Dàn nhạc Gewandhaus Leipzig: Trái tim âm nhạc của Leipzig

Sự tồn tại của dàn nhạc Gewandhaus Leipzig trong lòng một thế giới đang không ngừng biến đổi cho thấy sức sống của âm nhạc cổ điển và truyền thống không dễ mai một.

Dàn nhạc Gewandhaus Leipzig dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Andris Nelsons. Ảnh: NYT.

Dàn nhạc Gewandhaus Leipzig ngày nay là dàn nhạc lâu đời nhất thế giới còn tồn tại. Dàn nhạc được thành lập vào năm 1743 tại thành phố Leipzig, Đức. Tuy nhiên nguồn gốc sớm nhất của dàn nhạc có thể được truy nguyên lại từ năm 1479. Trong năm này, hội đồng thành phố Leipzig đã bổ nhiệm ba nhạc sĩ – Kunstpfeifer (ba người thổi sáo nghệ thuật) – là nhân viên âm nhạc của thành phố. Ba nhạc sĩ này (qua thời gian, số lượng nhạc sĩ cũng được tăng lên) đóng vai trò trung tâm trong đời sống văn hóa của Leipzig, biểu diễn tại Tòa thị chính, cung cấp dịch vụ âm nhạc tại các nhà thờ của thành phố và tham gia vào các tác phẩm sân khấu rồi cũng như trở thành một phần của dàn nhạc Große Concert (Buổi hòa nhạc lớn).

Một lịch sử lâu dài

Großes Concert được thành lập vào năm 1743 – là công ty đầu tiên trên thế giới thuộc dạng này, do cả giới quý tộc và bình dân hợp tác. Ban đầu, họ biểu diễn tại các dinh thự lớn ở Leipzig. Tuy nhiên, sự nổi tiếng của họ đã khiến dàn nhạc phải thuê một phòng cố định trong nhà trọ Zu den drei Schwanen (Ba con thiên nga). Trong hơn ba mươi năm, đây là nơi tiếp đón công dân của Leipzig, những người có khả năng chi trả khoản phí thành viên hàng năm khá đáng kể, chính là nguồn thù lao cho những nhạc công của dàn nhạc. Dàn nhạc ban đầu gồm 16 nhạc công, trong đó có một nửa là những người chuyên nghiệp (bao gồm cả Kunstpfeifer), còn lại là sinh viên các trường đại học. Năm 1766, Komödienhaus (Ngôi nhà hài kịch) được thành lập gần đó. Nhà hát không có dàn nhạc của riêng mình mà hợp tác với Großes Concert, dẫn đến sự hợp tác cộng sinh giữa dàn nhạc và nhà hát. Tại thời điểm này, Gewandhaus (Ngôi nhà quần áo), trung tâm thương mại của các nhà dệt may trong thành phố có tầng trên hầu như không được sử dụng. Dưới sáng kiến của thị trưởng thành phố, không gian này đã được chuyển đổi thành phòng hòa nhạc. Tháng 11/1781, buổi hòa nhạc đầu tiên tại Gewandhaus được diễn ra. Số lượng nhạc công lúc này đã lên đến 32 thành viên. Giám đốc âm nhạc đầu tiên của dàn nhạc là Johann Adam Hiller.

