Chuyện về những hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ

Phong cách Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là phong cách phương Đông đầu tiên ảnh hưởng mạnh mẽ đến âm nhạc phương Tây, xảy ra trước tiên ở các ban quân nhạc. Ảnh hưởng này có lẽ được khởi nguồn vào năm 1699 khi để ăn mừng việc ký kết thành công Hiệp ước Karlowitz, đoàn ngoại giao của đế chế Ottoman đã mang theo một ban nhạc vệ binh vua Thổ tới Vienna để trình diễn.

Từ ngoại giao đến âm nhạc

Theo danh mục tác phẩm của Wolfgang Amadeus Mozart, chỉ riêng trong mùa hè năm 1778, ông đã viết tới năm bản sonata cho đàn piano (các bản số 8; 10; 11; 12 và 13). Với thông lệ sáng tác sonata thời Cổ điển, chương đầu của bản sonata được viết theo hình thức sonata còn các chương tiếp theo có thể được viết theo các hình thức khác. Nhưng Piano Sonata số 11, giọng La trưởng, K. 331 lại là một biệt lệ vì không có chương nào trong số ba chương ở hình thức sonata cả.

Chương thứ nhất gồm một chủ đề cùng sáu biến tấu. Chương thứ hai, trung tâm của tác phẩm, là một điệu minuet cùng một đoạn trio. Còn chương thứ ba ở hình thức rondo theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ (Alla Turca).
 
Chương Alla Turca, còn được gọi là Turkish Rondo hay Turkish March (Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ) thường được tách ra khỏi bản sonata để biểu diễn độc lập. Chương nhạc ngắn nhất của bản sonata này đã trở thành một trong số những khúc nhạc nổi tiếng nhất của Mozart. Hơn nữa, Turkish March còn là điển hình cho một trào lưu ảnh hưởng phong cách thời Mozart – phong cách Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Ngoài Piano Sonata số 11, Mozart cũng sử dụng phong cách Thổ Nhĩ Kỳ trong một số tác phẩm khác như vở opera Die Entführung aus dem Serail (Bắt cóc khỏi hậu cung) và Violin Concerto số 5. Các nhà soạn nhạc trường phái Cổ điển Vienna khác (trong đó có hai tên tuổi lớn là Haydn và Beethoven) cũng sử dụng phong cách âm nhạc thịnh hành này trong tác phẩm của họ.
 
Phong cách Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là phong cách phương Đông đầu tiên ảnh hưởng mạnh mẽ đến âm nhạc phương Tây. Phong cách Thổ Nhĩ Kỳ mà các nhà soạn nhạc thời Cổ điển sử dụng hao hao phong cách của các ban quân nhạc đế chế Ottoman, đặc biệt là các ban nhạc vệ binh vua Thổ (Turkish Janissary bands). Âm thanh đặc trưng của những ban nhạc này là sự kết hợp giữa trống trầm, chuông, kẻng tam giác, cymbal và các nhạc cụ khác.
 
Một nhân tố quan trọng thúc đẩy ảnh hưởng của phong cách âm nhạc Thổ đến âm nhạc châu Âu xảy ra vào năm 1699 khi hai đế chế Áo và Ottoman đàm phán Hiệp ước Karlowitz. Để ăn mừng việc ký kết thành công Hiệp ước, đoàn ngoại giao Thổ mang theo một ban nhạc vệ binh vua Thổ cùng những nghệ sĩ biểu diễn khác tới Vienna để trình diễn trong một vài ngày.
 
Những mô phỏng phong cách Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra trước tiên ở các ban quân nhạc châu Âu. Rồi nhiều nhà soạn nhạc cổ điển châu Âu ở thế kỉ 18 cũng bị hấp dẫn bởi phong cách này, đặc biệt là vai trò quan trọng được giao cho các nhạc cụ bộ đồng và bộ gõ trong các ban quân nhạc Thổ.
 
“Cần bấm Thổ”

Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỉ 19, âm nhạc theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ phổ biến đến mức những nhà làm đàn piano đã chế tạo ra những chiếc piano đặc biệt có “cần bấm Thổ” hay còn gọi là “cần bấm quân đội”, “cần bấm Janissary”. Khi người chơi nhấn cần bấm này, một chiếc chuông sẽ rung lên hoặc một búa có đệm lót sẽ đập vào bảng cộng hưởng để mô phỏng tiếng trống trầm. Ở một số đàn piano, cả hai hiệu ứng này đều xảy ra khi sử dụng cần bấm. Theo Edwin M. Good, “cần bấm Thổ” rất phổ biến để chơi Turkish March của Mozart và khá nhiều nghệ sĩ piano thời đó hân hoan sử dụng cần bấm này để điểm tô cho tác phẩm.
 
