Chopin – nhà thơ trên cây đàn piano

Lối trình diễn của Chopin tương đồng với phong thái của ông, cả hai đều thanh nhã và mơ mộng. Ông không ưa những động tác phô trương, thiếu tự nhiên. Để chuẩn bị cho mỗi buổi hòa nhạc, ông thường cô lập bản thân trong hai tuần và chỉ chơi Bach mà không tập luyện các tác phẩm của mình.

Trong thế giới âm nhạc, Chopin là trường hợp độc nhất vô nhị. Theo cách nói của F. Liszt, cùng với cây đàn piano, Chopin đã vượt qua được sự quyến rũ của dàn nhạc để rót đầy những mảnh nhỏ của giai điệu vào khuôn nhạc. Ông đã chứng tỏ được rằng, một thiên tài có thể tập trung những dòng cảm hứng vô tận của mình vào những hình thức nhỏ nhất của âm nhạc.

Sự tưởng tượng của Chopin tràn ngập những khúc ca, đem lại cảm giác đẹp như truyện cổ tích và những giấc mơ ám ảnh nỗi nhớ quê hương, với nỗi sầu muộn bị kìm nén từ một tâm hồn cao quý. Tác phẩm của ông chỉ có thể được thể hiện bằng những vần thơ của thi hào Ba Lan Adam Mickiewicz. Tất cả những nỗi đau đớn của cuộc sống lưu vong, ý thức sâu sắc về những bất hạnh của mảnh đất quê hương, những quan niệm cao nhất của ông về giới quý tộc Ba Lan cổ đã được phản chiếu trong những tác phẩm ấy với một sự phong phú, một sự giản dị lớn lao và luôn loại trừ tất cả những gì thái quá.

Trong sáng tác của ông, các điệu polonaise đầy tinh thần hào hiệp, gợi ra phong thái cao quý của một trang phong lưu mã thượng; các bản ballade là những ảo ảnh buồn đẫm màu sắc Ba Lan; các điệu mazurka gợi ra vũ điệu dân tộc của một đất nước vừa vui tươi lại vừa bi thương, tràn ngập ý thức về phẩm giá. Bằng sự mơ mộng tao nhã, nhưng là một thứ tao nhã nguyên chất, ông đã lôi cuốn người nghe vào trong những đường viền đầy mơ hồ, không ngừng biến chuyển của âm nhạc và cả sự duy cảm trong mỗi người.

Nếu chơi đàn theo cách riêng của ông, những đoạn kỹ xảo mang tính chất trang trí không bao giờ cản trở độ tinh khiết của các giai điệu. Những vòng quay mang đặc điểm của ông, các đường lượn và những nét trang trí mỏng manh, tất cả đều trong trẻo, không bao giờ làm lu mờ đi ý tưởng chính của tác phẩm. Qua các bản nocturne, valse và impromptu, tinh thần đầy xúc cảm của ông được thể hiện một cách thanh thản và tự nhiên chưa từng có; chúng mô tả cuộc sống của ông trong xã hội, nơi “ông tôn thờ một cách say đắm ba người phụ nữ như nhau trong một buổi dạ hội, và thà bỏ chạy còn hơn là phản bội một người trong số đó”, và nỗi sầu muộn sẽ bám lấy ông khi trở về nhà để rồi “như một người đàn bà cuồng loạn, ông sẽ khiến cho chính bản thân mình rơi vào chứng mất ngủ với nỗi xúc động trong ký ức” (Georges Sand đã từng khắc họa con người Chopin như vậy).

