Cristofori, cha đẻ của đàn piano

Mặc dù tên tuổi của Cristofori ít được phổ biến rộng rãi, nhưng cây đàn piano do ông tạo ra đã trở thành nhạc cụ có tầm ảnh hướng rất lớn đến nền âm nhạc và xã hội loài người.

Ngày 4/5 vừa qua, trang tìm kiếm Google đã giới thiệu doodle mới để kỷ niệm 360 năm ngày sinh của Bartolomeo Cristofori di Francesco, nhà phát minh nhạc cụ vĩ đại người Ý. Doodle này mô tả Cristofori ngồi trước đàn piano và chơi một đoạn trong bài “Jesu, Joy of Man’s Desiring” của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach (1685-1750), một nhạc phẩm nổi tiếng ra đời vào thời đại của Cristofori. Mặc dù tên tuổi của Cristofori ít được phổ biến rộng rãi, nhưng cây đàn piano do ông tạo ra đã trở thành nhạc cụ có tầm ảnh hướng rất lớn đến nền âm nhạc và xã hội loài người.

Cách đây khoảng 10 năm, tôi tình cờ biết đến nhà phát minh Cristofori khi thưởng thức bản nhạc “Cristofori’s Dream” của nghệ sĩ dương cầm người Mỹ David Lanz, một trong những người tiên phong của thể loại âm nhạc New Age. Bản nhạc này được David Lanz viết tặng Cristofori, nhà phát minh vĩ đại mà lịch sử đã vô tình lãng quên. “Dương cầm là nhạc cụ tuyệt vời, đầy cảm hứng và có sức lôi cuốn kỳ diệu nhất trên trái đất này. Sẽ khó có thể tưởng tượng được thế giới âm nhạc ngày nay mà không có dương cầm, bởi vì trong tâm khảm của nhiều người yêu nhạc, nó là loại nhạc cụ có khả năng khơi nguồn cảm xúc tốt nhất. Bằng những giai điệu của dương cầm, người nghệ sĩ có thể truyền đạt tâm tư, tình cảm của mình đến với người nghe một cách trực tiếp và gần gũi”, David Lanz nhận xét.

Bản nhạc “Cristofori’s Dream” nằm trong album cùng tên phát hành năm 1988 được đánh giá là đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc của David Lanz. Album này đạt vị trí quán quân trên bảng xếp hạng Billboard (đề mục “những album âm nhạc New Age được yêu thích nhất”) trong 27 tuần liền và dành được đĩa Bạch kim. Xuyên suốt toàn bộ nhạc phẩm “Cristofori’s Dream” là tiếng đàn piano mộc mạc, làm dâng lên trong lòng người nghe những cảm xúc yêu thương. Khi lắng nghe bản nhạc này, tôi có cảm giác David Lanz đã thổi sức sống vào dương cầm. Ông để âm thanh của dương cầm cùng trò chuyện với những người bạn là đàn violin và đàn violoncello. Hồi ấy, tôi đã tự hỏi Cristofori là ai mà lại được David Lanz trân trọng đến vậy. Rồi tôi tìm hiểu về cái tên này và khám phá một câu chuyện rất thú vị ở phía trước…

Cristofori (tên đầy đủ là Bartolomeo Cristofori di Francesco), sinh ngày 04/5/1655 tại thành phố Padua nước Cộng hòa Venice (nằm ở phía Đông Bắc nước Ý ngày nay). Câu chuyện về Cristofori đưa ta đến với xứ Tuscany vào những năm cuối thế kỷ XVII. Ở nơi ấy có Đại quận công Ferdinando de’ Medici (1670-1713), con trai của Đại công tước xứ Tuscany, là một người yêu thích và bảo trợ cho các hoạt động âm nhạc đương thời. Năm 1688 khi đi ngang qua thành phố Padua, ngài đã gặp gỡ Cristofori. Đây là thời điểm nhà quý tộc tìm kiếm kỹ thuật viên mới để chăm sóc các nhạc cụ của ông, thay thế cho người tiền nhiệm đã mất. Tuy nhiên, ngài không chỉ mong đợi Cristofori ở vai trò kỹ thuật viên, mà còn phải là người có thể cải tiến và chế tạo ra các loại nhạc cụ mới. Cristofori, lúc này 33 tuổi, chưa có phát minh gì đáng kể. Mặc dù có rất nhiều sự lựa chọn, nhưng với nhãn quan sắc sảo của mình, Đại quận công Ferdinando đã thấy được tiềm năng ở Cristofori và quyết định thuê ông.

