“Cô Tư Hồng” của Đào Trinh Nhất như một tiểu thuyết
Sự hưởng ứng của công chúng thời bấy giờ đối với Cô Tư Hồng* của Đào Trinh Nhất, bất chấp những giai thoại xung quanh cô chủ yếu được thêu dệt nên bởi những định kiến đạo đức có phần khắc nghiệt, cho thấy sự chuyển biến rất nhanh trong nhận thức của đại chúng, hệ quy chiếu của đạo đức truyền thống, cho dù được bảo đảm bởi những bậc danh nho, đã không còn gây áp lực đối với tầng lớp thị dân mới.
Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất, Trung Bắc Thư Xã xuất bản lần đầu năm 1941, được tác giả định danh là tiểu thuyết lịch sử. Trước đó, cuốn tiểu thuyết được đăng nhiều kỳ trên báo Trung Bắc Tân Văn Chủ Nhật; và theo nhà nghiên cứu Chương Thâu, vào thời điểm ấy: “Truyện viết vừa ra đời đã được hoan nghênh. Người ta nô nức chờ đợi hàng tuần để đón đọc trên báo, liên tiếp từ số trước đến số sau”.
Những thông tin trên gợi mở nhiều điều đáng suy nghĩ về một nhân vật, về một tiểu thuyết lịch sử, về một phần sự thật mà không nhiều người tường tận. Tuy nội dung xoay quanh một bậc nữ lưu có dấu ấn đặc biệt trong lịch sử hồi đầu thế kỷ XX, Cô Tư Hồng vẫn không được xếp cùng loại với những cuốn sách viết về Phan Đình Phùng, Lương Ngọc Quyến, Vương An Thạch, Vương Dương Minh… vốn được xem là các khảo cứu và khẳng định tên tuổi của Đào Trinh Nhất như một người viết sử có uy tín, dù trên thực tế, có thể nhận thấy nhiều thủ pháp của tự sự hư cấu được sử dụng một cách tự nhiên ngay trong những tác phẩm lịch sử mà ta vừa nhắc đến. Sự phân biệt giữa “tiểu thuyết” và “lịch sử” ở đây có lẽ chủ yếu dựa vào đối tượng: đối tượng của tiểu thuyết là những hiện tượng, những nhân vật lịch sử bị ngoại biên hóa. Chất liệu để xây dựng một nhân vật của tiểu thuyết lịch sử, do vậy, được khai thác từ nguồn giai thoại: những lời đồn đại, những bí mật được truyền tai, những sự việc được li kì hóa. Tiểu thuyết Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất được xây dựng trên một loạt các giai thoại về người phụ nữ từng khuynh đảo đất Hà thành. Đào Trinh Nhất liên kết các giai thoại ấy không theo mạch biên niên của lối chép sử thông thường mà bắt đầu từ một lát cắt ở giữa cuộc đời nhân vật, trần thuật theo cách khơi dậy sự tò mò, phán đoán và chờ đợi ở người đọc – một thủ pháp phổ biến của các tiểu thuyết dài kỳ trên báo.
Nhưng phải chăng đấy là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức hấp dẫn của câu chuyện khiến độc giả háo hức đón đọc hàng tuần? Sự hưởng ứng của công chúng thời bấy giờ đối với Cô Tư Hồng là một hiện tượng lý thú nếu ta nhớ rằng trước đó không lâu, những giai thoại xung quanh cô chủ yếu được thêu dệt nên bởi những định kiến đạo đức có phần khắc nghiệt. Cô Tư Hồng là đối tượng đả kích của nhiều nho sĩ đầu thế kỷ, trong đó, đặc biệt phải nói tới bài ca trù “Đĩ Cầu Nôm” của Nguyễn Khuyến. Bài thơ trào phúng sâu cay, với giọng điệu đả kích công khai của cụ Tam nguyên Yên Đổ đã đóng đanh Tư Hồng như người phụ nữ tai tiếng nhất đầu thế kỷ XX, một biểu tượng cho sự tha hóa, suy đồi đạo đức của thời đại. Sau cái chết của cô chừng hai thập niên, việc người đọc nhiệt tình đón nhận Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất nói lên điều gì? Phải chăng là sự cởi mở của công chúng? Nếu như thế, hiện tượng này cho thấy sự chuyển biến rất nhanh trong nhận thức của đại chúng, hệ quy chiếu của đạo đức truyền thống, cho dù được bảo đảm bởi những bậc danh nho, đã không còn gây áp lực đối với tầng lớp thị dân mới. Nhưng cũng có thể cô Tư Hồng đã kịp trở thành một huyền thoại, vượt qua quan điểm của thời đại, của buổi giao thời, thường xem người đàn bà đẹp như một thứ vưu vật, là bình hoa di động, là tác nhân của mọi sự suy đồi xã hội. “Hồng nhan họa thủy” vốn dĩ là suy nghĩ phổ biến trong tư duy về lịch sử của người phương Đông. Song huyền thoại, bất chấp những định kiến nhào nặn nên nó, vẫn luôn chứa đựng những yếu tố li kì, bí ẩn và vì thế thu hút sự tò mò của công chúng.
