Chuyện về những người đóng thế

Những người đóng thế được coi là tấm khiên của các nhà độc tài, của các viên tướng và của các chính khách. Hiếm khi họ tiết lộ về sự bí mật về con người mình. Cũng có người lúc cuối đời cảm thấy xẩu hổ về sự giống nhau đó.

Felix Hajiyevich Dadaev thích khiêu vũ. Sau khi nước Đức – Hitler tấn công Liên xô năm 1941 thì Dadaev là vũ công trong một đoàn văn công tiền tuyến của Hồng quân. Khi cuộc chiến lan rộng tới Chechnya thì ông tham gia giải phóng quê hương mình và ông đã bị thương nặng. Gia đình ông nhận được giấy báo tử. Tại bệnh viện các thầy thuốc phát hiện trong số bẩy nạn nhân được đưa tới bệnh viện thì có hai người còn sống, một trong hai người đó là Dadaev​. Tuy vậy nhà chức trách không huỷ giấy báo tử. Bởi vì khi chàng trai 19 tuổi khoẻ mạnh trở lại thì đã trở thành một người khác.

Mãi đến năm 2008 Dadaev mới kể với tờ báo “Komsomolskaya Pravda” về câu chuyện của mình, đó là chuyện bỗng một hôm, không một lời giải thích, anh có chuyến bay đặc biệt tới Moscow, được dẫn tới một dinh thự và được chiêu đãi thịnh soạn. Các sỹ quan an ninh tiết lộ với chàng thanh niên mảnh khảnh có đôi mắt đen và lông mày rậm rằng từ nay anh là người đóng thế Stalin, vị lãnh tụ Liên xô khi đó hơn anh 40 tuổi.

Thực ra thì từ những năm 50 đã có nhiều tin tức về những nhân vật đóng thế Stalin. Tuy nhiên dù sao đó vẫn là những chuyện mơ hồ. Cũng có nhiều câu chuyện gây tranh cãi về một nhân vật đóng thế cho các nhà lãnh đạo: ở Iraq nghe nói có ít nhất ba người giống nhà độc tài Saddam Hussein như đúc; nghe đâu Jörg Haider, một chính khách dân tuý cánh hữu ở Áo từng phải diện kiến với một Saddam rởm. Ngay cả con trai của Saddam là Udai cũng sử dụng cách này, Latif Yahia – người đóng thế Udai đã kể lại về chuyện này. Ngay thời Hitler cũng có những đồn đoán về nhân vật đóng thế Hitler và cả cấp phó của Hitler.

Hitler: thật hay giả?

Có điều hầu như không có ai biết khi nào thì người đóng thế thi hành nhiệm vụ và người đó là ai. Vì những người ra lệnh không muốn có ai đó biết về sự tồn tại của người đóng thế.

Chính sự hư hư thực thực này lại là mảnh đất mầu mỡ nuôi dưỡng thuyết âm mưu, và cũng đặt vấn đề về tính xác thực của một nhân vật nào đó để từ đó hạ uy tín đối thủ chính trị của mình. Tổng thống Nga Boris Yeltsin, một người từng có vấn đề về sức khoẻ cũng như bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống Mỹ từng rơi vào tình trạng này.

Đôi khi cũng có  những sự việc được phanh phui sau đó.

Ngày 27.5.1944 một chiếc máy bay của Không quân Hoàng gia Anh hạ cánh trên bán đảo Gibraltar thuộc Anh. Tướng Bernard Montgomery (còn được gọi là Monty), ít ra mọi người đều đinh ninh như vậy, bước ra khỏi máy bay và được các sỹ quan xếp hàng kính cẩn chào đón. Người đàn ông có ngoại hình như “Monty”, dáng đi như Monty và chào cũng y hệt Monty lại là trung uý Clifton James, làm việc tại bộ phận tài vụ. Trước đó vài tuần, viên trung uý này đã bất ngờ nhận được một cú điện thoại từ Bộ Chiến tranh.

James, trước khi đi lính là một diễn viên kịch ít nhiều có tên tuổi, anh được chú ý vì tham gia một chương trình tạp kỹ của quân đội và thủ vai Montgomery. Tại Bộ Chiến tranh người ta hỏi anh có muốn tham gia đóng phim phục vụ huấn luyện của quân đội không và anh được hướng dẫn bắt chước lời ăn tiếng nói và dáng dấp đi lại của thượng cấp. Sau này James mới biết việc đóng phim này chỉ là một cái cớ và thực chất nhiệm vụ của anh là làm con mồi.

Vụ Montgomery giả tới thăm Gibraltar không nhằm lừa binh sỹ Anh, đây là một show diễn dành cho gián điệp của phe địch mà người ta nghi trà trộn trong số lao động người Tây Ban Nha làm việc ở đây. Theo tính toán của người Anh: Chừng nào bộ Tư lệnh tối cao của Đức nghĩ rằng Montgomery còn đang ở Địa Trung hải, thì không thể sắp diễn ra cuộc đổ bộ lên vùng Normandy – trong khi vị tướng thật đang chuẩn bị cho cuộc tấn công đó.

Ngay cả sau chiến tranh, cú lừa này vẫn còn được giữ bí mật. Clifton James phải ký cam kết giữ kín câu chuyện này suốt cả đời. Mãi đến khi một cố vấn quân sự đề cập tới vụ này trong cuốn tự truyện của ông thì James mới được phép viết hồi ký về chuyện này. Đầu đề cuốn hồi ký: “Tôi từng đóng thế Monty”. Nhưng mãi sau khi câu chuyện được chuyển thể thành phim năm 1958 thì mới có nhiều người biết đến ông – và giờ đây ông mới được đóng một vai chính. Thậm chí hai vai chính: một vai là chính bản thân ông một vai Montgomery.

Đối với Dadaev, thời gian mai danh ẩn tích lâu hơn nhiều. Trong bách khoa toàn thư về “Những người lính của thế kỷ 20”, do Bộ Quốc phòng Nga phát hành, là bộ sưu tập tiểu sử các cựu chiến binh của cuộc Chiến tranh thế giới, phần nói về Dadaev như sau:

“Và còn một điểm hết sức độc đáo trong tiểu sử của Dadaev: Năm 1996 lệnh bí mật về vụ này mới được dỡ bỏ, số là trong một thời gian dài diễn viên này thường xuất hiện trong mục tin thời sự với tư cách là… người đóng thế J. W. Stalins. Đương nhiên Stalin biết và cho phép làm chuyện đó. Dadaev trông rất giống lãnh tụ, ông bắt chước giọng nói của Stalin khi diễn thuyết.”

Tuy nhiên Dadaev cũng không phấn khởi vui vẻ gì lắm khi tài liệu về việc đóng thế lãnh tụ của ông được công khai. Mãi đến năm 2007 ông mới xuất bản một cuốn sách với các bài thơ, câu chuyện châm biếm, các tiểu luận và cả hồi ức về các cuộc gặp gỡ với những nhân vật huyền thoại – và ông hầu như chỉ kể thoáng qua về câu chuyện liên quan tới Stalin.

Hoài Trang dịch

Nguồn: http://www.spiegel.de/einestages/josef-stalin-adolf-hitler-saddam-hussein-die-doppelgaenger-der-maechtigen-a-1138862.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)