Chương đen tối trong quá khứ của Vienna Philharmonic

Vào dịp 75 năm thành lập Liên minh chính trị Đức – Áo [Anschluss, 12/03/1938-2013], dàn nhạc nổi tiếng thế giới Vienna Philharmonic đã công khai những bí mật đen tối trong quá khứ của mình.

Ngày 23-3-1938, nghệ sỹ violin Viktor Robitsek nhận được thông báo cụt lủn từ ban quản lý dàn nhạc cho biết ông đã bị sa thải chỉ vì ông là người Do Thái.
Mười một ngày trước đó, quân đội của Hitler tiến vào thành Vienna và nhận được sự đón chào nồng nhiệt từ hầu hết người dân nơi đây. Trong số những người nồng nhiệt hâm mộ Quốc trưởng có cả một số đồng nghiệp của Robitsek, khoảng một nửa bọn họ đều là đảng viên Đức quốc xã.

Vào dịp 75 năm thành lập Anschluss, một nhóm nhà sử học đã được phép tiếp cận kho lưu trữ của Vienna Philharmonic và phát hiện ra rằng năm nghệ sỹ Do Thái – trong đó có Robitsek – đã bị thiệt mạng trong các trại tập trung hoặc các ghetto. Ngoài ra còn có hai người nữa bị bức hại tới chết. Tổng cộng có 13 nghệ sỹ Do Thái bị trục xuất khỏi dàn nhạc.

Điều đáng nói là việc trục xuất và bức hại này diễn ra với sự đồng thuận của nhiều thành viên dàn nhạc. Năm 1942, 60 trong số 123 nghệ sỹ của dàn nhạc là đảng viên Đức quốc xã. Hai trong số đó là thành viên của [tổ chức vũ trang của Đức quốc xã] SS. Con số này xét về tỷ lệ còn cao hơn cả tỷ lệ chung trên toàn nước Áo thời bấy giờ.

Sau chiến tranh, Áo đã hết sức chậm chạp trong việc thừa nhận vai trò quan trọng của mình trong Đế chế thứ Ba của Hitler và nạn diệt chủng người Do Thái – mãi đến năm 1991, Áo mới chính thức bày tỏ sự hối tiếc của mình. Vienna Philharmonic giờ đây phải đối mặt với những cáo buộc cho rằng, giống như phần lớn xã hội Áo, dàn nhạc đã cố tình che đậy cho những bóng ma của Đức quốc xã. Hôm 11/3 vừa qua, dàn nhạc cho biết họ đang bàn thảo việc liệu có nên thu hồi các huy chương đã tặng cho những nhân vật chủ chốt của Đức quốc xã hay không.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập vào năm 1942, dàn nhạc đã tặng huy chương cho các nhân vật cao cấp của Đức quốc xã, trong đó có cả Baldur von Schirach, thị trưởng khét tiếng thời bấy giờ của thành Vienna, người chịu trách nhiệm về việc trục xuất hàng chục ngàn người Do Thái. Schirach là một trong những người được dàn nhạc tặng chiếc nhẫn đặc biệt để vinh danh.

“Dàn nhạc đã hành xử thái quá”, nhà nghiên cứu lịch sử Oliver Rathkolb, người đứng đầu nghiên cứu đã được dàn nhạc công bố trên trang web của mình hồi đầu tháng 3 năm nay. “Không cần thiết phải tặng quá nhiều huy chương và nhẫn vinh danh cho những người như Baldur von Schirach. Về mặt danh chính ngôn thuận, Vienna Philharmonic vẫn đang vinh danh Schirach, bởi vậy Chủ tịch của dàn nhạc, ông Clemens Hellsberg, đã được yêu cầu thu hồi nhẫn vinh danh từ những người này.”

Nhóm nghiên cứu cũng tiết lộ vai trò của Helmut Wobisch, nghệ sỹ kèn trumpet chính của dàn nhạc [từ năm 1939 đến 1945, và từ năm 1950 đến năm 1968], đồng thời là một đảng viên nhiệt thành của Đức quốc xã, sau này có gia nhập SS.

