Con mắt người đối chiến *

Lần đầu tiên trong các sáng tác văn học hậu chiến, tiểu thuyết ĐỐI CHIẾN của nhà văn Khuất Quang Thụy đã nỗ lực hết mức trong việc tạo dựng một hệ thống nhân vật có thể giúp hình dung diện mạo quân đội đối phương.

Những trang viết đó có thể làm ngạc nhiên bất cứ ai từng quan tâm đến văn học về đề tài chiến tranh ở xứ sở này, dù rằng trên tổng thể vẫn không sai lệch với tinh thần chung của truyền thống văn học ấy.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn khi cuốn ĐỐI CHIẾN mới xuất bản, Khuất Quang Thụy nói anh vẫn viết về một chuyện không có gì mới, là chiến tranh, không có gì giật gân, là số phận con người của một thế hệ, trong một nhà nước-dân tộc.

Quả đúng vậy. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ năm của Khuất Quang Thụy về chiến trường và người lính, tuy nhiên, đây là cuốn đầu tiên mà tác giả dụng công dựng lên một cách toàn diện tương ứng diện mạo quân đội đối phương trên chiến trường, đối tượng lịch sử của hành động chiến tranh mà anh và các đồng đội đã đối đầu và chiến thắng.

ĐỐI CHIẾN hoàn toàn có thể trở nên một tài liệu tham chiếu cho người viết sử bây giờ hay sau này cũng thế, bởi trước hết, giống như các tiểu thuyết trước đây về chiến tranh của cùng tác giả, tiểu thuyết này chọn một thời điểm then chốt của lịch sử “chiến tranh Việt Nam” để kể câu chuyện của mình, dựa hoàn toàn vào một sự kiện lịch sử mà tác giả là một người trong cuộc: thời điểm người Mỹ lùi bước trước sức ép dư luận và sự chia rẽ về chiến lược trong nội bộ, khi nước Mỹ đã không còn tin vào khả năng quân đội Mỹ giành một thắng lợi trên thực địa ở miền Nam Việt Nam, đã từng bước rút lực lượng viễn chinh Mỹ về nước và triển khai đường lối chiến tranh “Thay màu da xác chết”; và đường lối đó có bước triển khai đầy tham vọng đầu tiên bằng chiến dịch đột kích qui mô lớn trên hướng đường số 9 – Nam Lào nhằm mục tiêu cắt đứt “Đường mòn Hồ Chi Minh” huyền thoại – một chiến dịch có ý nghĩa chiến lược đầu tiên hoàn toàn do quân đội Việt Nam Cộng hòa gánh vác, sử dụng “trực thăng vận” ở quy mô chưa từng có kể cả dưới thời lính Mỹ còn tham chiến.

Câu chuyện của ĐỐI CHIẾN trước hết soi tỏ thực chất của giai đoạn kỳ quặc này trong thực tế chiến trường. Một câu nói của nhân vật Đại tá Sơn Đường, chỉ huy đại đội thám báo lừng danh của Sư đoàn số 1 quân đội Việt Nam Cộng hòa, huyền thoại trong những huyền thoại của quân lực ấy, đã nói lên thực trạng chiến tranh – chiến trường về phía quân đội Sài Gòn vào lúc đó:

“Các tướng tá của ta nhiều ông bắn súng sáu chưa nên hồn, bản đồ đọc chưa thạo, nói gì chỉ huy xe tăng pháo binh. Khi lâm trận cứ loạn ù cả lên. Rời mấy ông cố vấn Mỹ ra là chẳng biết lối mô mà lần.”(tr.414)