Từ đó Cristofori chuyển đến thành phố Florence để sống và làm việc, rồi tạo nên những kiệt tác cho đời. Ở đây ông được đặc cách cấp cho một phân xưởng riêng, vài người giúp việc và được trả mức lương cao hơn người tiền nhiệm với khoảng 12 đồng Scudo mỗi tháng. Tại phân xưởng của mình, Cristofori làm công việc lên dây đàn, vận chuyển và cải tiến các nhạc cụ. Đặc biệt, ông còn được giao trùng tu những cây đàn cla-vơ-xanh (clavecin / harpsichord) quý giá. Lúc bấy giờ, phần lớn âm nhạc được sáng tác bằng cla-vơ-xanh và cla-vi-co (clavichord), là những loại đàn trông khá giống với dương cầm nhưng âm thanh lại không linh hoạt bằng. Ví dụ, đàn cla-vơ-xanh có bàn phím và âm thanh được phát ra bằng một hệ thống cần có móc ở đầu để gảy vào dây đàn, tuy nhiên nó có một nhược điểm lớn là không thể phát tiếng to, nhỏ theo lực nhấn phím mạnh, nhẹ của người chơi.

David Lanz tâm sự rằng, qua bản nhạc “Cristofori’s Dream”, ông tưởng tượng hình ảnh Cristofori đang ở phân xưởng của mình khi đêm đã về khuya. Nhà phát minh cất những dụng cụ chế tác, thổi tắt các ngọn nến để đi nghỉ sau một ngày làm việc dài. Ông phân vân tự hỏi về những âm thanh của loại nhạc cụ mới do ông tạo ra sẽ như thế nào đây? Rồi ông chìm dần vào giấc ngủ và trong giấc mơ, ông đã nghe thấy chiều sâu âm thanh tuyệt vời của dương cầm. Theo sử sách ghi chép lại, những ý tưởng đầu tiên về dương cầm của Cristofori được hình thành vào năm 1698, tuy nhiên phải hai năm sau mới xuất hiện những bản ghi chép về nó.

Chẳng ai biết được Cristofori đã đổ bao nhiêu công sức, trải qua bao nhiêu phép thử để đi đến quyết định có ý nghĩa bước ngoặt, đó là thay các cần có móc để gảy vào dây đàn trong hộp đàn bằng một hệ thống gồm các búa nhỏ có bọc nỉ ở đầu để gõ vào dây đàn. Hệ thống này đã tạo nên một trong những tính năng quan trọng nhất của dương cầm là phát ra những âm thanh to, nhỏ khác nhau tùy thuộc lực nhấn phím của người chơi mạnh hay nhẹ. Bạn có thể trải nghiệm điều này ở doodle được nhắc đến ở đầu bài viết. Năm 1709, Cristofori chế tạo ra chiếc đàn piano đầu tiên, tuy nhiên phải đến 17 năm sau phiên bản hoàn thiện như dương cầm ngày nay mới được xuất hiện.

Ban đầu, Cristofori đặt tên cho loại đàn này là: “Gravicembalo col piano e forte” (tiếng Ý), nghĩa là “Đàn cla-vơ-xanh với âm thanh nhỏ và to”. Theo thời gian trôi, tên của cây đàn được rút ngắn lại còn “Pianoforte”, và cuối cùng là “Piano” như ngày nay. Hiện nay trong số chín loại nhạc cụ do chính tay Cristofori chế tạo còn tồn tại thì có ba cây dương cầm, bao gồm:

– Cây đàn sản xuất năm 1720, có bàn phím 54 nốt với miếng gỗ tăng âm được đặt thêm vào năm 1938, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Metropolitan ở New York, Mỹ.
– Cây đàn sản xuất năm 1722, có âm vực 4 octave (quãng tám), hiện ở Bảo tàng Nhạc cụ Quốc gia ở Rome, Ý.

– Cây đàn sản xuất năm 1726, có âm vực 4 octave, hiện ở Bảo tàng nhạc cụ của Đại học Leipzig, Đức.

