Cháy bảo tàng quốc gia Brazil:Bảo tàng đã xuống cấp và thiếu ngân sách hoạt động từ trước đó

Bảo tàng khoa học và lịch sử lâu đời và quan trọng nhất của Brazil đã bị thiêu rụi, phần lớn kho lưu trữ khoảng 20 triệu hiện vật được cho là đã bị phá hủy. Một phần nguyên nhân được cho là có liên quan đến trách nhiệm của nhà nước trong bảo tồn, tôn tạo di sản quốc gia.

Mặt tiền Bảo tàng Quốc gia Brazil

Một trong những bảo tàng lịch sử tự nhiên lớn nhất châu Mỹ 

Ngọn lửa tại Bảo tàng Quốc gia 200 năm tuổi của Rio de Janeiro bùng lên vào ban đêm, sau khi hết giờ tham quan vào ngày Chủ nhật. “Sẽ còn lại rất ít [hiện vật]”, Joao Carlos Nara, giám đốc bảo quản của bảo tàng nói với tờ Agencia Brazil. “Chúng tôi sẽ phải đợi cho đến khi các nhân viên cứu hỏa đã hoàn thành công viêc mới có thề đánh giá thiệt hại”. Cho đến nay, không có thương tích nghiêm trọng nào được báo cáo. Không có báo cáo về thương tích, nhưng sự mất mát đối với khoa học, lịch sử và văn hóa Brazil là không thể tính toán hết được, hai trong số các phó giám đốc bảo tàng cho biết.“Đó là bảo tàng lịch sử tự nhiên lớn nhất ở châu Mỹ Latinh. Chúng tôi có những bộ sưu tập vô giá. Nhiều bộ sưu tập hơn 100 năm tuổi”, Cristiana Serejo, một phó giám đốc của bảo tàng, nói với trang tin tức G1 Rio.

Vụ cháy tại Bảo tàng Quốc gia Brazil

Marina Silva, nguyên bộ trưởng môi trường và ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống tháng Mười năm ngoái cho biết ngọn lửa như “cắt bỏ một phần ký ức của Brazil”. Bảo tàng “chứa đựng những hiện vật giúp xác định bản sắc dân tộc – và hiện chúng đã biến thành tro tàn.”

Luiz Duarte, một phó giám đốc khác của bảo tàng, nói với TV Globo: “Đây là một thảm họa quá sức chịu đựng. 200 năm di sản của đất nước này. Đó là ký ức 200 năm. Đó là 200 năm khoa học, 200 năm văn hóa, giáo dục”. 

Tòa nhà của Bảo tàng Quốc gia từng thuộc về một gia đình hoàng gia Bồ Đào Nha. Khoảng 200 năm trước, nó được chuyển đổi chức năng thành một bảo tàng.Kể từ đó, Bảo tàng Quốc gia đã trở thành tổ chức lịch sử lâu đời nhất của Brazil và là một trung tâm nghiên cứu nổi bật trên thế giới.

Những hiện vật nổi tiếng nhất ở đây bao gồm các vật phẩm được mang đến Brazil bởi Dom Pedro I – nhiếp chính vương của Bồ Đào Nha, người đã tuyên bố độc lập cho thuộc địa Brazil vào năm1822; “Luzia” – hài cốt của một phụ nữ 25 tuổi đã chết hơn 11.000 năm trước, đây là những tàn tích lâu đời nhất từng được phát hiện ở Brazil; Thiên thạch lớn nhất từng được tìm thấy ở Brazil, nặng 5,36 tấn và được tìm thấy vào năm 1784. Những hiện vật hiếm khác bao gồm hàng ngàn tác phẩm từ thời kỳ tiền Colombia. Bảo tàng cũng chứa một bộ sưu tập các hiện vật Ai Cập cổ đại bao gồm cả xác ướp, tượng và điêu khắc đá. Một số hiện vật được lưu trữ trong một tòa nhà khác nhưng phần lớn bộ sưu tập được cho là đã bị phá hủy.

Mércio Gomes, một nhà nhân học và nguyên chủ tịch của cơ quan di sản Brazil, Fundação Nacional do Índio (FUNAI), so sánh mất mát này với vụ cháy thư viện Alexandria vào năm 48TCN. “Brazil chỉ có 500 năm lịch sử. Bảo tàng Quốc gia của chúng tôi đã được 200 năm tuổi, đó là những gì chúng tôi đã có, và những gì đã bị mất mãi mãi”, ông viết trên Facebook. “Chúng ta phải xây dựng lại Bảo tàng Quốc gia”.

