Chưa chắc đâu con!

Cơm bới vô chén bưng tới miệng rồi mà còn đổ ra không được ăn, thiệt là tình cảnh đội Ghana trong trận đấu với Uruguay. Coi xong trận này tôi hết muốn coi đá bóng nữa.

Như chuyện hai cha con nhà nông nọ, sau khi cày bừa đất kỹ càng, người con nói: “Vụ mùa này chắc có ăn.” Người cha nói: “Chưa chắc đâu con!”  Có thể nhiều người đã biết kết cục câu chuyện này. Người con đương nhiên phật ý với kiểu nói thiếu tin tưởng của người cha, bèn rắp tâm chăm sóc miếng ruộng thật kỹ, để chắc chắn được mùa. Lúc lúa chín đầy đồng, người con mới lập lại bằng giọng chắc mẽm: “Vụ mùa này thấy rõ là có ăn.” Người cha vẫn làu bàu: “Chưa chắc đâu con!”

Điên tiết, người con đợi đến khi hái gặt xong, xay lúa giã gạo xong, vo gạo nấu cơm chín xong, cơm dọn lên mâm bới vô chén rồi, mới hỏi cha: “Bây giờ chắc chắn có ăn chưa?” Người cha hự một tiếng: “Chưa chắc đâu con!” Ông con tức quá dằn chén cơm xuống mâm một cái xảng, cơm đổ tung tóe xuống đất. Ông cha mới bảo: “Thấy chưa?”

Cơm bới vô chén bưng tới miệng rồi mà còn đổ ra không được ăn, thiệt là tình cảnh đội Ghana trong trận đấu với Uruguay. Coi xong trận này tôi hết muốn coi đá bóng nữa. Không phải tôi mê gì mấy cậu Ghana, cũng không tiếc nuối gì khi đội châu Phi cuối cùng bị loại khỏi cuộc chơi. Châu Á, Úc và Bắc Mỹ cũng đã sớm ra rìa, nhường sân cho châu Âu với Nam Mỹ. Các đội lần lượt rơi rụng trên đường lên đỉnh vinh quang đoạt chức vô địch là tất yếu. Không có gì phải than tiếc.

Nhưng mấy phút cuối cùng của trận Ghana – Uruguay trái tim tôi thắt lại không biết bao lần, cuối cùng thì không chịu nỗi, nó vỡ òa. Tôi phải ra vườn nằm võng nhìn mây bay, nhìn chùm mận xanh lẫn trong lá, nhìn chim sóc rượt đuổi nhau, nhìn bông sao nhái mới nở lung linh trong nắng, nhìn cỏ mọc… Một nỗi buồn nữa, không biết để đâu cho hết.

Không phải buồn vì Ghana thua. Buồn vì, bây giờ đến ngay cả trong cuộc chơi điều này cũng diễn ra và đạt hiệu quả: Biết (dùng tay) là phạm luật, vẫn cứ phạm. Tuy kẻ vi phạm bị đuổi khỏi cuộc chơi và đối phương được đá phạt đền, nhưng nước cờ liều ấy lại dẫn đến thành công chung cuộc. Cho dù luật lệ được thực thi nghiêm minh, “công bằng”, phe ăn gian vẫn thắng, và kẻ bất chấp luật lệ trở thành anh hùng.

Ừ thì bóng đá là một phiên bản “chơi” của cuộc đời. Mà cuộc đời xưa nay vẫn vậy, từ xã hội Hy – La đến Tam quốc, Lục quốc, từ cuộc chiến thành Troy cho đến thị trường chứng khoán. Luật chơi là luật chơi, qui tắc đạo đức là qui tắc đạo đức, nhưng thành bại là chuyện sống hay chết. Dù “chơi” vẫn là một cuộc tranh giành chiến thắng. Cho dù “chơi” như thế nào mà thất bại, dù thất bại “trong danh dự” và sự tiếc nuối của khán giả, thì vẫn là sự chấm hết, rơi luôn vào bóng tối. Dù có xanh đỏ tím vàng hay sắc cạnh độc đáo thì có ý nghĩa gì trong cõi lãng quên, ngoài sân khấu? Rốt cuộc, chỉ có “thắng” là có ý nghĩa thực, mới “vực được đạo”.

Và trong bóng đá cũng như trong cuộc sống bây giờ, kẻ khôn lanh thành đạt lại thường là kẻ bất chấp luật lệ và được Thần may mắn thiên vị. Có những phẩm chất được ca ngợi như tài hoa, nhiệt huyết, kiên cường, mà tưởng sẽ có được thành công xứng đáng, thì chưa chắc đâu con!

 

Tác giả