Âm nhạc cổ điển theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ luôn có nhịp điệu sôi nổi và thường là một kiểu hành khúc. Mozart đã dùng những hợp âm rải tốc độ nhanh bằng tay trái trên piano để mô phỏng tiếng trống trầm trong Turkish March sôi nổi của mình. Còn khi âm nhạc theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ được phối cho dàn nhạc, các nhà soạn nhạc sử dụng thêm những nhạc cụ gõ trước đó không có trong dàn nhạc thời Cổ điển, tiêu biểu là trống trầm, chuông, kẻng tam giác, cymbal. Và điều này được thể hiện rõ ràng trong Turkish March của Beethoven.
 
Cũng giống như Turkish March của Mozart, Turkish March của Beethoven đã được tách ra từ một tổng thể để biểu diễn độc lập. Nếu như Turkish March của Mozart là một chương của sonata thì Turkish March của Beethoven là một tiết mục trong bộ nhạc nền viết cho vở kịch Tàn tích của thành Athens Op. 113.
 
Vào năm 1811, thành phố Pest của Hungary (sáp nhập với Buda năm 1873) đang sẵn sàng khai trương một nhà hát lớn mới. Lễ khánh thành nhà hát được kết hợp với lễ kỉ niệm ngày lễ đặt tên của hoàng đế Francis II vào ngày 5 tháng 10. Để có tác phẩm trình diễn cho dịp này, những người có thẩm quyền đã hướng tới nhà viết kịch nổi tiếng August von Kotzebue và nhà soạn nhạc lỗi lạc Ludwig van Beethoven.
 
Kotzebue đã viết hai vở kịch ngập tràn những lời ca tụng hoàng gia là Tàn tích của thành Athens  và Vua Stephen. Tàn tích của thành Athens mô tả thành phố Pest như một phiên bản tân tiến hơn thành Athens cổ xưa. Trong đó, Kotzebue dựng lên câu chuyện tưởng tượng về nữ thần Minerva thức dậy sau giấc ngủ dài 2000 năm. Minerva thấy thành Athens đã đổ nát và những dấu tích văn hóa cuối cùng của nó được bảo tồn ở Hungary.
 
Beethoven không quan tâm lắm tới việc tâng bốc những bậc quyền thế. Nhưng ông thích thú bất cứ cái gì liên quan đến nhà hát và hơn nữa ông cũng cần tiền. Beethoven đã viết nhạc nền cho cả hai vở kịch, tổng cộng có 19 tiết mục. Âm nhạc được hoàn thành chỉ trong ba tuần của tháng 8 và tháng 9 năm 1811 mặc dù Beethoven không cần phải vội vã vì lễ khánh thành nhà hát đã được hoãn tới tận tháng 2 năm sau.
 
Ngoài hai overture cho hai vở kịch, Turkish March là tiết mục duy nhất trong số 19 tiết mục nói trên thường được tách ra để biểu diễn độc lập trên sân khấu hòa nhạc. Nó trở nên quen thuộc với thính giả còn vì Beethoven trước đó (năm 1809) đã viết một bộ sáu biến tấu cho đàn piano Opus. 76 với chính chủ đề Turkish March này.
 
Những nhạc cụ gõ mà Beethoven sử dụng trong Turkish March dần dần được dùng trong dàn nhạc giao hưởng mà không nhất thiết phải gợi lên một bầu không khí kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Đến thời gian Beethoven viết Giao hưởng số 9 “Tụng ca niềm vui”, phong cách Thổ Nhĩ Kỳ không còn thịnh hành trong đời sống âm nhạc như trước. Nhưng ở chương cuối của bản giao hưởng, Beethoven vẫn sử dụng một số nhạc cụ gõ trong các ban quân nhạc Thổ.
 
Đến cuối thế kỉ 19, các tác giả giao hưởng đã thoải mái sử dụng những nhạc cụ gõ này trong tổng phổ. Vậy là theo một chặng đường dài, những nhạc cụ này trở thành một món quà quý giá tặng cho âm nhạc cổ điển phương Tây từ truyền thống quân nhạc Thổ Nhĩ Kỳ.
 

 

Tác giả

(Visited 55 times, 1 visits today)