Con ruồi*

Con Ruồi, lúc đầu tôi thương nó lắm chứ. Nó xiêu xiêu vẹo vẹo lọt vào nhà tôi. Như thể nó mới kịp thời thoát cái vỉ của một mụ ác phụ - chắc chắn là bà láng giềng tầng trên, mỗi sáng, lúc tôi hé một mắt nhìn qua cửa sổ, chào đón tôi thức giấc bằng cả một cơn lốc bụi đổ xuống đầu tôi, dấu hiệu khởi sự một cuộc chiến quét dọn sôi nổi sẽ không ngơi nghỉ cho đến tận giờ ăn trưa, kể cả ngày Chủ nhật.

Vậy là, bị bà thần Erinye(1) trên lầu sáu săn đuổi, con Ruồi lọt vào nhà tôi, qua cửa sổ bếp, tựa một cô gái khiếp hãi chạy trốn một con quỷ. Nó bay đến cái bàn trong bếp, đậu lại một lúc để yên trí quanh mình không có dụng cụ, ống bơm nào như hằng hà sa số những thứ của bà láng giềng nhà tôi chỉ trong một phút là tận diệt tất cả những gì nhúc nhích, lổm ngổm, vo ve. Đảo con mắt ngờ vực nhìn một lượt nồi niêu tồi tàn của tôi rồi, hẳn cho là một nội thất trần trụi đến thế, thảm hại đến thế, tất làm sao có thứ xa xỉ như cái bẫy ruồi được, nó tỏ vẻ thư thái hơn. Ngồi ở bàn làm việc tôi đã trông thấy nó, nhưng tôi chỉ quan sát thôi, lẳng lặng không để nó phải kinh sợ. Nó mon men đến bồn rửa chén, thèm thuồng mùi đồ ăn bữa trưa còn sót lại. Tội nghiệp chưa, tôi tự nhủ! có gì cho nó ngoài mấy sợi mì dính đáy xoong đâu. Nhưng thôi, ruồi sống bằng những đồ hư rữa mà. No nê rồi, quên bẵng biến cố kinh hoàng vừa trải qua, nó tới đậu trên kệ mứt đã từ lâu chỉ còn ngất ngưởng mấy cái lọ trống rỗng. Nó quan sát, nó băn khoăn. Ở lại đây hay đi tìm chỗ trú khác? Chính vào lúc đó, tôi nghĩ thế, nó nhìn thấy tôi. Tất nó phải hiểu tôi hiền lành đến mức nào. Nó vào nhà người một con ruồi cũng chẳng làm hại nữa kia. Sống vài ngày với tôi nó sẽ tìm lại được lòng tin ở nhân loại. Nghĩ cao thượng như thế rồi, tôi lại chúi đầu vào cuốn sách của mình. Tôi nghe thấy nó vo ve trong bếp. Nó chiếm hữu địa phận của nó, nhưng, vẫn còn nghi ngại, không vào phòng tôi đang ngồi. Buổi chiều trôi qua như thế, trong tĩnh mịch quen thuộc chỉ tiếng rù rì của người bạn mới của tôi phá rối mà thôi. Lúc đến giờ ăn tối, tôi vào bếp, vừa đi vừa huýt sáo nho nhỏ để không làm hốt hoảng con vật mỏng manh ấy. Nó bay lên khi tôi đến gần, nhưng không bỏ đi. Nó nép bên cửa sổ suốt thời gian bữa ăn tối của tôi, bữa ăn thực ra rất chóng vánh vì, cũng như thường lệ, chỉ gồm một chén xúp-ăn-liền kèm một lát bánh mì và một miếng phô mai. Tôi rửa chén và trở lại bàn làm việc sau khi để lại lộ liễu trên bàn một mẩu phô mai rocquefort tôi đoán nó thèm lắm. Tôi đem ra bản thảo cuốn tiểu thuyết bắt đầu viết sau khi vợ tôi ra đi và tiến triển rất khổ nhọc đến nỗi tôi đâm ra nghi ngờ Virina, Virina trì độn, Virina độc đoán, Virina lắm điều, khi chia tay với tôi, đã lấy hết đi nghị lực của tôi. Nàng có sức sống một con vi trùng, nhưng thú thật tôi thà cảm thấy mình mỏi mệt, bất lực và cô độc còn hơn phải sống bên một núi lửa bệnh hoạn phun ra hàng suối sôi sục những ngu ngốc, dốt nát và oán hờn. Cho đến bấy giờ, sách nào của tôi cũng nghịch với nàng, điều nàng chẳng hề hay biết, bởi chưa từng, như lời nàng, hiểu cái cóc khô gì trong mớ sách của tôi mà nàng gọi là mấy cái dứ dứ những lúc cũng biết âu yếm. Nàng ra đi rồi, tôi mất hết cái nghị lực do tội nghiệp hóa thành thù hận truyền cho. Tất cả phải bắt đầu lại. Từ nay, tôi sẽ viết cho… cho AI đây? Tôi ngẩng đầu lên. Con Ruồi đang lặng lẽ thưởng thức phô mai. Tôi đặt bút xuống nhìn nó. Trông nó thật hạnh phúc. Sự sống đơn giản thế thôi. Tôi là cứu nhân của nó, nó cũng như tôi, sống sót sau một tai biến. Cervantès, Panizza, Sôseki, Hoffmann(2) từng đặt lời nói vào miệng chó với mèo, cớ sao tôi không lấy ruồi làm nàng thơ cho tôi? Con ruồi của tôi lại đẹp nữa chứ, đôi cánh xanh, cặp mắt sợ sệt, mấy cái chân bé