Rất ít dàn nhạc khác trên thế giới đóng góp nhiều vào sự phát triển của truyền thống âm nhạc giao hưởng như dàn nhạc Gewandhaus Leipzig. Rất nhiều nhà soạn nhạc danh tiếng đã từng cộng tác với dàn nhạc. Năm 1789, Wolfgang Amadeus Mozart đến Leipzig để tổ chức một buổi hòa nhạc ở Gewandhaus. Vào thời điểm này, Gewandhaus đã được thiết kết khá tốt, được coi là trung tâm của cuộc sống âm nhạc tại Leipzig và vẫn sẽ là như vậy trong suốt 100 năm sau đó. Chín bản giao hưởng của Ludwig van Beethoven đã có được các buổi biểu diễn lần đầu tiên với tư cách một chu trình hoàn chỉnh trên toàn thế giới trong suốt cuộc đời của nhà soạn nhạc vào mùa diễn 1825/26. Nhiệm kỳ của Felix Mendelssohn với tư cách là Gewandhauskapellmeister (nhạc trưởng và giám đốc âm nhạc của Gewandhaus Orchestra) bắt đầu vào năm 1835 cho đến khi ông qua đời vào năm 1847. Bản giao hưởng số 3 “Scottish” và Violin Concerto giọng Mi thứ của ông đều được công diễn lần đầu tiên tại đây. Mendelssohn cũng đã chỉ huy buổi biểu diễn đầu tiên bốn bản giao hưởng của Robert Schumann và giao hưởng số 9 “Great” của Franz Schubert cùng dàn nhạc. Overture của vở opera Die Meistersinger von Nürnberg của Wagner và violin concerto của Brahms cũng lần đầu ra mắt tại đây dưới đũa chỉ huy của chính nhà soạn nhạc. Dàn nhạc Gewandhaus Leipzig cũng chính là dàn nhạc lần đầu tiên biểu diễn trọn bộ các giao hưởng của Anton Bruckner và Dmitri Shostakovich dưới dạng một chu trình. Năm 1878, tại đây, lần đầu tiên bên ngoài Bayreuther Festspielhaus, trọn bộ Der Ring des Nibelungen của Wagner được biểu diễn. Bên cạnh đó, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, dàn nhạc luôn có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà thờ tại địa phương, đặc biệt là nhà thờ St. Thomas.

Khán phòng hòa nhạc dưới thời Felix Mendelssohn. Nguồn: Leipzig Gewandhaus Orchestra.

Theo thời gian, mặc dù đã thực hiện mọi biện pháp để tăng sức chứa của phòng hòa nhạc Gewandhaus nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu biểu diễn và thưởng thức âm nhạc của dàn nhạc và công chúng Leipzig. Việc xây dựng một phòng hòa nhạc mới là vấn đề bắt buộc. Sau hơn hai năm xây dựng, Gewandhaus mới được khánh thành vào tháng 12/1884 có tên gọi Neues Gewandhaus (Gewandhaus mới) là điểm đến ưa thích của rất nhiều nhà soạn nhạc. Brahms, Peter Ilyich Tchaikovsky, Edvard Grieg và Richard Strauss.

Năm 1895, nhạc trưởng ngưởi Hungary Arthur Nikisch thay thế Reinecke, đảm nhạc cương vị giám đốc âm nhạc thứ mười một của Leipzig Gewandhaus Orchestra. Là một nhạc trưởng nổi bật trong thế kỷ 20, một trong những buổi biểu diễn đáng nhớ nhất của ông là lần ra mắt bản giao hưởng số 7 của Bruckner cùng dàn nhạc vào ngày 30/12/1894. Bên cạnh đó, ông cũng là nhạc trưởng đầu tiên chỉ huy tại Đức bản giao hưởng số 6 của Tchaikovsky và cello concerto của Antonín Dvořák. Trong nhiệm kỳ của Nikisch, lần đầu tiên Leipzig Gewandhaus Orchestra thực hiện những chuyến lưu diễn nước ngoài. Ban đầu, ban giám đốc dàn nhạc từ chối các hoạt động này với lý do không muốn dàn nhạc danh tiếng của mình, từ trước đến nay, chỉ phục cho những mục đích cao cả, bị vẩn đục với những giao dịch thương mại. Tuy nhiên, khi nhận được lời mời từ Thụy Sĩ vào năm 1916, hội đồng thành phố và dàn nhạc đã đồng ý với lý do “nó đại diện cho một sứ mệnh văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng”. Hầu như trong suốt thời gian diễn ra Cuộc chiến tranh Thế giới thứ nhất, dàn nhạc đã dành thời gian để đi lưu diễn.

Nikisch qua đời vào năm 1922, người thay thế ông là nhạc trưởng huyền thoại Wilhelm Furtwängler do Nikisch nắm giữ trước đó. Kế thừa di sản của Nikisch, Furtwängler đã duy trì và phát huy danh tiếng của dàn nhạc. Trọng tâm trong danh mục biểu diễn của Leipzig Gewandhaus Orchestra vẫn là các bản giao hưởng Đức-Áo. Furtwängler gắn bó với Leipzig Gewandhaus Orchestra cho đến năm 1928.

Masur đã mang đến một thứ âm thanh tươi mới, sẫm màu dựa trên nền tảng một bè dây đầy đặn, rất phù hợp với những bản giao hưởng thời kỳ Lãng mạn, vốn là thế mạnh của dàn nhạc từ hơn một thế kỷ qua.

