Cười… xòa…!*

Các tác giả biếm họa với những tác phẩm và nhân vật của họ được Lý Trực Dũng giới thiệu qua loạt bài viết đầy trào lộng có lẽ đã đủ để dựng nên một cuốn “lược sử biếm họa Việt Nam”, một bức tranh khái quát và sinh động về “Làng Cười Việt”.

Ba từ tiếng Việt đa nghĩa nhất, nhiều sắc thái độc đáo nhất và được dùng với  tần suất cao nhất chắc chắn là “ăn – cười – đi”.

Ăn nhanh, đi chậm hay cười/ Ất ơ… đích thị là người Việt Nam”, đó từng là các chỉ dấu để nhận biết người Việt ở nước ngoài. Dùng cho cả Tây-Đầm lẫn các “đồng hương”. 

Sinh năm 1946, kiến trúc sư-họa sĩ Lý Trực Dũng đã có hơn 30 năm gắn bó với biếm họa. Tranh ông không những được đăng trên hầu hết các báo lớn ở Việt Nam và trên một số báo, tạp chí có tiếng ở Đức mà còn giành được nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước như Giải Biếm họa International Biennal of Humor Cuba 1983, Giải Biếm họa International Cartoonfestival Knook Heist Bỉ 1984, Giải Hội họa Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1990…

Ngoài vẽ tranh biếm họa, ông còn tích cực tham gia nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực này như viết tiểu luận, thuyết trình, sưu tầm và giới thiệu sách biếm họa quốc tế. Ông là người đầu tiên nghiên cứu lịch sử biếm họa Việt Nam qua việc giới thiệu các chân dung biếm họa tiêu biểu.

Cười có cả trăm kiểu, trăm cách nhưng có hai kiểu/cách cười mà theo tôi là đậm “chất dân tộc” hơn cả là cười xòa và cười trừ. Người Việt vốn quá khoan dung và sợ trách nhiệm. Cười để tha thứ, chung vui, không hại ai đúng là vô thưởng vô phạt, cười để “giải tán” vấn đề, tránh đối đầu bế tắc… Tất nhiên cảm nhận trên là phiến diện và chủ quan nhưng các tác giả và tác phẩm ở cuốn sách rất hay này đều vương vấn hai kiểu/cách cười ấy.

Khóc thì của chung nhân loại, của mọi giống hữu tình nhưng cười thì chỉ con Người mới có, mà mỗi dân tộc, cộng đồng lại có nhiều điểm khác nhau. Cười kiểu Anh, Đức, Mỹ, Hoa, Thổ hay Bun… đều có những cái khó hiểu, khó cười đối với người Việt và ngược lại. Cùng cười được với nhau mới là chỉ dấu cuối cùng của “toàn cầu hóa”, của giao lưu hội nhập thời nay.

Biếm họa là đứa con dĩnh ngộ của báo chí. Ở Việt Nam khi báo chí xuất hiện được hơn sáu mươi năm thì biếm họa mới “chào đời”.

Cha già con cọc? Hoàn toàn không phải như vậy. Biếm họa Việt đã biết bắt rễ vào truyền thống “đất cười”, không gian “làng cười” của dân tộc để trở thành một môn nghệ thuật độc đáo, thú vị, đồng hành với lịch sử hiện đại của đất nướ­­­­c.

Nói đến biếm họa là nói đến “chông gai và…hoa hồng”, nghề của những anh hề dũng cảm dám đương đầu với sự ngu dốt nói chung”. 
                         Lý Trực Dũng

Một ngẫu nhiên tất yếu của lịch sử là một nhà ái quốc trẻ tuổi tên Nguyễn Ái Quốc đã in những tranh biếm họa chính trị đầu tiên trên một tờ báo tiên phong đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Tác giả cuốn sách lấy đó là điểm khởi đầu cho lịch sử biếm họa nước ta nay đã gần chín mươi tuổi.

Với một lịch sử đầy biến thiên, chính trị phức tạp và chiến tranh liên miên thì biếm họa chính trị đóng một trục chính trong môn nghệ thuật này cũng là điều dễ hiểu (dù ở đây tác giả chưa thể khảo sát đầy đủ).

Tuy nhiên biếm họa trù phú hơn nhiều. Trên các miền đất cười rộng lớn cũng đã nảy nở đầy đủ các “chủng, loài” biếm họa độc đáo phản ánh và tác động vào tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội cũng như tâm tư tình cảm của mỗi cá nhân.

Các tác giả biếm họa với những tác phẩm và nhân vật của họ được Lý Trực Dũng giới thiệu qua loạt bài viết đầy trào lộng có lẽ đã đủ để dựng nên một cuốn “lược sử biếm họa Việt Nam”, một bức tranh khái quát và sinh động về “Làng Cười Việt”.

Lý Trực Dũng là họa sĩ biếm hàng đầu trên truyền thông hiện nay. Ông cũng là một trong số những người sáng lập kiêm chủ tịch ban giám khảo Giải Biếm họa – Cúp Rồng Tre do báo Thể thao&Văn hóa khởi xướng.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách đáng tin cậy và quý hiếm này.

Biếm họa Việt Nam là bức tranh khái quát về “Làng Cười Việt Nam” trong suốt gần 90 năm qua, từ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Phan Kích, Mai Văn Hiến, Nguyễn Bích,….;  đến những gương mặt gần đây hơn như Chóe, Ớt, Nhím…, bên cạnh những gương mặt “tuổi trẻ tài cao” ghi dấu ấn đặc biệt trong làng biếm họa Việt Nam hiện đại như Còm, Khoái, LEO, LAP…

Không có tham vọng xây dựng nên một khảo cứu quy mô về biếm họa Việt Nam, tác giả chỉ mong muốn nó sẽ là “một ‘nhát cuốc động thổ’ cho một tập hợp nghiên cứu hoàn chỉnh và tiệm cận hơn về Lịch sử Nghệ thuật Biếm họa Việt Nam trong tương lai”.

* Bài viết thay lời nói đầu cho tác phẩm Biếm họa Việt Nam, Lý Trực Dũng, NXB Mỹ thuật & Nhã Nam, 2011

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)