Chào mừng Pierre Boulez tuổi 90

Có lần tôi hỏi một nhóm các nhà soạn nhạc trẻ mà tôi đang giảng dạy xem liệu có thứ âm nhạc hiện đại nào khiến họ không ưa chăng. Hơn một nửa số người đã nhắc đến Pierre Boulez.

 Ban đầu tôi sửng sốt vì sao họ lại có thể chối bỏ một nhà sáng tạo âm nhạc vĩ đại đến thế trong thời đại của chúng ta, nhưng có lẽ tính cách ưa chỉ trích quyết liệt của con người này là nguyên nhân gây ra niềm ác cảm ở họ. Sau rốt, chính Boulez là người từng tuyên bố không chút mỉa mai rằng bất cứ nhà soạn nhạc nào không thừa nhận sự cần thiết của hệ thống nhạc 12 âm của Schoenberg thì đều “vô dụng”, đồng thời chính là người đã viết các bài báo cay độc như “Schoenberg đã chết” để chỉ trích cách tiếp cận của nhà soạn nhạc người Áo này chỉ vài tháng sau khi ông qua đời năm 1951.

Nhiều nhà soạn nhạc trẻ đã đọc các bài ông viết nhưng không phải lúc nào họ cũng biết đến âm nhạc của ông. Mà khi đọc những bài bút chiến gay gắt ấy, khó ai có thể hình dung ra vẻ đẹp thuần túy trong các tác phẩm của ông.

Nhà soạn nhạc Messiaen, thầy dạy của Boulez, trước đây thường nói rằng trong sâu thẳm, Boulez là một nhà thơ. Messiaen cũng tin rằng sẽ phải mất một thời gian dài để công chúng có thể thực sự hiểu được âm nhạc của Boulez bởi vì nó có sự nhạy cảm rất đặc biệt và độc đáo.

Trước khi theo học thầy Messiaen vào cuối những năm 1970, tôi đã nghe tiếng Boulez rồi. Lớn lên tại Vương quốc Anh, tôi đã xem các bộ phim tài liệu tuyệt vời của ông trên kênh BBC2 do Barrie Gavin đạo diễn. Boulez là nhạc trưởng chính của Dàn nhạc giao hưởng BBC vào đầu những năm 1970, và họ đã cùng nhau giới thiệu một chuỗi các chương trình gợi cảm hứng về âm nhạc hiện đại. Các tác phẩm của Stravinsky, Schoenberg, Webern, Berg, Ives, Bartók, Stravinsky, Varèse, Messiaen và của chính Boulez đã được biểu diễn và phân tích kèm theo những thông tin về bối cảnh ra đời của chúng. Chương trình này đã tác động lớn đến tôi thời niên thiếu, song thật đáng tiếc, những chương trình như vậy hiện nay không còn nữa. Tôi cũng nhớ đã nghe ông chỉ huy Violin Concerto của Berg và  Rite of Spring cùng Dàn nhạc Thanh niên Quốc gia (National Youth Orchestra) tại Festival Hall, London và tại Proms, nơi ông đặt một tác phẩm mới của Ligeti bên cạnh sáng tác của chính mình.

Thầy Messiaen thường rất tự hào mỗi khi nhắc đến người học trò cũ của mình. Thầy coi ông là một tài năng lớn, đáng nể trọng, mặc dù khi còn trẻ “anh ta giống như một con sư tử bị lột da vậy”. Quả thực, thời thanh niên, Boulez là người rất nóng tính.

Ông công kích bất cứ cái gì trong tầm mắt, ngay cả những thầy dạy ông như René Leibowitz, một môn đồ của Schoenberg, người đã có công đầu trong việc đưa nhạc 12 âm tới Paris. Có thời điểm Boulez thậm chí còn quay sang chống lại cả thầy Messiaen, người đã hết lòng động viên và giúp đỡ ông; phải mất năm năm, mối quan hệ giữa họ mới được khôi phục.

Trong giai đoạn cuối thập niên 1940, các tác phẩm thuộc Trường phái Vienna Thứ hai và của các nhà soạn nhạc như Bartók và Varèse không hề được chơi tại Paris; nhưng nhờ công lao của Boulez mà giờ đây chúng đã trở thành một phần trong danh mục hòa nhạc quốc tế.

Boulez lớn lên trong thời kỳ nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Khi ông 20 tuổi, Thế chiến II kết thúc. Lục địa châu Âu phải tái thiết lại từ đầu. Thầy Messiaen thường nhắc lại chuyện hai thầy trò cùng nhau đi tàu điện ngầm về nhà sau các buổi lên lớp, những lúc ấy Boulez thường hỏi: “Ai sẽ đưa âm nhạc vào đúng chỗ đây? Trong một tình trạng khủng khiếp như thế này.”