xíu thật mỏng manh, thật duyên dáng, hễ ngó thấy cũng đủ phát giận thế nhân cứ gọi chữ viết của mấy anh già cận thị là chân ruồi. Nhưng tôi cũng hoan hỉ vì vưu vật của tôi kẻ khác lại cho là xấu xí, là tai ương. Nó sẽ là bùa ngải của tôi, bí mật của tôi. Giống như nó, tôi sẽ sống bằng thối rữa của đời này, tôi sẽ gieo khắp nơi mầm ô nhục, tôi sẽ, đối với đồng loại đắm mình trong thỏa mãn như loài bò, quấy phá không kém gì con ruồi trâu do Héra sai tới hành hạ Io(3). Chúng tôi, con Ruồi với tôi, sẽ giáng cho họ những mũi chích nếu không giết chết họ thì cũng sẽ khiến họ hóa điên. Hỡi con Ruồi của ta, linh hồn ta, người em ta, tương lai chúng ta đầy hứa hẹn! Ta sẽ nuông chiều ngươi, ngươi sẽ to béo hơn cả Virina khi, những ngày cuối, không còn tìm được lời độc địa nào hơn nữa đổ lên đầu ta, đành báo thù bằng cách ăn nhồi ăn nhét suốt ngày. Người đàn bà gầy ốm xương xẩu xưa kia đã trở thành một tấm nhan sắc phì nộn, đỏ hồng, bóng láng và kiêu sa, chẳng coi văn chương ra cái cóc gì. Nhưng ngươi, con Ruồi của ta, ta sẽ vẽ lại ngươi cho tới khi nào ngươi rạng rỡ như con chữ 12 và ngoan ngoãn, khi đậm khi nhạt, khi nghiêng khi thẳng, tùy theo ý ta… Mải mơ màng, tôi không để ý rằng con Ruồi, như thể đánh hơi biết hảo ý của tôi, đã mạo hiểm vào phòng tôi và lượn nơi này nơi kia, chẳng chút ngại ngùng. Tôi không phác một cử chỉ nào có thể gây hiểu lầm, lên giường rồi đi vào giấc ngủ, hạnh phúc hơn cả kẻ tội phạm tìm ra đồng lõa lý tưởng cho mình. Tôi choàng thức dậy sáng sớm hôm sau do một cảm giác nhột nhạt êm ấm: nó tới đậu trên má tôi, và cái hôn của nó, nhẹ như cánh phù du, ve vuốt khóe miệng tôi. Tôi đã thuần hóa nó. Nó lảng xa khi tôi bước vào phòng tắm. Tôi biết ơn nó tế nhị như thế. Nó trở lại hôn tay tôi một cách hàm ân khi tôi rót một chén sữa riêng cho nó. Tôi coi cho nó bồi dưỡng mà chẳng chết đuối rồi ngồi vào bàn làm việc. Suốt buổi sáng tôi viết hết trang này đến trang khác. Hàng đàn từ ngữ quay tít trong đầu tôi. Cảm hứng của tôi, cho đến bấy giờ cằn cỗi còn hơn cây đề, sống lại và đơm những trái cùi dày vỏ mượt. Ngay lúc kết thúc, và để tưởng thưởng nàng thơ của tôi, tôi điện thoại cho người, thời còn Virina, vẫn cung cấp đồ ăn ngon cho nàng, và đặt một bữa tiệc xứng đáng cho thần thánh. Chúng tôi chẳng phải thần thánh sao, con Ruồi với tôi, Nàng Thơ mang lốt thú với nhà thi sĩ cõi tiên? Từ hôm ấy trở đi, tôi cho nó không ngừng hết cao lương này tới mỹ vị khác, vì tôi đã để ý nó rẻ rúng mấy mẩu phô mai khô, món ăn thường nhật của tôi, mà hẳn là nó, rất có lý, cho rằng không xứng đáng với một nàng thơ. Bếp của tôi thành cái chạn khổng lồ. Tôi đặt mua càng ngày càng nhiều món ăn hơn, nếm qua rồi bỏ trên bàn, trên bồn rửa chén, trên các kệ. Dần dà, những cái đĩa đầy nước chấm và thịt thà còn dư bốc mùi có phần lợm giọng. Nhưng cái tên háu ăn của tôi tỏ ra vô cùng hạnh phúc, thành ra tôi cũng vui lòng để nhơ nhớp tràn lan. Chẳng bao lâu, đồ ăn tràn tới bàn làm việc, tới giường ngủ, cái chút ít không gian sinh tồn tôi còn giữ cho riêng mình. Tôi chẳng chút bận tâm: tôi làm việc hăng say như thằng rồ. Con Ruồi đọc qua vai tôi, thỉnh thoảng lại hôn tay khuyến khích tôi. Những lần ngừng viết ngẩng đầu lên, có khi tôi cảm thấy muốn ói mửa, nhưng lại hối hận ngay. Vả chăng, nó đưa ra một bằng chứng thương yêu khiến tôi xấu hổ vì những ý nghĩ nhỏ nhen của mình: nó giới thiệu tôi với gia đình nó. Sáng hôm ấy, tôi thấy nó có vẻ bồn chồn. Tiếng vo ve của nó có cái gì đó đáng ngại. Tôi không biết phải làm sao. Nó không đụng đến đĩa đồ ăn nào hết. Tôi lo buồn. Khổ sở không sao làm việc được, nhất là, trái với thông lệ, nó không đến âu yếm hôn tay, hôn má tôi. Nó bay vào bếp như thể khó thở, rồi tới đậu trên