Đào Trinh Nhất có sử dụng một số yếu tố duy tâm, mê tín để lý giải số phận của cô Tư Hồng, một người phụ nữ liều lĩnh, đáo để, không vừa vặn với nhãn quan đạo đức đương thời. Không cam phận làm thê thiếp cho ông Chánh tổng Kim Sơn, người phụ nữ ấy trốn nhà, tha hương, lê gót phong trần, lấy chồng Tàu, rồi lấy quan Tây, và sau lại còn kết hôn với một linh mục phá giới. Cô Tư Hồng, kể như thế, đã gỡ mình ra khỏi những sợi dây ràng buộc nặng nề nhất của lễ giáo truyền thống, theo đó, người phụ nữ không được quyền chủ động trong hôn nhân. Từ chối việc để cho số phận bị sắp đặt, đã thế lại hơn một lần kết hôn và đều là những cuộc hôn nhân dị chủng, cô Tư Hồng thực sự là một phụ nữ nổi loạn, khó cảm thông, ngay cả với nhiều người không thủ cựu. Trong bối cảnh một diễn ngôn về chủ nghĩa dân tộc được hình thành từ khi Pháp xâm lược Việt Nam và đặt chế độ bảo hộ, người phụ nữ này còn bị xem như thuộc về phía đối lập với cộng đồng, một con người vụ lợi, tính toán khi mở công ty, trúng thầu san phá thành Hà Nội – một biểu tượng cho sự tổn thương của đất nước khi ấy.
Nhưng chính ở đây, Đào Trinh Nhất thể hiện rõ ông viết Cô Tư Hồng chủ yếu từ lập trường của một nhà tiểu thuyết chứ không phải từ nhãn quan sử gia. Nhãn quan sử gia thiên về bàn luận công – tội; nhà tiểu thuyết thì luôn cố gắng nhìn con người phức tạp hơn chuyện phán xét công – tội. Phán xét không phải là công việc của tiểu thuyết; tiểu thuyết cố gắng nhìn vào mọi đa đoan trắc trở, vào những éo le, vào nỗi bi ai của thân phận con người để có thể cảm thông hơn. Vì thế, có thể thấy, trong cuốn sách này, thay vì khai triển diễn ngôn quy tội của các giai thoại, câu chuyện về cuộc đời của cô Tư Hồng lại được Đào Trinh Nhất quy thành một tự sự về một kiếp hồng nhan bạc phận. Đó là thứ diễn ngôn khơi gợi nơi người đọc niềm trắc ẩn, cảm thương hơn là sự quy kết. Không phải ngẫu nhiên khi hơn một lần trong tiểu thuyết, ta thấy nhân vật hay người kể chuyện lẩy Kiều để nói về cuộc đời. Song nếu vậy, tác giả chỉ biện hộ cho nhân vật của ông bằng một cảm quan rất cũ. Cô Tư Hồng thực ra mang tính hiện đại nhiều hơn một câu chuyện về kiếp hồng nhan. Đào Trinh Nhất khắc họa cô Tư Hồng như một người phụ nữ luôn cố gắng chủ động trong cuộc đời thăng trầm, đầy những truân chuyên không đoán trước được. Người phụ nữ ấy luôn phải tự thân xoay xở, chèo chống, tìm cách thích nghi với hoàn cảnh, với tình thế của mình. Bởi lẽ đó, sự thực dụng của bà trong việc mua danh cho cha hay trong việc cạnh tranh buôn bán, nếu chưa thể đồng cảm, thì vẫn có thể hiểu được. Thậm chí, ở đây, ta có thể nhìn thấy hình mẫu của người phụ nữ độc lập, người tự tạo ra những cách ứng xử khác, chưa có tiền lệ. Câu chuyện cô cưới vợ khác cho người chồng gốc Hoa của mình, ở thời điểm này, có thể xem là một cách ứng xử có nghĩa có tình, cho dù ở thời của cô, đó có thể là đề tài đàm tiếu dị nghị chốn Hà