Đào bới ác mộng

Câu đề từ của tiểu thuyết này, trích dẫn Balzac, thông báo rõ khuynh hướng câu chuyện ở đây: “...tiểu thuyết là lịch sử riêng tư của các quốc gia”.

Và ngay từ trang đầu, từ những dòng đầu, nhân vật nhà báo Santiago Zavalita – người muốn tháo chạy khỏi cái lịch sử riêng tư ấy của gia đình và xứ sở mình mà hoá ra chỉ để gặp lại nó không ngừng, toàn là ác mộng – nhân vật đó một buổi trưa giữa thủ đô Lima tự hỏi mình “Peru đã trở nên khốn khổ khốn nạn vào đúng khi nào?” (tr.13); và “Hắn cũng như Peru, Zavalita, hắn đã làm khốn khổ khốn nạn đời mình vào lúc nào chẳng rõ.” (tr.13)

Cần nói luôn rằng mặc dù kể những câu chuyện với lời kể nghiệt ngã và giọng điệu tỉnh táo lạnh lùng, các trình thuật của cuốn tiểu thuyết này, đặc biệt rõ ở các phần Ba và Bốn, cho thấy nó ngầm biểu hiện một tình yêu sâu sắc mạnh mẽ đối với đất nước Peru.

Một người yêu như thế hẳn có thể nói với mình, “Hắn cũng như Peru, Zavalita,”…

Bởi đó là một câu độc thoại, viết dưới dạng trần thuật trực tiếp, đã trở nên một đối thoại trong đó nhân vật Zavalita nói với mình về chính mình ở ngôi thứ ba đại từ nhân xưng.

Ta sẽ gặp lối kể chuyện khác lạ như thế suốt phần lớn cuốn tiểu thuyết này: thứ nhất, trần thuật gián tiếp bỗng nhiên chuyển thành trực tiếp rồi trở lại; hoặc tiếp tục khai triển tình tiết truyện liên quan, các nhân vật vừa đối thoại với nhân vật khác vừa đối thoại với chính mình ở ngôi thứ ba, cả lời nói và suy nghĩ cùng hiển ngôn trong mâu thuẫn và tiến triển, bỏ qua những sự rành mạch tuyến tính về cú pháp trong trật tự trần thuật thông thường, mà vẫn giữ được tính biểu hiện hết sức sinh động và trong sáng của các câu thoại và lời tường thuật; thứ hai, và điều này thoạt tiên gây bối rối, trật tự tuyến tính trước-sau của không-thời gian bị đảo lộn hoàn toàn ngay sau chương “1” mở đầu, các sự kiện quá khứ ồ ạt tràn lên bình diện chính mà không có lời dẫn của người kể hay nhân vật kể, như thể chúng chỉ vừa mới xảy ra, như thể chúng đảo lộn các quan hệ nhân quả, chúng đồng hiện với hiện tại của nhân vật Zavalita – cái hiện tại đã được ấn định bởi cuộc trò chuyện xảy đến trong chương mở đầu.

Dưới sự ngổn ngang rắc rối của các lời kể bị xáo trộn và hàm chứa lẫn nhau, nảy sinh trong nhau như vậy là một câu chuyện cổ điển của tiểu thuyết – con người và số phận “đã trở nên khốn khổ khốn nạn” như thế nào; và rất nhiều chương đoạn như một cuốn trinh thám chính trị trong đó các nhân vật thuật lại những trò chơi đảng phái, những vụ thanh toán hay dàn xếp trong quyền lực nhà nước, các âm mưu đảo chính dường như bất tận, những mối quan hệ lũng đoạn chính trường và ân oán giữa các nghị sĩ, các triệu phú với các quan chức và viên chức của bộ máy công quyền,…

Cả một thời kỳ của lịch sử hiện đại của Peru hiện dần lên qua cuộc chuyện trò giữa nhân vật Santiago Zavalita với Ambrosio, tay lái xe da đen cũ của người cha quá cố của Zavalita – triệu phú đầy quyền lực Don Fermin Zavala.

Zavalita muốn Ambrosio, vừa tình cờ gặp lại, xác nhận một tiết lộ khủng khiếp về Zavala: “Cha tôi có ra lệnh cho ông không? Bây giờ không thành vấn đề nữa, tôi chỉ muốn biết. Phải cha tôi không?” ( tr.29)

Làm thế nào một kẻ sát nhân giải thích được vụ giết người: luôn có một động cơ cho việc sát hại đó, đặc biệt khi nạn nhân lại là một người đẹp nổi tiếng, một viên kim cương lớn trong bộ trang sức của giới thượng lưu Peru thời ấy, là Nàng Thơ của một xứ sở vào thời mà một tay nhà báo vẫn còn có thể thốt lên “Thi ca là điều vĩ đại nhất” (tr.255), nàng ca kỹ từng cặp kè với nhân vật quyền lực số hai của chính quyền, từng thân mật mơn trớn bao nhiêu tai to mặt lớn ở đất nước này; và tất nhiên, đằng sau một động cơ có những nguyên do và những động cơ khác, với những quan hệ với những con người khác, với những bí mật chồng chất của quyền lợi, danh dự và tình cảm (- cũng là quyền lợi cả!); theo đó, như trước một phiên tòa, lại là một phiên toà lịch sử của Peru, các bên lần lượt hay cùng lúc bước lên bục nhân chứng. Tòa án và vụ án đó – là ký ức những người đương thời, là những gì họ suy nghĩ từ trong sâu xa.

