Dần dà sửng sốt: Một điểm gặp giữa thơ Việt Nam và Mỹ

Giữa thế kỷ mười chín, Emily Dickinson, một trong hai nhà thơ lớn của Mỹ thời đó đã viết một bài thơ không chỉ là tuyên ngôn phương pháp sáng tác của bà, mà rồi sẽ còn được chứng tỏ là một lời tiên tri về thơ ca của chúng ta thời Hiện đại và Đương đại.

Và dẫu có lẽ Dickinson không hay biết về truyền thống dài lâu và phi thường của thơ ca Việt Nam, những tư tưởng của bà cung cấp cho tôi (cũng như một số nào đó các nhà thơ Mỹ khác) một điểm nền tảng của sự gặp gỡ giữa thơ ca Việt Nam và Mỹ.

Sau đây là toàn văn bài thơ của Emily Dickinson mà tôi vừa nói đến:

Hãy nói hết Sự Thật nhưng bằng lời gần xa
Thành công trong Lối Vòng vẫn đợi
Quá chói sáng với chúng ta trong niềm Sướng Vui ốm yếu
Là Sự Thật mang theo nỗi kinh ngạc lớn lao

Cũng như Tia Chớp được Trẻ Con xoa dịu
Với đôi lời giải thích trẻ con
Sự Thật phải làm cho dần dà sửng sốt
Hoặc người ta hết thảy sẽ mù –

Bài thơ này ngắn thôi, và một diễn giải ngắn gọn sẽ giúp ta nắm bắt sự phức tạp trong nó. Ở đây Dickinson nói đến cái khó khăn bao đời nay thơ ca vẫn đối mặt: làm thế nào để nói lên sự thật về người ta theo cái cách mà người ta, thậm chí chính bản thân nhà thơ, có thể thực sự tiếp thu được. Khi bà bảo hãy nói sự thật bằng lối “nói gần nói xa”, thì ý của bà là người ta cần nói về cái người ta thấy hoặc biết từ một góc độ giới hạn đặc thù và cần thiết của việc tri nhận. Bà không khuyên các nhà thơ bóp méo sự thật, nhưng sẽ là tốt hơn, hay có lẽ hữu ích hơn, nếu đưa ra một hình dung cục bộ tạm thời, hoặc một thoáng thấy về sự thật. Khi bà nói những thành công của nhà thơ nằm ở “Lối Vòng”, ý của bà là các nhà thơ phải thường dùng cách gián tiếp lúc nói về những gì sâu xa. Một cách diễn đạt thông tục kiểu Mỹ về việc này là, Dickinson không nói ra ý mình cách trực tiếp, mà thơ của bà “nói vòng vo”, dựa trên những đề xuất, gợi ý hay hàm ngụ. Dickinson trong bài thơ này gợi ý rằng đôi khi sự thật – sự thật vẹn toàn – sẽ chế áp chúng ta. Đôi khi sự thật đầy đủ sẽ đè nén năng lực hiểu và tạo dựng ý nghĩa của chúng ta. Có thể điều bà nói là, thơ ca thật sự và hầu hết nghệ thuật có ích đều sẽ “gây sửng sốt dần dần”, điều mà, theo tôi hiểu, cho phép cung cấp cho người đọc một trải nghiệm soi sáng làm tăng dần và sắc bén lên thời khoảng người đọc nấn ná với bài thơ và suy ngẫm về nó. Thơ của bà nói xa nói gần hay nói cách gián tiếp như thế, cái cách thức “vòng vo”, và nó cũng tác động dần dà, thoạt đầu có lẽ rắc rối khó hiểu, nhưng dần sẽ mở rộng và đào sâu các ý nghĩa của nó mỗi lần người ta đọc hay suy ngẫm về nó.

Giá như tôi có dịp gặp và nói với anh linh của Emily Dickinson, tôi chắc rằng bà sẽ hài lòng được biết về thơ ca Việt Nam mà tôi thật may mắn đã được đọc và nghiên cứu. Dẫu hiểu biết của tôi về truyền thống và thơ ca ấy hạn chế, tôi sẽ bắt đầu bằng việc giới thiệu với bà về Nguyễn Trãi. Tôi muốn nói với bà về một bài thơ rất nổi tiếng mà tôi và Nguyễn Bá Chung bạn tôi đã cùng dịch sang tiếng Anh vài năm trước.

Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác

Nhất biệt gia sơn kháp thập niên;
Qui lai tùng cúc bán tiêu nhiên.
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ;
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên.
Hương lý tài qua như mộng đáo;
Can qua vị tức hạnh thân tuyền.
Hà thì kết ốc vân phong hạ?
Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên

Occasional Verses at Con Son: After the War

Ten years away from what I knew and loved as home.
I return to pine and chrysanthemum grown rampant,
to patient streams and trees wondering where I’ve been.