thành. Hay việc bà tìm mọi cách làm thất bại mưu đồ của ông chồng từng làm cha xứ muốn chiếm đoạt gia sản của cô trong lúc cô đang mắc bệnh hiểm nghèo cho thấy hình ảnh của một người phụ nữ lý trí, sắc sảo, biết bảo vệ mình và kiên quyết không để người khác lợi dụng. Đó là một mẫu hình phụ nữ thường ít được đề cao trong văn học Việt Nam, nơi ta sẽ bắt gặp nhiều hơn những người đàn bà nhẫn nhục, chịu đựng và xem đó như là những phẩm chất của nữ tính.
Đọc lại Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất ở thời điểm này, ta cảm nhận được một góc nhìn bình tĩnh, độ lượng hơn về một người phụ nữ mà có lẽ gần một thế kỷ qua đã phải chịu nhiều định kiến. Việc diễn giải lịch sử từ quan điểm của chủ nghĩa dân tộc đã làm mờ đi những lịch sử khác cũng độc đáo và quan trọng không kém, trong đó có lịch sử hiện đại về phụ nữ. Chúng ta đã ghi nhận những tên tuổi anh thư, những văn nghệ sĩ nữ…như là những nhân vật làm nên diện mạo phong phú của lịch sử hiện đại. Cô Tư Hồng khó có thể xem là bậc anh thư hay kỳ nữ gì, người phụ nữ đa đoan, táo bạo này chỉ cố gắng sống một cuộc đời tự quyết, nắm bắt những cơ hội đến với mình. Trong ý nghĩa ấy, câu chuyện của cô Tư Hồng thực ra lại gần với những câu chuyện của nhiều phụ nữ hôm nay. Cuộc đời của cô, đến giờ, vẫn có thể là phép thử về sự độ lượng, khả năng cảm thông và tinh thần giải phóng của xã hội.
* NXB Văn học Tao Đàn, tháng 10/2015, 238 trang, giá 76.000 đồng
Những thông tin trên gợi mở nhiều điều đáng suy nghĩ về một nhân vật, về một tiểu thuyết lịch sử, về một phần sự thật mà không nhiều người tường tận. Tuy nội dung xoay quanh một bậc nữ lưu có dấu ấn đặc biệt trong lịch sử hồi đầu thế kỷ XX, Cô Tư Hồng vẫn không được xếp cùng loại với những cuốn sách viết về Phan Đình Phùng, Lương Ngọc Quyến, Vương An Thạch, Vương Dương Minh… vốn được xem là các khảo cứu và khẳng định tên tuổi của Đào Trinh Nhất như một người viết sử có uy tín, dù trên thực tế, có thể nhận thấy nhiều thủ pháp của tự sự hư cấu được sử dụng một cách tự nhiên ngay trong những tác phẩm lịch sử mà ta vừa nhắc đến. Sự phân biệt giữa “tiểu thuyết” và “lịch sử” ở đây có lẽ chủ yếu dựa vào đối tượng: đối tượng của tiểu thuyết là những hiện tượng, những nhân vật lịch sử bị ngoại biên hóa. Chất liệu để xây dựng một nhân vật của tiểu thuyết lịch sử, do vậy, được khai thác từ nguồn giai thoại: những lời đồn đại, những bí mật được truyền tai, những sự việc được li kì hóa. Tiểu thuyết Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất được xây dựng trên một loạt các giai thoại về người phụ nữ từng khuynh đảo đất Hà thành. Đào Trinh Nhất liên kết các giai thoại ấy không theo mạch biên niên của lối chép sử thông thường mà bắt đầu từ một lát cắt ở giữa cuộc đời nhân vật, trần thuật theo cách khơi dậy sự tò mò, phán đoán và chờ đợi ở người đọc – một thủ pháp phổ biến của các tiểu thuyết dài kỳ trên báo.
