng trên phố Jaccareo5. Dù chỉ là một quán ăn khiêm tốn, nó cũng được đặt dưới bộ ba tấm biển Phồn, Tài, Vinh, với các biểu trưng tương ứng lần lượt là một con hươu, một con dơi, và một ông già. Khi chủ quán gả con gái đi lấy chồng, ông thấy cần phải bày tỏ lời thỉnh cầu gộp ba phúc lành này một cách sống động hơn nữa: bằng hoa. Ông thuê một nhóm thợ làm hoa, những người này thực hiện tác phẩm của họ trong một con hẻm cụt, rồi đem đến trang hoàng cho nhà hàng, với các đường diềm, viền nổi, và những chữ Hán cao gần nửa mét, tất cả làm bằng hoa. Trên cùng, họ móc vào một vòng tròn những cây chúc đài lớn cũng làm bằng hoa nốt. Những cây chúc đài này thanh lịch đến nỗi trông giống như một cành thoa bằng đá quý nạm kim cương và hồng ngọc. Mà cành thoa chính là một biểu tượng lộng lẫy cho cơn bốc đồng đầy sức sống của người Trung Hoa. Thế mà tác phẩm này chỉ được làm ra để khoe sắc trong vài giờ thôi. Ngay khi những bông hoa bắt đầu héo thì người ta đã dọn tác phẩm đi mất.

“Hãy xem cách những chiếc thuyền tam bản lướt trên nước như những con côn trùng…

Bùa mê của hình thái cũng có thể được tìm thấy trên sông. Hãy xem cách những chiếc thuyền tam bản lướt trên nước như những con côn trùng với thân hình chỉ được làm từ vài đường nét đơn giản và mấy bàn chân xoay ra ngoài. Thuyền có hai người đứng chèo, một trước một sau, trông họ giống như đang nhảy theo nhịp điệu hơn là đang chèo thuyền, vì không chỉ thân hình họ sấp ngửa theo nhịp chèo như một cái cuống hoa, mà cả chân họ cũng bước tới lui uyển chuyển như đang múa ba lê. Mái chèo của họ không phải là những cái đòn cứng nhắc mà giống như những que sậy dài mềm mại, mà ở cuối mỗi nhịp chèo lại khuấy nước lên như vây cá. Chúng không chỉ hữu dụng tuyệt vời, theo quy luật công dụng quyết định hình thái, mà hình thái còn khởi sinh ý nghĩa. Những người chèo thuyền bận đồ đen mà chuyển động được cách điệu hóa, mang dáng dấp những tu sĩ, và những chiếc thuyền họ chèo, nhờ hình dáng và nhiều vật trang trí đậm chất nghi thức, trở thành những đại diện của các Thủy thần.

Đây là hình ảnh cuối cùng… Lúc ấy khoảng một giờ sáng. Quảng trường dưới ban công phòng tôi tối đen và hoang vắng. Đột nhiên những tiếng lanh canh sầu muộn vang lên phá tan sự tĩnh lặng. Trong giây lát một bóng đen xuất hiện, bóng một người đàn ông trên chiếc xe hàng ba bánh. Ông ta dừng xe ở giữa quảng trường. Một bóng đèn nhỏ lập lòe cháy lên, xuyên qua màn đêm một đóa hoa đỏ thắm. Đèn chỉ vừa nhen là năm sáu cái bóng khác từ đâu cũng hiện ra vây quanh cái xe, và bỗng chốc đêm đã thành huyên náo. Mà ban đêm ở phương Đông chẳng bao giờ trống trải hoàn toàn. Người đàn ông ban đầu đã xuống xe và lấy một cái bếp nhỏ ra từ trong một ngăn kéo của xe. Chẳng mấy chốc thức ăn nóng đã sẵn sàng, có đèn soi sáng, và một bó hoa treo ngay trên ngọn đèn. Cả một quang cảnh ngoạn mục đã mọc lên chớp nhoáng như cách một chú thỏ hay điếu thuốc lá hiện ra từ trong mũ phớt của nhà ảo thuật.

Đến lúc tôi lấy được cuốn sổ tay để phác họa cảnh tượng ấy, người đàn ông đã kịp tắt bếp lò và gấp gọn các túi bọc đựng đồ nghề của ông ta. Không gian lại trở về im lặng như tờ.□

——–

Bài viết và ảnh minh họa được trích và biên tập từ cuốn sách “Chợ Lớn 1955: Ký và Họa” (tựa gốc: From a Chinese city) của Gontran de Pocins, Phan Xích Linh dịch do Thư viện Nguyễn Văn Hưởng và NXB Phụ nữ phát hành 6/2022. 

1 Những đứa con của thiên đường, một bộ phim của đạo diễn Michel Carné phát hành năm 1945 kể về chuyện tình giữa một kĩ nữ với bốn người đàn ông: một diễn viên kịch câm, một diễn viên kịch nói, một tên tội phạm và một bá tước quý tộc.

2  Tên một vở kịch nổi tiếng của William Shakespeare ra mắt vào đầu thế kỉ XVII.

3  Punch và Judy, một vở múa rối truyền thống của Anh Quốc có nguồn gốc từ khoảng thế kỉ XVI.

4  “Phố Thủy Thủ”, tên người Pháp gọi đường Đồng Khánh khi đó, nay là đường Trần Hưng Đạo, con đường kéo dài từ quận 1 sang quận 5 TPHCM.

5  Nay là đường Tản Đà thuộc quận 5 TPHCM.

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)