Có (không) khởi đầu và (có) không kết thúc

Vào 12 giờ trưa ngày 2/8/2015, tại năm địa điểm khác nhau của Hà Nội, năm nghệ sỹ: Nguyễn Thuỷ Tiên, Đức Flying Bay, Patricia Nguyễn, Ly Hoàng Ly và Tuấn Mami khởi đầu cuộc trình diễn kéo dài nơi công cộng của mình, với những lý do cá nhân gắn liền với những thông điệp/quan ngại/ mang tính xã hội mà họ muốn chia sẻ với công chúng. Sự kiện này mang tên “từ . tới | from . to .”

“từ . tới . | from . to .”, do Ly Hoàng Ly và Tuấn Mami curate, tổ chức bởi Nhà sàn Collective, với cấu trúc khác lạ chưa từng xảy ra trong các sự kiện mỹ thuật đương đại ở Việt Nam, chứa đựng trong nó năm nội dung/tinh thần sau đây:

ĐIỂM THỨ 1: NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI NƠI CÔNG CỘNG + LIVESTREAM

Năm cuộc trình diễn được chủ ý đồng loạt quay bằng smart phone – chứ không bằng máy quay chuyên nghiệp – và tải thẳng lên livestream. Livestream khiến tác phẩm trình diễn của năm nghệ sỹ tham gia vào cuộc sống tức thời trên mạng, để tất cả mọi người ở Việt Nam và trên thế giới có thể xem trực tiếp hành trình của năm nghệ sỹ – năm hành vi và năm luồng chuyển động khác nhau đang diễn ra cùng một lúc nơi công cộng, tại Hà Nội. Ở đây, chất lượng hình ảnh của các cuộc performance – thường là tiêu chuẩn cần của một tác phẩm nghệ thuật có chất lượng – hoàn toàn được xem là thứ yếu.

Những hiện tượng như mất tín hiệu đường truyền, âm thanh mất, mạng yếu nên hình bị dừng, các performance nhạt lẫn giữa dòng thông tin đồ sộ trên mạng… khiến khán giả (có thể) sốt ruột, mệt chán hoặc thêm hào hứng khi cố theo dõi online, nghiễm nhiên trở thành một tính chất cấu thành sự kiện nghệ thuật này: tinh thần thô sống và ngụp lặn trong cuộc sống online hiện hữu tràn ngập thông tin, như năm vệt sóng nhỏ xíu giữa biển cả. Những khán giả đang theo dõi các performance online, rất có thể đồng thời đang mở rất nhiều chương trình tin tức, phim ảnh khác để xem, đọc.

Hành động livestream các performance, chấp nhận rủi ro về tín hiệu đường truyền + chất lượng hình ảnh kém này của sự kiện, là một thông điệp/ cách thức phản ánh, phản chiếu, ghi nhận mặt tích cực của việc các cá nhân trong xã hội hôm naycó thể giao tiếp, nắm thông tin và nhìn nhận nhau ngay tại đây ngay lúc này qua màn hình online thông qua phương tiện smart phone, đồng thời mở ra mặt trái của một cách giao tiếp ảo và đầy chắp vá, khiến các nhìn nhận về sự việc cũng như giao tiếp tình cảm cũng hàm chứa phần nào tính phiến diện, đứt quãng,thậm chí hời hợt, ảo. Ngày nay, thông qua những ứng dụng của Twitter chẳng hạn, rất nhiều người tự chụp ảnh, tự quay phim mình và tải tại chỗ lên online để những người khác xem mình, từ đó người post mình được đám đông hay người quen trên mạng thích hay không thích, ủng hộ hay không ủng hộ, tuỳ thuộc khá nhiều vào khả năng hoặc thậm chí là chiến lược tự quảng cáo hình ảnh của mình trên mạng.

