Cơ hội để nghe những tiếng nói cá nhân

Đạo diễn Phan Đăng Di, một người tiên phong trong phong trào làm phim độc lập ở Việt Nam, trò chuyện với Tia Sáng về bản sắc phim độc lập và cách mà cộng đồng những người làm phim độc lập có thể kích đẩy nhau đi.

Là một trong những đạo diễn phim độc lập đầu tiên ở Việt Nam, theo anh bản sắc của phim độc lập là gì?

Với tôi, phim độc lập gần với khái niệm phim tác giả. Ở dòng phim này, đạo diễn thường tự viết luôn kịch bản, và kịch bản thường không đề cao các yếu tố về cốt truyện, kịch tính như dạng kịch bản truyền thống. Vì dấu ấn tác giả rất mạnh nên có đưa kịch bản đó cho một đạo diễn khác, không chắc đã thành phim được.

Tôi cũng không phân biệt phim độc lập ở khía cạnh nó được sản xuất khác với phim dòng chính (main-stream) như cách một số nhà nghiên cứu điện ảnh đã chỉ ra mà quan tâm nhiều hơn đến những đặc điểm sáng tạo của nó, theo đó nhà làm phim độc lập thường coi trọng tìm kiếm một hình thức biểu đạt mới trong ngôn ngữ điện ảnh thông qua một phong cách làm phim riêng biệt, độc đáo.

“Phong cách là lệch chuẩn”, các nhà làm phim độc lập có cơ hội lệch chuẩn nhiều hơn, vì thế họ dễ có phong cách hơn chăng?

 Nghệ thuật bây giờ rất phân rã. Nó không có hiện tượng thống nhất tạo thành các trào lưu như trong thế kỉ 20 nữa. Nó cũng không có chuẩn để lệch chuẩn. Càng ngày, các tác phẩm nghệ thuật càng trở nên đơn nhất, không thuộc về một trào lưu nào mà chỉ là những tiếng nói cá nhân độc đáo. Những nghệ sỹ có cá tính sáng tạo mạnh đều sở hữu chìa khoá riêng để mở cánh cửa đến với điện ảnh. Nhưng làm phim luôn là cuộc chơi tốn kém, ngay cả với những phim độc lập kinh phí thấp. Bài toán tiền bạc vì vậy không phải dễ cho phép anh chơi với phong cách mãi. Rất hiếm người “chơi” được mãi cuộc chơi không nệ đến thị hiếu số đông; muốn chơi được thế, phải rất giỏi và phải chơi trong một quy mô nhỏ về kinh phí thôi.

Còn với các vấn đề xã hội, những nhà làm phim độc lập thường mạnh tay lách lưỡi dao chạm tới?

Đúng, cái hay của những tác phẩm độc lập là nó có khả năng làm tới, đào xới đến tận cùng khi khai thác vấn đề. Điện ảnh độc lập không có trách nhiệm hay áp lực phải làm vừa lòng ai cả vì thế nó có sự dữ dội khi khai thác vấn đề hơn.

Chúng ta nhận thấy trong lịch sử điện ảnh, những thời khắc huy hoàng là lúc xã hội vừa trải qua một cuộc khủng hoảng lớn hay đang dò dẫm trong thời kì hỗn mang. Ví dụ như các trào lưu lớn của điện ảnh đều xuất hiện sau chiến tranh, hoặc trong công cuộc tái thiết sau một biến cố lịch sử lớn. Bây giờ mà nói có khu vực nào nóng hổi của điện ảnh thì đó chính là khu vực Đông Nam Á. Bởi vì trong khi các khu vực khác của thế giới gần như đã phát triển xong xuôi thì Đông Nam Á mới chỉ bắt đầu. Những cái mới bắt đầu, đang ngọ nguậy, đang hăm hở tìm đường thì nó hợp với điện ảnh. Đó là may mắn của những người làm phim ở khu vực này, trong đó có Việt Nam. Nhưng những cứng nhắc, trì trệ trong tư duy phát triển và hội nhập thế giới cũng như những hạn chế trong kiểm duyệt hiện tồn có thể lấy mất cơ hội cất cánh của nền điện ảnh Việt Nam…

Được các nhà phê bình và truyền thông chú ý, những người làm phim độc lập Việt Nam thường được nhìn như những người hùng của nền điện ảnh trì trệ?

Thật vậy sao? Nhưng nếu đúng thế thì cũng giống với các nước khác thôi, phim độc lập không kiếm bộn tiền nhưng hay được chú ý. Cái sự chú ý đó thường từ bên ngoài trước, sau đó mới ảnh hưởng ngược lại trong nước. Điện ảnh Việt Nam có một lịch sử phát triển khá dài nhưng lại chậm thay đổi. Trước đây, khi việc làm phim nằm trong tay các hãng phim nhà nước thì diện mạo điện ảnh đơn điệu và buồn tẻ. Từ năm 2003, tư nhân bắt đầu được phép làm phim, và vì thế mới có điện ảnh độc lập ở Việt Nam. Và việc những bộ phim độc lập Việt Nam đi ra được thế giới, tham dự một số liên hoan phim lớn và giành giải, dù nhỏ thôi, cũng là những bước hòa nhập đầu tiên. Đó cũng chính là con đường mà các nền điện ảnh láng giềng của Việt Nam đã đi, chỉ khác là họ đi từ khá lâu và giờ thì đã giành được những thành tựu lớn, có vị trí đàng hoàng ở những liên hoan phim quan trọng nhất của thế giới rồi.

Còn về phương thức sản xuất, sự khác biệt là người làm phim độc lập luôn có nhiều hơn một sự lựa chọn kĩ thuật để thực hiện?

