Carmen đến Việt Nam

Trong nguyên bản, Carmen, cô gái Gypsy quyến rũ và đáng sợ ấy, không muốn bất kì thứ gì ràng buộc, áp chế mình, thậm chí cả tình yêu. Bản Việt hóa với hình tượng Carmen-người mẹ có phần làm nhạt đi cá tính dữ dội, thay vào đó là thông điệp lên án bạo hành phụ nữ trong bối cảnh đương đại.

Năm 2006, chương trình giao lưu văn hóa Thụy Điển-Việt Nam đã mang đến vở nhạc kịch Trường học tình yêu (Così fan tutte) của Mozart do Helena Röhr và Annsofi Nyberg làm đạo diễn và sản xuất. Đến nay, tuy dự án 5 năm đã kết thúc nhưng hai nghệ sĩ vẫn quay lại để tặng khán giả Việt Nam một vở opera kinh điển khác – Carmen của Bizet. Hai đêm diễn cuối tháng Năm vừa qua, nhân dịp kỉ niệm 100 năm Nhà Hát Lớn, đã đọng lại nhiều ấn tượng mới lạ.

Trong phiên bản Việt hóa, Carmen là bà mẹ đơn thân trốn chạy khỏi người chồng vũ phu, một mình nuôi con gái nhỏ, làm việc trong một nhà máy thuốc lá ở Hà Nội; còn Don José quê Yên Bái, hai tên buôn lậu Dancairo và Remendado đến từ Hải Phòng… Những lời thoại ngoài lời hát cũng được sửa chữa để phù hợp với câu chuyện mới. Sự Việt hóa này nhằm mục đích đưa vở diễn đến gần khán giả hơn.

Helena Rohr muốn nhấn mạnh vào hình tượng Carmen tự do, chiến đấu để tận hưởng cuộc sống của mình. Trong cảnh cuối, Carmen hát rằng: “Carmen sống tự do và chết cũng tự do”, nhưng cách lí giải của tờ chương trình lại dễ gây hiểu lầm rằng Carmen muốn một cuộc sống yên bình nhưng Jose không đáp ứng được. Trong nguyên bản, Carmen, cô gái Gypsy quyến rũ và đáng sợ ấy, không muốn bất kì thứ gì ràng buộc, áp chế mình, thậm chí cả tình yêu. Bản Việt hóa với hình tượng Carmen-người mẹ có phần làm nhạt đi cá tính dữ dội, thay vào đó là thông điệp lên án bạo hành phụ nữ trong bối cảnh đương đại.

Cách sử dụng không gian Nhà Hát Lớn của vở diễn hết sức linh hoạt và mới lạ so với những gì người ta vẫn biết về sân khấu Việt Nam; trang phục diễn viên và đạo cụ không cầu kì nhưng mang tính biểu tượng cao, kết hợp được những chi tiết rất Việt Nam như xe máy, quán nước vỉa hè, thói quen dùng điện thoại di động… Điều đáng tiếc là màn hình phụ đề để trên cao, vừa mờ vừa không khớp với lời hát. Trong aria Hanabera nổi tiếng, người ta có thể bật cười trước cách dịch: dù bạn không yêu tôi, tôi yêu bạn… Lời dịch trong suốt vở diễn còn nhiều chỗ ngô nghê và không đầy đủ, làm giảm đi khá nhiều giá trị của vở opera vốn dựa trên một tác phẩm văn học này.

Dù bối cảnh, lời thoại Việt hóa có thể khiến nhiều khán giả không thích, nhưng khi âm nhạc cất lên thì những giai điệu tuyệt vời sẽ xóa nhòa đi tất cả. Sức sống của một tác phẩm kinh điển là rất kì diệu và trong hoàn cảnh nhạc cổ điển vẫn chưa nằm trong thói quen nghe-nhìn rộng rãi của người Việt thì hai đêm diễn Carmen với Nhà Hát Lớn gần như không còn chỗ trống có thể coi là thành công rực rỡ.

Đáng mừng nữa là theo các thông tin gần đây, đến mùa thu, Carmen sẽ được tiếp tục công diễn. Tuy không thể mong chờ một lịch diễn lâu dài, nhưng để một vở opera được dàn dựng với rất nhiều công sức như vậy, biến mất khỏi sân khấu sau chỉ hai đêm, như trường hợp đã xảy ra với vở Cây sáo thần trước đây, thì quả là hết sức đáng tiếc.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)