ĐIỂM THỨ 2: VẬT THỂ KHÁC LẠ / HÀNH ĐỘNG KHÁC NGƯỜI XUẤT HIỆN NƠI CÔNG CỘNG + TRÊN MẠNG VÀ NỘI DUNG BÊN TRONG NÓ

Năm nghệ sỹ với performance của mình cấy vào đời sống thực, biến mình thành những người / thứ trông-có-vẻ dị hợm hoặc có những hành động dị hợm… Có thể xem năm tác phẩm này là một thách thức và câu hỏi của người nghệ sỹ với chính mình và với xã hội, trong một cuộc sống mà con người ta trở nên tò mò, bị hấp dẫn bắt mắt nhất thời bởi những cái bất thường hoặc phát sốt bởi những hiện tượng lạ, và lập tức post cái người ta “thấy” lên mạng với những bình luận vô thưởng vô phạt hoặc quá khích tuỳ theo cái tâm, tâm lý, nền tảng và nhận định của người post. Cư dân mạng truyền nhau la ó tẩy chay một hiện tượng hay tung hô nó mà không thực sự hiểu rõ ngọn ngành về nó, rồi chỉ một hai ngày sau đám đông lại quên hết, lại được bắt mắt hoặc phát sốt bởi những hiện tượng mới thay thế hiện tượng cũ. Có thể nói năm cuộc performance là năm cuộc thể nghiệm được tiến hành cùng một thời điểm, để xem với hành động hay phục trang của mình, các nghệ sỹ được những cư dân ngoài đời thực và cư dân mạng nhìn nhận/ đón nhận như thế nào.


Không gian trưng bày của Patricia Nguyễn tại Nhà sàn Collective, số 1 Lương Yên,
Hà Nội. Ảnh do tác giả cung cấp.


Patricia Nguyễn đội tóc giả màu hồng mặc áo mưa kỳ quái đẩy chiếc xe đẩy chở nước mắm và và các bao đất. Chuyển động của cô có thể được nhìn nhận như một chuyển động quái gở nhàm chán hết sức, khi cô cứ thế đẩy xe đi vòng vòng quanh hồ Trúc Bạch suốt buổi chiều như không có lối thoát. Có những lúc cô mệt quá ngồi thở, khiến tình nguyện viên của cô phải động viên cô: “Cố lên Patricia, chị làm được mà!” Mà làm được cái gì khi cứ đi vòng vòng như một nữ hippie quái đản như thế? Thật ra, tác phẩm của cô lấy cảm hứng và nguyên liệu từ Hồ Trúc Bạch – nơi máy bay của John McCain, thượng nghị sỹ hiện tại của Hoa Kỳ, bị bắn rơi năm 1967 sau khi thả bom vào nhà máy nhiệt điện Yên Phụ ở Hà Nội. Trúc Bạch cũng là một trong những hồ chịu ô nhiễm nhiều nhất ở Hà Nội. Patricia tự gọi mình là Nước Ma’am, mà khi gọi lên vừa có nghĩa là Quý bà Nước vừa có nghĩa Nước Mắm – sự hài hước giễu nhại pha lẫn với sự nghiêm túc xen trong cách Patricia chơi nghịch với cách phát âm này. Nước Mắm – nhân vật chính trong tác phẩm trình diễn – được đưa vào tác phẩm như một ‘cao lương mỹ vị’ trong lịch sử Việt Nam. Patricia xem mùi hương dai dẳng của nước mắm là nguyện chứng cho một lịch sử nhẫn nại. Trong suốt 10 tiếng trình diễn tác phẩm “Kéo Lê – Lê Lết”, Patricia bông đùa với chính cơ thể mình trong cả hai trạng thái vui sướng và đau đớn, trong trạng thái có nhà lẫn vô gia cư, trong không gian lưng chừng giữa nước/đất nước/nhà/quốc gia, để trình bày suy nghĩ cảm quan về các biểu hiện hoán đổi văn hóa của tính nữ, sự lao động, kẻ hạ cấp, xem cơ thể con người như là hàng hóa, vật phẩm và trò diễn.


Nguyễn Thuỷ Tiên dán những tờ quảng cáo “7 Phút Của Sự Thân Mật”
ở hầm chui Kim Liên, Hà Nội.
Ảnh do tác giả cung cấp.