kính cửa sồ, vừa xoay mình vừa vỗ cánh, càng kích động hơn bao giờ. Tôi ngó sững, bối rối. Tôi muốn không nghĩ tới nữa bằng cách chúi đầu vào bản thảo. Hoài công. Thình lình óc tôi vụt sáng. Tôi hiểu nó muốn gì. Vì sợ mất nó, sợ nó bay đi và thành nạn nhân cho cái ống bơm một bà nội trợ không chút xót thương hoa lên, tôi đã, từ khi nó đến, đóng thật chặt mọi cửa sổ. Nay tin tưởng lòng chung thủy của nó, tôi đâu cần nhốt nó nữa. Tôi mở toang các cửa sổ, yên tâm chờ đợi kết quả sáng kiến của mình. Ngay tức khắc, một phi đoàn ruồi ùa vào, đến bên Nàng Thơ của tôi. Nàng Thơ của tôi, tươi như hoa, đưa cả gia đình nhập cuộc chè chén. Khoảng mười con – Nàng Thơ của tôi xuất thân một gia đình đông đúc, chẳng phải một đứa con cưng chiều. Mấy con nhỏ nhất hẳn là các cô em gái. Vị gia trưởng thì trông rất đường bệ: một con ruồi to tướng, hai cánh ánh vàng. Tôi để chúng vui sướng cùng nhau tiệc tùng, quay về bàn làm việc. Nhưng con Ruồi của tôi bay lượn thì khiến tôi bình tâm và kích thích tôi làm việc, còn tiếng o o của cái đàn hau háu kia lại khiến tôi không sao tập trung tư tưởng được. Tôi tưởng như mình là một kịch sĩ mà người nhắc vở không còn đấy nữa, đã nhường chỗ cho cả một bầy quỷ lào xào. Ngày hôm ấy tôi chẳng viết được dòng nào. Bữa sau, tôi nhận ra những trang giấy của tôi dính đầy cứt ruồi mà cái gia đình kia thì đã phát triển thêm. Bây giờ khoảng mười lăm con. Hầu chặn đứng cuộc xâm lăng, tôi trở lại cửa đóng then cài. Thế là chúng ngấm ngầm nổi loạn. Bị nhốt khiến chúng hóa điên. Chúng lượn quanh đầu tôi cho đến lúc, chịu hết nổi, vớ được cái gì là tôi đem ném chúng. Không còn chuyện viết lách gì nữa. Cứ hễ tôi cố gắng viết vài chữ là những chữ ấy hóa thành ruồi dưới mắt tôi. Những từ ngữ kỳ quặc, chẳng từ điển nào biết tới, o o trong đầu tôi. Tôi càng thêm rối trí khi thấy con Ruồi của tôi cầm đầu cuộc nổi dậy. Nó đến bên tôi như khi trước, nhưng thay vì êm ái đậu lên má tôi, nó nhảy từ mũi lên trán, cù lỗ tai tôi. Tôi tự nhủ cắn được tôi thì chắc nó cắn rồi. Thế là phát khởi giữa đàn ruồi với tôi một cuộc chiến công khai mà tôi, chiến lược gia xoàng xĩnh, là kẻ bại. Vớ sách ném đuổi chúng mãi chẳng ăn thua gì, tôi hóa lừ đừ. Ngày này qua ngày khác, tôi ngồi thừ trước những trang giấy với những hàng chữ dính đầy cứt ruồi không còn đọc ra được nữa. Lũ ruồi, thắng rồi đâm táo tợn, thản nhiên đậu lên người tôi mà tôi cũng chẳng còn sức nhấc tay xua đi. Ban đêm, tiếng o o rùng rợn của chúng khiến tôi không sao chợp mắt, và, sáng ra, tôi khám phá chỗ cái chăn trũng xuống cả một bầy lúc nhúc, cứ nghĩ chúng hau háu là tôi thất thần. Thế là, trong cơn tuyệt vọng, tôi chạy lại cửa sổ, mở toang ra và chỉ cho bọn xâm lược thế giới bao la chờ đón chúng. Hành động do khốn quẫn ấy nói lên tàn cục của tôi. Thay vì giải thoát tôi khỏi lũ quỷ, nó quyến rủ thêm quỷ khác. Căn hộ trở thành Vương quốc của Họ Ruồi. Chẳng góc tường nào không có cứt ruồi. Chẳng vật dụng nào không điểm tô một vệt đen thật to, cứ nhúc nhích và nở lớn như cái hoa trong ác mộng. Nàng thơ của tôi không còn đến bên tôi nữa. Ngoài gia đình bây giờ lại thêm một bầy bà con, bạn bè và kẻ cầu hôn. Cả đám đó thưởng thức những đĩa đồ ăn bốc mùi hôi thối như mùi xác chết. Tôi, tôi không đụng đến đồ ăn nữa. Tôi ngồi lì trên giường, vùi đầu dưới chăn, đói mềm và run lẩy bẩy vì sợ. Tôi trốn chúng, tôi muốn thành mù, thành điếc trước những tàn phá của chúng, nhưng tôi thấy chúng đổ xô vào tôi, như theo tiếng còi của Chúa Trời. Một ông hoàng đi đầu, chỉ huy cả phi đoàn, và bao giờ biến tôi thành ma rồi chúng sẽ đi thụ hưởng bất cứ nơi nào có bóng người. Tôi là kẻ hiến sinh đầu tiên. Mở Kinh Bất Kính mà coi. Các người sẽ thấy Ruồi đen bay ra tán loạn.

