Chính ủy Nguyên Ngọc

Có thể gọi ông là “chính ủy” ông không thích. Bởi vì danh xưng này là chỉ một chức vụ trong quân đội, lại nữa là hình như ta du nhập nó từ Trung Quốc sang, sau chiến dịch biên giới 1950. Còn bởi vì chính ủy là người làm công tác chính trị - tư tưởng trong quân đội, giữ cho sĩ quan và binh lính không đi trật đường ray đã vạch và đã định. Quân đội đề cao kỷ luật, trong đó kỷ luật chính trị - tư tưởng là cao nhất, mạnh nhất, và nghiêm khắc nhất.

Nhưng Nguyên Ngọc trước hết đã là người lính. Người lính trong nghĩa đen nghĩa hẹp của từ. Năm 1950, nghĩa là ở tuổi 18, ông đã nhập ngũ, làm một người lính, đi trong hàng quân hành tiến của lực lượng vũ trang cách mạng. Người lính trong nghĩa rộng của từ, một người đấu tranh cho nền độc lập tự do của dân tộc, cho hạnh phúc ấm no của nhân dân. Tinh thần người lính thứ hai này ông giữ trọn đời.

Năm 1962 khi vào chiến trường miền Nam trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến lần thứ hai, Nguyên Ngọc lấy bút danh Nguyễn Trung Thành để chiến đấu bằng ngòi bút. Các nhà văn nhà thơ đi B hồi ấy đều phải đổi tên, nhiều người chọn tên vợ con làm bút danh để mang theo tình thương nỗi nhớ từ gia đình, hậu phương, như Nguyễn Ngọc Tấn thành Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Oánh thành Nguyễn Thành Vân, Nguyễn Xuân Thiều thành Nguyễn Thiều Nam. Bút danh Nguyễn Trung Thành của Nguyên Ngọc, theo tôi nghĩ, được đặt để bày tỏ một niềm tin, một quyết tâm, một tấm lòng. Chính dưới tên gọi đó ông đã có bài tùy bút nổi tiếng Đường chúng ta đi khẳng định ý chí tiến công cách mạng của nhân dân Việt Nam trước sức mạnh quân sự của đế quốc Mỹ. Ông kể: ông viết bài tùy bút này như một lời hịch, lời hiệu triệu quân dân, theo gợi ý của đồng chí Võ Chí Công khi đó là chính ủy khu Năm rằng thời chống quân Minh ta đã có bài Bình Ngô thì thời nay chống Mỹ ta cũng cần phải có một bản hùng ca tráng khí như vậy. Nguyên Ngọc – Nguyễn Trung Thành đã viết với tất cả sự hào hùng lãng mạn của ông và đất nước hồi ấy. Bây giờ đọc lại bài tùy bút đó những ai đã đi qua con đường chiến tranh vẫn thấy xúc động và tự hào. Và tác giả cũng không nghĩ khác thế, tôi chắc vậy, dù thời thế có đổi khác, bởi vì cảm hứng trong bài viết sẽ xuyên suốt toàn bộ hành trạng về sau của ông là cảm hứng nhân dân và dân tộc. Mà dân tộc và nhân dân là trường tồn, là cái gốc.

Nguyên Ngọc chính ủy là vì thế, và như thế. Nhưng cái chất chính ủy trong con người ông là “động” chứ không “tĩnh”, lại được hòa trộn trong máu của một người con Quảng Nam, vùng đất vốn có “gien” phản kháng và phản biện (“Quảng Nam hãy cãi”). Ông hướng tới cái cao cả, cái anh hùng trong chiến tranh, nhưng rất sớm phát hiện “mạch nước ngầm” của hiện thực cuộc sống. Ông không chịu được sự phản bội, cụ thể trong một trận đánh, trong một con người, nhưng rộng ra là đối với một lý tưởng, một sự nghiệp. Trường hợp cuốn tiểu thuyết Đất Quảng của ông vĩnh viễn bị bỏ dở là một thí dụ điển hình. Ông kể: “Hồi ấy tôi đã viết xong tập 1 tiểu thuyết Đất Quảng, đang viết tiếp tập 2, gần xong. Nhưng chính chuyến đi Điện Bàn ấy đã cắt đứt sáng tác của tôi. Anh bí thư xã, là nguyên mẫu nhân vật chính trong tiểu thuyết của tôi, đã đầu hàng địch khi bị chúng khui trúng hầm bí mật. Tất cả cảm hứng sáng tác của tôi bỗng chốc tiêu tan. Tôi đốt bản thảo tập 2. Ông Võ Chí Công biết được. Ông bảo tôi, nửa thông cảm, nửa trách móc: Đấy là nhân vật hư cấu chứ, là nhà văn thì phải biết vượt qua được những tình huống như vậy chứ.” (SGTT, 12/9/2011). Có thể lấy làm tiếc là nhà văn Nguyễn Trung Thành đã bỏ lỡ một cơ hội để xoáy sâu vào một nhân vật như thế, từ người anh hùng thành kẻ đầu hàng, dựng nên một tác phẩm đi sâu và khái quát về cuộc chiến, song chính ủy Nguyên Ngọc đã không chấp nhận được điều này và gạt phăng nó ra khỏi văn chương.

