Châm đèn gần mực thảnh đợi Tết về

Mỗi ai cảm thức mùa thì trong năm như thế nào nhỉ? Chắc là muôn vẻ.

Tôi nghiệm cảm bầu không khí của mỗi dịp cuối năm phảng phất phong vẻ thật là đáng yêu.

Thời gian chậm lại, bớt xô bồ hơn, quánh quệt hơn, trầm ngâm hơn, thảnh thơi hơn, hững hờ hơn. Cứ như là những ngày này chúng không còn biết lo rằng rồi chúng sẽ bị mất đi, vì chúng đã cậy có ta đang thảnh trôi cùng. Những ngày này đợi vô hình vô tư một điều gì đó mà thường tình không có được.

Điều gì nhỉ? À, đợi… Tết về…

Thật là tự nhiên đi châm đèn, lại gần mực, lúc thảnh đợi Tết về. Châm đèn bây giờ đơn giản lắm rồi, sờ tay ấn nút, đâu phải đi lau bóng, chan dầu, kéo bấc, xin lửa, che gió… Gần mực cũng thế, nay chọn màu chữ trên màn hình, đâu phải chan nước, mài mực, đổ nghiên…
Và, cứ câu chuyện gì vấn víu sâu thẳm trong trí não mình từ lâu nay mà thủng thẳng kể ngay ra, cho thảnh lòng mình, mà nghênh đón Tết.
***
Mấy khu công sở công nghệ ở khu vực quen thuộc gần đây chợt hiu quạnh hơn. Nhiều khu công sở khi trước vốn dĩ áo váy dép giày tóc mây muôn sắc nhộn nhịp nay chợt đóng kín không một bóng người… vài chiếc xe của hãng an ninh được thuê đậu ở gần đó trực ngày gác đêm canh giữ các khu nhà buồn thiu nằm nhớ tiếng chân ai.

Đùng một cái, chỉ sau một đêm vào chớm Mùa Thu, cả một khu công sở nọ bị biến thành khu ở trọ của một nhóm lớn người du cư tràn đến. Họ thản nhiên phá hết hàng rào, lũ lượt kéo nhau vào dựng các “nhà di động” trong sân vườn như đội quân “giải phóng khu vực”. Trẻ con người lớn nhênh nhang. Các cọc trụ dẫn nước ven đường vốn để dự phòng cho các xe cứu hỏa khi cần bỗng bị phá tanh bành để lấy nước ăn uống, nước sinh hoạt, dòng nước từ các cọc trụ dẫn nước chảy dọc hè phố ngày đêm như một con suối bị cưỡng hiếp. Rác thải sinh hoạt vứt chồng lên bờ cỏ ven đường.

Dăm ngày sau, các xe thu dọn rác công cộng phải được huy động tới, và từ nay họ phải thu gom rác miễn phí hằng ngày cho đám cư dân này, vì đó còn là vệ sinh môi trường tổng thể của khu vực. Các công sở công viên xung quanh đều phải tăng cường canh phòng nhằm gìn giữ an ninh, chống trộm cắp.

Cả xã hội nhịn nhường đám người du cư không thuộc về đâu không biết sợ ai này. Và dăm tháng sau, khi Mùa Đông lạnh lẽo đã trôi qua và Mùa Xuân ấm áp hơn đã ngấp nghé tới, thì cảnh sát mới xuất hiện ra tay dẹp được họ ra đi, cả một làng du cư bộn chộn. Khu vườn công sở nọ tan hoang.

Đám người du cư họ sẽ đi đâu? Họ sẽ đến một chỗ khác cũng na ná như thế, để tiếp tục một lối sống như thế.

