Cao lên mãi

Khi trao đổi với tôi, Đào Châu Hải nói rằng, ông nhìn thấy ở những tòa tháp sự tập trung của quyền lực, ngày xưa là vua chúa, thần thánh, ngày nay là các chính trị gia, thương gia. Từ đó họ điều khiển đất nước. Sự sụp đổ hay bị lãng quên của tòa tháp cũng là sự sụp đổ của quyền lực. Ngày xưa là các tháp của người Maya, Angko, và ngày nay là tòa tháp đôi ở Newyork. Tuy nhiên trong lịch sử, các ngọn tháp không chỉ tượng trưng cho quyền lực, hay sự độc tài, tháp cũng tượng trưng cho hình ảnh của vũ trụ, trí tuệ và xã hội dân chủ. Cuộc triển lãm sắp đặt của Đào Châu Hải trong tháng 11/2007 vừa qua tại Vietart center, là tham vọng của ông biểu hiện các ý tưởng đó.

Đương nhiên, khi thành nghệ thuật cụ thể, các hình thức nghệ thuật luôn mang nhiều ý nghĩa khác nhau, không đóng khuôn trong một xuất phát điểm. Đào làm bốn pho tượng lớn choán cả phòng trưng bày nghìn mét vuông, hai pho ở ngoài, hai pho trong rèm như kiểu thùy liêm thính chính (buông rèm chấp chính). Bốn pho tượng đều được cách điệu khối theo xu hướng lập thể, giống một tòa tháp, một con chim ưng lớn. Còn dưới chân các pho tượng, ông rải những quả trứng đá to như trứng đà điểu và người xem có thể tùy ý vẽ lên đó. Bên cạnh là những chiếc lồng lưới kim loại trong đặt trứng gà. Trên tường treo nhưng bức ảnh chụp đài kỷ niệm của ông tại Côn Đảo, cũng mang hình thức cột đá đặt trên con đường rải đá. Băn khoăn về thực tại khôn lường bất trắc, và nhận thấy một kết cục hư vô bao trùm lên mọi tác phẩm của Đào, nó làm ông vượt qua sự hạn hẹp của điêu khắc, cần gia nhập tiếng nói của kiến trúc và sắp đặt. Trong mỗi sáng tác, kiến trúc tính thể hiện rất rõ, và phần nào cũng hạn chế tính ngẫu hứng của tác phẩm.
 


Chân dung một “Tứ Pháp” của Đào Châu Hải.
Trong bốn góc phòng gian triển lãm, nghệ sỹ dựng bốn pho tượng đồ sộ, với gợi ý của dòng nghệ thuật Tứ Pháp cổ tồn tại trong đời sống nông nghiệp của người Việt nhiều thế kỷ trước. Các hình tượng nghệ thuật của Đào Châu Hải luôn hướng đến những khối hình có Lập thể, bởi tính sức mạnh, khả năng chiếm lĩnh đa chiều trong không gian, sự truyền cảm nghệ thuật vừa thâm trầm vừa cô độc.
   
Những quả trứng, sắp đặt trong triển lãm Tứ Pháp của Đào Châu Hải.

Trong triển lãm, nhà điêu khắc đổ thạch cao 2000 quả trứng bày xung quanh bốn pho tượng Tứ pháp và cho người xem tha hồ vẽ vời lên đó. Đối với ông, đó là những hình tượng mang tính cách số phận, sự hoang mang và vô vọng của cá thể trong đời sống xã hội.

Trong ngày khai mạc, chúng tôi đã giúp nhà điêu khắc trình chiếu hình ảnh những ngọn tháp trong lịch sử. Từ bức tranh tháp Babel của họa sỹ Bắc Âu thế kỷ 17, tham vọng vươn cao mãi của loài người, đến mức không còn hiểu được nhau, đến Kim tự tháp Ai Cập biểu tượng của mặt trời và chuyến đi vĩnh viễn của Pharaon. Các Mandala châu Á là vũ trụ luân hồi và những ngọn tháp chùa Dâu, Bút Tháp… Lịch sử các ngọn tháp chính là lich sử văn minh và tham vọng, sự thông tuệ và ngu xuẩn của con người. Đào Châu Hải muốn nhắc tới những cái đó ở góc độ của cái chân đế nhìn lên cái chóp đỉnh, thể hiện nó trong trưng bày của mình để cảm nhận tính phi lý của những ngọn tháp. Không hiểu tham vọng vươn cao mãi của chúng để thể hiện cái kỳ vỹ của tinh thần con người khi muốn thách thức với trời đất, hay là vươn đến sự bất bình đẳng và
 


