Chiều buông những tiếng thở dài

Lại vẫn tiếp tục câu chuyện “Tôi lạ lắm ông Dương Tường ơi” đó thôi, và lần này lại thêm một cái lạ mới nữa

Dương Tường được trung tâm Văn hóa – Văn minh Pháp tại Hà Nội mời tổ chức diễn trò. Cái ông nhà thơ bảy mưoi ba tuổi lắm trò con nít này vào bữa sẩm chiều 14 tháng 10-2005 đã cùng hai họa sĩ Nguyễn Minh Thành và Trương Tân viết thơ của ông lên 73 chiếc cối đá, Dương Tường đọc thơ trong tiếng đàn pi- ano đệm theo của họa sĩ Vũ Dân Tân, tất cả được Nguyễn Quang Huy ghi hình để thu vào một đĩa CD do công ty Galaxie thực hiện. Cuộc trình diễn cũng xoay quanh những chiếc cối đá ấy. Có người hỏi, sao lại cối đá và sao lại bảy mưoi ba chiếc? Đã nghĩ tới cách trả lời rồi, ờ phải, bảy mươi ba cái cối đá đó là gì nhỉ?… Nó khiến chúng ta nghĩ đến bảy mươi ba năm đời của nhà thơ cho tới đêm trình diễn này. Người đã nhận và đã cho cuộc đời này – ông không vay không trả – mà ông chỉ nhận và cho, suốt trong cuộc đời này suốt bảy mươi ba năm… Bảy mươi ba cái nặng nề hoặc cái nặng nhọc… Bảy mươi ba cái sinh sôi và dinh dưỡng… Bảy mươi ba cái còng lưng nhẫn chịu… Bảy mươi ba cái cực lạc của một con người làm lụng theo cách riêng của mình… Bảy mươi ba lần cảm ơn Mẹ đã cho anh chào đời… Bảy mươi ba lần chúng ta vỗ tay hoan hô chàng trai làm thơ và còn chơi thơ vui thơ cho đến hơi thở tàn…
Mười bốn bài thơ viết bằng tiếng Pháp của anh có chung một chủ đề Chiều buông đầy những thở dài (Le soir est tout soupirs). Có khi tiếng thở dài lại dài hơn một đời người... Giọng thơ thì có vẻ buồn, nhưng không khí đêm thơ thì lại… vui như Tết. Vui từ ngoài cửa vui vào đúng như dự đoán của cô Minh Nguyệt của Trung tâm, chỉ sợ tối nay sẽ không đủ chỗ cho bạn bè… Vui nữa khi bức chân dung to của Dương Tường do họa sĩ Nguyễn Minh Thành thực hiện đã đón mọi người bằng cái nhìn đôn hậu, mơ mộng, và mọi người đều thú vị gặp người bạn Dương Tường trong bức chân dung với bộ áo vàng vương giả. Thế rồi bạn bè còn thích thú hơn với vẻ tung tăng của nhà thơ trong tấm áo hoàng bào do Trương Tân thiết kế, một ông vua con bước từ trong bức tranh ra, để đêm nay sống trong thơ với bạn bè.

Buổi biểu diễn gồm chủ yếu là Dương Tường đọc thơ bằng tiếng Pháp với tiếng piano đệm theo do họa sĩ Vũ Dân Tân thực hiện. Dương Tường đã giành những lời lẽ đẹp để giới thiệu Vũ Dân Tân với mọi người: đây là một hoạ sĩ phù thủy – bất kỳ thứ gì kể cả rác rưởi bỏ đi hễ rơi vào tay Vũ Dân Tân thì đều được anh làm lại thành một tác phẩm đẹp. Tiếng vỗ tay ran lên, vì chẳng còn ai lạ Vũ Dân Tân ở Salon Natasha tại 30 phố Hàng Bông, với những khúc củi bỏ đi, với những thanh sắt cong queo, với những miếng bìa cứng quèo không ai buồn nhặt… song tất cả đều thành những vật đủ để người yêu tranh mang về đặt trên bàn treo trên tường đặt đầu giường… và nhớ đến bàn tay và tình cảm Vũ Dân Tân…

Dường như đoán trước cuộc biểu diễn sẽ quá đông, Trung tâm văn hóa Pháp đã dự trù một cuộc quay video trước, để bạn bè có trong tay cả một cuộc trình diễn sẵn, để lúc này gặp nhau chỉ còn những bài thơ ngẫu hứng, chỉ còn những tiếng đàn ngẫu hứng và chỉ còn những vồ vập lấy nhau để mà sướng cái thơ. Theo đúng kịch bản, cuối buổi diễn, Dương Tường sẽ đi lên các bậc thang gác để thay áo hoàng bào về áo đời thường, và sẽ có tiếng gọi giọng nữ vọng theo ai oán bằng tiếng Pháp Thơ chết rồi… Chẳng ai cần đến Thơ nữa… và một giọng nam trầm cứng rắn đáp lễ, nhưng mà, ơn Chúa, chẳng ai chết theo Thơ cả…

Lời tiên đoán bi quan đó đã được một thực tại khác hẳn cải chính. Các em học sinh người Pháp và người Việt học tiếng Pháp ở Hà Nội đã tặng nhà thơ Dương Tường gần trăm bài thơ, có bài viết trên giấy, có bài viết trên áo phông, tất cả đều viết theo chủ đề Chiều buông đầy những thở dài. Thế là, chẳng những Thơ không chết, cũng chẳng ai chết theo Thơ nếu Thơ chết, bởi chưng vẫn còn những tiếng hô ứng giữa một hồn thơ với những hồn thơ. Có điều là giờ đây cuộc sống đổi thay, sự hô ứng không diễn ra trên diện rộng cả theo chiều không gian và thời gian, mà diễn ra theo những âm vực hẹp. Thơ vẫn sống trong những club của những người đồng điệu.

                                                                                                            Châu Diên

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)