Nhưng phải chăng đấy là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức hấp dẫn của câu chuyện khiến độc giả háo hức đón đọc hàng tuần? Sự hưởng ứng của công chúng thời bấy giờ đối với Cô Tư Hồng là một hiện tượng lý thú nếu ta nhớ rằng trước đó không lâu, những giai thoại xung quanh cô chủ yếu được thêu dệt nên bởi những định kiến đạo đức có phần khắc nghiệt. Cô Tư Hồng là đối tượng đả kích của nhiều nho sĩ đầu thế kỷ, trong đó, đặc biệt phải nói tới bài ca trù “Đĩ Cầu Nôm” của Nguyễn Khuyến. Bài thơ trào phúng sâu cay, với giọng điệu đả kích công khai của cụ Tam nguyên Yên Đổ đã đóng đanh Tư Hồng như người phụ nữ tai tiếng nhất đầu thế kỷ XX, một biểu tượng cho sự tha hóa, suy đồi đạo đức của thời đại. Sau cái chết của cô chừng hai thập niên, việc người đọc nhiệt tình đón nhận Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất nói lên điều gì? Phải chăng là sự cởi mở của công chúng? Nếu như thế, hiện tượng này cho thấy sự chuyển biến rất nhanh trong nhận thức của đại chúng, hệ quy chiếu của đạo đức truyền thống, cho dù được bảo đảm bởi những bậc danh nho, đã không còn gây áp lực đối với tầng lớp thị dân mới. Nhưng cũng có thể cô Tư Hồng đã kịp trở thành một huyền thoại, vượt qua quan điểm của thời đại, của buổi giao thời, thường xem người đàn bà đẹp như một thứ vưu vật, là bình hoa di động, là tác nhân của mọi sự suy đồi xã hội. “Hồng nhan họa thủy” vốn dĩ là suy nghĩ phổ biến trong tư duy về lịch sử của người phương Đông. Song huyền thoại, bất chấp những định kiến nhào nặn nên nó, vẫn luôn chứa đựng những yếu tố li kì, bí ẩn và vì thế thu hút sự tò mò của công chúng.
Đào Trinh Nhất có sử dụng một số yếu tố duy tâm, mê tín để lý giải số phận của cô Tư Hồng, một người phụ nữ liều lĩnh, đáo để, không vừa vặn với nhãn quan đạo đức đương thời. Không cam phận làm thê thiếp cho ông Chánh tổng Kim Sơn, người phụ nữ ấy trốn nhà, tha hương, lê gót phong trần, lấy chồng Tàu, rồi lấy quan Tây, và sau lại còn kết hôn với một linh mục phá giới. Cô Tư Hồng, kể như thế, đã gỡ mình ra khỏi những sợi dây ràng buộc nặng nề nhất của lễ giáo truyền thống, theo đó, người phụ nữ không được quyền chủ động trong hôn nhân. Từ chối việc để cho số phận bị sắp đặt, đã thế lại hơn một lần kết hôn và đều là những cuộc hôn nhân dị chủng, cô Tư Hồng thực sự là một phụ nữ nổi loạn, khó cảm thông, ngay cả với nhiều người không thủ cựu. Trong bối cảnh một diễn ngôn về chủ nghĩa dân tộc được hình thành từ khi Pháp xâm lược Việt Nam và đặt chế độ bảo hộ, người phụ nữ này còn bị xem như thuộc về phía đối lập với cộng đồng, một con người vụ lợi, tính toán khi mở công ty, trúng thầu san phá thành Hà Nội – một biểu tượng cho sự tổn thương của đất nước khi ấy.