Thùy liêm thính chính (buông rèm chấp chính), cắt cảnh một pho tượng Tứ pháp và những quả trứng dưới nền trong Sắp đặt của Đào Châu Hải.

Là nghệ sỹ có nền tảng văn hóa sâu sắc, Đào thấm đẫm những yếu tố truyền thống và lịch sử phương Đông, rồi bằng các ngôn ngữ hình tượng của mình, ông truyền tải vào suy tư thành tác phẩm. Tác phẩm của Đào do vậy, có tính phản ảnh xã hội sâu sắc, chứa đựng yếu tố truyền thống trong một hình thức hiện đại mà mỗi một góc cạnh đều có khả năng diễn tả ý đồ của người sáng tác.

Trong một góc triển lãm, nghệ sỹ sắp đặt năm trụ cột đan bằng thép, đặt trên một mặt nền cấu trúc cũng bằng các trụ thép phủ sắt. Bên trong mỗi cột trụ là cốt đất bốn mặt gắn trứng, có lẽ nhằm mô phỏng các building cao tầng hoặc những ngôi tháp. Đào là người nhạy cảm với những phát triển hiện đại, và nhìn thấy bản chất mong manh cốt lõi bên trong của mỗi vấn đề mà có vẻ ngoài dường như là rắn chắc, vĩnh cửu của chúng, cũng như cái cảm giác rõ rệt mà vô hình về sự phát triển không kiểm soát của trí tuệ sẽ dẫn xã hội đến đâu.

vạch ra trên mặt đất cái hố phân cách giầu nghèo cho ngày càng sâu sắc. Ở những đài kỷ niệm, mà nhà điêu khắc đã thực hiện ( như ở Côn Đảo ), cột đá và con đường rải đá, như là cái vĩnh viễn được khắc họa, chứa đựng trong nó sự vô nghĩa, hay cái thoáng hư vô gợi ta nhớ đến những ngày hãi hùng của con người trong tù ngục. Ở đài kỷ niệm tại Kon Tum, ông sử dụng hình thức của một mái nhà mồ Tây Nguyên với tính trầm hùng bi kịch. Trong sáng tác Đào Châu Hải thường có cái nhìn ảm đạm, hoặc ông cố khai thác các biểu hiện phi lý và đượm buồn, nó làm cho tác phẩm có chiều sâu, nhưng gay gắt, căng thẳng và không kém phần nặng nề. Cuộc triển lãm này cũng vậy, đồ sộ, chỉnh chu, mang tính cầu toàn, nhưng cũng buồn và hoang mang một cách sâu sắc. Ông khai thác cách sắp đặt của tượng Tứ trấn trong chùa, và kết cấu mây – mưa – sấm – chớp trong tín ngưỡng Tứ pháp ở vùng Dâu Keo, trong đó đền chùa bao giờ cũng kết hợp với các tháp tượng trưng nằm ở trung tâm. Triển lãm của Đào Châu Hải là một cuộc trưng bày ý tưởng mang tính chuyên nghiệp, ít nhất trong hoàn cảnh nghệ thuật hiện tại. Nó vượt lên tầm nhận thức và thói quen của các khán giả hiện tại, và vì thế cũng khó khăn để chấp nhận cái cuộc vuông tròn trọng thể mà hư vô này.

Ảnh chụp: Nguyễn Anh Tuấn
ảnh trên cùng:
1. Toàn cảnh gian phòng triển lãm Tứ Pháp của Đào Châu Hải tại Trung tâm nghệ thuật Việt (Việt Art Centre) tháng 11 năm 2007.


Phan Cẩm Thượng

Tác giả