Nhưng vậy là đã xảy ra một “cú sốc” tư tưởng ở đây, nếu có thể nói vậy. Câu chuyện về tiểu thuyết Đất Quảng là vào đầu những năm 1970, từ đó nhà văn Nguyễn Trung Thành hầu như ngừng bút, còn “chính ủy” Nguyên Ngọc ngày càng nhận thức sâu hơn, khác hơn về thực tại– “thực tại” hiểu vừa như một thực tế vừa như một phạm trù triết học. Quá trình nhận thức này sẽ kết tinh lại trong bản “Đề dẫn” ông viết và đọc với tư cách Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam tại hội nghị Đảng viên bàn về sáng tác văn học (11-13/6/1979). Có thể coi đây là một điểm mốc, một bản lề, từ đó “chính ủy” Nguyên Ngọc trở thành nhà tư tưởng Nguyên Ngọc, hơn thế, nhà tư tưởng hành động. Sau hội nghị này ông bị mất đi một vài thứ, nhưng cái được lớn là ông thấy rõ hơn cái hướng tư tưởng của mình, thấy rõ hơn con người, con người cá nhân cụ thể và con người nhân sinh.

Hãy nhớ lại những năm cận kề trước và sau mốc 1975. Chiến tranh đi đến hồi kết với tất cả sự khốc liệt của nó, và hiện thực cuộc sống cũng bắt đầu phơi bày những mảng sáng tối nghịch cảnh mà nguyên nhân không chỉ do chiến tranh. Rất nhanh khi cuộc chiến chấm dứt, những người cầm bút tỉnh táo và nhân văn đã thấy có sự “trật khớp” giữa cái viết hiện hành và thực tế, giữa trang văn và số phận con người. Thứ “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” từng được tụng ca, đề cao giờ không hợp thời nữa. Phải thay đổi. Bản “Đề dẫn” của Nguyên Ngọc, theo lời ông kể, đã được viết ra từ những suy nghĩ nung nấu trong chiến tranh, cho tới khi ông sang Campuchia tận mắt thấy thảm cảnh diệt chủng của bè lũ Pol Pot gây ra cho chính dân tộc này thì những suy nghĩ đó trở nên cấp thiết và chín muồi. Ông có sự bừng thức tư tưởng. Văn học nói sâu xa là tư tưởng. Và không có tư tưởng nào biện hộ được sự chính đáng của nó trên sự khốn cùng của con người. Cùng với hai bài viết của Nguyễn Minh Châu và Hoàng Ngọc Hiến, bản “Đề dẫn” đã làm thành một sự kiện văn học sử được gọi là “vụ 79”.

Hãy đọc lại Nguyên Ngọc nhà tư tưởng văn học của năm 1979.