Một mâu thuẫn với thực trạng đó đã được các mô tả của tiểu thuyết này bộc lộ: những nhân vật binh lính và sĩ quan quân đội đối phương – những chiến binh thuộc nòi dân Việt – không hề hèn nhát hay kém cỏi trong giao chiến, không hề kém tinh thần sáng kiến và tháo vát khi buộc phải chiến đấu để sống còn, không chỉ là một đám đông vũ trang ngu dốt và bạc nhược thụ động. Tuy nhiên, phần nào họ đã rơi vào những yếu kém chết người ấy bởi họ phải chiến đấu theo cách mà các mục tiêu chính trị của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam vào lúc đó qui định, chứ không phải theo cách mà những chiến binh dày dạn chiến trường phải lựa chọn. Và như thế, xét cho cùng, họ đã chiến đấu một cách tuyệt vọng, bất đắc dĩ, vì những mục tiêu mà họ không tán thành, theo những chiến thuật và quy tắc hành binh mà họ không tin tưởng.

Để lột tả thực tế ấy, cuốn tiểu thuyết này, lần đầu tiên trong các sáng tác văn học hậu chiến, đã nỗ lực hết mức trong việc tạo dựng một hệ thống nhân vật có thể giúp hình dung diện mạo quân đội đối phương. Những trang viết này có thể làm ngạc nhiên bất cứ ai từng quan tâm đến văn học về đề tài chiến tranh ở xứ sở này, dù rằng trên tổng thể vẫn không sai lệch với tinh thần chung của truyền thống văn học ấy.

Việc dựng lên những chân dung nhân vật sĩ quan binh lính Việt Nam Cộng hòa, những chân dung con người Việt Nam quen thuộc mà xa lạ suốt một thời đó, thực sự gieo ấn tượng về tính chất kỳ quặc của cái chiến lược được mệnh danh là “Thay màu da trên xác chết”, cái chiến lược không do những người phải chiến đấu vạch ra và không xuất phát từ các lợi ích các mục đích thiết thân trước mắt của họ.

Những mô tả đó không đơn giản, như một số người quan niệm, là việc điều chỉnh liều lượng “địch-ta” trong một tác phẩm văn chương hư cấu.

Bởi người viết là một trong những chứng nhân của các trận chiến ấy, ta hiểu và thêm hiểu rằng người chiến thắng không và chưa từng là những con người chỉ biết “hữu dũng” mà thôi.

Sự sinh động của các mô tả con người và chiến trận nói lên rằng ký ức của lịch sử đó luôn luôn tươi mới, tức những sự thật chứa đựng trong ký ức đó chưa hề bị thời gian và thời cuộc xói mòn về giá trị.

ĐỐI CHIẾN không phải chỉ là một thuật ngữ, mà còn là, và chủ yếu là một lời đính chính cho cái ngộ nhận nào đấy về tính chất và lịch sử cuộc chiến tranh, về thực chất trong cái khẩu lệnh của giới chóp bu chính trị: “Việt Nam hoá chiến tranh”.

Ta sẽ thấy ở đây, dù là hàm ẩn hay không, cái nhìn từ con mắt thật của những người ĐỐI CHIẾN, những cái nhìn và những con mắt mà một hư cấu văn chương phục dựng, trao vào người đọc một cảm nhận để suy ngẫm.
 
* NXB Quân đội Nhân dân, 2010

Nhà văn Khuất Quang Thụy sinh năm 1950 tại Phúc Hoà, Phúc Thọ, Hà Tây; vào bộ đội năm 1967, gắn bó với sư đoàn Đồng Bằng đến ngày giải phóng miền Nam; có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, từ đường 9 Nam Lào đến Tây Nguyên, Đông Nam Bộ… Hiện ông là Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Đã viết nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh, lấy nguyên mẫu từ những chiến công của đơn vị mình, như “Trong cơn gió lốc” lấy bối cảnh trận truy kích địch ở Phú Bổn, “Trước ngưỡng cửa bình minh” lấy bối cảnh trận Đồng Dù; tiểu thuyết “Không phải trò đùa” viết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam; cuốn tiểu thuyết mới nhất “Đối chiến” viết về hai trận thắng giòn giã của sư đoàn ông khi đối mặt với sư đoàn dù tinh nhuệ nhất của quân lực Việt Nam Cộng hoà.

Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)