Và thầy Messiaen đáp lại: “Anh chứ ai.” Từ những ngày đầu tiên, Boulez đã nghĩ mình phải gánh vác một sứ mệnh như Napoleon trong lĩnh vực âm nhạc và vai trò văn hóa của nó. Tham vọng của ông không dừng lại ở việc sáng tác nhạc mà còn phải thay đổi thái độ của công chúng, của các thiết chế ở Pháp và sau đó là ở thế giới phương Tây rộng lớn hơn về chủ nghĩa hiện đại. Ban đầu, ông theo đuổi mục tiêu này bằng cách tích cực truyền bá ý thức hệ mới. Trong giai đoạn cuối thập niên 1940, các tác phẩm thuộc Trường phái Vienna Thứ hai1 và của các nhà soạn nhạc như Bartók và Varèse không hề được chơi tại Paris; nhưng nhờ công lao của Boulez mà giờ đây chúng đã trở thành một phần trong danh mục hòa nhạc quốc tế.


Trên cương vị nhạc trưởng, cách tiếp cận của ông đối với
các kiệt tác buổi đầu của chủ nghĩa hiện đại đã có ảnh hưởng
to lớn đến quan điểm của các nhà soạn nhạc trẻ cũng như thị hiếu
của thính giả đối với dòng nhạc này. Trong ảnh: Với Daniel Barenboim
tại phòng thu Abbey Road Studios, London, năm 1967.


Trên cương vị nhạc trưởng, cách tiếp cận của ông đối với các kiệt tác buổi đầu của chủ nghĩa hiện đại đã có ảnh hưởng to lớn đến quan điểm của các nhà soạn nhạc trẻ cũng như thị hiếu của thính giả đối với dòng nhạc này. Ông đã cho ra mắt những bản thu tuyệt diệu của hàng trăm tác phẩm, trong đó có tác phẩm của các đồng nghiệp đương thời nổi tiếng như Carter, Ligeti, Kurtág, Stockhausen, Berio và Birtwistle. Những bản thu này đã đem lại nguồn cảm hứng và giúp đỡ nhiều thế hệ nhà soạn nhạc trẻ.

Bằng cá tính mạnh, danh tiếng, và sức hấp dẫn bẩm sinh, Boulez làm được những điều lớn lao, vượt ra ngoài khuôn khổ của những bản thảo âm nhạc. Nhờ ông mà Paris mới có phòng hòa nhạc Philharmonie de Paris; có phần còn lại của không gian âm nhạc Cité de la Musique; có nhóm hòa tấu Ensemble Intercontemporain và có viện nghiên cứu âm nhạc IRCAM đóng tại Trung tâm Pompidou.

Tuy nhiên, trong các nhạc phẩm do ông sáng tác, Boulez lại rời bỏ trường phái 12 âm, niềm đam mê ồn ào thời trẻ của nhà soạn nhạc; theo thời gian, ông dần dần tách khỏi trường phái ấy và giờ đây ông nhìn nó bằng ánh mắt hoài nghi. Theo tôi, các tác phẩm xuất sắc nhất của ông không phải là những tác phẩm viết thời kỳ đầu mà là những tác phẩm được viết khi những nền tảng tạo nên phong cách ban đầu của ông được xử lý theo hướng tự do và phóng túng hơn. Tôi tin rằng chỉ khi nào ông chấp chận mình là một nhà soạn nhạc Pháp thì khi đó ông mới tìm được tiếng nói đích thực của mình.

Le Marteau sans maître (1953-57, Chiếc búa vô chủ) là một bước đột phá. Ở tác phẩm này, ta có thể nhận thấy ảnh hưởng sâu sắc của âm nhạc ngoài châu Âu, đặc biệt là âm nhạc từ châu Á và châu Phi. Điều đó làm thay đổi một cách cơ bản độ vang, cảm nhận về thời gian và phương hướng trong âm nhạc cũng như quan điểm và đặc tính biểu cảm của nó. Boulez chắc chắn không phải là nhà soạn nhạc Pháp đầu tiên tiếp nhận và bị hấp dẫn bởi âm nhạc phương Đông – thứ âm nhạc gây ảnh hưởng sâu sắc đối với cha đẻ của âm nhạc hiện đại là Debussy và các thế hệ kế tiếp – nhưng Boulez đã đưa nó đi xa hơn. Và cuộc hôn nhân thú vị giữa vũ trụ âm nhạc chuỗi vốn đã hết sức mới mẻ của ông với thế giới âm nhạc ngoài châu Âu đã tạo ra một phong cách độc nhất.