Sự dị hợm trong performance của Nguyễn Thuỷ Tiên không nằm ở trang phục, mà nằm ở những tờ quảng cáo “7 Phút Của Sự Thân Mật” mà cô đem dán bừa bãi khắp nơi trên đường đi, bên cạnh những tờ quảng cáo khoan cắt bê tông của những người khác. Mặc bộ váy đen nhã nhặn, cô cho số điện thoại riêng của mình trên tờ rơi kèm địa chỉ cô hẹn sẽ gặp người lạ tối hôm ấy, hứa hẹn trao cho họ bảy phút miễn phí đụng chạm (thể xác hay tinh thần?) thân mật. Hành vi dán quảng cáo của cô là một hành vi mà người đi đường sẽ thấy phản cảm khi làm bẩn và xấu đi môi trường sống, chưa kể hành vi trao số điện thoại riêng và miễn phí gặp gỡ là điều quá táo bạo lộ liễu, đầy thách thức nơi công cộng của một cô gái trẻ vốn nhút nhát như cô. Cô đã gặp hai anh công an yêu cầu cô xóa đi dòng quảng cáo cô viết trong một đường hầm đi bộ. Ngay trong hành trình di chuyển của mình, cô đã nhận được vô số tin nhắn của người lạ hỏi thăm cô. Có vẻ như Thuỷ Tiên đem chính mình ra để tìm hiểu tâm lý đám đông, tâm lý và phản ứng con người trong một xã hội ẩn giấu những bất trắc trong tình cảm, sự cô đơn muốn được giải tỏa kìm nén trong lòng các cá thể và nhu cầu được chia sẻ, cũng như biên độ có tính giãn nở và thít chặt của cái rất gần và cái rất xa không thể chạm vào được, nơi chính tâm tưởng của cô và những con người có băn khoăn giống cô. Bảy phút thân mật có thể được xem là hứa hẹn một trải nghiệm thân mật đến đỉnh điểm khiến người ta phải khóc và sẽ không bao giờ quên trong suốt chặng đời còn lại, có thể là gợi ý để chỉ ra rõ cái cô đơn kiệt cùng của những chân dung can đảm tìm đến cô qua tờ quảng cáo, có thể là vẽ ra sự tự dối người dối mình, ảo tưởng vì có bảy phút giữa người lạ và người lạ thì thân mật làm sao, cũng có thể là cách thâu tóm những gương mặt đang có một cuộc đời nhàm chán, hiếu kỳ tìm đến bảy phút mới lạ. Thuỷ Tiên cho rằng, đó sẽ là bảy phút của những kết nối đầy ý nghĩa, bảy phút của những gặp gỡ lạ lùng và kỳ diệu, cho chính ý nghĩa tinh khiết của việc sống thật đầy và hết mình. Và cô đan xen giữa sự trần trụi của việc đi dán quảng cáo phô bày riêng tư của mình miễn phí, với một hành trình kiếm tìm lãng mạn, ngây thơ khao khát một mối quan hệ kỳ duyên qua việc cô gấp những tờ quảng cáo thành con thuyền giấy cho trôi sông, lòng thuyền hiện ra số điện thoại của cô.


Không gian trưng bày của Tuấn Mami tại Nhà sàn Collective, số 1 Lương Yên, Hà Nội.
Ảnh do tác giả cung cấp.


Tuấn Mami làm một chuyện lạ đời là đi thu lượm hàng đống những cành cây gãy trong và sau cơn mưa, lôi đám cành cây đi như một gã hâm yêu cây ướt trong mưa (chứ không phải khuân gỗ tốt về bán). Những cành cây khô vụn, chẳng còn có tác dụng gì nữa. Thế nhưng, người ta thấy có nhiều người đi theo anh vào một quán ven đường, có người mang theo những cành cây của riêng họ. Họ hý hoáy thêm-bớt-nối-tô màu-vẽ-nặn đắp, làm ra những sản phẩm mới của riêng họ từ những cành cây con. Hẳn nhiều người theo dõi hành trình của anh chặc lưỡi bảo chẳng biết làm thế với đống cây gãy ấy để làm gì, được lợi gì. Nếu theo dõi quảng cáo trên facebook của anh nhiều ngày trước đó, cùng những tờ rơi anh dán khắp nơi, mọi người sẽ hiểu anh coi tác phẩm trình diễn “Từ Tái Tạo Đến Sáng Tạo” của mình như một dạng workshop, với một cấu trúc mở mang tính lưỡng lai và biến thể, khi địa phận chuyên biệt của người sáng tác – nhà hoạt động xã hội – công chúng – không gian nghệ thuật – bị xâm phạm. Anh kêu gọi mọi người chuyển thể một thứ tưởng như không còn giá trị thành một phương tiện chuyên chở những câu chuyện và ký ức cá nhân, thành một tác phẩm nghệ thuật. Với Tuấn Mami, mọi hành động khi tham gia vào workshop mang tính tương tác ứng biến, trong một tổng thể giống như cấu trúc của một cỗ máy sáng tạo mà không một chi tiết, không một bộ phận nào có thể loại bỏ. Vai trò của khán giả, từ một người thụ động trước tác phẩm trình diễn của người nghệ sỹ, trở thành người chủ động cùng người nghệ sỹ hình thành toàn bộ chi tiết cuộc trình diễn.