Những ghi chép này được khám phá bên thi thể một người đàn ông người ta tìm ra trong căn hộ ông ta.

(*) Trích tập truyện ngắn “Lại chơi với lửa” của Linda Lê, Nguyễn Khánh Long dịch, NXB Văn học và Nhã Nam ấn hành tháng 10/2010.

1.    Các Erinye: trong thần thoại Hy Lạp, ba nữ thần của Phục thù; qua thần thoại La Mã, trở thành các Furia, ba nữ thần hành hạ kẻ ác dưới địa ngục; đem lại cho tiếng Pháp từ furie với hai nghĩa: cơn thịnh nộ và người đàn bà hung tàn.

2.    Cervantès: nhà văn Tây Ban Nha (1547-1616); Panizza: nhà văn Đức (1853-1921), Sôseki: nhà văn Nhật (1867-1916), Hoffmann: nhà văn Đức (1776-1822). Hẳn các tác phẩm Linda Lê ám chỉ lần lượt tương ứng với các tác giả trên là El Coloquio de los Perros (Cuộc đối thoại của những con chó); Aus dem Tagebuch eines Hundes (Nhật ký của một con chó, 1892); Wagahai wa neko de aru (Tôi là một con mèo, 1905); Lebensansichten des Katers Murr (Cuộc đời và các ý kiến của con mèo Murr, 1820).

3.    Héra: nữ thần Hôn nhân trong thần thoại Hy Lạp, vợ của Chúa Trời Zeus. Zeus đem lòng yêu nữ giáo sĩ Io và phải hóa Io thành con bò để cứu lo khỏi bị Héra ghen tuông.

Tác giả