I am covered in dust.
There was nothing else I could do.

Now that I am home, my life seems nothing but a dream.
The war may be over, I may be alive, but I want nothing
more than a cloud-tipped mountain, good tea, a stone pillow.

Việc dịch (thơ) đối với tôi có nghĩa là đọc đi đọc lại những định nghĩa và những thành ngữ khác nhau mà bài thơ đó gợi lên, và trong quá trình đó tôi biết được nhiều đến thế về cuộc đời Nguyễn Trãi ở triều đình cũng như ở cuộc đời thường, ở nơi ẩn lánh của thi nhân trên Côn Sơn, những dòng thơ đã vương vấn tâm trí tôi năm này qua năm khác. Đúng vậy, bụi phủ đầy đầu có nghĩa ông đã xa nhà vì chiến chinh loạn lạc quá lâu. Nhưng vì sao ông nói “Ta không thể làm gì được nữa”. Rất nhiều ý nghĩa tỏa ra từ ngữ đoạn này. Có lẽ nó nói rằng chẳng còn gì để làm ngoài việc hồi hương sống cuộc sống khiêm nhường và thanh nhã trên núi. Nhưng tôi cũng nghe trong đó nhiều nỗi ân hận không rõ rệt, những ân hận phủ đầy tâm hồn ông như bụi bám trên đầu ông. Cũng như điều xảy đến với những cựu chiến binh của bất cứ cuộc chiến tranh nào, có biết bao điều không thể nói, mà đôi lúc lại hiện lên thoáng chút thôi nhưng đầy sức mạnh. Tôi nghĩ dòng thơ này cũng vậy, và dẫu đơn sơ, nó bắt đầu dần làm tôi choáng ngợp, và sự thể vẫn cứ thế. Với tôi thì ngữ đoạn đó là tâm điểm sự thật trong bài thơ này, rằng có một cảm thức hầu như không thể nói ra về nỗi ân hận và mất mát vẫn đeo đẳng người chiến binh hồi hương này. Ở tâm điểm của bài thơ này, lời rằng “Ta không thể làm gì được nữa” có những bề sâu không thể lý giải của ý nghĩa mà Emily Dickinson hẳn cảm thấy hết sức gần gũi.

Tôi sẽ chuyển sang một cựu chiến binh khác đã viết trong thời hậu chiến. Xin được nói đến bài thơ của Nguyễn Duy “Buổi sáng sau chiến tranh”. Trích dẫn toàn bài thơ này có thể sẽ là quá dài, cũng bởi nhiều người đã biết bài thơ đó, nên cho phép tôi tóm lược lại. Duy bảo chúng ta rằng buổi sáng đó mọi sự vật dường như đều tươi mới đáng yêu, và tan lẫn trong một màn sương dày, và những con đường hiện ra như thể trong một giấc mơ. Những bông hoa rung rinh vẫy gọi. Những cây cột đèn đứng bóng khẳng khiu, như là trong một trò ảo thuật cho trẻ con. Rồi bài thơ kết thúc bằng một cặp câu, như Kevin Bowen và Nguyễn Bá Chung đã dịch sang tiếng Anh:

Dịu dàng từng bước em đi
nhẹ nhàng như chả có gì lớn lao.

Cũng như trong cặp câu thơ Nguyễn Trãi, có gì đó mờ đi ở đây, có gì đó được nói lên cách gián tiếp, có gì đó chỉ thấy được đằng sau câu chữ, có gì đó chỉ được khơi gợi. Tôi có thể hiểu ngay vì sao người ta sẽ bước đi nhẹ nhõm dễ dàng trong buổi sáng sau chiến tranh, nhẹ lòng bởi mối đe dọa giết và bị giết không còn là quy tắc sống nữa. Nhưng dòng thơ cuối mới thực cảm động: “nhẹ nhàng như chả có gì lớn lao”. Cũng như với câu thơ Nguyễn Trãi “Ta không thể làm gì được nữa”, có rất nhiều ý nghĩa thực và có thể có tỏa ra từ dòng thơ này của Duy. Ở đây là một con người đã biết thế gian ra sao khi không trong hòa bình, và bởi vậy biết hơn ai hết giá trị thực của khoảnh khắc này đây. Và tuy nhiên cùng lúc, người ta phải tỏ ra, phải tiếp tục như đã cả đời, sống trong cảnh bình thường, hay ít nhất phải cố hành xử như đây là chuyện bình thường, như thể cái buổi sáng đẹp rưng rưng tinh tế này là “chả có gì lớn lao”. Để nói thêm về vẻ đẹp của bài thơ này, có một ý mỉa mai sâu sắc trong dòng thơ vừa đề cập, và đó là trong ý thức của nhân vật trữ tình. Con người ấy sẽ không bao giờ coi cái “sự bình thường” này là gì khác ngoài một phép lạ, một món quà số phận thực sự cho mình. Con người ấy có lẽ sẽ hành xử như chẳng có gì khác thường, nhưng thật ra, đối với anh ta chị ta, sự thể luôn luôn không chỉ là “bình thường” như thế, mà hơn thế rất nhiều.