Người đảm nhận cương vị giám đốc âm nhạc tiếp theo của dàn nhạc Gewandhaus Leipzig là một nhạc trưởng lừng danh người Đức khác, Bruno Walter. Mặc dù rất nổi tiếng vào thời điểm đó nhưng thời gian gắn bó của Walter với dàn nhạc không được lâu. Khi Adolf Hitler lên nắm quyền tại Đức vào năm 1933, vị quốc trưởng này đã chỉ trích gay gắt vì có nhiều nhạc trưởng gốc Do Thái đang làm việc tại Đức và Walter là một trong những người bị chỉ đích danh. Tháng 3/1933, Walter đã có lịch biểu diễn cùng dàn nhạc nhưng đã bị hủy bỏ. Hiểu rằng mình không thể tiếp tục làm việc tại Đức, Walter đã chia tay dàn nhạc.

Năm 1934, dàn nhạc Gewandhaus Leipzig bổ nhiệm nhạc trưởng người Đức Hermann Abendroth làm giám đốc âm nhạc tiếp theo. Ông cũng là giáo sư tại nhạc viện Leipzig. Nổi tiếng với các tác phẩm âm nhạc Cổ điển và Lãng mạn như các bản giao hưởng của Beethoven, Brahms và Bruckner, Abendroth cũng thường xuyên chỉ huy các tác phẩm âm nhạc đương đại của Béla Bartók và Igor Stravinsky. Năm 1937, ông gia nhập Đảng quốc Xã, một hành động khiến ông củng cố vững chắc của mình tại dàn nhạc nhưng đồng thời sẽ đưa vị nhạc trưởng vào những rắc rối khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Ông đã bị những nhà lãnh đạo Đông Đức hủy bỏ mọi hợp đồng với dàn nhạc Gewandhaus Leipzig vào năm 1945.

Vượt qua khó khăn

Ngay sau cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai là giai đoạn được coi là khó khăn nhất đối với dàn nhạc. Cả phòng hòa nhạc Neues Gewandhaus và nhà hát opera đã bị phá hủy trong cuộc chiến tranh và dàn nhạc đã trở thành vô gia cư. Kể từ năm 1945, các buổi hòa nhạc và biểu diễn opera được diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau, thậm chí là tạm bợ trên khắp Leipzig. Chỉ đến năm 1960, khi nhà hát opera được xây dựng lại, tình trạng này mới tạm thời chấm dứt.

Nhạc trưởng Kurt Masur chỉ huy dàn nhạc Gewandhaus Leipzig. Nguồn: NYT.

Sau hai năm ngắn ngủi (1946-1948) nhạc trưởng người Đức Herbert Albert đảm nhiệm cương vị giám đốc âm nhạc tiếp theo của dàn nhạc Gewandhaus Leipzig trong bối cảnh Đông Đức còn rất nhiều phải làm để tái thiết đất nước sau chiến tranh, một vị nhạc trưởng người Đức khác Franz Konwitschny trở thành giám đốc âm nhạc của dàn nhạc. Với bối cảnh chính trị, xã hội thời kỳ đó, dàn nhạc Gewandhaus Leipzig hầu như chỉ biểu diễn trong nước, không hề tạo được danh tiếng nào trên trường quốc tế.

Mặc dù đảm nhiệm vị trí này trong một khoảng thời gian dài (1949-1962) nhưng hầu như Konwitschny không để lại dấu ấn nào đáng kể. Năm 1964, dàn nhạc bổ nhiệm là nhạc trưởng người Czech Václav Neumann làm giám đốc âm nhạc tiếp theo. Là một nhạc trưởng tài ba, nhưng cũng như hai người tiền nhiệm của mình, bối cảnh dàn nhạc Gewandhaus Leipzig lúc bấy giờ không cho phép ông có nhiều cơ hội để thể hiện năng lực của mình. Neumann chỉ giữ cương vị này đến năm 1968, sau đó ông trở về quê nhà để dẫn dắt Czech Philharmonic.

