“Condo, ông là người Mnông cuối cùng”

Người con trai của ông Condominas kể, năm 2006, trong một lần ông trở về làng Sar Luk  (Đác Lắc), thực địa của ông hơn 60 năm trước, người chủ làng sau khi đón tiếp ông “như một người cha hay một người bác họ xa”, đã nói với ông: “Ông là người Mnông cuối cùng”! Và tiên đoán: “Rồi ông sẽ ra đi thôi, và nền văn hóa của chúng tôi cũng sẽ ra đi”.

Condo, đấy là cách mọi người, nữ và nam, gọi tắt một cách trìu mến nhà dân tộc học Georges Condominas, mất cách đây một tuần, và gia đình cùng bạn bè làm lễ tưởng niệm ở Gâtinais hôm thứ sáu 22 tháng Bảy này.

Trên bàn, dưới những cây duyên và cạnh các đóa hồng hái trong vườn, còn có cam và các bát cơm trên có đặt một quả trứng chín. Một tượng nhỏ thần Ganesh đầu voi, vị thần của tri thức và trí khôn ở người Hindu. Và tất nhiên, một chiếc sừng trâu lớn, con vật uy nghi trong các lễ hiến sinh của người Mnông Gar trên cao nguyên Việt Nam. Cũng không thiếu những vòng khói hương từ mươi cây nhan mỗi người kính cẩn thắp lên.

Fabrice, một người con trai của ông, có mặt năm 2006 trong lần ông trở về làng Sar Luk, thực địa của ông hơn 60 năm trước, kể rằng người chủ làng sau khi đón tiếp ông “như một người cha hay một người bác họ xa”, đã nói với ông: “Ông là người Mnông cuối cùng”! Và tiên đoán: “Rồi ông sẽ ra đi thôi, và nền văn hóa của chúng tôi cũng sẽ ra đi”. Chỉ mấy lời bằng tiếng Mnông, được một nhà dân tộc nữ trẻ dịch, họ không nói gì khác nữa trong buổi lễ tưởng niệm ở Loiret: “Ông ấy đã hiến cả đời mình để làm cho cả thế giới biết và hiểu cách sống của chúng tôi”. Không phải là những lời nói rỗng để khen một người chết, mà là lòng biết ơn về một mối gắn bó sâu sắc, sống còn.

Người con trai cả của ông, Bernard Condominas, đọc một bài thơ của nữ sĩ Nhật Izumi Shikibu và của cả Pierre Reverdy nữa, không quên nhấn mạnh rằng “khi bảo vệ luận án của mình, Condo đã bật khóc… Không nhiều những nhà nghiên cứu lại khóc khi nói về các công trình của mình”. Họ khóc, ít ra về sau ta cũng hình dung như vậy, khi nghĩ rằng cái thế giới kia mà họ giải mã – những con người của nó, các phong tục của họ, kỹ thuật của họ, các đồ vật của họ, các vị thần, các nghi lễ của họ… ắt rồi sẽ biến mất như là định mệnh thôi. “Ông là người Mnông cuối cùng”.

Cũng may, hình như trong các lễ tưởng niệm thật sự nơi những người tham dự thích được gặp và trò chuyện cùng nhau, không khí nồng ấm và thậm chí có lúc người ta đã cười!

Người ta cười khi nói rằng Condo là người kể chuyện “luôn muốn lại lên đường” (đi xa, đến một chốn “thực địa nơi ông sống lại”) ông cực kỳ kinh tởm các nhà dân tộc học hám lạ”.

“Bố sống ở tầm toàn thế giới, Baptiste, người con trai út của ông bảo, nhưng ông cũng quen biết những người láng giềng cùng cầu thang”. Ông có tài khiến người ta nói (và cũng biết nói) với mọi người. “Ông chỉ cần 20 đến 30 phút để biết mọi điều bí mật”, và ngay cả trong một làng Pháp, đặc biệt ở phiên chợ giữa các lò mổ, các hàng thịt và hàng bành mì… Có phải chính vì tài năng ấy mà ông là một nhà dân tộc học giỏi. Hay đơn giản chỉ vì ông quan tâm đến tất cả những gì ở cạnh mình?

Lại cười khi người ta nói rằng như vậy là cả gia đình, cùng với ông, đã thừa kế “của những người hàng xóm khắp thế giới. Những người hàng xóm chỉ thay đổi về tầm vóc, màu da, tính cách …”. Vả chăng trong ngày 22 thàng bảy này hẳn có bao nhiêu cuộc tưởng niệm Condo ở vô số nơi trên hành tinh: ở Lào, ở Nhật, ở Vanuatu, ở Úc, ở Thái Lan, ở Cameroun… Và đương nhiên ở vùng người Mnông Gar, mà một người con trai của ông bảo đảm rằng vì ông có vinh dự là “sức mạnh của tự nhiên” (bằng chứng là một tấm ảnh chúng tôi đã in trong tạp chí của chúng tôi trong đó ông đóng một chiếc khố Mnông) người ta sẽ hiến sinh cho ông một con trâu. Không bao giờ họ quên ông. Và chúng tôi cũng vậy, chúng tôi sẽ không bao giờ quên cái nhìn của ông – đôi mắt ông mở to nhìn ra toàn thế giới, cùng tất cả các sinh linh của nó.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)