Thì ra đó cũng là cái mỉa mai mà Emily Dickinson nhận thấy. Mặc dù bà sống ẩn lánh, trong nhà của cha mẹ và không kết hôn, thì bà vẫn thực sự đã trải qua thời Nội Chiến ở Hợp Chủng quốc, và cuộc tranh đấu đẫm máu vì sự tự khẳng định đạo lý và dân tộc rõ ràng đã ảnh hưởng đến thơ ca của bà, như các học giả gần đây đã chỉ ra. Bà cũng đã sống vào một thời mà những niềm tin kiên định của TinLành / Kitô giáo đang dần chuyển vào chịu đựng sự soi mói hoài nghi của thời chúng ta. Bà đã cảm nhận được cách sâu sắc những cú sốc đó trong cảm thức riêng về linh hồn và ý nghĩa tối hậu. Tôi nghĩ bà hoàn toàn hiểu điều Nguyễn Duy cảm nhận khi anh nói rằng trong một thế giới như vậy người ta bước nhẹ nhõm, có lẽ là cẩn trọng, nhưng thư thả, như thể chẳng có chuyện gì ghê gớm, và tuy vậy hiểu rằng đã có biết bao nhiêu đổ vỡ mất mát.

Sự mất mát – tri thức về nó, nhận thức về nó, và cái cảm thức rằng đôi khi cái trải nghiệm thực sự về nó là vượt quá cái diễn từ giản đơn và trực tiếp – đấy là điều mà Emily Dickinson và hai nhà thơ tôi vừa đề cập ở trên gặp gỡ nhau. Tôi sẽ kết thúc với một kinh nghiệm nữa về mối gặp gỡ này. Để chuẩn bị cho hội nghị ở Huế tôi quyết định làm việc gì đó ngoài bổn phận, cụ thể là thử dịch vài bài thơ của Võ Quê. Tôi làm việc này với các từ điển tôi có, rồi nhờ Nguyễn Bá Chung bạn tôi giúp cho những gì còn lỗi. Tôi đoán rằng mọi người đều biết Võ Quê, ca sĩ, người soạn nhạc, nhà thơ trữ tình, người viết truyện thiếu nhi, và đối với chúng ta, cũng như đối với Stefi vợ tôi và tôi, những ai đã từng nhận lòng hiếu khách nồng ấm của ông, thì ông là linh hồn của Huế. Cái dự án to lớn tôi tự đặt cho mình là dịch mười bài lục bát Võ Quê đã viết bốn mươi năm trước trong nhà tù Côn Đảo. Nhưng để mình quen biết được với tác phẩm của ông, tôi trở lại với một bài thơ ông tặng tôi khi lần đầu tôi thăm Huế năm 1995. Đó là một bài thơ ông đã viết đâu một hai năm trước đó, một bài tứ tuyệt mà tôi nghĩ với quyển từ điển tôi có khả năng chuyển nó sang tiếng Anh. Bài thơ ấy đây, và bởi bài viết này sẽ được chuyển sang tiếng Việt, các bạn sẽ đọc bản tiếng Việt rồi đọc bản dịch của tôi và Nguyễn Bá Chung.

Viết dưới cội đào

Con dơi đêm ăn nửa trái đào ngon
Còn nửa trái rụng buồn mặt đất
Anh dành tặng riêng em phần hạnh phúc
Phần khổ đau anh nhận riêng mình

Em mời anh ăn miếng đào sâu
Chất ngọt đằm trong lưỡi
Miếng đào sâu còn dành hương vị mới
Thì có hề chi em nỗi đau khổ giữa đời.

Tôi cảm nhận được ở bài thơ này sự biểu hiện tinh tế và đích xác nỗi niềm mất mát mà tôi thấy trong các bài thơ đã nói đến ở trên của Nguyễn Trãi và Nguyễn Duy. Chúng ta không biết chính nỗi mất mát của tác giả bài thơ này là gì, nhưng ta biết đây là người hiểu hoặc nhắc ta nhớ đến nỗi mất mát, nhắc ta nhớ sự bất công của nó, nhắc ta nhớ ta sẽ trở nên tự kỷ ra sao vì mất mát, và rồi thế giới này lại nhắc nhở ta rằng tất cả chúng ta đều phải chịu đựng mất mát, mỗi người một cách khác nhau.