“Nhìn lại những tác phẩm văn học được viết ra trong thời kỳ này, chúng ta thấy mặt đấu tranh xã hội, − tức là mặt chuyển động trong chiều sâu của hiện thực, − được phản ánh còn mờ nhạt. Dường như lịch sử được tái tạo lại trong văn học mới còn chủ yếu ở những đường nét lớn chung nhất của nó, trên các sơ đồ chung nhất của nó; còn ở những tần số rung động sâu xa, tinh vi của nó thì chưa rõ rệt. Trong văn học, lồ lộ khá rõ là số phận chung của cả dân tộc, cả đất nước, nhưng còn số phận riêng của từng người, từng thành viên trong đội ngũ lớn đó thì còn khá sơ lược, giản đơn. Mặt yêu nước nổi bật lên, − và đây là một chỗ mạnh của văn học ta thời kỳ này như đã nói ở trên, − nhưng mặt đấu tranh xã hội thì không rõ bằng. Tính thơ lý tưởng của cuộc chiến đấu được biểu hiện khá mạnh, nhưng còn tính sần sùi phức tạp của đời sống thì yếu hơn. Cho nên tính hiện thực của văn học có bị hạn chế.”

Đó là khi ông nhận định về một thời đã qua. Còn đây là lúc này:

“Khi một người cầm bút giao động, ấy là khi anh ta giao động về nhân vật trung tâm của mình, về con người lý tưởng của mình. Khi anh ta bắt đầu nghi ngờ con người ấy trong hiện thực, hoặc ít ra là anh ta bối rối về họ, từ đó mà giảm lòng tin yêu ở họ. Cái lòng tin yêu vốn phải cháy bỏng, niềm khao khát đến cháy bỏng về con người, có cái ấy thì mới bắt đầu có cảm hứng sáng tạo nghệ thuật chân chính, mạnh mẽ. Dĩ nhiên người nghệ sĩ không phải cứ chờ cho đến khi con người trong hiện thực đã thật hoàn hảo, suôn sẻ, khi ở họ cái tốt, cái đẹp đã hiện ra thật lồ lộ, minh bạch… thì mới tin và yêu họ. Nếu vậy thì nói cho cùng còn cần gì đến nghệ thuật và người nghệ sĩ nữa. Chúng tôi nghĩ nhiệm vụ của nghệ thuật không chỉ là ở chỗ biểu hiện hiện thực như nó đã có, một hiện thực tĩnh tại, mà chính là ở chỗ mô tả hiện thực như là một cái gì có thể thay đổi được và bồi dưỡng lòng tin, sự khát khao mãnh liệt muốn thúc đẩy sự thay đổi ấy. Phải chăng lúc này có hiện tượng không ít phổ biến là người viết vẫn cứ viết mà không thật tin ở chính điều mình viết ra. “Người là muối mà chính người lại không mặn thì biết lấy gì để muối người”. Văn học, nói theo một cách nào đấy, là lòng tin. Không có lòng tin lớn thì không bao giờ có thể có văn học lớn.”

Từ đó về sau, như một lẽ tự nhiên, Nguyên Ngọc đi sâu vào tư tưởng. Chính ủy là người truyền dẫn tư tưởng của người khác, cái tư tưởng đã có, đã định hình, đó là người đi trên một con đường đã vạch sẵn. Nhà hoạt động tư tưởng là người khởi động và sáng tạo tư tưởng, là người đi tìm, khai phá. Cũng như là lẽ tự nhiên, lối đi tư tưởng đã đưa Nguyên Ngọc đến văn hóa. Đúng hơn là ông đã đi từ văn hóa đến tư tưởng, khác với những người làm tư tưởng từ chính trị. Ông đã từ văn hóa nghệ thuật đến văn hóa tư tưởng. Ở đây có sự thôi thúc của lịch sử, khi đất nước mở cửa hội nhập đòi hỏi phải có những trang bị hiểu biết về nhân loại, của nhân loại, và cũng trong hoàn cảnh là nhân loại ngày càng ý thức rõ hơn, sâu hơn về văn hóa như một thành tố không thể thiếu của phát triển, nhất là phát triển bền vững, và như một cái khung nghiên cứu cho mọi chuyên ngành, liên ngành, vì xét cho đến cùng thì tất cả mọi hoạt động tinh thần và thực tiễn của con người đều là tạo nên văn hóa và chịu sự chi phối của văn hóa. Thời thế (hay hoàn cảnh?) đã cho Nguyên Ngọc phát huy nhiều nhất, cao nhất toàn bộ khả năng con người tư tưởng-văn hóa trong ông, nhờ ở óc tư duy và vốn ngoại ngữ ông sẵn có. Đây chính là thời kỳ phát lộ ở ông dịch giả Nguyên Ngọc.