Ly Hoàng Ly trong màn trình diễn “Xin Chữ – Cho Chữ”.
Ảnh do tác giả cung cấp.


Trong khi đó, Ly Hoàng Ly với bộ áo dài cổ điển trắng tinh lịch lãm, nhưng lại đeo đôi cánh giả nhỏ xíu làm bằng lông trắng dán trên mút xốp, lại còn đeo cánh ngược, đầu đội chiếc nón bánh mì làm thức ăn, cùng chăn gối trắng… tự biến mình thành một hình ảnh ngớ ngẩn dở hơi, một trò giễu nhại, tự vấn về ranh giới mơ hồ (hay tương phản rát rạt?) giữa mộng mị ảo ảnh ngớ ngẩn và đời thường trần ai, giữa diễn và thật, phản ánh cái nhìn và quan ngại của cô về một xã hội mà các giá trị thật giả lẫn lộn, sự trưởng giả và những giá trị sống bắt mắt hời hợt đeo dính toòng teng vào nhau, cùng những lý tưởng vớ vẩn không chạm đất và cũng chẳng bay bổng. Với phục trang hành trang lôi thôi đó, cô cấy quết mình vào dòng chảy của cuộc sống hàng ngày khi đạp xe quanh phố và đôi khi nằm thành một đống trắng thù lù góc đường, đọc vang thứ gì đó trong quyển sách bìa đỏ và trao đổi gì đó với những người cô gặp trên đường, rồi những người cô trò chuyện ấy viết cái gì đó lên tờ giấy nhỏ cho cô. Người đi lướt ngang qua đường và khán giả online, nếu không theo dõi sát sao, sẽ không hiểu cô đang làm cái gì hoặc sẽ coi cô như một bà khùng. Chỉ những người cô gặp trực tiếp trên đường hoặc những người chủ động tiến đến gặp cô mới cùng cô chia sẻ việc nghe và đọc một áng hùng văn trong lịch sử Việt Nam: tác phẩm “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi, mới biết là cô đi xin chữ của họ – những chữ mà họ thích nhất trong “Bình Ngô Đại Cáo”. Ly Hoàng Ly xem cuộc trình diễn “Xin Chữ – Cho Chữ” này là một cách thức cấu thành hình dạng mới / phiên bản mới của Bình Ngô Đại Cáo của ngày hôm nay từ chất liệu thực của đời sống, qua cuộc tìm hiểu quá khứ đang sống (hoặc không sống) thế nào trong lòng những người Việt Nam đương thời, và là một cuộc khảo sát xem những người cô gặp bất kỳ trên đường hiểu nghĩ thế nào về lịch sử, quan ngại, cảm thấu thế nào về hiện trạng và vận mệnh đất nước của mình. Chữ họ cho chính là tiếng nói trong lòng họ, thể hiện họ là ai.


Bức ảnh chụp lại màn trình diễn dưới cơn mưa, trước cổng Nhà máy Kem
Hà Nội của
Đức Flying Bay. Ảnh do tác giả cung cấp.