Có một số đạo diễn phải có từng đó ê-kip, từng đó tài chính, từng đó điều kiện kĩ thuật, mới làm được phim. Trần Anh Hùng là một đạo diễn có nhãn quan độc đáo, phong cách riêng hiếm thấy, chỉ với vài bộ phim đã đạt được thành tựu lớn khiến thế giới phải công nhận. Song phim của Trần Anh Hùng luôn đòi hỏi kinh phí rất lớn so với một bộ phim độc lập – tác giả thông thường. Trong thời điểm hiện tại, rất ít người có thể làm phim độc lập với kinh phí lớn. Không chỉ Trần Anh Hùng mà ngay Terrence Malick – một cây đại thụ của điện ảnh thế giới – để thực hiện được một phim độc lập với kinh phí lớn đều phải chờ rất lâu, và có những dự án đành phải bỏ vì không khả thi về tái chính. Ngược lại, có những đạo diễn độc lập có thể xoay xở để phim ra đều đặn trong điều kiện tối thiểu, như Lâu Diệp – đạo diễn thế hệ thứ sáu của điện ảnh Trung Quốc – bị cấm làm phim năm năm do vi phạm kiểm duyệt, nhưng trong năm năm đó anh ta có ba phim dự Cannes. Lâu Diệp đã biến những bất lợi về mặt sản xuất (ít tiền, bị cấm đoán nên không thể lập đoàn làm phim đông đảo) thành thế mạnh của riêng mình. Anh ta khiến cho những thiếu sót về mặt kĩ thuật (đèn đóm không đủ, điều kiện làm phim kiểu du kích) trở thành một thứ phong cách mang đầy sức mạnh trong chính các bộ phim được sản xuất gần đây của mình. Trường hợp của Lâu Diệp cho thấy điện ảnh độc lập có thể sống được trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, vấn đề sống còn nằm ở chỗ người làm phim có đủ tài năng hay không mà thôi.

Là một trong những người làm phim độc lập có kinh nghiệp và cả thành tựu nhất định, anh đã tạo cơ hội cho những nhà làm phim độc lập trẻ hơn mình chứ?

Phải thấy rằng, khi tôi tạo cơ hội cho những người trẻ, thực ra tôi cũng tạo cơ hội cho chính mình. Dòng phim độc lập – tác giả là cái gì đó còn rất mới, rất xa lạ ở Việt Nam. Anh không thể làm xong một bộ phim tác giả rồi ngồi đó mà kêu phim của anh kén khán giả. Khán giả ít thì mình phải đi tìm khán giả, chia sẻ với họ để họ không quay lưng với mình. Thế nên chúng ta thấy các nhà làm phim độc lập thường tham gia các hoạt động giáo dục, quảng bá điện ảnh. Họ cũng trở thành người sản xuất cho đồng nghiệp hay tìm kiếm những cơ hội, điều kiện để đồng nghiệp của họ được làm phim. Khi mà cộng đồng ấy lớn lên thì bản thân họ cũng lớn lên. Trong sự hỗ trợ đồng nghiệp, kích đẩy nhau đi, nó bao hàm cả ý nghĩa tự cứu mình.

Nhiều nhà làm phim Việt Nam, khi khởi đầu sự nghiệp thường chọn làm những bộ phim thuần túy hướng tới việc ra rạp, dành cho khán giả, anh có tiếc không?

Chắc chắn là không. Thậm chí chúng ta cần phải ghi nhận sự đóng góp đó. Điện ảnh Việt Nam trong 10 năm trở lại đây toàn những gương mặt cũ, cách làm cũ. Phim nhà nước làm rồi không ra rạp, phim thương mại chỉ có từng đó điệu cười. Điện ảnh Việt Nam thiếu những cơ hội làm khác đi. Trong khi đó, như ở Thái Lan, cộng đồng làm phim thực sự thú vị với rất nhiều người làm phim, nhiều dạng phim. Họ cổ vũ, kích thích nhau cầm máy quay lên để đi làm phim. Điện ảnh độc lập không đặt mục tiêu duy nhất là phải đến các liên hoan phim lớn, cứ để người làm phim thỏa mãn sự thích thú của họ trước đã, sau đó thì gương mặt điện ảnh tự nhiên thành sinh động. Khán giả có nhiều thứ để lựa chọn hơn. Như thế vừa hợp lý, vừa vui.

Mà khi sáng tạo có niềm vui, thì không cần phải nói, ai cũng biết nó đang tự do.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

Đạo diễn Phan Đăng Di tốt nghiệp Khoa Biên kịch, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, bắt đầu sự nghiệp đạo diễn bằng hai phim ngắn là  Khi tôi hai mươi (2006) và  Sen (2005), hai bộ phim đã được lựa chọn tham dự những liên hoan phim uy tín như Clermont Ferrand và Venice. Kịch bản phim Chơi vơi (đạo diễn Bùi Thạc Chyên) do anh viết đã giành giải thưởng FIPRESC tại LHP Venice năm 2009. Bộ phim truyện dài đầu tay của Phan Đăng Di với nhan đề Bi, đừng sợ! (2009) được trình chiếu tại hàng chục liên hoan phim lớn trên thế giới và giành được rất nhiều giải thưởng, trong đó có hai giải thưởng uy tín tại LHP Cannes năm 2010. Hiện anh đang đang thực hiện hậu kì cho dự án phim dài thứ hai mang tên Cha, con và những chuyện khác, nay có tên mới là  Sài Gòn nắng, tại Pháp.

(Theo Yxineff.com)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)