Chiêm ngưỡng thư pháp của các Hoàng đế nhà Nguyễn

Hơn 100 bút tích châu phê từ Châu bản Triều Nguyễn của 10 vị Hoàng đế từ Gia Long đến Bảo Đại đã được giới thiệu đến công chúng, không chỉ chứa đựng nội dung quý giá về những quan điểm trị quốc an dân mà còn hàm chứa giá trị nghệ thuật thư pháp độc đáo của các vị vua triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam.


Châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu phê.

Triển lãm “Thư pháp của các Hoàng đế nhà Nguyễn” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I – Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, khai mạc ngày 3/1/2020 lần đầu tiên trưng bày mở nguồn tài liệu duy nhất tại Việt Nam này. Châu bản triều Nguyễn không chỉ là di sản quốc gia mà còn là văn bản hiếm hoi trên thế giới còn lưu giữ được bút tích trực tiếp của các vị vua về mọi vấn đề của đất nước, nên đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính, chủ yếu được viết tay trên giấy dó, vẫn còn lưu bút tích phê duyệt bằng mực son của 10 vị hoàng đế nhà Nguyễn, bao gồm: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Các nhà vua phê duyệt trực tiếp trên Châu bản bằng mực son với nhiều hình thức phong phú như: Châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải… Châu bản triều Nguyễn là một nguồn sử liệu vô cùng phong phú để nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Những bút tích, phong cách viết đặc trưng của mỗi vị vua đã thể hiện những quan điểm khác nhau về cách an dân, trị quốc cũng như sức ảnh hưởng của từng người đối với lịch sử.

Ví dụ như ở giai đoạn trị vì của vua Minh Mệnh (năm 1820 – 1840), châu bản được ông đặc biệt quan tâm phê duyệt chủ yếu liên quan đến cải cách các lĩnh vực hành chính, giáo dục, đào tạo, tuyển chọn nhân tài, chống tham nhũng, hoàn thiện luật pháp, củng cố chế độ quân chủ trung ương tập quyền. 

Trong khi đó, châu phê của vua Duy Tân (giai đoạn năm 1907 – 1916) lại chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc điều phái quan lại và công việc trong hoàng tộc, bởi lúc này, quyền lực của nhà vua đối với các lĩnh vực trong xã hội đã bị hạn chế do sự bảo hộ của thực dân Pháp. Tuy nhiên, bút phê của vua Duy Tân trên bản tấu về việc in sách Thực lục và việc thi cử là minh chứng khẳng định vị Hoàng đế này đã rất quan tâm tới việc biên soạn chính sử cũng như nền giáo dục nước nhà.

Hoàng đế Duy Tân châu phê trên bản tấu ngày 12 tháng 9 năm Duy Tân thứ 3 (1909) của Nội các về việc bổ chức Giám sát Trường thi Hà Nam:
“Hình khoa Chưởng ấn Trần Đình Bá;
Lại khoa Chưởng ấn Phạm Văn Nga.”

Theo nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm, giảng viên khoa Lịch sử, đại học Sư Phạm Hà Nội, người chuyên nghiên cứu về lịch sử nhà Nguyễn, những văn bản hành chính của nhà Nguyễn là một “kho” tư liệu nghiên cứu phong phú cần nhận được sự chú ý. Bởi vì lượng văn bản gốc này không chỉ giúp tìm hiểu về các chính sách thuế khóa, kinh tế, văn hóa, chính trị, đê điều, v.v…, mà còn cung cấp thông tin về lịch sử xã hội của văn bản, về sự vận hành của hệ thống hành chính thời kỳ này. 

Bên cạnh đó, mặc dù không chủ tâm thể hiện chữ viết theo lối thư pháp nhưng châu phê của các vị vua triều Nguyễn đã cho thấy kỹ thuật vận bút điêu luyện, đạt đến trình độ thẩm mỹ rất cao, khiến cho những văn bản hành chính vốn bị xem là khô khan này trở nên đẹp mắt như những tác phẩm nghệ thuật. 

Các “tác phẩm” này lại được trưng bày với hình thức hiện đại, sống động, áp dụng đa dạng các phương tiện âm thanh, hình ảnh, ánh sáng tại Triển lãm nên rất thu hút người xem. “Những văn bản hành chính như thế này thường bị cho là rất khô khan, chỉ nằm trong các kho lưu trữ bụi bặm và chỉ để cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu. Đối với tôi, triển lãm này là một bước đột phá trong việc ‘xã hội hóa’ tri thức lịch sử. Chúng ta thường nói rằng học sinh, sinh viên bây giờ không thích sử, nhưng qua cuộc triển lãm này thì có thể thấy rằng, mối quan tâm về quá khứ, về vẻ đẹp lịch sử vẫn tồn tại. Chúng ta chỉ cần biết cách làm cho những tư liệu này sống động, gần gũi với công chúng mà thôi”, nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm nhận xét.  


Không gian triển lãm

Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 3/1/2020 tại tòa nhà Triển lãm – Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Một số châu phê tại triển lãm:

Hoàng đế Thành Thái châu phê trên thư ngày 19 tháng Giêng năm Thành Thái thứ 11 (1899) của Giám đốc nhật báo “L’Opinion”, Sài Gòn về việc đặt mua báo.


Hoàng đế Tự Đức châu phê trên bản tấu ngày mùng 9 tháng 8 năm Tự Đức thứ 23 (1870) của Viện Cơ mật về việc bổ dụng quan lại. Trên văn bản, bút tích của các vị quan sẽ được viết bằng màu đen còn bút tích của vua thì được viết bằng màu đỏ.


Châu phê của Hoàng đế Tự Đức trên bản tấu của Quốc Sứ quán năm 1877 về việc kiểm tra ván khắc in bộ sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập: “Nhanh chóng hoàn thành để tiện in ấn. Đợi giao cho tỉnh giữ, miễn tội.”


Hoàng đế Thiệu Trị châu phê trên bản tấu ngày 13 tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) của Bộ Binh về việc giao thuyền chở đại bác về Đà Nẵng.


Hoàng đế Tự Đức châu phê trên bản tấu ngày 24 tháng 3 năm Tự Đức thứ 30 (1877) của Trường thi Hội về việc ban đề thi: “Đề thi kỳ này dài, chuẩn cho quan trường ra đề, cốt sao cho uyên bác sâu sắc để sĩ tử kịp sớm làm văn.”

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)