Với tôi, bức chân dung nhà thơ Mallarmé mà ông vẽ nên qua bản giao hưởng Pli selon pli (Nếp gấp theo nếp gấp) hoàn thành vào đầu những năm 1960 là một kiệt tác vĩ đại hơn, và trong các thập niên tiếp theo, ông đã sản sinh ra hết viên ngọc này đến viên ngọc khác: Eclat/Multiples, Cummings Ist der Dichter, … explosante-fixe…, Sur Incises… Không có tác phẩm viết cho dàn nhạc thời hậu chiến nào xuất sắc hơn Notations, năm bức vẽ bằng dàn nhạc quá ư tỉ mỉ, tất cả đều được dựa trên các tác phẩm 12 âm đơn giản mà ông viết cho đàn piano những năm 20 tuổi. Là nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng có thể được coi là quan trọng nhất kể từ Mahler, Boulez hiểu biết về dàn nhạc tường tận hơn bất kỳ đồng nghiệp nào, và các tác phẩm tiêu biểu ngắn gọn và gây sững sờ này của ông mang một dáng vẻ hoa mỹ và tao nhã đến say sưa.

Boulez chỉ công bố khoảng 30 tác phẩm trong suốt cuộc đời mình, tác phẩm cuối cùng ra mắt cách đây khoảng một thập niên. Trong buổi tối đầu tiên ngồi cùng nhau hồi giữa những năm 1980, tôi hỏi liệu ông có lời khuyên nào dành cho tôi chăng. Ông đáp: “Không, ngoại trừ một điều: viết đi, cứ viết thật nhiều nhạc vào.”

Giờ đây ở tuổi 90 nhìn lại, có lẽ ông cảm thấy rằng mình nên viết nhạc nhiều hơn. Nhưng tôi ngờ rằng ông chưa khi nào dễ dãi với nàng thơ của mình. Ông là người có đầu óc tinh tế và nghiêm khắc. Với một trí tuệ đầy hoài nghi và cực đoan, với một trí tưởng tượng nhạy bén về âm thanh đến nhường ấy, việc soạn nhạc chắc hẳn luôn là một công việc gian nan. Thế giới ngày nay không cần một lượng khổng lồ các tác phẩm như ở thời đại của Haydn. Cái mà thời đại này cần là các tuyên ngôn thiết yếu, các tác phẩm phi thường và độc đáo. Và rõ ràng Boulez đã đáp ứng được những đòi hỏi đó.

Với công việc chỉ huy và thu âm mà ông tiến hành cùng các dàn nhạc và học viện ở Paris, London, New York và Lucerne, Boulez đã tìm được một sự cân bằng có hiệu quả với mình. Ông yêu thích công việc chỉ huy và giữ mối liên hệ với Dàn nhạc Cleveland và Dàn nhạc giao hưởng Chicago ở Hoa Kỳ cũng như với Dàn nhạc BBC và Dàn nhạc Giao hưởng London. Ông cũng dành cho nhóm hòa tấu Ensemble Intercontemporain sự gần gũi và cống hiến như với gia đình. Ông còn có cách diễn dịch Wagner đầy mới mẻ trong dịp kỉ niệm bộ opera Ring tròn 100 năm tại Bayreuth. Những thành tích mà ông đã đạt được còn nhiều hơn những gì mà người khác làm trong ba đời cộng lại.

Cuối cùng thì tôi cho rằng Boulez là một người lạc quan vĩ đại bất chấp những tăm tối đã phủ bóng lên những năm đầu đời của ông. Kết lại thì niềm tin của ông rất giản dị: âm nhạc ngày nay phải khác biệt với âm nhạc trong quá khứ. Đó là một lẽ tự nhiên. Âm nhạc phương Tây tiếp tục tiến triển, chuyển hóa và thay đổi. Thật sai lầm cho những ai không tán thành với quan điểm đó!

Tác giả bài viết George Benjamin là nhà soạn nhạc người Anh sinh năm 1960, cựu học trò của Olivier Messiaen.

    Ngọc Anh  dịch
    Trang Bùi hiệu đính

Nguồn: http://www.theguardian. com/music/2015/mar/20/george-benjamin-in-praise-of-pierre-boulez-at-90
———-
1 Trường phái Vienna Thứ hai: Tên gọi của nhóm các nhà soạn nhạc bao gồm Arnold Schoenberg cùng các học trò và cộng sự thân thiết của ông; nhóm này hoạt động trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, vào khoảng những năm 1903-1925.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)