Nhưng chính ở đây, Đào Trinh Nhất thể hiện rõ ông viết Cô Tư Hồng chủ yếu từ lập trường của một nhà tiểu thuyết chứ không phải từ nhãn quan sử gia. Nhãn quan sử gia thiên về bàn luận công – tội; nhà tiểu thuyết thì luôn cố gắng nhìn con người phức tạp hơn chuyện phán xét công – tội. Phán xét không phải là công việc của tiểu thuyết; tiểu thuyết cố gắng nhìn vào mọi đa đoan trắc trở, vào những éo le, vào nỗi bi ai của thân phận con người để có thể cảm thông hơn. Vì thế, có thể thấy, trong cuốn sách này, thay vì khai triển diễn ngôn quy tội của các giai thoại, câu chuyện về cuộc đời của cô Tư Hồng lại được Đào Trinh Nhất quy thành một tự sự về một kiếp hồng nhan bạc phận. Đó là thứ diễn ngôn khơi gợi nơi người đọc niềm trắc ẩn, cảm thương hơn là sự quy kết. Không phải ngẫu nhiên khi hơn một lần trong tiểu thuyết, ta thấy nhân vật hay người kể chuyện lẩy Kiều để nói về cuộc đời. Song nếu vậy, tác giả chỉ biện hộ cho nhân vật của ông bằng một cảm quan rất cũ. Cô Tư Hồng thực ra mang tính hiện đại nhiều hơn một câu chuyện về kiếp hồng nhan. Đào Trinh Nhất khắc họa cô Tư Hồng như một người phụ nữ luôn cố gắng chủ động trong cuộc đời thăng trầm, đầy những truân chuyên không đoán trước được. Người phụ nữ ấy luôn phải tự thân xoay xở, chèo chống, tìm cách thích nghi với hoàn cảnh, với tình thế của mình. Bởi lẽ đó, sự thực dụng của bà trong việc mua danh cho cha hay trong việc cạnh tranh buôn bán, nếu chưa thể đồng cảm, thì vẫn có thể hiểu được. Thậm chí, ở đây, ta có thể nhìn thấy hình mẫu của người phụ nữ độc lập, người tự tạo ra những cách ứng xử khác, chưa có tiền lệ. Câu chuyện cô cưới vợ khác cho người chồng gốc Hoa của mình, ở thời điểm này, có thể xem là một cách ứng xử có nghĩa có tình, cho dù ở thời của cô, đó có thể là đề tài đàm tiếu dị nghị chốn Hà thành. Hay việc bà tìm mọi cách làm thất bại mưu đồ của ông chồng từng làm cha xứ muốn chiếm đoạt gia sản của cô trong lúc cô đang mắc bệnh hiểm nghèo cho thấy hình ảnh của một người phụ nữ lý trí, sắc sảo, biết bảo vệ mình và kiên quyết không để người khác lợi dụng. Đó là một mẫu hình phụ nữ thường ít được đề cao trong văn học Việt Nam, nơi ta sẽ bắt gặp nhiều hơn những người đàn bà nhẫn nhục, chịu đựng và xem đó như là những phẩm chất của nữ tính.
Đọc lại Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất ở thời điểm này, ta cảm nhận được một góc nhìn bình tĩnh, độ lượng hơn về một người phụ nữ mà có lẽ gần một thế kỷ qua đã phải chịu nhiều định kiến. Việc diễn giải lịch sử từ quan điểm của chủ nghĩa dân tộc đã làm mờ đi những lịch sử khác cũng độc đáo và quan trọng không kém, trong đó có lịch sử hiện đại về phụ nữ. Chúng ta đã ghi nhận những tên tuổi anh thư, những văn nghệ sĩ nữ…như là những nhân vật làm nên diện mạo phong phú của lịch sử hiện đại. Cô Tư Hồng khó có thể xem là bậc anh thư hay kỳ nữ gì, người phụ nữ đa đoan, táo bạo này chỉ cố gắng sống một cuộc đời tự quyết, nắm bắt những cơ hội đến với mình. Trong ý nghĩa ấy, câu chuyện của cô Tư Hồng thực ra lại gần với những câu chuyện của nhiều phụ nữ hôm nay. Cuộc đời của cô, đến giờ, vẫn có thể là phép thử về sự độ lượng, khả năng cảm thông và tinh thần giải phóng của xã hội.
* NXB Văn học Tao Đàn, tháng 10/2015, 238 trang, giá 76.000 đồng
(Visited 1 times, 1 visits today)