Đức Flying Bay lại biến mình thành một hình ảnh kỳ quái chỉ trong đúng vài phút trên đường phố, khi người đi đường và khán giả theo dõi online đột nhiên thấy hình ảnh một người mặc chiếc áo mưa màu hồng, nằm sấp trên đường như một người ngủ say, bị thương hay đã chết dưới cơn mưa, trước cổng Nhà máy Kem Hà Nội. Có người tiến đến nhòm xem anh bị cái gì. Rồi người ta thấy có người chụp ảnh anh, rồi anh nhỏm dậy. Trình diễn của Đức Flying xem chừng rất ngắn, rất cô đọng, nhưng hành trình của anh rất dài và là hành trình của cả một nhóm cộng sự, khi họ cùng anh lặn lội đi tìm mua chiếc áo mưa hồng – phải là áo mưa màu hồng mới được – cho anh mặc, chụp ảnh anh, sau đó vào một quán cà phê thiết kế poster, rồi đem file đi in ở một tiệm in bình dân. Những người theo dõi cuộc trình diễn của Đức Flying online, sẽ thấy những gương mặt thắc mắc nghi hoặc của những người trong tiệm in khi nhìn thấy một poster lạ đời có hình kẻ mặc áo mưa hồng nằm sấp trong mưa, trên poster có những chữ có vẻ rất đáng ngờ. Toàn bộ poster màu đen trắng, chỉ có áo mưa là màu hồng. Cuộc trình diễn của Đức Flying Bay như một cách thức anh tìm hiểu và diễn tả vai trò của rất nhiều người trong việc truyền đạt một thông tin đến người đọc người xem, trong một xã hội mà công nghệ thông tin truyền thông áp đảo. Từ một hiện tượng có thật: một người bị bắn chết và nằm sấp, đến việc chụp ảnh ghi lại khoảnh khắc đó ở góc độ nào, đến khi bức ảnh đó của phóng viên ảnh đó được chỉnh sửa photoshop ra sao, ghép với một bài báo do người khác viết, rồi được giật tít kiểu gì. Qua bao nhiêu công đoạn đó, khoảng cách giữa hiện thực và thông tin xuất hiện sẽ bao xa? Độ xác thực của thông tin? Sự thật mà khán giả nhận được có là nguyên chất sự thật? Rồi sự tò mò, nhìn nhận thông tin của khán giả sẽ biến tấu sự thật ấy như thế nào? Trình diễn của Đức Flying Bay lấy cảm hứng và ý niệm từ một tấm ảnh của John Filo, phóng viên ảnh hãng thông tấn AP – tấm ảnh đoạt giải báo chí Pulitzer năm 1970 ghi lại hình ảnh của Mary Anne Vecchio, bạn gái của anh sinh viên Jeffrey Miller chạy lại bên anh khi Jeffrey bị Vệ binh Quốc gia Ohio bắn khi anh hô khẩu hiệu chống đối sự can thiệp quân sự của Mỹ tại Việt Nam và Campuchia. 45 năm sau, Đức Flying đã dùng chính mình để thuật lại bối cảnh đó trong một ngày mưa Hà Nội năm 2015.

ĐIỂM THỨ 3: MỘT TÁC PHẨM THÔ SỐNG VỚI SỰ THAM GIA CẤU THÀNH CỦA NHIỀU NGƯỜI

Thông thường, kết cấu và hiệu ứng của một tác phẩm trình diễn (a performance art work) trong nghệ thuật đương đại của một nghệ sỹ trình diễn sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nghệ sỹ ấy. Nói cách khác, người nghệ sỹ có ngẫu hứng ứng biến đến mấy, nhưng họ vẫn hoàn toàn là người duy nhất chủ động cho ngẫu hứng ứng biến của mình.

Với sự kiện “từ . tới | from . to .”, hình ảnh người nghệ sỹ và tác phẩm của họ được truyền đến khán giả ra sao phụ thuộc vào nhóm thực hiện của họ: cách nhìn, góc quay, chi tiết quay của người phụ trách quay smart phone, những thảo luận của nhóm hỗ trợ, những quyết định can thiệp tức thời của nhóm hỗ trợ cho nghệ sỹ trong quá trình trình diễn, không theo kịch bản sẵn có. Tất cả gộp lại cấu thành tác phẩm, tự nhiên và thô sống, bày ra chân thựcvới người đi đường và trên mạng cho khán giả online, không cắt gọt chỉnh sửa. Tóm lại, toàn bộ nhóm hỗ trợ nghệ sỹ cũng chính là những người đang trình diễn cùng nghệ sỹ. Tác phẩm trình diễn không từ trên trời rơi xuống, không nằm trong sách vở ngồn ngộn kiến thức, không sang trọng cách biệt trong gallery bảo tàng, mà trộn lẫn vào cuộc sống, ứng biến cùng cuộc sống. Con người mà người nghệ sỹ làm việc cùng, tương tác cùng, và thời tiết của một ngày mưa gió trở thành những chất liệu, yếu tố cấu thành nên một tác phẩm sống.