Schirach đã đánh mất chiếc nhẫn, nhưng vào năm 1966 hoặc 1967, sau khi được thả khỏi nhà tù Spandau, nơi ông ta thụ án vì tội ác chống lại loài người, Wobisch đã tặng cho Schirach một cái nhẫn khác thay thế. Bản thân Wobisch bị sa thải khỏi dàn nhạc vào năm 1945 nhưng đã tìm được cách trở lại chỉ sau hai năm. Sau chiến tranh, chỉ có bốn đảng viên Đức quốc xã bị thôi việc và sáu người khác về hưu. Wobisch sau khi trở lại còn được bầu vào vị trí giám đốc kinh doanh của dàn nhạc. Ông ta quả là người biết cách làm cho mình trở nên dễ mến. Leonard Bernstein, nhạc trưởng người Mỹ gốc Do Thái, gọi Wobisch một cách vui vẻ là “người bạn Đức quốc xã yêu quý nhất của tôi”. Georg Solti thì nói với Bernstein, trong một bức thư mới được công bố: “Tôi biết quá khứ chính trị của Wobisch, cũng rõ ràng như anh trước khi anh tới Vienna. Dẫu sao… bất chấp tất cả, ông ấy có lẽ vẫn là một trong vài thành viên đáng tin cậy của dàn nhạc.”

Rathkolb nói rằng ông ngạc nhiên về “tỷ lệ đảng viên Đức quốc xã rất cao” tại Vienna Philharmonic. Nhiều người trong số họ vào đảng trước năm 1938, khi đảng này vẫn còn là bất hợp pháp ở Áo, ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo ông, việc giám đốc dàn nhạc tại thời điểm đó – Wilhelm Jerger – thỉnh cầu Schirach ngừng trục xuất các đồng nghiệp Do Thái, là một điều rất đáng lưu tâm.

Ngày 27-10-1941, ông viết thư xin Schirach tha cho Robitsek và vợ ông, Elsa – họ sẽ bị chuyển tới một trung tâm trung chuyển lớn là Theresienstadt vào lúc 9 giờ sáng hôm sau. Cả hai đều đã già cả và ốm yếu, ông viết như vậy, và kết thúc bức thư bằng dòng chữ “Heil Hitler”. Nhưng bức thư không có tác dụng gì cả.

“Jerger đã can thiệp một cách tích cực,” Rathkolb nói. “Ông mô tả cuộc đời nghệ thuật của các đồng nghiệp cũ của mình như cách anh làm ngày nay trong từ điển bách khoa. Dưới thời Đức quốc xã thì điều này thật đáng ngạc nhiên”.

Làn sóng bạo lực nhằm vào người Do Thái do liên minh Đức – Áo phát động không chỉ làm thay đổi cơ số của dàn nhạc mà còn làm giảm số lượng khán giả. “Bởi vì có rất nhiều người Do Thái buộc phải rời Áo hoặc bị giết; anh cũng có thể thấy trong các báo cáo của Đức quốc xã, ngay từ những năm 1938-39 họ đã bị khó khăn về tài chính vì khán giả bị ảnh hưởng tiêu cực từ những chính sách khủng bố của Đức quốc xã,” Rathkolb nói.

Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong xã hội Đức quốc xã và được sử dụng như một công cụ tuyên truyền. Có một sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa hai dàn nhạc Berlin và Vienna Philharmonic và nhiều nghệ sỹ phải gia nhập Đức quốc xã để được thăng tiến trong sự nghiệp.

Vienna Philharmonic nổi tiếng nhất với những buổi hòa nhạc mừng năm mới, một bữa tiệc những điệu van của Strauss, phát sóng tới hơn 50 triệu khán giả ở 80 quốc gia. Giờ người ta phát hiện ra rằng buổi hòa nhạc này khởi điểm vốn là công cụ tuyên truyền dưới thời Đức quốc xã vào năm 1939. Trước đó, Vienna Philharmonic hiếm khi chơi nhạc của gia đình Strauss, vốn nổi tiếng với bản “Blue Danube” và nhiều điệu van khác.

