Chuyển dịch văn hóa đọc – Tất yếu của lịch sử

Tác giả nhìn lại những thay đổi trong văn hóa đọc trong lịch sử, từ thời kỳ sơ khởi của sách đến nay, qua đó chỉ ra bản chất tiến trình dịch chuyển của ba loại tư duy.   

Sự chuyển dịch tư duy và văn hóa đọc trong lịch sử

Văn hóa đọc sách Việt Nam trong lịch sử chủ yếu chịu ảnh hưởng lớn của 2 nền văn minh: Văn minh Trung Hoa và văn minh phương Tây. Kể từ khi chế độ khoa cử ở Việt Nam bị dẹp bỏ, ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa đối với văn hóa đọc sách ở Việt Nam cũng phai nhạt dần. Giới trí thức bắt đầu quen với sách đọc từ phương Tây, hoặc là được viết theo cách hành văn phương Tây. Xu thế ấy vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay. Do đó, khi bàn về văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay, tức là chúng ta đang bàn đến văn hóa đọc chịu ảnh hưởng từ phương Tây. Vậy thì trước tiên chúng ta cần tìm hiểu xem tiến trình thay đổi tư duy của nền văn minh này như thế nào.

Mặc dù những di chỉ chữ viết đầu tiên được tìm thấy có niên đại cách đây 75.000 năm, nhưng vai trò của chữ viết rất hạn chế. Giống như tất cả các nền văn hóa khác, người Châu Âu cổ đại bắt đầu truyền đạt mọi tư tưởng, kinh nghiệm, nghệ thuật của mình thông qua hình thức truyền khẩu, nhạc điệu, vũ đạo, hoặc hình vẽ chứ không thông qua chữ viết. Chữ viết chỉ thực sự hữu ích khi các vấn đề về thương mại, quản lý hộ tịch trở nên quan trọng ở một xã hội văn minh hơn, và những cuốn sách ra đời ban đầu là nhằm mục đích lưu trữ những thông tin thực tế đó. Cũng với mục đích này, văn minh Hy Lạp – La Mã (Hy-La) với dân số đông nhất và cũng là trung tâm giao thương của khu vực Địa Trung Hải, đã giản lược và phát minh ra bảng chữ alphabet có tính chất tượng thanh mà chúng ta đang sử dụng hiện nay vào khoảng 1000-400 TCN.

Phải tới gian đoạn tiếp theo chữ viết mới được dùng để ghi chép những tri thức của con người về khoa học, tư tưởng, văn chương và nghệ thuật. Văn bản thơ ca được tìm thấy đầu tiên là hai tác phẩm sử thi “Illiad” và “Odyssey” của Homer vào khoảng 850 TCN. Các văn bản sớm nhất lưu trữ các nội dung tôn giáo của người Do Thái cũng đâu đó trong khoảng 1000-600 TCN. Khi nền văn minh Hy-La suy tàn, nhà thờ Công giáo trở thành nơi đặc quyền lưu trữ thông tin thuộc về các tu viện với nhiệm vụ chính là sao chép Kinh Thánh (Cựu ước và Tân ước).

Tuy nhiên, ít người biết rằng những văn bản thời kỳ đầu đó vô cùng khó đọc bởi giữa các từ không hề có khoảng cách, dấu chấm-phẩy để ngắt câu. Khó khăn này cùng với những khó khăn khác như sự khan hiếm về vật liệu dùng làm văn bản, hay sự hạn chế về trình độ dân trí của đa số người đọc, đã không cho phép người viết sử dụng những diễn dịch và lập luận dài dòng. Họ buộc phải sử dụng các loại hình tượng để mô tả ngắn gọn nhất những gì mình được truyền đạt. Có lẽ đây là lý do quan trọng khiến các tác phẩm thời kỳ Hy-La cho đến Kinh Thánh đều được viết dưới dạng thơ ca và sử dụng rất nhiều dạng biểu tượng. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho việc đọc loại sách này, cách viết tạo nhịp điệu đã trở thành một quy ước. Để đọc và hiểu được ít nhiều các tác phẩm này, người đọc sách thời ấy buộc phải rèn luyện kỹ năng giải mã các biểu tượng và khiến cho dạng tư duy hình tượng phát triển mạnh.

Dấu cách được phát minh vào thế kỷ thứ 7 bởi một tu sĩ Ai Len đã làm thay đổi cách đọc sách của người xưa. Trước đây với các văn bản cổ, họ buộc phải đọc diễn xướng thì này họ đã đọc sách trong im lặng, đòi hỏi một sự tập trung cao hơn. Đến thế kỷ 13, sách đã được chia chương, chia đoạn; dấu chấm-phẩy đều được ra đời trong thời kỳ này. Những quyển sách của thế kỷ 14 đã có kết cấu gần giống với hiện đại. Những phát minh này cho phép người viết tha hồ diễn dịch và thể hiện cấu trúc ngôn ngữ của mình. Để nắm bắt những dạng thông tin này đầy đủ, người đọc cần có một tư duy liền mạch logic. Cách đọc sách này được duy trì cho đến nửa cuối của thế kỷ 20.

Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, sự phát triển của báo chí truyền thông và đặc biệt là internet đã phá vỡ tư duy đọc sách kiểu truyền thống. Để tiếp nhận được tối đa lượng thông tin đồ sộ của xã hội hiện đại, chúng ta phải hạn chế đọc theo theo lối tư duy hình tượng hay diễn dịch liền mạch. Từng cá nhân buộc phải rèn luyện kỹ năng lướt nhanh và sẵn sàng cởi mở tiếp nhận nhiều dạng thông tin khác nhau, trong khoảng thời gian ngắn phải tìm cách nắm bắt nội dung của cùng một lúc nhiều cửa sổ trên màn hình. Thói quen này đã hình thành một văn hóa đọc mới, với tư duy chắp nối.

Con người cần phát triển hài hòa cả ba tư duy

Sự xuất hiện của một tư duy mới không nhất thiết đòi hỏi sự biến mất của tư duy trước đó. Trên thực tế, cả ba hình thức tư duy ít nhiều song song tồn tại trong suốt tiến trình lịch sử văn hóa đọc của con người, tuy nhiên tùy theo từng điều kiện mà dòng chảy chính của văn hóa đọc sẽ có các hình thái khác nhau.

Trong một xã hội văn minh thực sự thì cả ba kỹ năng trên đều cần được phát triển một cách đồng đều. Tư duy hình tượng giúp chúng ta có các khả năng liên tưởng, tưởng tượng, đánh thức những xúc cảm làm phong phú thêm đời sống tinh thần; tư duy liền mạch logic giúp chúng ta có khả năng logic chính xác, nhìn được cấu trúc và tổng thể của các vấn đề; tư duy chắp nối giúp chúng ta khả năng nhanh chóng nắm bắt và cởi mở thu lượm nhiều loại thông tin khác nhau.

Nếu thiếu tư duy thứ nhất, con người sẽ héo mòn đi những xúc cảm quý giá, điều làm nên cá tính, bản sắc, nội tâm, những giá trị nhân văn trong mỗi người. Thiếu đi tư duy thứ hai, người ta sẽ không thể tập trung giải quyết một cách bài bản, có hệ thống tất cả những vấn đề mà cuộc sống mang lại. Thiếu đi tư duy thứ ba, con người và xã hội sẽ thiếu linh hoạt, trì trệ và tụt hậu.

Thực trạng văn hóa đọc ở Việt Nam

Trong quá khứ, văn hóa Việt Nam chủ yếu phát triển tư duy hình tượng hơn là tư duy diễn dịch liền mạch. Biểu hiện cụ thể nhất của sự phát triển tư duy hình tượng đó là những tác phẩm thi ca nở rộ và nổi trội hơn rất nhiều so với truyện ngắn và đặc biệt là tiểu thuyết. Bên cạnh đó, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo Trung Hoa- nền văn hóa của chữ tượng hình. Trong nhiều thế kỷ, lối hành văn của cha ông ta đa phần là thơ từ và các bài văn biền ngẫu. Tuy nhiên, ở Trung Hoa vẫn phát triển tư duy liền mạch logic mà biểu hiện là các tác phẩm tiểu thuyết Minh Thanh đã đạt tới đỉnh cao. Trong khi đó ở Việt Nam, tác phẩm tiểu thuyết lớn nhất thời Trung đại chỉ có “Hoàng Lê nhất thống chí” vẫn còn mang đậm màu sắc của chép sử, chủ yếu ở dạng liệt kê thông tin.

Do thiếu khả năng diễn dịch logic, nên môi trường thông tin ở Việt Nam bị rơi vào tình trạng hỗn loạn và thiếu tính học thuật. Đã từng có thời kỳ khi văn hóa Pháp vào Việt Nam, rất nhiều nhà nghiên cứu như Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo… đã cố gắng gây dựng nền học thuật ở Việt Nam. Tuy nhiên, công cuộc này bị gián đoạn trong suốt thời gian chiến tranh. Tới giai đoạn sau chiến tranh, Việt Nam lại phải đối diện với nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội, trong khi nguồn lực dành cho giáo dục và nghiên cứu học thuật còn hạn chế. Những điều kiện khách quan đó đã khiến văn hóa đọc của đại chúng ít nhiều bị giới hạn.

Giữa bối cảnh như vậy, khi làn sóng internet cùng thói quen tư duy chắp nối của thế giới ồ ạt dội vào đã đem lại những tác động hỗn độn cả tốt lẫn xấu trong văn hóa đọc của người Việt. Người ta trở nên quen với cách đọc dễ dãi, hời hợt. Điều đáng lo ngại hơn nữa là hiện nay, thậm chí kiểu tư duy hình tượng cũng dần bị thui chột vì lối sống gấp gáp không cho phép chúng ta có thời gian tìm hiểu sâu, chiêm nghiệm và hưởng thụ vẻ đẹp của ngôn từ. Trong giới thanh niên không còn nhiều người yêu mến ca dao, dân ca, và càng bị hạn chế về tư duy logic liền mạch để tiếp cận những cuốn sách ra đời trong thời kỳ cận đại và hiện đại, vốn là những tinh hoa ẩn đằng sau hầu hết những thành tựu tiến bộ của những xã hội văn minh và phát triển.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)