Năm 1970, Kurt Masur trở thành giám đốc âm nhạc tiếp theo của dàn nhạc Gewandhaus Leipzig. Có thể nói đây là một quyết định lịch sử của dàn nhạc. Dưới sự dẫn dắt của Masur, dàn nhạc đã tìm lại được vị thế của mình. Trọng tâm trong danh mục biểu diễn của Masur với dàn nhạc Gewandhaus Leipzig là các bản giao hưởng của trường phái Đức-Áo như Ludwig van Beethoven, Franz Schubert, Mendelssohn, Johannes Brahms, Anton Bruckner hay Gustav Mahler. Dựa trên những nghiên cứu tổng phổ cẩn trọng và sự nghiêm khắc trong các buổi tập, Masur đã mang đến một thứ âm thanh tươi mới, sẫm màu dựa trên nền tảng một bè dây đầy đặn, rất phù hợp với những bản giao hưởng thời kỳ Lãng mạn, vốn là thế mạnh của dàn nhạc từ hơn một thế kỷ qua. Cùng nhau, họ đã tạo được tiếng nói nổi bật trên trường quốc tế. Năm 1974, Masur và dàn nhạc thực hiện chuyến lưu diễn Mỹ. Tại Leipzig, Masur trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng và đáng kính trọng nhất thành phố. Uy tín của Masur tại Đông Đức ngày một nâng cao. Ông đã thuyết phục được những nhà lãnh đạo đất nước xây dựng một phòng hòa nhạc mới. Neues Gewandhaus (vẫn giữ tên gọi cũ) mở cửa vào năm 1981, với một chất lượng âm thanh tuyệt vời. Phòng chính của Neues Gewandhaus có sức chứa 1.900 khán giả, phòng nhỏ có tên Mendelssohn chứa khoảng 500 người, thường dùng để biểu diễn hòa nhạc thính phòng.

Cùng với dàn nhạc Gewandhaus Leipzig, Masur đã giành được hợp đồng thu âm cùng Philips, một trong những hãng phát hành đĩa nhạc cổ điển nổi tiếng nhất trên thế giới. Nhờ những bản thu âm này, dàn nhạc ngày càng thu hút được sự chú ý từ phía khán giả phương Tây. Sau khi nước Đức thống nhất, danh tiếng của Leipzig Gewandhaus Orchestra được củng cố như là một trong những dàn nhạc hàng đầu trên thế giới. Masur giữ cương vị này đến năm 1996. Mặc dù vậy, sau đó Masur vẫn tiếp tục cộng tác với dàn nhạc, dàn nhạc Gewandhaus Leipzig đã trao tặng ông danh hiệu nhạc trưởng danh dự.

Nhạc trưởng người Thụy Điển Herbert Blomstedt trở thành giám đốc âm nhạc tiếp theo của Leipzig Gewandhaus Orchestra vào năm 1998. Tiếp tục truyền thống tốt đẹp được duy trì từ thời Masur, Blomstedt và dàn nhạc duy trì phong cách đặc trưng với một bè dây gắn kết, kèn gỗ tinh tế, trong sáng và kèn đồng có âm sắc mềm mại hơn, mang dấu ấn phương Đông so với sự uy nghi, mạnh mẽ thường thấy ở một dàn nhạc Đức, một âm thanh tổng thể mà người nhạc trưởng kế nhiệm Blomstedt, Riccardo Chailly đã phải thốt lên “một làn sóng đáng kinh ngạc”.  Blomstedt và dàn nhạc đã thực hiện một số bản thu âm cho hãng Decca. Sau khi chia tay dàn nhạc vào năm 2005, cũng giống như Masur, Blomstedt được dàn nhạc Gewandhaus Leipzig trao tặng danh hiệu nhạc trưởng danh dự. Năm 2017, ở tuổi 90, Blomstedt và dàn nhạc đã thực hiện chuyến lưu diễn bốn tuần lễ tại châu Âu và châu Á nhân dịp kỷ niệm 275 năm thành lập dàn nhạc. Cùng nhau họ đã thực hiện thu âm toàn bộ các bản giao hưởng của Bruckner và Brahms.