“Đã có một cuộc cạnh tranh để được gia nhập Đức quốc xã,” Kurt Drexel, giảng viên Viện Âm nhạc thuộc Đại học Innsbruck, nói. “Có rất nhiều sáng tác cho Đức quốc xã và cho thể chế. Họ cần rất nhiều âm nhạc. Nếu như anh gia nhập [Đức quốc xã] với tư cách là một nhà soạn nhạc, anh sẽ có nhiều cơ hội để kiếm tiền, trở nên nổi tiếng và các tác phẩm của anh được trình diễn trước công chúng. Đó quả là một cơ hội nghề nghiệp tốt.”

Rathkolb nói, mặc dù Vienna Philharmonic phải chịu trách nhiệm về việc chậm công khai lịch sử đen tối của mình, nhưng ông không nghĩ rằng dàn nhạc cố tình che giấu quá khứ. “Tôi nghĩ, điều này là do chính sách im lặng suốt một thời gian dài của xã hội Áo nói chung”, ông nói, rồi bổ sung rằng, những cuộc tranh luận về vấn đề Quốc xã trong dàn nhạc đã chấm dứt vào năm 1947.

“Giai đoạn bài trừ chủ nghĩa quốc xã đã qua, chuyến lưu diễn quốc tế đầu tiên là tới Edinburgh… nó đã khép lại chương quá khứ gắn với Quốc xã. Kể từ đó không một ai nói một cách công khai về Vienna Philharmonic và quá khứ Quốc xã nữa.”

Không phải ai cũng đồng tình với điều này. Harald Walser, nghị sỹ Đảng Xanh ở Áo,  một trong những người lớn tiếng và bền bỉ nhất trong việc chỉ trích Vienna Philharmonic, hoan nghênh việc làm minh bạch của dàn nhạc, dù ông cho rằng chừng đó là chưa đủ. “Đó chỉ là một bước đi nhỏ đúng hướng,” ông nói với Reuters. “Nhưng để tiếp cận đầy đủ với kho lưu trữ, chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài.”

Những cái chết sau khi bị trục xuất

Có năm nghệ sỹ Do Thái từng chơi cho Vienna Philharmonic trước khi thiệt mạng trong các trại tập trung của Đức quốc xã hoặc các ghetto. Dưới đây là những câu chuyện về họ.

Moriz Glattauer (Violin I)

Moriz Glattauer về hưu năm 1938 sau sự nghiệp lâu dài với Vienna Philharmonic từ năm 1916. Ông và vợ phải bỏ nhà ra đi rồi sau đó bị trục xuất tới khu ghetto dành cho người Do Thái có tên Theresienstadt ở phía tây bắc Prague vào năm 1942. Glattauer qua đời ở ghetto năm 1943, thọ 73 tuổi; còn vợ ông bỏ mạng trong phòng hơi ngạt tại Auschwitz năm 1945.

Viktor Robitsek (Violin II)

Viktor Robitsek bị sa thải vào tháng 3-1938, sau 35 năm chơi cùng dàn nhạc. Ban giám đốc gửi ông một thông báo cụt lủn, có “hiệu lực tức thì”, nói rằng ông bị thải hồi. Robitsek là người Do Thái, nhưng tự xem mình là một người không sùng đạo và đã ra khỏi cộng đồng Do Thái ở địa phương từ nhiều năm trước. Ông cùng với vợ đã bị đuổi khỏi nhà bốn lần. Tháng 10-1941, thành viên ban giám đốc dàn nhạc Wilhelm Jerger đã viết thư cho thị trưởng Vienna Baldur von Schirach thỉnh cầu ông ta không trục xuất cặp vợ chồng già. Lời thỉnh cầu không được đáp ứng: cả hai đều bị đưa tới khu ghetto Do Thái ở Lodz. Robitsek bị sát hại tại đó vào tháng 6-1942; vợ ông cũng thiệt mạng trước đó ba tuần.

Max Starkmann (violin I, viola)

Starkmann là nghệ sỹ violin bè một. Ông còn chơi cả viola. Những thông tin chi tiết hơn về số phận ông vẫn chưa được công bố.