Và không nghi ngờ gì đó cũng là điều Emily Dickinson đã nói. Tôi nhắc đến ở đây bài thơ của bà có sự gặp gỡ với ba bài thơ tôi vừa đề cập. Đây là nguyên văn bài thơ số 1108.

Tiệc linh đình trong một Nhà kia
Sớm Mai sau Chết Chóc
Là việc long trọng nhất của các nghề làm ăn
Diễn ra trên Mặt Đất –

Hãy Vun vén Tim lại
Và đẩy Tình yêu ra xa
Chúng tôi sẽ không muốn dùng đến nữa
Cho tới Mạt Đời.

Đây là một bài thơ mà nhân vật trữ tình biết rằng có những loại mất mát mà chúng ta đơn giản không thể vãn hồi. Chúng ta sống sót, chúng ta tiếp tục sống, chúng ta làm mọi thứ như thường làm. Chúng ta dọn dẹp nhà cửa, và nhận ra rằng trái tim sẽ không bao giờ hoàn toàn còn như trước đấy được nữa.

Phần nào ước mong của tôi trong bài viết này là phác họa mối gặp gỡ nghệ thuật giữa những bài thơ nói trên, nhưng khi làm việc ấy, tôi khám phá và đi theo sự gặp gỡ mang tính chủ đề. Tôi sẽ kết luận bằng “Cũng không ai cả”, một bài thơ của tôi, một bài thơ tôi hiểu mình chịu ảnh hưởng phần nào từ việc đọc và suy nghĩ về các tác phẩm của Emily Dickinson. Nhưng tôi cũng biết rằng trong tính gián tiếp và hy vọng của tôi về tính dần dà gây sửng sốt, bài thơ cũng chịu ảnh hưởng từ cốt lõi việc tôi đã may mắn biết được, nghiên cứu và thưởng thức truyền thống trữ tình lớn lao của thơ ca Việt Nam. Đầu đề bài thơ này của tôi mang một tham chiếu tới một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Dickinson, bài thơ mở đầu với những câu “Tôi chẳng là ai cả. Bạn là ai? / Bạn cũng chẳng là ai cả sao?” Bài thơ của tôi như câu trả lời vâng, tôi cũng chẳng là ai cả. Phần còn lại của bài thơ ghi lại cuộc thăm viếng ngôi nhà nơi Dickinson đã sống, ở Amherst, MA.

Tôi hẳn là bé nhỏ vô vị
vô hại như gió kia
nhẹ nhàng rẽ lá cỏ
uốn cong những nhành đậu –
những mầm chưa kịp xanh.

Tôi hẳn sẽ ngập ngừng khi quả quyết
như lũ sóc rừng thông
lưng tôi co lên, dang dở
khẽ rùng mình với một câu hỏi
mà sẽ bỏ chạy trước khi trả lời.


Tôi hẳn sẽ dạy tim tôi nên làm tim thế nào –
giúp những cánh cửa kia rộng mở,
mời những cái bóng cao lớn nhòm vào
như những khách tò mò xa lạ,
những gian phòng sẽ đầy tràn – với họ.

Thơ ca Việt Nam không chỉ dạy tôi về nỗi ngạc nhiên từ tốn của một sự thức nhận dần dà, mà tôi có thể nói thơ ca ấy cũng giúp, cùng với những nhà thơ như Emily Dickinson, biết rằng sáng tác thơ ca là, qua những bài thơ nói trên, dạy cho trái tim biết làm một trái tim như thế nào. Với Nguyễn Trãi, Nguyễn Duy, Võ Quê, và nhiều những nhà thơ ViệtNam đáng trọng bạn bè tôi, cùng Emily Dickinson, tôi vui mừng nghe theo, và cảm nhận niềm may mắn lớn rằng chúng ta đã gặp gỡ nhau trên những con đường dài lầm bụi của nhân sinh.

Nguyễn Chí Hoan, dịch.



* Nhà thơ, GS.TS Anh ngữ, Giám đốc Trung tâm Thơ ca & Chương trình Viết Sáng tạo, ĐH Suffolk, Boston, Mỹ

1. Dịch nghĩa:

Từ khi đi khỏi núi nhà vừa mười năm.
Trở về thì tùng cúc đã nửa hoang rậm.
Có hẹn với rừng suối sao ta nỡ phụ?
Cúi đầu nơi đất bụi chỉ tự thương mình.
Làng quê mới qua, như thấy chiêm bao đến;
Can qua chưa dứt, may được vẹn chiếc thân.
Bao giờ làm được nhà dưới ngọn núi mây,
Để múc nước khe nấu chè và gối đá ngủ?

(Nguồn: Wikipedia)

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)