Kết bồi di sản

Mùa diễn 2004-2005 chứng kiến ​​sự thành lập của Mendelssohn-Orchesterakademie dưới sự bảo trợ chung của dàn nhạc Gewandhaus Leipzig và Leipzig Hochschule für Musik. Sự hợp tác giữa hai tổ chức âm nhạc hàng đầu này được thúc đẩy với mục tiêu cung cấp cho các nhạc công trẻ tài năng những cơ hội cần thiết để giúp họ đạt được các tiêu chuẩn mà các dàn nhạc ưu tú nhất mong đợi. Ngoài ra, còn có mục đích là truyền bá lý tưởng âm nhạc và văn hóa chơi nhạc của dàn nhạc Gewandhaus Leipzig cho thế hệ nhạc công tiếp theo. Tư cách thành viên của Mendelssohn-Orchesterakademie có thời hạn hai năm, trong khoảng thời gian này các nhạc công trẻ có được kinh nghiệm chuyên sâu chơi với dàn nhạc tại Gewandhaus, Opera Leipzig và Nhà thờ St. Thomas, cũng như trong các chuyến lưu diễn trên toàn thế giới. Nhạc công sẽ nhận được các bài giảng về nhạc cụ và huấn luyện biểu diễn nhạc thính phòng từ các thành viên của dàn nhạc. Điều này, cùng với cơ hội thường xuyên biểu diễn trong các buổi hòa nhạc thính phòng ở Neues Gewandhaus và Mendelssohn-Haus, mang đến cho học viên một nền giáo dục toàn diện bao gồm tất cả các khía cạnh của cuộc sống với tư cách là một nhạc công biểu diễn.

Dưới sự lãnh đạo của nhạc trưởng người Ý Chailly từ năm 2005, kế thừa di sản đáng kính trọng của những người tiền nhiệm, danh mục biểu diễn của dàn nhạc có sự thay đổi đáng kể. Chailly chú trọng hơn vào các phẩm âm nhạc thế kỷ 20 và đương đại. Đồng thời, ông cũng đảm nhiệm cương vị giám đốc âm nhạc của Leipzig Opera. Tiếp tục dự án của dàn nhạc với Decca, Chailly đã thực hiện nhiều bản thu âm các bản giao hưởng của Mendelssohn, Brahms và Schumann. Tuy nhiên, Chailly là một nhạc trưởng có cá tính mạnh, đầu tiên ông từ chức tại Leipzig Opera vào tháng 5/2008 vì lý do nhà hát đã thuê thêm nhân sự mà không có sự tham vấn từ phía mình. Tháng 9/2015, dàn nhạc Gewandhaus Leipzig Orchestra ra thông báo sẽ chia tay với Chailly từ tháng 6/2016 theo yêu cầu của nhạc trưởng mặc dù hợp đồng giữa hai bên còn hiệu lực tới năm 2020.

Đồng thời với việc thông báo chia tay Chailly, dàn nhạc cũng tuyên bố nhạc trưởng người Latvia Andris Nelsons trở thành Gewandhauskapellmeister thứ 21 của dàn nhạc từ năm 2018. Cộng tác với Leipzig Gewandhaus Orchestra lần đầu từ năm 2011, Nelsons là một trong những nhạc trưởng hứa hẹn nhất thế hệ của mình. Cũng trong thời gian này, lần đầu tiên dàn nhạc phong tặng danh hiệu nhà soạn nhạc Gewandhaus cho những nhà soạn nhạc đương đại có nhiều tác phẩm được dàn nhạc biểu diễn. Cho đến nay đã có ba người được trao tặng danh hiệu này là Jörg Widmann, Heinz Karl Gruber và Sofia Gubaidulina. Bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19, mùa diễn 2020-2021 là một năm bận rộn của dàn nhạc khi có những lễ hội âm nhạc quan trọng như kỷ niệm thành lập 40 năm phòng hòa nhạc Neues Gewandhaus và lễ hội Mendelssohn nhân kỷ niệm ngày mất của nhà soạn nhạc vào tháng 11.

Đã có nhiều điều đã thay đổi ở Leipzig trong những thế kỷ qua – tuy nhiên, có một điều vẫn không đổi: dàn nhạc Gewandhaus Leipzig biểu diễn ở Gewandhaus, trong Opera Leipzig và Nhà thờ St. Thomas. Sự kết hợp của các tiết mục giao hưởng, opera và nhạc tôn giáo đã mang đến cho dàn nhạc Gewandhaus Leipzig một hồ sơ nghệ thuật của sự đa dạng và phong phú chưa từng có. Qua năm tháng, dàn nhạc Gewandhaus Leipzig đã trở thành trái tim âm nhạc của Leipzig và là đại sứ âm nhạc quan trọng nhất của thành phố. □

Nguồn:

https://www.gewandhausorchester.de/en/orchester/history/

https://www.oper-leipzig.de/en/oper/gewandhausorchester

https://www.laphil.com/musicdb/artists/3086/leipzig-gewandhaus-orchestra

https://www.gramophone.co.uk/other/article/orchestra-insight-leipzig-gewandhaus-orchestra

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)