Tổng thống Brazil, Michel Temer, người đã chủ trương cắt giảm chi phí cho khoa học và giáo dục như một phần trong chính sách tiết kiệm ngân sách, gọi tổn thất này là “không thể tính toán hết được”. “Hôm nay là một ngày bi thảm cho ngành bảo tàng của đất nước của chúng tôi”, ông đăng trên Tweeter. “Hai trăm năm nghiên cứu và kiến thức đã bị mất”.

Bảo tàng vào sáng thứ hai, sau vụ cháy

Chính phủ bị chỉ trích 

Không rõ ngọn lửa đã bắt đầu như thế nào, nhưng một phần nguyên nhân được cho là sự xuống cấp của bảo tàng trong những năm gần đây, khi Brazil đang phải vật lộn với những khó khăn kinh tế và bất ổn chính trị. Theo báo cáo từ phương tiện truyền thông địa phương, các giáo sư làm việc tại bảo tàng đã phải kêu gọi đóng góp để giúp trả tiền cho dịch vụ vệ sinh.

Nhiều ý kiến đã chỉ trích chính phủ Brazil về sự việc này. Bảo tàng Brazil đã phải vật lộn để duy trì tài chính cho hoạt động trong vài năm gần đây, Luiz Duarte, phó giám đốc bảo tàng cáo buộc chính phủ đã không chú ý hỗ trợ bảo tàng và để cho nó xuống cấp. Vào lần kỷ niệm ngày thành lập lần thứ 200 của bảo tàng, không một bộ trưởng nhà nước nào tham dự. “Trong nhiều năm, chúng tôi đã cố gắng làm việc qua nhiều thời chính phủ để có nguồn lực để bảo tồn, và bây giờ đã bị phá hủy hoàn toàn, chúng tôi chưa bao giờ được hỗ trợ đầy đủ”, ông nói. “Cảm giác của tôi lúc này là hoàn toàn mất tinh thần và giận dữ”.

Duarte cũng nói rằng bảo tàng vừa có thỏa thuận với ngân hàng phát triển của chính phủ Brazil, BNDES, về một số nguồn tài trợ, trong đó có bao gồm một dự án phòng cháy. “Đây là sự trớ trêu khủng khiếp nhất,” anh nói.

Các nhà nghiên cứu và người dân đổ xô đến hiện trường vụ cháy ở Rio de Janeiro. Một số người dân Brazil chỉ trích rằng nguyên nhân thảm họa là do không đủ tiền để bảo dưỡng các van nước, vậy mà gần đây thành phố vẫn có một ngân sách khổng lồ để xây dựng bảo tàng mới (Museum of Tomorrow, Rio De Janeiro, Brazil). Một số người rất giận dữ, đổ lỗi cho chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ và nạn tham nhũng.

Ngọn lửa bắt đầu vào lúc 7 giờ 30 tối theo giờ địa phương, 5 giờ sau lính cứu hóa mới kiểm soát được ngọn lửa nhưng vẫn chưa dập tắt được hoàn toàn. Trưởng phòng cứa hỏa của Rio, Đại tá Roberto Robaday cho biết lính cứu hỏa ban đầu không có đủ nước vì hai họng cứu hỏakhông có nước. “Hai vòi nước gần nhất không có nước dẫn từ nguồn cung cấp”, ông nói. Xe tải nước sau đó đã được đưa vào và lấy nước từ một hồ gần đó. “Đây là một tòa nhà cũ”, ông nói thêm, “với rất nhiều vật liệu dễ cháy, rất nhiều gỗ, các tài liệu giấy và bản thân kho lưu trữ cũng dễ cháy.”

Một số người Brazil đã xem ngọn lửa như một phép ẩn dụ cho những chấn thương của đất nước này trong cuộc chiến với mức độ khủng khiếp của tội phạm bạo lực và những ảnh hưởng của cuộc suy thoái khiến hơn 12 triệu người thất nghiệp.

“Thảm kịch chẳng khác nào một vụ tự sát của quốc gia. Một tội ác với các thế hệ trong quá khứ và tương lai của chúng ta”, Bernard Mello Franco, một trong những nhà báo nổi tiếng nhất của Brazil, đã viết trên tờ O Globo.

Hoàng Nam tổng hợp
Nguồn: The Guardian; Dw; Nytimes; Cnn

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)