Các buổi biểu diễn của ông, theo lời những người cùng thời, đều hết sức hoàn hảo và phong cách biểu diễn của ông quá đẹp. Nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano bậc thầy người Bohemia, Ignaz Moscheles, đã nói rằng lối trình diễn của Chopin tương đồng với phong thái của ông, cả hai đều thanh nhã và mơ mộng. “Chỉ sau khi nghe anh ấy chơi đàn, Moscheles kể, tôi mới bắt đầu lĩnh hội được thứ âm nhạc của anh. Và hiểu được những cảm xúc mà anh khuấy lên trong giới phụ nữ. Khả năng ứng tác của anh bao gồm cả sự biến đổi của nhịp điệu một cách đều đặn, nhưng đó không phải là sự lôi cuốn nhất của anh ấy. Những ngón tay của Chopin lướt đi khắp bàn phím với tốc độ chỉ có trong thần thoại; cây đàn piano của Chopin quá dịu dàng bởi anh ấy không cần thiết phải chơi những đoạn đầy sức mạnh mới thể hiện được sự tương phản mà anh vẫn hằng khao khát”.

Chopin hiểu thấu những ý tưởng về việc chơi piano. Học sinh của ông thường kể lại rằng, những bài học đầu tiên với Chopin thực sự là một nỗi thống khổ. Lối bấm phím luôn luôn phải chính xác và ngay cả những chi tiết nhỏ nhất không tương ứng với ý kiến của nhà soạn nhạc đều bị khiển trách gay gắt. Cách đặt bàn tay lên phím đàn cũng phải thật duyên dáng và Chopin luôn hướng dẫn học trò của mình đặt tay lên bàn phím một cách nhẹ nhàng. Phong cách chơi đàn của ông luôn luôn phụ thuộc vào sự thanh tao của lối bấm phím và sự giản dị của cách phân nhịp. Ông không ưa những thứ thiếu tự nhiên và những động tác phô trương.

Một căn phòng trong ngôi nhà của Pleyel có một góc riêng biệt để một chiếc piano nhỏ làm bằng gỗ gụ màu đồng. Đó là chiếc đàn piano của Chopin, trên chiếc đàn này ông đã sáng tác bản Fantasie giọng Fa thứ, Hành khúc tang lễ, Scherzo giọng Rê giáng trưởng và nhiều bản prelude, nocturne, mazurka… Các nghệ sĩ đều quan tâm đến chiếc đàn đặc biệt này với sự tôn kính. “Chopin đã chơi một cách tao nhã, Felix Mendelssohn nói sau concert đầu tiên của Chopin ở Paris, “nhưng anh ấy chỉ mới trình diễn một chút điều đó từ cây đàn của mình”.

Sau buổi concert đầu tiên của Chopin tại Vienna, trên tờ báo “Wiense Theater-Zeitung” có viết: “Nghệ sĩ đã chơi đàn với phong cách nhẹ nhàng, tinh tế nhất, những hiệu ứng cảm xúc này sẽ còn được đề cập đến nhiều hơn, nhưng đáng tiếc trong lối chơi của ông thiếu hẳn sự hoa mỹ, thứ vốn được coi là không thể thiếu của các nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc”.

Chopin biết rõ về điều này, nhưng vẫn tin tưởng bản thân mình đúng và không bao giờ sửa chữa những thứ bị cho là “khuyết điểm” này; ở hướng ngược lại, ông đã làm tất cả những gì có thể để ngăn ngừa một “cuộc chiến piano” xảy ra. Liszt đã có lần khuyên Chopin nên trình diễn ở các salon âm nhạc lớn. “Không”, Chopin trả lời, “một đám khán giả đông đảo khiến tôi cảm thấy không thoải mái, nhưng anh có thể thích nghi được với điều đó, bởi vì nếu khán giả không nhiệt tình hưởng ứng thì anh có thể luôn luôn áp đảo được họ”.

Bất chấp sự khâm phục dành cho Beethoven, ông đã không thích một vài tác phẩm của nhà soạn nhạc Đức thiên tài này. Ông say đắm các tác phẩm của Schubert nhiều hơn, còn việc chơi các tác phẩm của Liszt cũng hiếm khi khiến ông hài lòng. Những nhà soạn nhạc yêu thích của ông là Mozart và Bach. Chopin là một tín đồ của nhà soạn nhạc vĩ đại Đức, J.S.Bach. “Vào một buổi sáng, ông ấy đã chơi liền một mạch 14 prelude và fugue của Bach bằng trí nhớ”, Madame Streicher đã viết, “và khi tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với màn trình diễn vô song này, ông đã trả lời: Đó là những tác phẩm không bao giờ tôi có thể quên được”.