ĐIỂM THỨ 4: ĐIỂM BẮT ĐẦU. ĐIỂM KẾT THÚC.

Năm tác phẩm được khởi động đồng loạt tại năm điểm khác nhau ở Hà Nội, với giao ước sẽ quy tụ tại cùng một địa điểm: Nhà sàn Collective, số 1 Lương Yên, Hà Nội, nơi sắp đặt năm màn hình chiếu trực tiếp cả năm tác phẩm từ 12 giờ trưa cùng ngày. Thời gian hẹn quy tụ là trong bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ 6 đến 10 giờ tối. Đó chính là bất ngờ của cả khán giả lẫn các nghệ sỹ trình diễn, khi không ai biết chính xác ai về giờ nào, gặp gỡ nhau ra sao.

Địa điểm bắt đầu của năm nghệ sỹ không gói trong phạm vi địa lý. Có lẽ điểm bắt đầu của Thủy Tiên không phải từ đầu ngõ ngôi nhà mà cô lớn lên, nơi các bạn trai thường đứng đợi chở cô đi chơi. Khởi điểm của cô chính là giây phút cô quyết định tận hiến bảy phút riêng tư của mình cho người lạ. Điểm bắt đầu của Patricia Nguyễn lại là sự thắc mắc của cô về một dữ kiện lịch sử và cách nó tác động đến cuộc sống hôm nay: về một chiếc máy bay bị bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch năm 1967, khi cô chưa sinh ra. Tương tự, điểm khởi đầu của Đức Flying Bay không phải là cuộc đi tìm chiếc áo mưa màu hồng, mà là những băn khoăn của anh về ký ức, về sự thật, về độ xác thực, về cảm nhận, cảm xúc, về những cuộc chiến tranh đã qua vẫn mang những ám ảnh tương lai, qua một bức ảnh báo chí năm 1970. Điểm bắt đầu của Ly Hoàng Ly không phải ở căn phòng trong căn villa nơi cô sinh ra, mà là băn khoăn về vận mệnh hiện trạng đất nước ngày hôm nay và ký ức của cô về Bình Ngô Đại Cáo – một áng văn bất hủ của Nguyễn Trãi viết từ năm 1427, mà cô được học từ hồi học phổ thông. Điểm bắt đầu của Tuấn Mami không phải là công viên nơi anh thu thập những cành cây gãy, mà là việc anh mời kiến trúc sư – nhà hoạt động xã hội Nguyễn Hoàng Phương tham gia vào tác phẩm của mình, để chuyển hóa ý tưởng nghệ thuật của mình thành một cấu trúc mang tính xã hội và hành vi, với mong muốn qua đó nhận được sự tương tác và tạo ra hiệu ứng cụ thể trong môi trường xã hội hiện đại.

Địa chỉ số 1 Lương Yên, Hà Nội cũng chỉ là điểm kết thúc về mặt địa lý của năm tác phẩm trình diễn. Những tác phẩm này mở ra một lối đi ra đại lộ mênh mang, một câu hỏi mở chưa có câu trả lời thấu triệt hoặc có hằng hà sa số câu trả lời khác nhau, khi toàn bộ vật liệu trong quá trình trình diễn được người nghệ sỹ sắp đặt, tạo thành một tác phẩm sắp đặt trong không gian triển lãm, tiếp tục đón nhận sự tương tác của khán giả đến xem triển lãm và cả khán giả online cho đến hết ngày 17/8/2015.

ĐIỂM THỨ 5: NHÌN . SỜ . NGỬI. TIẾP TỤC TƯƠNG TÁC


Năm màn hình chiếu trực tiếp cả năm tác phẩm tại
Nhà sàn Collective,
số 1 Lương Yên, Hà Nội.
Ảnh do tác giả cung cấp.