Julius Stwertka (bè trưởng bè Violin I)

Năm Liên minh Đức – Áo ra đời, Julius Stwertka đã ở tuổi 66. Là một nghệ sỹ xuất sắc được chính Gustav Mahler tuyển dụng, ông trở thành nghệ sỹ violin và sau đó là bè trưởng của dàn nhạc. Trong một bức ảnh đen trắng chụp năm 1935, ông ngồi trong hố nhạc cạnh [nhạc trưởng, nhạc sĩ lừng danh người Đức] Wilhelm Furtwängler. Liên minh Đức đưa ra 250 điều luật mới bài Do Thái và phát động một làn sóng bạo lực nhằm vào người Do Thái. Stwertka và Rosa vợ ông bị trục xuất về khu ghetto Do Thái Theresienstadt. Ông chỉ sống thêm được vài tuần sau đó và qua đời vào tháng 12-1942. Vợ ông bị đưa tới Auschwitz năm 1944. Hiện vẫn chưa rõ bà mất ngày nào.

Armin Tyroler (Oboe II)

Armin Tyroler là một trong những nghệ sỹ nổi tiếng nhất của dàn nhạc. Là một giảng viên, giáo sư âm nhạc và là người tích cực tạo những điều kiện tốt hơn cho các đồng nghiệp kém may mắn của mình, Tyroler đã được thành Vienna vinh danh vào năm 1933. Trong đáp từ của mình, ông nói người ta chỉ có thể trở thành nghệ sỹ khi được giải phóng khỏi những khó khăn thường nhật. Ông gọi Vienna là “thành phố mến yêu của tôi” và nói ông muốn nó trở thành “thành phố của những bài ca, thành phố của hạnh phúc”. Năm 1940, Tyroler cùng với người vợ thứ hai đã bị ép phải trở về quê hương, sau đó bị đưa đến Theresienstadt – cùng với vợ chồng nghệ sỹ violin Stwertkas vào năm 1942. Trong ghetto, Tyroler đã lập một tổ chức văn hóa của người Do Thái và thậm chí còn tham gia biểu diễn trong một buổi hòa nhạc. Ngày 28-10-1944, ông và vợ bị trục xuất đến Auschwitz. Ông bị đưa vào phòng hơi ngạt hai ngày sau đó. Ngày mất của vợ ông hiện vẫn còn chưa rõ.

Nghệ sĩ violin gốc Do Thái Arnold Rosé là người giữ vị trí bè trưởng bè violin 1 lâu nhất trong lịch sử Vienna Philharmonic. Rosé bị sa thải khỏi dàn nhạc vào chính cái tuần quân đội Hitler tiến vào Vienna. Ông tránh được cảnh bị sỉ nhục bởi những điều luật bài Do Thái của Đức quốc xã vì may mắn trốn thoát sang Anh, nhưng đồng nghiệp cùng vị trí bè trưởng viloin I giống như ông là Julius Stwertka đã thiệt mạng trong trại tập trung Terezin vào năm 1942. Người con gái tài năng của Arnold là Alma cũng bị sát hại tại Auschwitz, khiến ông “suy sụp”, như lời ông nói.

Trong thời kỳ quân Đức thực hiện chiến dịch oanh tạc London 57 ngày liên tiếp, ông cùng với cây đàn Stradivarius đã chơi nhạc dưới hầm trú ẩn cho những người bạn láng giềng của mình. Không ai biết Arnold Rosé từng là nghệ sỹ violin chính của dàn nhạc xuất sắc nhất châu Âu trong suốt 56 năm, và là anh rể, bạn tâm giao của nhà soạn nhạc, nhạc trưởng nổi tiếng Gustav Mahler.

Năm 1946, Vienna Philharmonic mời ông quay trở lại vị trí bè trưởng. Ông đã từ chối và nói với con trai mình rằng có tới 56 đảng viên Quốc xã vẫn còn chơi trong dàn nhạc, trái ngược với việc chỉ có sáu đảng viên Quốc xã tại Berlin Philharmonic. Con trai ông cho rằng ông phóng đại. Nhưng điều Rosé nói mới đây đã được chứng minh hoàn toàn là sự thật.

        Thanh Nhàn lược lịch
http://www.guardian.co.uk/music/2013/mar/11/vienna-philharmonic-nazi-secrets; http://www.thejc.com/comment-and-debate/comment/103475/ beautiful-music-does-not-drown-out-shameful-history-past

 

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)