Khi được hỏi chuẩn bị như thế nào cho một buổi hòa nhạc, Chopin thường trả lời: “Trong vòng hai tuần tôi thường cô lập bản thân mình và chỉ chơi Bach. Đó là chuẩn bị của tôi. Tôi không tập luyện các tác phẩm của mình”. Với sự tôn sùng Bach và với sự nhận thức rõ rằng các tác phẩm của Bach đã tạo nền tảng vững chắc cho các nhà soạn nhạc, các pianist thế hệ sau, Chopin (theo lời kể của Schumann) đã “làm cho bộ Bình quân luật trở thành thứ bánh mỳ hằng ngày” của những hoạt động âm nhạc của mình. “Luôn luôn tập luyện Bach, đó là phương tiện tốt nhất để tiến bộ”.

Lenz, một học trò của Chopin, đã có lần lắng nghe người thầy của mình chơi đàn tại lâu đài của nữ bá tước Chérémétiène, chơi những biến tấu từ bản Sonata giọng La giáng trưởng Op. 26 của Beethoven. “Ông ấy chơi tác phẩm đó một cách đáng ngưỡng mộ, Lenz kể lại, tôi cảm thấy kinh ngạc về điều này, nhưng chỉ ở mức độ vẻ đẹp của âm thanh, ở sự duyên dáng đầy tinh tế và sự thuần khiết của phong cách. Nhưng đó không phải là Beethoven; nó quá nhẹ nhàng, quá nữ tính”. Trên đường trở về, người học trò đã thẳng thắn đề cập những gì mình nghĩ với người thầy của mình thì nhận được trả lời: “Tôi chỉ đề xuất, chỉ gợi ý và tôi đưa điều đó cho những thính giả của tôi hoàn thành bức tranh âm nhạc”. Khi về đến nhà, trong lúc Chopin thay quần áo, Lenz đã cả gan chơi chủ đề tương tự của Beethoven trên chiếc đàn piano ở phòng bên cạnh. Chopin lặng lẽ bước sang phòng và tiến gần đến cây đàn piano, chăm chú lắng nghe đến hết tác phẩm; sau đó ông đặt bàn tay mình lên vai người học trò bướng bỉnh và nói: “Tôi phải nói với anh rằng đó cũng là một cách chơi hay, nhưng có nhất thiết phải trở nên quá khoa trương như vậy không?”.

Xúc cảm mạnh mẽ với Chopin không bao giờ đến từ thứ hiện thực chủ nghĩa buồn tẻ bởi đơn giản, ông ghê sợ những sức mạnh tàn bạo. Liszt đã quả quyết rằng bất cứ những gì quá cường điệu trong âm nhạc, văn học và cuộc sống cũng đều khiến Chopin ác cảm. Tempo rubato của Chopin có quá ít điểm chung với các nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc đương thời và cả với thứ “tempo động kinh” của họ, vốn thường chơi các nét trang trí hoa mỹ bằng sự nhấn mạnh một cách cường điệu. Chopin muốn rubato phải là một thứ hoàn toàn nguyên chất, không rối loạn; bàn tay trái giữ nhịp, trong khi tay phải chuyển động trong sự tương đồng về ý tưởng. |

Một học trò tên Guttman của Chopin từng tuyên bố là lối chơi của Chopin luôn luôn được kiềm chế và nhà thơ vô song của cây đàn piano hiếm khi nhờ cậy đến những âm lượng fortissimo. “Trong khi biểu diễn bản Polonaise giọng La giáng trưởng, ông ấy dứt khoát không sử dụng đến sức mạnh, thứ mà chắc chắn bất kỳ pianist xuất sắc nào cũng thường sử dụng. Ông ấy thường mở đầu pianissimo cho đoạn quãng tám nổi tiếng, và duy trì điều đó cho đến cuối bản nhạc”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)