Đến với tác phẩm của Ly Hoàng Ly, khán giả sẽ được chạm tay vào những trang “Bình Ngô Đại Cáo” trong quyển sách nát vì dầm mưa trong quá trình trình diễn. Khán giả được mời tự tay viết và gắn chữ của mình lên chiếc chăn trải dưới sàn, góp phần mình cho việc hình thành hình dạng chiếc chăn. Khán giả online vẫn có thể tiếp tục cho chữ của họ online, những chữ này sẽ được gõ vi tính và cài lên tấm chăn. Căn phòng của Ly đầy mùi ẩm ướt toả ra từ chiếc gối chiếc chăn đẫm mùi nước cống, mùi mưa, từ mẩu bánh mì còn sót lại của 10 tiếng trình diễn.

Khán giả đến triển lãm sẽ tiếp tục làm workshop với Tuấn Mami. Một chiếc bàn to xếp đủ dụng cụ màu vẽ, cùng tờ hướng dẫn tương tác, mời khán giả tạo nên câu chuyện của riêng họ từ những cành cây gãy và tuỳ ý sắp đặt tác phẩm của mình vào bất kỳ chỗ trống nào trong căn phòng rộng. Những ai theo dõi workshop này online, nếu thích thú, hoàn toàn có thể tự làm nhánh cây của riêng mình tại nhà và gửi cho nghệ sỹ. Mùi cây khô và mùi sơn mới tinh quyện vào nhau trong phòng triển lãm.

Căn phòng của Nước Ma’am – Patricia Nguyễn là một căn phòng của trò chơi lễ hội, nơi khán giả theo tờ hướng dẫn của nghệ sỹ, sẽ có thể nạp “đạn nước mắm” vào súng nhựa, dựng đứng các lon bia dàn thành hang ngang đặt trong bể bơi cao su bơm hơi – một bể bơi có thành bểđủ màu sắc, bên trong chứa toàn đất – để chơi trò bắn súng nước mắm vào các lon bia. Cả căn phòng sặc sụa mùi nước mắm thấm trong đất. Khán giả online có thể tự mua súng nhựa và chơi trò bắn nước mắm đổ lon bia này tại nhà, nếu muốn.

Căn phòng nhỏ của Thuỷ Tiên nằm góc cuối phòng triển lãm, ngày nào cũng được xịt nước hoa xịt phòng thơm nồng, với chiếc bàn, hai chiếc ghế, trên tường treo chiếc áo màu đen cô đã mặc trong suốt 10 tiếng trình diễn. Nơi đây đã xảy ra nhiều cuộc “7 Phút Của Sự Thân Mật” của Thuỷ Tiên với người quen, người lạ. Mọi người vẫn tiếp tục gọi điện và gửi tin nhắn cho cô. Danh sách những người chờ đến lượt mình được có “7 Phút Của Sự Thân Mật” với nghệ sỹ được nối dài. Nhiều mẩu tin nhắn được thu thập từ người lạ nam và người lạ nữ, và cả người lạ không rõ giới tính (?)

Khán giả đến với phòng triển lãm và khán giả online có thể tiếp tục đọc những từ khoá Đức Flying Bay đã cho trên tấm poster để gõ tra trên mạng: Jeffrey (Glenn) Miller, Mary Anne Vecchio, Mỹ, Việt Nam, Campuchia, Vệ binh Quốc gia Ohio, vụ xả súng Kent State (ngày 4 tháng Năm, 1970). Bởi vì cả bốn tác phẩm của bốn nghệ sỹ kia đều cho ra một mùi quá cụ thể, biết đâu nhìn tấm postercủa Đức Flying Bay, ta sẽ liên tưởng ra ngay mùi kem, mùi nhựa của áo mưa hồng, và mùi của (có thể là) cái chết xảy ra từ lúc nảo lúc nào trong mưa.

Có (không) khởi đầu và (có) không kết thúc là câu hỏi và thách thức mà người nghệ sỹ dành cho chính mình và dành cho khán giả về những luồng chuyển động hoán chiều và đan lẫn giữa lịch sử/quá khứ và hiện tại, giữa nội tâm và ngoại cảnh, giữa cá thể và tập thể, giữa mở tung và thít chặt, giữa ảo và thực, thật và giả… trong xã hội hôm nay.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)