Về phần khu công sở từng bị chiếm dụng nọ, chủ nhân của chúng ra tay dọn dẹp, cải tạo. Những hào quanh khu được đào, các trụ bê tông được chôn sâu đều đặn để xe pháo không còn vào được, hàng rào được kiên cố hóa trở lại. Và chủ nhân của chúng hẳn nghểnh cổ mong mỏi có doanh nghiệp lớn nào sẽ vào thuê lại khu này…

Thấm thoắt Mùa Hè yên ả trôi qua. Mùa Thu lại chớm về. Và lại một đêm bị tổng tấn công bất ngờ, cả khu công sở vắng trống kia lại bị biến thành khu ở trọ của một nhóm lớn người du cư. Họ lại thản nhiên phá hết hàng rào, lũ lượt dựng các tấm gỗ lớn để chèn kéo các xe và nhà di động nhau vào bằng được khu công sở, hò như hò kéo pháo để vào “tái giải phóng khu vực”. Trẻ con người lớn lại nhênh nhang. Các cọc trụ dẫn nước ven đường để dự phòng cho các xe cứu hỏa lại bị phá tanh bành… nước lại chảy dọc hè phố như con suối bị cưỡng hiếp. Rác thải sinh hoạt lại vứt chồng lên bờ cỏ ven đường.
**
Tôi đang kể một câu chuyện đặc biệt?

Không phải, đây là câu chuyện quá cũ kĩ nhàm chán đã và đang lặp đi lặp lại hàng chục năm trời ở châu Âu, nếu không nói quá là cả trăm năm. Cũng chỉ có những xứ sở này mới có thể có đủ sự kiên nhẫn của lòng vị tha vô biên về quyền làm người để mà chịu đựng được những nhóm dân cư này.

Những nhóm dân cư này nhất nhất sống cái “đời sống tập tục” của họ, bất kể cái gì diễn ra ở xung quanh, bất kể họ đang “gần đèn” hay đang “gần mực”.

Họ “không vào”, và rất đông người trong số đó “không chịu vào” đời sống rộng lớn xung quanh.

Họ tự cho rằng “mình không phải học ai”. Nhiều tổ chức cố gắng mang thầy cô giấy bút đuổi theo đời sống du cư của họ để dạy trẻ em phụ nữ, mà rồi cũng không đi đến đâu xa được hơn.

Rất nhiều người trong số họ không cố gắng học nghề để rồi tìm kiếm công ăn việc làm như mọi người khác trong xã hội.

Họ không tôn trọng các chuẩn mực của đời sống văn minh.

Họ chỉ biết “thoải con gà mái” liền tay.

Họ chỉ biết lợi dụng ở mức cao nhất những gì đã sẵn có đấy do người khác đã tạo dựng nên, và đến khi họ tạm ra đi khỏi chốn nào, đằng sau họ là những đống rác khổng lồ và những cơ sở hư nát.

Không chỉ các khu công sở vắng người, mà rồi các công viên đẹp đẽ rộng lớn, và nhiều khu vực công cộng khác, thậm chí những khu nhà riêng vắng chủ lâu ngày… cũng không thoát khỏi sự hành hạ theo thời vụ của họ.
***
Tôi đang kể chuyện gì nhỉ?

Câu chuyện rằng với một lối sống nhắm mắt cùng “nền tập tục vốn có” của mình, nhiều cộng đồng con người có thể cứ sống trơ trọi mãi một kiểu như thế, hết đời này sang đời khác, hết kiếp này sang kiếp khác, họ “giữ” được “bản sắc” thật đấy, ở đây là bản sắc du cư, bản sắc lợi dụng, bản sắc ích kỉ hại người, bản sắc phá phách, bản sắc bất chấp, bản sắc bất cần.

Lặng lẽ quan sát họ, ta có học được điều gì cho riêng mình?

Có lẽ rằng trong đời sống của một cộng đồng nào đó, có cái gì đó ở bên trong, vô hình nhưng trọng yếu hơn rất nhiều việc đơn giản dễ thấy chỉ là “gần đèn”, hay “gần mực” không thôi.
***
Châm đèn, gần mực, đong được vài chữ như thế mà Tết đã chực ùa về đến ngõ rồi.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)