Ông có một cơ bản tiếng Pháp vững, và trên hết là một lòng say mê đọc và truyền bá tri thức nhân loại cho đồng bào mình. Ông ý thức sâu sắc và rõ ràng về ý nghĩa và tác động to lớn của dịch thuật đối với việc làm giàu có và kích thích phát triển nền văn hóa nước nhà. Từ đó ông coi dịch thuật là một hoạt động chính yếu của mình để góp phần cho công cuộc “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” mà ông là một người tích cực cổ súy và thực hiện. Sự nghiệp dịch thuật của Nguyên Ngọc có hai phần. Phần thứ nhất là dịch về văn chương. Ông đã dịch các công trình lý thuyết của Roland Barthes (Độ không của lối viết), Jean Paul Sartre (Văn chương là gì), Milan Kundera (Nghệ thuật tiểu thuyết; Những di chúc bị phản bội), dịch tiểu thuyết của Atiq Rahimi (Nhẫn thạch). Phần thứ hai là dịch về dân tộc học, chủ yếu là các công trình nghiên cứu về Tây Nguyên, vùng đất đã trở thành máu thịt của ông đang khiến ông đau đáu cho hiện tại và tương lai của nó. Các sách dịch này dưới bút hiệu Nguyên Ngọc đều có chất lượng cao, có thể nói là bảo đảm được yêu cầu “tín, đạt, nhã” của một bản dịch, do dịch giả hiểu kỹ vấn đề của tác phẩm, đồng cảm và chia sẻ được với tác giả, và nhất là tài năng hiểu, và sử dụng, và sáng tạo tiếng Việt. Nhờ đó, các dịch phẩm của ông khi xuất bản đã được đón đọc tức thì và đã có tác dụng lớn đến nhiều người ở nhiều ngành nghề. Dịch văn chương là khó, dịch các nghiên cứu, lý thuyết càng khó, bởi tính chất chuyên môn của vấn đề, bởi sự phức tạp của thuật ngữ, bởi độ so lệch từ ngôn ngữ nguồn đến ngôn ngữ đích. Nguyên Ngọc nắm vững tiếng Pháp và tiếng Việt, ham thích văn bản trước khi dịch, và nhất là có lòng khao khát nóng bỏng muốn chia sẻ cái đọc được của mình cho rộng rãi mọi người, vì thế ông đã lao động dịch thuật vừa say mê vừa nghiêm túc để cho ra những bản dịch sát đúng nhất đến mức có thể với nguyên bản, lại vẫn thanh thoát, trong sáng ở tiếng Việt. Đọc những dịch phẩm của ông, dù là về văn chương hay về dân tộc học, đều cảm nhận thấy chất văn, hơi văn trong cách dịch, cách diễn đạt chuyển ngữ. Ông đã truyền được cho người đọc cả tinh thần, cảm hứng của người viết và người dịch. Và đó là một thành công.

Nói tới Nguyên Ngọc hiện nay là nói tới những phát biểu, kiến nghị, việc làm trên nhiều lĩnh vực quan trọng của xã hội, ở cả tư cách công dân, tư cách nhà tư tưởng, nhà văn hóa. Viết đến đây tôi nghĩ có lẽ gọi Nguyên Ngọc là nhà văn hóa thì đúng hơn cả vì văn hóa bao trùm, thấu triệt toàn bộ các hoạt động của ông. Ông lên tiếng, bằng lời nói, bài viết, về những vấn đề cấp bách mang tính sống còn của đất nước hiện nay với tất cả nhiệt huyết nồng nàn và đau đớn, có khi phẫn nộ nữa, mà người tiếp nhận có thể đồng tình hay không, chấp nhận hay không, nhưng phản bác lại thì phải có tầm hiểu biết văn hóa, lịch duyệt văn hóa, và phải có nỗi lòng đau đáu thường trực như ông với dân, với nước mới có thể. Trong ông, vẫn có một “chính ủy”: tin những điều mình nghĩ là đúng. Trong ông, vẫn có một sĩ phu xứ Quảng: sẵn sàng xuống đường cùng nhân dân. Trong ông, vẫn có một nhà văn: tin vào người đọc. Trong ông, vẫn có một chàng trai: ham đi, ham cái mới. Trong ông, luôn có một trí thức: biết nghĩ bằng cái đầu của mình, biết dấn thân.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)