Trên bình diện tiểu thuyết, ở đây, các động cơ hành động của con người là nguồn lực kiến tạo bộ mặt lịch sử. Bởi thế tiểu thuyết đào bới các nguồn gốc thành tạo nên các động cơ hành động, phơi lộ những cấu thành hết sức phong phú phức tạp của chúng, những nguyên do thường khi có vẻ hoàn toàn xa lạ và ngẫu nhiên, xa lạ và ngẫu nhiên cho đến lúc chúng đột ngột dồn vào một tình thế như là tất yếu phải đến.

Cách thuật chuyện kỳ lạ ở cuốn tiểu thuyết này đem lại sự thức nhận sáng tỏ, đồng thời đáng hài lòng và rất hấp dẫn, về một thế giới nhằng nhịt phức tạp.

Thời hiện đại mang bộ mặt như thế nào ở những xứ thực dân và thuộc địa đã giành được độc lập, bước muộn màng vào kỷ nguyên quốc gia-dân tộc đồng thời theo đuổi sự thịnh vượng tư bản chủ nghĩa? Nó đó: trăm ngàn ký ức thức dậy trong quán rượu La Catedral vào cuộc trò chuyện khá nhát gừng rời rạc mà đầy xúc cảm với những điều ẩn chứa giữa con trai một triệu phú với người lái xe cũ của nhà triệu phú ấy. Ký ức là cuốn phim chiếu ngược, lộn xộn đoạn cuối đoạn đầu đoạn giữa…, là ván đôminô đã thua dựng lại từ một quân bất kỳ, là một kẻ họ hàng rất xa hình như chưa gặp bao giờ bỗng một hôm đến chứng minh quyền thừa kế,… Tương tác giữa hai ký ức của nhà báo Santiago Zavalito với gã đen lái xe cùng đường mạt vận Ambrosio gọi lên không chỉ một “lịch sử riêng tư” mà hầu như toàn bộ lịch sử một thời, cái lịch sử vừa ngưng kết vừa còn đang đi lại cái lối vừa đi qua, cái lịch sử được làm chứng bởi một cô hầu gái, bởi những bà chủ lầu xanh, bởi “Thăng trầm đời kỹ nữ” cũng như thăng trầm đời một gã thương nhân hạng tầm tầm bỗng một ngày trở thành Giám đốc An ninh rồi Bộ trưởng Công an, bởi mấy gã nông dân vùng Chincha bị sai khiến bằng rượu và tiền trong các trò âm mưu chính trị, bởi mấy tay nhà báo dạn dĩ lão luyện thông tỏ mọi ngóc ngách Lima như thông tỏ mọi xó xỉnh chính trường Peru, bởi những thanh niên sinh viên bị cuốn hút vào các trào lưu đấu tranh cải cách và cách mạng xã hội chống chính thể độc tài quân sự như một lời nguyền ám ảnh miền đất này suốt thế kỷ này, và tất nhiên, được làm chứng bởi những ông đại tướng ông thiếu tá ông nghị sĩ ông triệu phú của nền chính trị quân phiệt và quí tộc phất lá cờ dân chủ cộng hoà.

Đó là một hình thế xã hội, một hình thế lịch sử bị chia cắt dữ dội, chao đảo thường xuyên, bị phức tạp hoá đến rối ren vì các vận động giằng xé trong nó.

Có lẽ để biểu hiện tối đa cái thế giới phức tạp ấy và chính cái phức tạp hiển hiện ấy mà nhà tiểu thuyết phải tìm đến lối kể chuyện khác thường này, lối trình thuật như một bức tranh ghép mảnh từ các hồi ức xa cách về thời gian và quan hệ, từ những lời kể khác xa nhau về tâm thế tình thế với cùng một sự kiện quá khứ,v.v, khác xa nhau như khoảng cách giữa hai thân thế và số phận của hai người đối thoại ban đầu là Zavalita với Ambrosio.

Đồng hiện trong một hiện tại ấn định, quá khứ phức tạp ấy nổi dần lên như một cuộc tranh cãi nội tâm của cả Zavalita và Ambrosio, đặc biệt đối với nhân vật nhà báo xuất thân gia đình triệu phú.

Zavalita tục danh trong gia đình gọi là Siêu Não. “Đầu óc tôi quay cuồng vì suy nghĩ quá nhiều…” (tr.27). Đọc nhiều biết rộng, suy nghĩ độc lập, cậu trẻ này sớm trở thành người một mình chống lại tất cả, mà trước hết chống lại người cha “tư sản” và thể chế độc tài quân sự ngoài xã hội. Tôn sùng và tin vào sự “trong trắng” – tức suy nghĩ mạnh bạo, vị tha và có lý tưởng xã hội – Zavalita tham gia một nhóm sinh viên cánh tả rồi mau chóng vỡ mộng vì thấy mấy “đồng chí” không tránh khỏi cái dung tục cũng như sự phù phiếm về cả tư tưởng lẫn hành động. Anh rời bỏ nhóm phiêu lưu đó, đồng thời đoạn tuyệt với gia đình.

 “Hắn cũng như Peru, Zavalita,”… Xứ sở này có quá nhiều ký ức, quá nhiều ác mộng chăng? “Hắn nghĩ: vô phương cứu chữa.” (tr.13)

Đó là vào thập niên thứ sáu của thế kỷ XX.

Giọng kể nghiệt ngã tỉnh táo của cuốn sách này dường như chính là của tay trí thức trẻ Zavalita, giọng hài hước ảm đạm làm day dứt và tỉnh thức, giọng của kẻ can đảm nhìn thẳng vào ác mộng để không bao giờ rời bỏ con đường “trong trắng” đã lựa chọn.

* Phạm Văn dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, 2011

 

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)