Cần một “Ngày sách Việt Nam”

Để tôn vinh sách và khuyến khích văn hóa đọc, từ năm 1996, UNESCO đã có “Ngày sách thế giới” (23/4). Hơn 100 nước đã làm theo và chọn một ngày làm ngày sách của nước mình. Nhân dịp “Ngày hội đọc sách” đang diễn ra ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (23-24/04/2011), chúng ta nên nghĩ đến “Ngày sách Việt Nam” để tôn vinh sách và khuyến khích văn hóa đọc của người Việt.

Người xưa nói: Hữu thư chân phú quý, nghĩa là: Có sách mới là giàu sang thực sự. Như thế đủ biết tầm quan trọng và vị trí của sách đối với cuộc sống con người.

Sách mở ra cánh cửa đến với thế giới kì thú và hữu dụng của tri thức. Nhờ sách mà một người biết đọc sẽ có cả thế giới.

Muốn có một vốn tri thức và văn hóa ra tấm ra món, không thể tìm đâu khác ngoài sách. Muốn thàng công và không bị lạc hậu, không thể không nhờ đến sách.

Nhờ sách, dòng chảy văn minh và tri thức của loài người được trơn tru liên tục. Và cũng nhờ đọc sách, đời sống của mỗi người trong hiện tại được kết nối với đời sống của nhân loại trong quá khứ.

Tuy nhiên, sách đang bị bỏ rơi trước các phương tiện truyền thông mới, tuy được tiếng là hiện đại nhưng hời hợt. Văn hóa đọc sách đang bị lép vế trước văn hóa nghe nhìn, chủ yếu thiên về giải trí chứ không có tác dụng bồi dưỡng kĩ năng, tri thức, tâm hồn.

Vì thế, đã đến lúc cần có những hành động thực tiễn mạnh mẽ nhằm tôn vinh sách và khuyến khích văn hóa đọc. Hành động đó không gì thiết thực hơn là tiến tới một “Ngày sách Việt Nam”: một ngày dành riêng cho sách và văn hóa đọc sách của người Việt.

“Ngày sách Việt Nam”

Về lý thuyết, có thể chọn “Ngày sách thế giới”, ngày 23 tháng 4 hàng năm, làm ngày tôn vinh sách và văn hóa đọc sách. Làm như thế, sẽ hòa nhịp được với phong trào đọc sách thế giới, nhưng có hạn chế là không mang dấu ấn riêng của Việt Nam.

Với các nước Âu Mỹ, thời tiết và lịch làm việc, đặc biệt của các trường học, dường như trễ hơn ta khoảng một tháng. Vào ngày 23 tháng 4 thì thời tiết của họ mới thực sự ấm, học sinh chưa phải lo thi cử vì học kỳ mùa xuân thường kéo dài đến hết tháng 6 hoặc sang giữa tháng 7. Nên với họ, chọn ngày đọc sách là 23 tháng 4, dù nguồn gốc của ngày này là gì đi chăng nữa, là rất phù hợp.

Còn với ta, ngày 23 tháng 4  là lúc học sinh chuẩn bị lo thi cuối học kì (học kỳ II của học sinh ta thường kết thúc vào nửa cuối tháng 5 dương lịch), thời tiết lại nóng bức, nên nếu chọn làm ngày sách cũng có nhiều điểm không phù hợp. Vì thế, nếu chọn một ngày nào khác thích hợp với điều kiện Việt Nam thì sẽ tốt hơn.

Ngày đó, thích hợp hơn cả, là một ngày của mùa xuân: Khí trời đã ấm áp, không khí hội hè tưng bừng khắp nơi sau kì nghỉ Tết nguyên đán, người lớn vui tươi, trẻ em chưa phải lo thi cử, rất thuận tiện để tổ chức các hoạt động giao lưu, đọc sách tập thể, v.v.

Xét trong khoảng mùa xuân đó, thì thấy: Chọn một ngày không quá xa và quá gần những ngày lễ hội đã có, thì ngày Rằm tháng Hai âm lịch, hoặc ngày 15 tháng 3 dương lịch, là phù hợp. Vì rằng trước đó thì khí trời còn lạnh, lại đã có ngày Rằm tháng Giêng là ngày thơ Việt Nam, thường tổ chức ở Văn Miếu –nơi có lẽ “Ngày sách Việt Nam” cũng sẽ diễn ra, như Ngày hội đọc sách năm nay chẳng hạn. Sau đó thì ngày Giỗ tổ 10 tháng Ba âm lịch, tức là khoảng nửa đầu của tháng 4 dương lịch. Đến cuối tháng lại có ngày lễ 30/4-1/5. Nên nếu chọn ngày sách vào khoảng thời gian này thì sẽ gây cảm giác gấp gáp dồn dập, gây mệt mỏi cho người tổ chức lẫn người đọc sách.

Ngoài ra, các nhà làm văn hóa cũng có thể chọn trong sử sách một ngày nào đó của mùa xuân, có liên quan đến việc đọc sách, để làm ngày sách Việt Nam cho tăng thêm dấu ấn cá nhân, chứ không nhất thiết phải cứng nhắc chọn ngày Rằm tháng Hai âm lịch hoặc ngày 15 tháng 3 dương lịch.

Những gợi ý triển khai

Trước hết là vận động để chính thức có một “Ngày sách Việt Nam”. Sau đó là các hoạt động triển khai hàng năm nhân ngày sách đó, có thể nêu vắn tắt như sau:

Tuần của sách: Phát động phong trào đọc sách, hoạt động liên quan đến sách trong tuần lễ có “Ngày sách Việt Nam”.

Đọc cho trẻ em nghe: Vào “Ngày sách Việt Nam”, hãy đọc sách cho hàng triệu trẻ em nghe. Có thể là thầy cô đọc cho trò nghe, bố mẹ đọc cho con nghe, anh chị đọc cho em nghe, học sinh lớn đọc cho học sinh bé nghe, tác giả và các tình nguyện viên đọc cho các em nghe, v.v.

Trao đổi sách: Các học sinh trong trường, những người yêu thích sách, tiến hành trao đổi những cuốn sách mình đã đọc, đã có với nhau, làm phong phú thêm tủ sách của mỗi người.

Giao lưu với tác giả: Nhân “Ngày sách Việt Nam”, các tác giả sẽ được mời giao lưu trực tiếp với độc giả.

Hội sách: Trong tuần có “Ngày sách Việt Nam”, các nhà xuất bản tiến hành mở hội sách, tổ chức các hoạt động liên quan đến sách nhằm tôn vinh sách và văn hóa đọc.
Hội thảo: Hội thảo chuyên môn và đại chúng về sách và văn hóa đọc sách sẽ đựơc tổ chức trong dịp này để trao đổi kinh nghiệm giữa những người làm sách, những người quan tâm đến sách và các nhà nghiên cứu.

Truyền thông: Các tác giả sách, đặc biệt là tác giả các sách thiếu nhi, có thể đọc và phát thanh, truyền hình trực tuyến trong một khoảng thời gian nhất định với sự hỗ trợ của truyền thông đại chúng trong “Ngày sách Việt Nam”, v.v.

Nếu làm được như vậy, văn hóa đọc của người Việt nhất định sẽ được củng cố. Điều này có lợi ích rất lớn không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, mà còn cho cả cộng đồng.

“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Một dân tộc biết tôn vinh sách và đọc sách để đẩy lùi cái dốt, vì thế, là một dân tộc mạnh.

Và để có một dân tộc mạnh, hãy bắt đầu bằng một “Ngày sách Việt Nam”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)