Trên các cây đàn đều được khắc dòng chữ: “BARTHOLOMAEVS DE CHRISTOPHORIS PATAVINUS INVENTOR FACIEBAT FLORENTIAE [date]”, nghĩa là: “Nhà phát minh Bartolomeo Cristofori của Padua tạo ra chiếc đàn này ở Florence vào [ngày] (được ghi bằng chữ số La Mã)”.

Cristofori tiếp tục chế tạo và cải tiến dương cầm cho đến cuối đời. Trước khi mất, ông để lại toàn bộ công cụ chế tác của mình cho người trợ lý Giovanni Ferrini, người đã tiếp tục công việc của ông và tạo dựng được tên tuổi riêng.

Hơn 300 năm qua, dương cầm đã được các nghệ nhân cải tiến và ngày càng hoàn thiện, nhưng tất cả đều dựa trên nguyên lý cấu tạo của Cristofori. Âm thanh của dương cầm ngày càng đẹp, âm vực ngày càng được nâng cao. Hiện nay âm vực của dương cầm thường là 8 octave, đặc biệt có cây đàn đạt đến 9 octave và đáp ứng được những yêu cầu nghệ thuật cao.

Với ưu thế tạo được những âm thanh nghe êm ái như tiếng mưa rơi, tiếng suối chảy, hay hùng tráng như tiếng sấm rền, tiếng thác đổ, dương cầm dần chiếm được cảm tình của các nhà soạn nhạc, nghệ sĩ diễn tấu và đông đảo khán thính giả. Tuy nhiên khi mới xuất hiện, dương cầm ít được phổ biến vì mọi người cảm thấy quá khó chơi. Những nhạc phẩm đầu tiên được soạn cho dương cầm là 12 bản sonata của nhạc sĩ Ludovico Giustini (1685-1743). Ưu thế tuyệt vời của dương cầm so với đàn cla-vơ-xanh được khẳng định là nhờ những nhạc sĩ lớn của trường phái Cổ điển Vienne, đặc biệt là Franz Joseph Haydn (1732-1809), Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) và Ludwig van Beethoven (1770-1827)… Dương cầm cũng gắn liền với tên tuổi của nhạc soạn nhạc người Ba Lan thuộc trường phái lãng mạn là Frédéric Chopin (1810-1849). Ngày nay, dương cầm được mệnh danh là “Vua của các loại nhạc cụ”.

Bartolomeo Cristofori di Francesco, nhà phát minh nhạc cụ kiệt xuất, mất trong thầm lặng vào ngày 27/01/1731 tại Florence, một năm trước khi tờ nhạc bướm (sheet music) đầu tiên viết cho dương cầm xuất hiện. Tên tuổi của ông chỉ được nhắc đến khi được đưa vào những cuốn từ điển âm nhạc của Đức. Để ghi nhận công lao của ông, 150 năm sau khi ông mất, người ta đã cho dựng một tượng đài tưởng niệm tại thành phố Padua quê hương ông. Hiện nay trên thế giới, nhiều học viện âm nhạc mang tên ông được thành lập để đào tạo và bồi dưỡng những tài năng cho tương lai.

“Đàn piano có sức cuốn hút thật kỳ lạ”, Stuart Isacoff, tác giả của cuốn “Quá trình phát triển tự nhiên của Dương cầm” từng tâm sự. “Đã có thời mỗi gia đình đều có một cây đàn piano trong nhà, ban đầu là ở nước Anh rồi sau đó là ở các nước châu Mỹ. Gần như mọi người dân ở phương Tây đều học và chơi dương cầm tốt. Điều này góp phần vào sự phát triển của âm nhạc cổ điển nói riêng và làm tăng ý thức cộng đồng về âm nhạc nói chung”. Dương cầm cũng là nhạc cụ thường được dùng để giảng nhạc lý và dạy nhạc cho trẻ nhỏ.

“Chúng tôi luôn cố gắng tìm kiếm đề tài có tính giáo dục, hài hước, thú vị và Cristofori là một chủ đề tốt,” nhà thiết kế doodle nổi tiếng Leon Hong đã tâm sự như vậy. “Hy vọng rằng từ khi doodle này ra đời, mọi người sẽ nhớ đến Cristofori mỗi khi họ nhìn thấy dương cầm”.

Ở thế giới bên kia, nhà phát minh Bartolomeo Cristofori hẳn sẽ mỉm cười khi biết rằng giấc mơ của mình đã trở thành sự thật…

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)